Khác hẳn với không khí đón xuân vẫn rộn ràng ở khắp nơi, những ngày này, tại các cơ sở khám chữa bệnh trong cả nước hầu như không có Tết, các nhân viên y tế vẫn tất bật với công việc của mình. Đầu xuân năm mới, nhóm phóng viên đã “xông đất” đầu xuân một số cơ sở y tế để nghe các bác sĩ kể chuyện về những kỷ niệm trực Tết ở bệnh viện, vừa đón giao thừa vừa cấp cứu... Đây có lẽ là những ký ức khó quên đối với họ và điều này càng sáng thêm y đức của những người thầy thuốc.
Tết không nghỉ vì người bệnh
Chúng tôi đến thăm Trạm y tế xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú (Bình Phước) vào một ngày đầu xuân. BS. Bùi Trần Thiêm, Trưởng Trạm y tế xã Thuận Phú đón chúng tôi bằng nụ cười chân chất, anh cho biết, xã Thuận Phú là một trong những xã cách xa trung tâm huyện, đời sống nhân dân còn nghèo, cuộc sống mưu sinh khó khăn, cho nên khi có vấn đề liên quan đến sức khỏe thì trạm y tế là điểm đến đầu tiên của bà con. Mặc dù là những ngày đầu xuân năm mới nhưng cũng đã có nhiều người đến trạm y tế để khám bệnh. Vì thế, bản thân anh cũng như các cán bộ y tế ở trạm đều phải coi việc cứu chữa và cấp cứu người bệnh là việc ưu tiên dù có là trong đêm 30 hay mùng 1 Tết... Với tinh thần ấy, chính BS. Thiêm đã không ít lần cấp cứu kịp thời cho nhiều bệnh nhân gặp nạn trong những ngày vui xuân. Và, dù đã qua 2 năm, nhưng BS. Thiêm cũng không thể quên được đêm giao thừa năm 2014. Đây có lẽ cũng là đêm giao thừa đáng nhớ và nhiều cảm xúc nhất trong cuộc đời làm bác sĩ của anh. Anh kể, đêm 30, mình vẫn trực Tết và xử trí mọi ca bệnh đến viện như bình thường.
Trong lúc đang ngồi tại trạm, bỗng có tiếng gọi thất thanh: “Bác sĩ ơi, cứu vợ con tôi với, cứu vợ con tôi với”... Anh hốt hoảng chạy ra, là một sản phụ trong cơn chuyển dạ đang quằn quại đau đớn và ra máu nhiều. Bằng kinh nghiệm chuyên môn anh đã hiểu ra sự việc và ngay lập tức kêu người chuẩn bị mọi thứ phục vụ ca đỡ đẻ.
Tuy nhiên, sau khi đón được cháu bé chào đời, trẻ không có tiếng khóc do bị ngạt vì mẹ chuyển dạ lâu mà chưa sinh. Anh lập tức sử dụng tất cả những kinh nghiệm, những kiến thức đã được học tập và những dụng cụ tối đa của một trạm y tế xã có thể có để hồi sức lại cho cháu bé. Sau rất nhiều nỗ lực, cháu bé đã cất tiếng khóc trong sự vui mừng khôn siết của gia đình và các nhân viên y tế tại trạm. Sự nỗ lực của BS. Thiêm cũng như các nhân viên y tế của trạm đêm ấy đã không chỉ mang đến cho gia đình sản phụ một cái Tết an vui mà còn mang đến cho họ cả một “mầm xuân nho nhỏ”. Những việc làm âm thầm ấy chỉ mong góp chút công sức chăm lo sự bình yên của nhân dân trong dịp Tết”. BS. Thiêm bộc bạch.
BS. Thiêm khám cho bệnh nhân.
Còn BS. Nguyễn Ngọc Xuân, Khoa Truyền nhiễm, BVĐK tỉnh Bắc Ninh - người có tới 35 năm gắn bó với chuyên khoa Truyền nhiễm thì nhắc đến trực Tết là nhắc tới những ký ức ăm ắp kỷ niệm vui buồn. Anh kể, đó là vào dịp Tết cách đây 10 năm, khi anh tiếp nhận một người hành khất được người dân đưa vào viện trong tình trạng hôn mê, không tiếp xúc, trụy mạch... Các bác sĩ đã phải kiên trì điều trị mặc dù không biết bệnh nhân là ai, không có giấy tờ tùy thân... Sau hơn 10 ngày thì bệnh nhân tỉnh táo, hỏi ra mới biết bệnh nhân bị lạc từ ga Yên Viên về Bắc Ninh do không có tiền về quê ăn Tết nên nhặt được cái gì ăn cái đó nên đã bị tiêu chảy nặng dẫn đến hôn mê.
Sau này, các bác sĩ mới biết, bệnh nhân là người dân tộc Cao Lan, quê Yên Bái. Sau đó, bệnh viện đã liên lạc với chính quyền địa phương để thông báo cho người nhà lên đón. “Không thể tả nổi niềm vui của gia đình cũng như thầy thuốc khi gia đình bệnh nhân đến đón. Gia đình tưởng đã mất đi người thân mãi mãi, không ngờ vừa được bệnh viện cho xe chở ra ga Yên Viên để bắt tàu về quê, lại còn cấp cứu khám chữa bệnh khi biết bệnh nhân chẳng có giấy tờ tùy thân. Gia đình vô cùng cảm ơn và xúc động. Chúng tôi cũng thấy vui và hạnh phúc”, BS. Xuân chia sẻ.
Cũng có thâm niên 18 năm đi làm, 15 năm đón Tết trong bệnh viện, BS. Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc - BV Nhi đồng Đồng Nai cho biết, tuy không phải là Khoa Cấp cứu nhưng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc là nơi điều trị cho nhiều bệnh nhi nặng. So với các chuyên khoa khác trong ngành thì Hồi sức tích cực - Chống độc không phải là cấp cứu nhưng nơi đây lại thường tiếp nhận và điều trị cho các bệnh nhân rất nặng. Do đó, các nhân viên y tế phải thay nhau chăm sóc tỉ mỉ, cặn kẽ từng giờ từng phút để giành giật sự sống cho các bé.
Tạm xa những bệnh viện của thành phố, trong chuyến hành trình du xuân của mình, chúng tôi “xông đất” Bệnh viện Quân dân y 16 thuộc Binh đoàn 16 đóng trên địa bàn xã Tân Phước, huyện Đồng Phú, Bình Phước. Thượng tá, BS. Võ Thành Mười, Giám đốc BV vui vẻ nói với chúng tôi: “Không đón Tết xa nhà, không phải là bộ đội. Cuộc đời người lính là những chặng đường hành quân cùng vô vàn nhiệm vụ khác nhau. Đón xuân xa nhà như quy luật trong cuộc đời mỗi người lính”. Đa số các cán bộ công tác tại BV đều sống xa nhà.
Với những người chiến sĩ, bác sĩ ở BV Quân dân y 16, những ngày Tết không chỉ chăm sóc người bệnh mà còn kiêm luôn nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu. Riêng với BS. Mười, với hơn 30 năm công tác, chưa một lần tôi đón Tết trọn vẹn bên gia đình. Cứ mỗi độ xuân về nỗi nhớ nhà luôn thường trực, khắc khoải, da diết trong trái tim người lính. Nhưng vì mùa xuân của đất nước, anh cùng đồng đội vững niềm tin và chắc tay súng.
Lo Tết ấm cho bệnh nhân
Có thể đối với bác sĩ đón những cái Tết thường xuyên ở viện dù có buồn nhưng cũng không quá xa lạ, bởi việc ăn Tết tại viện với họ như chuyện thường ngày, nhưng đối với những bệnh nhân nặng không thể về nhà và phải ăn Tết ở viện thì ngoài nỗi buồn về bệnh tật còn là sự trống trải về tinh thần bởi Tết không được sum vầy bên người thân, gia đình... Thấu hiểu được điều ấy, các bệnh viện đã chủ động thăm hỏi, động viện và chia sẻ với bệnh nhân để bệnh nhân có một cái Tết ấm cúng, giúp người bệnh vơi đi nỗi nhớ nhà, yên tâm điều trị.
Tại BV Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí Quảng Ninh, TS. Trần Viết Tiệp, Giám đốc BV cho biết, để giúp bệnh nhân đón một cái Tết cổ truyền tại viện, ngoài việc chuẩn nhân lực trang thiết bị y tế, bác sĩ trực và cơ sở hạ tầng, BV đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm động viên, khích lệ người bệnh. BV đã phối hợp với các tổ chức từ thiện tặng 154 suất quà cho người bệnh nặng, người bệnh có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá 28,6 triệu đồng. Đặc biệt năm nay, BV đã tổ chức gói bánh chưng và toàn bộ số bánh chưng được trao cho các cán bộ, nhân viên y tế BV và cho người bệnh đón Tết tại BV. Tại BVĐK tỉnh Hà Tĩnh, cũng vào sáng ngày mùng 1 Tết Đinh Dậu, BS. Hoàng Quang Trung, Phó Giám đốc BV đã đến thăm hỏi, chúc Tết và tặng quà cho các bệnh nhân đang điều trị nội trú tại các khoa trong toàn BV. Cũng theo BS. Trung, đây là hoạt động thường niên và được xác định là một nhiệm vụ quan trọng của BV, góp phần động viên tinh thần, giúp bệnh nhân sớm vượt qua nỗi đau và bệnh tật khi không được sum họp cùng gia đình trong dịp Tết đến, xuân về.
Tặng bánh chưng cho bệnh nhân dịp Tết tại BV Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí.
Đợt này BV đã trích hơn 30 triệu đồng từ quỹ phúc lợi của cán bộ viên chức để tặng quà cho 306 bệnh nhân đang điều trị nội trú trong toàn BV. Ngoài ra, trong dịp Tết, quỹ “Bữa ăn cho bệnh nhân nghèo” vẫn tiếp tục cung cấp các suất cơm miễn phí cho bệnh nhân nghèo, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn... nhằm tạo điều kiện tốt nhất để bệnh nhân yên tâm điều trị sớm trở về cùng gia đình.
Có người nhà phải nằm điều trị trong đợt Tết Đinh Dậu, chị Ng.T.L (ở thị xã Đông Triều, Quảng Ninh) tâm sự, năm nay mẹ chị phải đón Tết tại BV, mặc dù cũng thấy buồn, nhớ nhà nhưng tại BV được các bác sĩ thăm hỏi, tặng quà và bánh chưng, sáng mùng 1 Tết lại được các bác sĩ đến tận giường bệnh để lì xì đầu năm, do đó chúng tôi cũng vơi đi nỗi nhớ nhà và yên tâm ở lại điều trị. Các bác sĩ đã rất tận tâm và làm hết trách nhiệm, gia đình rất cảm động và cảm ơn các bác sĩ...
Những bệnh nhân phải nằm điều trị tại BV trong dịp Tết là điều không ai mong muốn, tuy nhiên, họ luôn nhận được sự quan tâm ân cần của người thầy thuốc, điều đó đã giúp bệnh nhân vững tin hơn để yên tâm điều trị.