Vanga, nhà tiên tri nổi tiếng nhất của Bulgaria, sinh ngày 31 tháng 1 năm 1911 và mất ngày 11 tháng 8 năm 1996. Sinh thời, rất nhiều người từ khắp nơi trên thế giới đã đến gặp bà để chữa bệnh hoặc xin lời khuyên về những vướng mắc trong cuộc sống. Sau đây chúng tôi xin kể lại những cuộc gặp gỡ của nhà tiên tri với một số văn nghệ sĩ nổi tiếng từ nước Nga.
Vanga và Vyacheslav Tikhonov
Diễn viên nổi tiếng, nghệ sĩ nhân dân Liên Xô Vyacheslav Tikhonov gặp Vanga năm 1979. Rất nhiều người đã viết về cuộc gặp gỡ này, vì ấn tượng của nghệ sĩ sau những lời tiên tri của Vanga rất nặng nề: ông đã phải uống thuốc an thần. Câu chuyện diễn ra như sau:
Vừa mới bước chân qua bậu cửa ngôi nhà Vanga ở Petrich, Vyacheslav Tikhonov đã nghe nhà tiên tri tuyên bố thẳng thừng rằng: “Tại sao anh không thực hiện nguyện vọng người bạn thân của mình Yury Gagarin? Trước chuyến bay cuối cùng của mình ông ấy đến tận nhà anh và nói: “Mình không có thời gian, vì vậy cậu tự mua chiếc đồng hồ báo thức mang tên mình và đặt trên bàn viết. Hãy coi đó là một kỷ niệm về mình”. Sau những lời đó Vyacheslav Tikhonov lên cơn đau tim phải uống thuốc an thần.
Quả thật, V.Tikhonov và Yury Gagarin là bạn thân. Khi Gagarin hy sinh, diễn viên nổi tiếng quá đau buồn nên quên hẳn chiếc đồng hồ báo thức mà ông đã hứa mua.
Vanga còn nói rằng nhà du hành vũ trụ đầu tiên không chết, mà đã hóa thánh. Hiện nay ông đang ở trên thiên thể của mình. Linh hồn của ông vẫn sống và tỏa sáng như một vì sao.
Vanga và nhà thơ Sergey Mikhalkov
Sergey Mikhalkov đã từng gặp nhà tiên tri nổi tiếng Vanga vào tháng 8/1979. Câu chuyện sau đây được nhà thơ kể lại trong cuốn sách của Anatoly Bogdanovich “Tôi cũng tin vào tài năng của Vanga”:
“Ngày 22/8/1979, tôi đến Petrich vào lúc 11 giờ trưa cùng với một nữ phiên dịch. Vanga được thông báo về chuyến đi của tôi, bà ngồi chờ tôi trên một tấm đệm trải thảm, trong căn phòng nhỏ dùng làm nơi tiếp khách.
- Ôi, ông người Nga này sẽ sống rất lâu đây - Vanga thốt lên khi tôi vừa bước qua ngưỡng cửa căn phòng. Chỉ một câu nói đó đã làm tôi trở nên nhẹ nhõm...
- Tôi nhìn thấy mẹ anh - Vanga nói - Bà ấy đứng sau anh, bà ấy rất giận vì anh không tổ chức ngày sinh nhật của mình. Anh nhất định phải tổ chức sinh nhật của mình. Đó là con số may mắn của anh (quả thật đã hai năm nay tôi không tổ chức sinh nhật của mình, ngày 13/3).
- Em gái anh bây giờ cũng ở đây...
- Tôi không có em gái - tôi nói.
- Tôi nhìn thấy cô ấy - Vanga nhắc lại.
- Tôi không có em gái...
- Thế thì cô bé kia là ai? - Vanga cáu kỉnh thốt lên - Đó chính là em gái của anh!
Và tôi bỗng nhớ lại rằng đúng là tôi có một cô em gái đã mất lúc 5 tuổi.
- Và xuất hiện thêm một người nữa tên là Pyotr, bên cạnh là em trai anh ta. Họ là ai đối với anh vậy?
Trong phút ấy tôi không thể đoán ra rằng bà Vanga đang nói về hai người anh em của tôi: Pyotr Petrovich và Maksim Petrovich Konchalovsky...
- Bà phân biệt người sống và người chết như thế nào? - tôi hỏi.
- Anh vừa mới từ Mỹ về - Vanga nói tiếp - ở New York và các thành phố khác. Anh sống bằng lý trí, anh không có gì phải sợ. Anh không tham tiền, sống trong sạch. Anh hãy tiếp tục sống như anh đang sống, đừng thay đổi đột ngột, mọi chuyện sẽ đâu vào đấy... Anh đã nói chuyện với Brezhnev (Tổng Bí thư Đảng cộng sản Liên Xô lúc bấy giờ), hãy nói thêm lần nữa.
- Khó đấy - tôi nói.
- Không khó đâu. Ông ta sẽ nói với anh, nếu anh muốn. Hãy nói chuyện với ông ấy...
Vanga nói chuyện cởi mở và thẳng thắn với tôi, kể cả những chuyện riêng tư, thầm kín. Tất cả những gì bà đã nói đều đúng với thực tế. Kỳ lạ thay...
Về sau tôi còn gặp Vanga ba lần nữa. Người ta nói với tôi rằng hầu như bà không trò chuyện với ai lâu như thế... Tất cả những gì bà nói với tôi đều đã hoặc đang trở thành hiện thực...”.
Vanga và Leonid Leonov
Nhà văn Nga nổi tiếng Leonid Leonov (1899-1994), tác giả cuốn tiểu thuyết “Rừng Nga” (đã được dịch ra tiếng Việt), “Cỗ xe vàng”, “Kim tự tháp”... thường gặp nhà tiên tri Vanga và là một trong những người hâm mộ tài năng kỳ lạ của bà. Leonov nói rằng, ông có quen biết nhiều nhân vật nổi tiếng trên thế giới, trong đó có M. Gorky và J. Stalin, nhưng người phụ nữ Bulgaria bình dị này để lại cho ông ấn tượng mạnh nhất.
Leonov xin ý kiến của Vanga về các tác phẩm của mình và bà luôn đưa ra những dự báo chính xác. Một lần, Vanga nói rằng bản thảo của Leonov sẽ bị cháy. Vì vậy, để bảo quản Leonov đã chuyển bản thảo từ biệt thự ngoại ô, nơi ông làm việc, tới căn hộ trong thành phố. Nhưng tất cả sự thận trọng của ông đều vô ích - bản thảo vẫn bị cháy. Quả là, không thể chạy trốn số phận.
Năm 1980, nhà văn đến thăm ngôi nhà của Vanga ở Petrich và ông đã trò chuyện với bà về hoa. Vanga coi hoa như những sinh vật sống, bà đã trồng rất nhiều hoa trong khu vườn ở Petrich và Rupit. Hoa đã “thì thầm” với bà những bí mật và giúp bà biết được số phận của con người.
Đầu những năm 1990, Leonid Leonov muốn hủy bỏ bản thảo cuốn tiểu thuyết “Kim tự tháp” mà ông bắt đầu viết từ năm 1938. Nhà văn 90 tuổi không hài lòng với những gì ông đã viết và quyết định đốt nó đi. Vanga đã khuyên ông đừng làm điều đó, bà nói rằng không nên hủy bỏ một tác phẩm đã viết gần xong. Nhà văn cần sự yên tĩnh để hoàn tất cuốn sách. Bà khuyên Leonov chuyển ra sống ở biệt thự khoảng 40 ngày và hoàn thiện bản thảo. Tại biệt thự, Vanga nói, giữa hoa lá và cây cỏ cảm hứng sẽ đến với nhà văn: “Cuốn sách phải được hoàn thành sau 3 năm (câu chuyện diễn ra năm 1989). Trong tiểu thuyết có 4 hình tượng - con người, vũ trụ, thượng đế, quỷ sứ. Cuốn sách sẽ thu được thành công rất lớn và sẽ được tất cả mọi người đón nhận nhiệt liệt, thậm chí giới thanh niên”.
Cuối cùng, cuốn tiểu thuyết của nhà văn vĩ đại “Kim tự tháp” đã được xuất bản năm 1994, khi tác giả tròn 95 tuổi. Leonov đã kịp nhìn thấy cuốn tiểu thuyết cuộc đời của mình được xuất bản. “Kim tự tháp” đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới và được bạn đọc mến mộ.
Vanga và Evgeny Evtushenko
Đối với Vanga, người phụ nữ bộc trực và công bằng, không tồn tại bất cứ một quyền uy nào. Bà không phân biệt ai đứng trước mặt mình - người bình thường hay kẻ xuất chúng. Đối với bà tất cả đều bình đẳng. Bà luôn luôn nói những điều xuất phát từ trái tim mình, thậm chí nó khó chịu đối với khách.
Đó là trường hợp diễn ra với nhà thơ Nga nổi tiếng Evgeny Evtushenko. Năm 1980, Evtushenko đến gặp Vanga. Vừa mới bước qua cửa, Vanga đã nói: “Anh là ai?” - “Nhà văn” - Evtushenko đáp. “Nhà văn gì mà nặng mùi như thế. Hãy đứng xa tôi ra”. Im lặng một lúc. Sau đó Vanga lại nói với Evtushenko: “Anh biết rất nhiều và có thể làm nhiều việc, nhưng tại những nơi anh đến, không có chỗ cho anh. Vì sao hút thuốc lá nhiều như vậy. Hãy chữa răng và dạ dày đi. Ban đêm đừng viết. Hãy dậy sớm mà làm việc. Hãy viết từ 3 đến 7 giờ sáng, lúc bấy giờ có nhiều cảm hứng hơn”. “ Tôi đang viết một cuốn sách” - nhà thơ nói. “Về phụ nữ phải không?” - Vanga hỏi. Khách trả lời: “Vâng, về phụ nữ” - “Về chiến tranh nữa chứ?” - “Vâng” - “Tốt. Hãy viết, nhưng cố gắng thâm nhập sâu hơn vào đề tài. Nếu không anh sẽ như con chim ác là, nhảy chuyền từ cành này sang cành khác mà thôi...”.
Vanga và Filipp Kirkorov
Ca sĩ nhạc nhẹ Nga nổi tiếng Filipp Kirkorov (chồng cũ của nữ ca sĩ Alla Pugachyova) cũng đã đến gặp Vanga ở Petrich và khâm phục tài tiên tri của bà.
Bố mẹ Filipp, như chúng ta biết, đã từng sống ở Bulgaria, tại thành phố Varna. Bố anh là nhạc sĩ và phụ trách một ban nhạc nhẹ. Một lần, cậu bé Filipp bị ốm và bố mẹ, không đắn đo, đã đưa cậu đến gặp bà Vanga ở Petrich. Vanga không những đã chữa cho Filipp khỏi bệnh mà còn tiên đoán cho anh vinh quang âm nhạc. Bà nói với bố mẹ của cậu bé: “Ta nhìn thấy con trai của ông bà trên một ngọn núi cao. Cậu đứng và vung vẩy một chiếc gậy bằng kim loại”.
Nhiều năm sau mọi người mới vỡ nhẽ ra điều Vanga muốn nói. Bà ám chỉ đỉnh cao âm nhạc mà Filipp Kirkorov chinh phục được là ngọn núi cao, còn cái microphone là gậy kim loại.
Trần Hậu