Chuyện Trường Sa, Hoàng Sa

14-08-2017 16:14 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Tôi còn nhớ cách đây chừng hơn chục năm, trong liên hoan gặp gỡ của học sinh, sinh viên thế giới, một sinh viên Canada có hỏi đoàn học sinh, sinh viên Việt Nam về hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của chúng ta.

Trong lúc sinh viên, học sinh của chúng ta lúng túng, chẳng biết nói gì, thì một sinh viên Trung Quốc đã đứng lên nói vanh vách về hai quần đảo này, họ tự nhận đó là đất đai, lãnh thổ của họ. Họ còn mời bạn bè quốc tế có dịp thì ghé thăm những chuỗi ngọc này. Trong khi đó, sinh viên, học sinh của chúng ta chẳng có phản ứng gì, mà nếu có phản ứng thì cũng chẳng biết gì mà nói. Đấy là những sinh viên, học sinh ưu tú nhất, tài giỏi nhất đã được lựa chọn thay mặt cho học sinh, sinh viên cả nước gặp mặt bạn bè quốc tế mà còn như thế. Có phải lỗi tại các em không? Không! Lỗi tại chúng ta. Chúng ta có trang bị cho các em những kiến thức cơ bản đó đâu. Chương trình ở các cấp học của chúng ta rất nặng, nhưng những gì cần học thì lại không học. Lẽ ra, Trường Sa, Hoàng Sa cần phải được đưa vào chương trình học ở bậc tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Nhưng ở ta, cả chương trình ngữ văn, lịch sử và địa lý ở các cấp học đều không được học một cách thấu đáo. Mãi đến năm 2015, TP. Hồ Chí Minh mới đưa Trường Sa vào học, nhưng cũng chỉ ở phần học thêm. Điều đó chứng tỏ TP. Hồ Chí Minh nhạy bén hơn, năng động hơn so với Hà Nội và các địa phương khác. Trong khi đó, ở Trung Quốc, người ta lại đưa cả hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của chúng ta vào chương trình phổ thông của họ. Chúng ta gọi là Trường Sa, họ gọi là Nam Sa. Vậy họ đã dạy gì cho công dân của họ?

Đây là nội dung một bài học của họ ở Ngữ văn lớp Ba quyển hạ (tập 2). Ngay từ bậc tiểu học, họ đã dạy học sinh của họ thế này:

“QUẦN ĐẢO NAM SA MỸ LỆ

1.

Theo truyền thuyết, một tiên nữ giáng cõi trần, ném xuống vùng biển rộng lớn xa xôi phía Nam Trung Quốc từng xâu chuỗi hạt trân châu bóng ngời, đó là quần đảo Nam Sa mỹ lệ. Nam Sa quần đảo nằm ở chót cực Nam của Tổ quốc chúng ta, với hơn hai trăm đảo nhỏ, những tảng đá lớn ngầm bủa giăng chằng chịt bày ra như bàn cờ.

Tổ tiên chúng ta từ rất sớm, trên hai ngàn năm trước đã lái những chiếc thuyền vượt qua biển lớn đến vùng này, bắt cá, vỡ đất hoang trên các đảo nhỏ, trồng cây. Nam Sa mênh mang, qua từng hòn đảo, dừng lại đó, tổ tiên ta đã thắp lên những ngọn khói hương cho buôn bán sầm uất.

2.

Nam Sa là một kho tàng chứa bảo vật màu lam khổng lồ của Tổ quốc. Nàng tiên nữ đã cho chúng ta một nguồn sinh vật biển quý giá với số lượng nhiều khó đo lường được, cất giữ che giấu một nguồn tài nguyên khoáng sản vô cùng phong phú, lưu trữ nguồn năng lượng biển dùng không bao giờ hết. Dưới những tầng cát sâu, chứa đựng trữ lượng dầu khí vô cùng dồi dào mà thiên hạ ca tụng là “vịnh Ba Tư thứ hai”.

3.

Nam Sa cũng là một thế giới đẹp mê người. Trời xanh một màu xanh lam ngọc, biển là một khối ngọc phỉ thúy. Trông xa, trời nước nối liền, phỉ thủy hòa lẫn lam ngọc hợp bích, diện mạo thật hùng tráng, sung mãn. Cúi nhìn nước biển xanh trong, sáng ngời thấy rõ những con tôm hùm, cá chim, rùa biển ngũ sắc rực rỡ, khiến tâm hồn con người rất phóng khoáng vui vẻ. Những làn sóng xanh bao la bát ngát trên vùng biển Nam Sa, miên man sóng bạc đầu, từng lớp từng lớp nâng đỡ rồi tung lên những bọt sóng tuyệt đẹp, chừng như đang nhảy múa dâng hoa chào đón mọi người. Có thể khẳng định, quần đảo Nam Sa trong tương lai sẽ là một nơi thắng cảnh cực kỳ hấp dẫn du khách bốn phương.

Chuyện Trường Sa, Hoàng SaBản chụp bài học  trong sách giáo khoa Trung Quốc.

Cảm ơn ký giả Phùng Hoài Ngọc đã cho chúng ta biết tư liệu này. Cũng theo Phùng Hoài Ngọc, bài học này, họ không chỉ đưa vào sách giáo khoa phổ thông lớp 3 bậc tiểu học, mà còn đưa rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, cả mạng internet toàn cầu.

Thực tế, Trường Sa, Hoàng Sa chưa bao giờ là lãnh thổ của Trung Quốc. Ngay cả trong bản đồ của chính họ, từ năm 1618-1859 và rất nhiều bản đồ cổ xưa nhất của Trung Quốc, được vẽ có tính liên tục, hệ thống suốt hàng ngàn năm trước và sau Công nguyên cũng không hề có Trường Sa, Hoàng Sa. Tất cả các bản đồ Trung Quốc đều chỉ ra rằng điểm cực Nam của Trung Quốc chỉ dừng lại ở đảo Hải Nam. Chỉ duy nhất bắt đầu từ năm 1946, chính quyền Tưởng Giới Thạch mới vẽ ra vùng biển 11 đoạn, sau đó dần dần chuyển thành 9 đoạn. Điều đặc biệt hơn nữa, chính Nhà nước Trung Quốc vào năm 1933, cũng đã phát hành bản đồ, ghi lãnh thổ của họ cũng chỉ đến đảo Hải Nam. Nhưng vì thấy bên Tưởng Giới Thạch vẽ cả vùng biển tiếp dưới. Do vậy không để mất mặt trước chính quyền Tưởng. Trung Hoa đại lục đã cho thu hồi hết và cho ra bản đồ mới. Nhưng dù cố gắng thế nào, họ cũng không thể thu hồi hết những gì mình đã phát hành, có đóng dấu chính quyền quốc gia. Nhờ thế, các nhà khoa học thế giới, trong đó có cả các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng đã phải công nhận sự thật. Và trong nội bộ Trung Quốc đại lục cũng đã có dấu hiệu phân vân, nghi ngờ về những gì họ đã ngộ nhận mà khẳng định. Cũng chỉ vì vài nét bút vẽ thêm vào bản đồ của Tưởng, mà chính quyền đại lục Trung Quốc bây giờ phải đối phó với hầu hết các nước xung quanh.

Tại sao lại có cái đường lưỡi bò bịa đặt kỳ dị của Tưởng Giới Thạch?  Sau này, có dịp theo dõi hồi ký của Tưởng, chúng ta mới vỡ lẽ nhận ra rằng, Tưởng đã cảm nhận được tương lai và cũng đã biết được sự yếu thế trong việc đối phó với chính quyền đại lục do Mao Trạch Đông đứng đầu. Ông ta suy nghĩ mưu kế lâu dài. Cần chuyển hết tinh lực và các ngón đòn của quân tinh nhuệ Trung Quốc đại lục ra ngoài đảo Đài Loan. Và phép thần thông chỉ bằng mấy nét vẽ bằng bút mực. Thế là chính quyền Trung Quốc ở đại lục phải giải quyết vụ việc với các nước láng giềng, thay vì chăm chăm đối đầu với mình. Chính mưu kế “thâm độc, hèn hạ - mượn gió bẻ măng” và 11 nét bút nguệch ngoạc của chính quyền Tưởng mà giờ đây, Trung Quốc phải căng mình đối phó với hầu hết các nước ở biển Đông và cả chính quyền Mỹ nữa. Mưu mô của Tưởng lại được cộng hưởng bởi tham vọng bành trướng. Bây giờ thì họ không thể từ bỏ, vì họ đã chót “cố đấm ăn xôi”. Giờ bỏ, chắc chắn dân chúng Trung Quốc sẽ phẫn nộ. Còn nếu họ cứ cố gắng lấn chiếm, thì giờ đây họ phải đối mặt thách thức không chỉ là các nước láng giềng, mà còn rất nhiều nước lớn trên thế giới như Mỹ, Nhật... và đặc biệt là dư luận của cộng đồng thế giới. Theo nhà khoa học Trần Thắng: “Việt Nam đã và đang được các học giả quốc tế đấu tranh bảo vệ lợi ích trên biển Ðông”. Và cũng theo ông, “Chính phủ Việt Nam cần lập quỹ về biển Ðông để tạo điều kiện phát triển thông tin về biển Ðông. Từ ngân sách này, chúng ta có thể dịch sách, dịch các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học thế giới, các phim tài liệu và dịch các tài liệu về biển Ðông sang tiếng Anh và đặc biệt là tiếng Trung Quốc, đưa lên mạng để người dân Trung Quốc hiểu được sự thật”.

Chúng ta cần bảo vệ trọn vẹn lãnh thổ, lãnh hải của chúng ta bằng con đường hòa bình. Việc làm trước tiên là cần quốc tế hóa biển Đông. Đây là vấn đề Trung Quốc ngại nhất, bởi họ khuất tất. Cần đoàn kết, liên minh với các nước trong khu vực cùng có quyền lợi ở biển Đông rồi kéo cả thế giới vào cuộc. Mặt khác, chúng ta cũng cần thông tin rộng rãi để 1,3 tỷ dân Trung Quốc hiểu vấn đề biển Đông thực chất thế nào. Người dân Trung Quốc đang bị bưng bít. Vì thế, tôi rất mong các báo điện tử của chúng ta nên có trang bằng tiếng Trung Quốc, để giúp người dân Trung Quốc hiểu được thực chất vấn đề và không bị kích động từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Ngay trong đội ngũ học giả Trung Quốc cũng có người hiểu được vấn đề, họ cũng phản đối đường chín đoạn gian trá.

Và trước hết, trong công cuộc đổi mới giáo dục, cần đưa Trường Sa, Hoàng Sa vào các chương trình giáo dục phổ thông. Trường Sa, Hoàng Sa cần phải trở về đúng địa chỉ của nó. Đó là lãnh thổ bất khả xâm phạm của Việt Nam chúng ta...


Nhà thơ TRẦN ĐĂNG KHOA
Ý kiến của bạn