PV: Thưa GS, vừa qua, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận 119-KL/TW trong đó có nội dung quan trọng là đề nghị Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII xem xét, ban hành Nghị quyết về dân số, chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang DS&PT. Là chuyên gia nghiên cứu lâu năm về dân số, xin GS cho biết quan điểm cá nhân trước sự kiện này?
GS. Nguyễn Đình Cử: Đối với tôi, đây là tin vui đầu năm 2016.Chính sách dân số Việt Nam khởi đầu từ đầu những năm 60 khi mức sinh rất cao và dân số tăng ở mức bùng nổ. Vì vậy, giảm sinh đương nhiên phải là mục tiêu cốt lõi và KHHGĐ đương nhiên phải là nội dung trọng tâm của chính sách. Đến nay, Việt Nam đã đạt được mục tiêu giảm sinh, mô hình gia đình nhỏ với “mỗi cặp vợ chồng có 1 hoặc 2 con” đã trở nên phổ biến. Trong khi đó, nhiều vấn đề dân số mới xuất hiện, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển bền vững của đất nước. Do vậy, việc chuyển đổi mục tiêu, nội dung trọng tâm của chính sách dân số là hoàn toàn cần thiết. Nó làm cho chính sách dân số phù hợp với tình hình dân số thực tế và hiệu quả hơn.
Kết luận số 119-KL/TW của Ban Bí thư dựa trên những nghiên cứu, tổng kết rất công phu từ thực tiễn Việt Nam. Vì vậy, kết luận này có ý nghĩa rất lớn cho việc chuẩn bị chính sách dân số mới. Tôi rất trông chờ Trung ương Đảng (khóa XII) ban hành một Nghị quyết về chính sách dân số này mà trọng tâm là giải quyết các vấn đề DS&PT.
GS.TS. Nguyễn Đình Cử.
PV: Có ý kiến lo ngại rằng việc chuyển trọng tâm chính sách từ DS-KHHGĐ sang DS&PT, công tác KHHGĐ sẽ không được chú trọng, từ đó kéo theo nhiều hệ lụy như làm bùng phát mức sinh...? GS nghĩ sao về lo lắng này?
GS. Nguyễn Đình Cử: Tôi hiểu lo lắng này xuất phát từ thực tế gần 70% dân số nước ta vẫn sống ở nông thôn, tỷ lệ lớn lao động là nông dân. Cơ sở kinh tế, xã hội này có thể làm cho mức sinh cao, nếu không kiểm soát. Tuy nhiên, chuyển đổi chính sách, chỉ là “chuyển trọng tâm”. KHHGĐ không còn là trọng tâm nữa chứ không phải bỏ KHHGĐ. Trong Kết luận số 119-KL/TW của Ban Bí thư cũng đã chỉ rõ nội dung chính sách dân số mới bao gồm “duy trì mức sinh thay thế”. Điều đó có nghĩa là Việt Nam vẫn tiếp tục thực hiện KHHGĐ, nhưng vai trò của Nhà nước cần thay đổi. Mặt khác, có thể khẳng định rằng: Việt Nam đã đạt được mục tiêu của Chính sách DS-KHHGĐ - Mục tiêu “Mỗi gia đình chỉ có 2 con” một cách vững chắc, bởi những lý do sau:
Một là, xu hướng giảm sinh thể hiện rõ trong suốt 55 năm qua, đặc biệt, mức sinh thay thế được duy trì hơn 10 năm gần đây trong điều kiện có những thay đổi căn bản về quản lý, như: Ban hành Pháp lệnh Dân số (2003) và Điều 10 của Pháp lệnh này quy định: “Các cặp vợ chồng có quyền quyết định số con và khoảng cách giữa các lần sinh” đã từng gây lo ngại về việc bùng nổ mức sinh.
Bộ máy tổ chức làm công tác DS-KHHGĐ chuyển từ Ủy ban Quốc gia thành Tổng cục thuộc Bộ Y tế. Phân cấp mạnh về quản lý kinh phí dành cho Chương trình mục tiêu quốc gia về DS-KHHGĐ.
Hai là, sau 55 năm thực hiện KHHGĐ, người dân được tuyên truyền, giáo dục nhiều và trên thực tế cũng đã nhìn nhận thấy lợi ích rõ ràng của mô hình gia đình nhỏ.
Ba là, hệ thống dịch vụ KHHGĐ cơ bản đã phủ kín nhu cầu của dân, đang được thị trường hóa. Từ năm 2004 đến nay, tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đang sử dụng biện pháp tránh thai đều đạt trên 75%. Ở mức này, nói chung, có thể đảm bảo đạt được mức sinh “thay thế”.
Bốn là, từ 2015 trở đi, phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ, tuyệt đại đa số sinh từ năm 1975, thậm chí là từ sau thời điểm bắt đầu đổi mới. Đây là thế hệ mới, được giáo dục nói chung và giáo dục về DS-KHHGĐ nói riêng khá tốt.
Năm là, nhiều nghiên cứu cho thấy, mức sinh không chỉ phụ thuộc chính sách, luật pháp mà thậm chí, cơ bản lại phụ thuộc trình độ phát triển. Trong khi đó, Việt Nam đang phát triển mạnh về kinh tế - xã hội, như: Trình độ giáo dục của phụ nữ ngày càng cao và ngày càng bình đẳng với nam giới; Tỷ lệ hộ có truyền hình năm 2009 đạt tới 95%; Tỷ lệ dân thành thị tăng nhanh; Kinh tế thị trường ngày càng phát triển thúc đẩy con người hướng đến những hành vi hợp lý, hiệu quả; Giao lưu và hội nhập quốc tế sâu sắc... Sự tiến bộ nhanh về kinh tế - xã hội tạo ra điều kiện thuận lợi và hỗ trợ mạnh mẽ xu hướng giảm sinh.
PV: Trọng tâm của chính sách dân số sắp tới sẽ là DS&PT, điều này cần được hiểu như thế nào, thưa GS?
GS. Nguyễn Đình Cử: Trước đây mức sinh rất cao, dân số bùng nổ thì đặt trọng tâm hạ thấp mức sinh là phù hợp. Hiện nay, mức sinh đã thấp trong khi đó lại xuất hiện những xu hướng dân số mới, như: mất cân bằng giới tính khi sinh, cơ cấu dân số “vàng”, già hóa dân số, di cư ngày càng mạnh mẽ và chất lượng dân số chưa cao. Những xu hướng dân số này ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững củaViệt Nam. Vì vậy, cần phải có chính sách thích ứng với các xu hướng dân số nói trên để đảm bảo cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước. Như vậy, trọng tâm của chính sách dân số sẽ là tập trung giải quyết các mối quan hệ Dân số - Phát triển.
PV: Để thực hiện tốt chính sách DS&PT, theo GS sẽ cần phải có bước chuẩn bị như thế nào về bộ máy tổ chức, mô hình hoạt động để chúng ta làm tốt hơn nhiệm vụ mới?
GS. Nguyễn Đình Cử: Để thực hiện chính sách dân số mới với mục tiêu mới, nội dung mới trọng tâm là DS&PT, theo tôi, đương nhiên cần bộ máy tổ chức thích hợp, thích hợp ngay từ tên gọi, với chức năng, nhiệm vụ mới. Điều này không chỉ liên quan đến hệ thống bộ máy tổ chức DS-KHHGĐ hiện nay mà cả những cơ quan, đơn vị hiện có, đang có chức năng, nhiệm vụ điều phối một nội dung, thành phần nào đó của mối quan hệ DS&PT. Vì vậy, theo tôi, ngay từ bây giờ các nhà quản lý và các nhà khoa học phải tư duy nghiên cứu về vấn đề này.
PV: Trân trọng cảm ơn GS!