Chuyển trọng tâm dân số và phát triển - Sự thay đổi cần thiết và kịp thời

15-12-2017 08:42 | Thời sự
google news

SKĐS - Sau hơn 55 năm thực hiện chính sách sinh đẻ có kế hoạch, mục tiêu của chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình là giảm sinh đã đạt được một cách vững chắc.

Đến nay, dân số nước ta đã xuất hiện những đặc điểm và xu hướng mới, đòi hỏi cần có sự chuyển đổi trọng tâm nhằm giải quyết toàn diện các vấn đề dân số.

Bước ngoặt quan trọng

Tại cuộc tọa đàm trực tiếp về Nghị quyết số 21-NQ/TW trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, việc chuyển trọng tâm dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển là sự thay đổi cần thiết và kịp thời nhằm giải quyết toàn diện các vấn đề dân số về quy mô, cơ cấu, phân bố và nâng cao chất lượng dân số.Trọng tâm dân số và phát triển là thay đổi kịp thời trong tình hình mới.

Trọng tâm dân số và phát triển là thay đổi kịp thời trong tình hình mới.

Thực tế dân số nước ta hiện nay cho thấy, tốc độ già hóa dân số đang diễn ra rất nhanh. Theo dự báo, thời gian dân số Việt Nam chuyển từ già hóa đến khi dân số già chỉ khoảng 27 năm (2011-2038). Trong khi đó, Pháp phải mất tới 115 năm, Thụy Điển 85 năm, Úc 73 năm, Mỹ 69 năm. Điều đáng nói là chúng ta chưa có sự chuẩn bị tốt về an sinh xã hội để thích ứng với một xã hội già hóa, chăm sóc và phát huy người cao tuổi một cách tốt nhất nên tuổi thọ tăng cao nhưng số năm sống khỏe chưa cao. Bên cạnh đó là tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cao (số trẻ sơ sinh trai trên 100 trẻ sơ sinh gái cao (112,2/100) sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc dân số trong tương lai. Ngoài ra, dân số nước ta đang trong thời kỳ dân số vàng với số người trong độ tuổi lao động nhiều hơn gấp đôi số người phụ thuộc, mang lại nhiều “dư lợi” về lao động nhưng cũng là thách thức về tạo việc làm và việc làm có năng suất, thu nhập cao. Thực tế dân số nước ta cũng cho thấy, chất lượng dân số được tăng lên nhưng chưa cao, Việt Nam chưa bao giờ lọt vào top 100 nước có “Chỉ số phát triển con người” (HDI) cao nhất.

Chính từ yêu cầu thực tế trong nước và tình hình thế giới có nhiều thay đổi nên Ban Chấp hành Trung ương đã có sự thay đổi cần thiết và kịp thời về công tác dân số với trọng tâm chuyển từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển để giải quyết toàn diện, đồng bộ và căn bản những vấn đề dân số trong tình hình mới.

Giải pháp nào cho sự chuyển đổi này?

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp: Đưa công tác dân số, đặc biệt là nâng cao chất lượng dân số thành một nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp. Thực hiện lồng ghép có hiệu quả các yếu tố dân số trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của cả nước, của từng ngành, từng địa phương.

Đổi mới nội dung tuyên truyền, vận động về công tác dân số: Nội dung truyền thông, giáo dục phải chuyển mạnh sang chính sách dân số và phát triển. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt. Tập trung vận động sinh ít con hơn ở vùng, đối tượng có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế; sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp. Nâng cao nhận thức, thực hành về bình đẳng giới, luyện tập thể thao…

Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về dân số: Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về dân số gắn với xây dựng gia đình hạnh phúc. Rà soát, điều chỉnh hoặc bãi bỏ một số quy định về xử lý vi phạm trong công tác dân số. Rà soát, bổ sung các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Ngăn ngừa có hiệu quả việc lạm dụng khoa học - công nghệ để lựa chọn giới tính thai nhi. Đẩy mạnh công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ…

Phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số: Tiếp tục củng cố mạng lưới dịch vụ kế hoạch hóa gia đình. Phát triển mạng lưới cung cấp các dịch vụ tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh, sơ sinh, hỗ trợ sinh sản, tư vấn kiểm tra sức khỏe sinh sản trước hôn nhân. Tăng cường kết nối, hợp tác với các cơ sở cung cấp dịch vụ ngoài công lập. Đổi mới phương thức cung cấp, đưa dịch vụ tới tận người sử dụng; thúc đẩy cung cấp dịch vụ qua mạng…

Bên cạnh đó, để hoàn thành các mục tiêu của dân số và phát triển đến năm 2030, công tác dân số còn cần đảm bảo nguồn lực cho công tác dân số, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ dân số và tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ sự đồng thuận, hỗ trợ về tài chính, tri thức, kinh nghiệm và kỹ thuật của các nước, các tổ chức quốc tế.


Lê Thu Lương
Ý kiến của bạn