Hà Nội

Chuyện tình trên núi Chúa

23-04-2017 08:10 | Xã hội
google news

SKĐS - Mới lên lưng lửng dãy núi Bà Nà (Ðà Nẵng) màn sương dày đặc đã va đập vào khoang cáp treo của chúng tôi. Tiết cuối xuân tháng 2, mây bồng bềnh trôi theo gió, sương phủ mờ mịt.

Mới lên lưng lửng dãy núi Bà Nà (Ðà Nẵng) màn sương dày đặc đã va đập vào khoang cáp treo của chúng tôi. Tiết cuối xuân tháng 2, mây bồng bềnh trôi theo gió, sương phủ mờ mịt. Một cô gái ngỡ mình đang bay trong làn mây trắng bỗng reo lên trong niềm vui sướng. Trong khi đó một người phụ nữ thì cứ chắp tay, miệng liên tục nói Nam mô a di đà Phật, có lẽ vì khoang cáp treo đung đưa như một con tàu trôi trong biển mây...

Cô gái chân dài và bông hoa đào chuông

Khi “con tàu” cáp treo cập bến trên đỉnh núi Bà Nà, ai nấy đều òa lên vì ngỡ ngàng khi nhìn thấy những đóa hoa đào chuông hồng lên như màu son vậy. Chúng rải rác ven tường của ngôi chùa Linh Ứng. Những bông hoa đào hình quả chuông nhỏ xíu với năm cánh hoa. Từng chùm từng chùm rủ xuống mơ màng trong những sợi mây dịu dàng. Mây xốp và mỏng hơn, nên đoàn chúng tôi vẫn còn nhận ra nhau và đều thú vị, với màu hoa đẹp như môi người thiếu nữ. Tôi đang mụ mị với sắc hoa thì có ai đó kéo tới một tán dù vàng, nghiêng nghiêng bên con dốc. Ở đó, có một bà già ngồi trên chiếc ghế mây, cùng với nhóm thanh niên trẻ xúm xít chung quanh. Tò mò tôi len tới và nghe câu chuyện bà kể về sự tích hoa đào chuông...Công trình giải trí mới trên đỉnh núi.

Công trình giải trí mới trên đỉnh núi.

Bà nói màu hoa đào đó chính là màu môi hồng của nàng Nà để lại trên đỉnh núi này. Nàng là một cô gái xinh đẹp với đôi mắt trong sáng mơ màng đượm sắc phong tình. Đặc biệt, nàng cao ráo bởi đôi chân dài khác người. Chồng nàng là anh Nỗng thì ngược lại. Lùn một mẩu nhưng hiền lành chịu khó làm ăn. Hai vợ chồng nàng sống ở dưới chân núi. Chồng của nàng đã nhiều lần thấy vợ mình bị các chàng trai chọc ghẹo, mỗi khi nàng cùng lội suối bắt cá đánh tôm, chỉ vì đôi chân dài đã làm họ thích thú ngắm nhìn. Những lúc ấy nàng chỉ cười tươi như hoa. Đúng là như hoa và còn đưa mắt nhìn theo. Tuy vậy, nàng không bao giờ tơ vương, chỉ một mực yêu chồng. Nhưng vì ghen tuông, chàng Nỗng giữ chân vợ ở nhà chăm lo vườn tược và nuôi lợn gà, không cho đi vào rừng kiếm củi và lội suối bắt cá cùng nữa. Từ đó chàng lầm lũi đi một mình từ sáng đến tối lần hồi kiếm ăn nuôi vợ. Cả làng khen chàng nức tiếng một vùng vì có cô vợ đẹp với đôi chân dài trắng nõn.

Nhưng rồi có một hôm, chàng quên cuốn dây thừng quay trở về thì chợt thấy có một người trai trẻ đang lén lút bên rào cây nhà mình. Chàng bèn nấp vào lùm cây rình xem tên này định ăn trộm gì. Chờ một lúc sau, người trai trẻ dướn người lên cao để ngó nghiêng, chờ đợi. Chà, thật khốn kiếp, lúc đó vợ chàng, cô Nà lấy ngón chân kẹp đóm lửa đưa qua hàng rào cây để cho người thanh niên này châm lửa hút thuốc. Nhưng người này đâu chịu châm lửa ngay, còn vờ nói chưa tới để vợ chàng vén quần cao hơn cho đỡ vướng, đưa lửa ra hẳn phía ngoài hàng rào. Tưởng thật, cô Nà lại vén thêm quần để lộ làn da trắng nuột nà làm mê hồn người thanh niên. Chàng Nỗng không chịu được nữa hét lên như sấm dậy và chạy bổ về nhà. Người thanh niên kia bỏ chạy như con hươu lên rừng. Lúc này cô Nà vừa vén quần vừa chạy quanh trong vườn vì bị chồng vớ dao đuổi định chém. Cơn ghen càng cuồng nộ, nhưng chàng trai chân ngắn đâu có đuổi được cô vợ chân dài. Chàng Nỗng định lấy cuộn dây thừng quăng về phía trước để bắt vợ, thì đúng lúc đó cô vợ phóng chân nhảy vọt qua hàng rào, bỏ chạy thoát thân. Chàng Nỗng đuổi theo và gào rú vì hờn ghen. Nàng Nà quay lại lạy chồng mấy lần mà không được vì thấy chồng sát khí đằng đằng, chỉ một bề muốn chém vợ. Nàng đành bỏ chạy ngược lên núi như gió cuốn. Vượt qua ba con đèo, ba dốc cao nhưng nàng vẫn bị chồng săn đuổi phía sau. Khi nàng chạy lên gần đỉnh núi thì sương mù bay khắp chốn. Chúng cuồn cuộn chảy xuống núi theo gió lốc. Lúc này chàng Nỗng muốn bắt vợ về không được nữa. Chàng gục ngã vì kiệt sức. Những luồng gió độc từ trên đỉnh núi buốt lạnh quật ngã chàng bên tảng đá lớn, giữa con đường dài hun hút trong mây...

Lúc này, bà già kể chuyện chỉ cho chúng tôi nhìn về dưới lưng núi. Một mô đất cao nằm như một người đàn ông gối đầu lên tảng đá ngủ trên rừng. Đó chính là cái Nỗng Bà Nà. Một nấm mộ cô đơn của chàng Nỗng. Rồi bà kể tiếp câu chuyện... Sau cái cơn truy đuổi ấy, cô Nà không thấy chồng gọi nữa bỗng giật mình, hoảng sợ vì nghe tiếng quạ kêu ran khắp nơi. Nhưng không thể tìm được lối về. Mây bồng bềnh trong viễn cảnh mộng du làm nàng muốn bay lên cao để tìm đường về nhà. Nhưng đàn chim tước bay đến báo tin Nỗng đã chết làm nàng khóc thảm thiết. Khóc ngày khóc đêm trên đỉnh núi. Nước mắt nàng chan chứa tình yêu thương và nỗi xót xa khôn nguôi. Nước mắt nàng Nà chảy thành con suối nhiều dòng tụ lại thành con thác chín tầng đổ xuống chân núi. Con thác âm vang như tiếng khóc thảm thiết của cô Nà trước khi chết minh chứng cho sự trong sạch của mình với chồng. Nước mắt cô Nà làm nên suối thác Tóc Tiên mà ai lên đây cũng nhìn thấy. Bà già kể chuyện chỉ sang một gò đất gần ngay phía trên, ở  độ cao 1.478m. Đó chính là mộ của nàng Nà. Giờ chính là bà Chúa của ngọn núi này. Chung quanh gò đất giờ người ta trồng hoa Cẩm Tú Cầu tím biêng biếc dưới màn sương. Nói rồi bà già giơ chùm hoa đào chuông về phía trước nói với các bạn trẻ rằng, giờ chỉ còn lại những bông hoa này chính là hiện diện sắc đẹp còn lưu dấu lại của nàng Nà. Chính vì thế hoa đào chuông duy nhất chỉ có ở trên núi Bà Nà.

Chuyện về con đường bị bỏ rơi

Đúng là xưa có một con đường rừng đi bộ quanh hơn chục cây số đi lên đỉnh núi Bà Nà, khi được khai thác làm du lịch và nghỉ dưỡng. Chính con đường lên núi với những cảnh vật xung quanh đã tạo nên một kỳ quan có một không hai ở giữa mảnh đất miền Trung này. Xa xa, con đèo Hải Vân mở lối đầu tiên chênh vênh bên biển xanh cũng là cảnh quan kỳ thú, cho bất cứ ai đến đây. Đó chính là phía dốc cuối của đỉnh Bà Nà. Nghe nói ở lưng núi nếu theo con đường đi bộ sẽ gặp một am nhỏ thờ Thiên Yana, một dấu tích của thời đế vương Chăm Pa lừng lẫy. Phải chăng đây chính là điểm khởi nguồn cho một dãy tháp Chăm cùng những viên gạch đỏ rải rác cho đến xứ sở của Thánh đường Mỹ Sơn, tại một vùng núi cách thành phố Đà Nẵng chừng 50km. Nghe người hướng dẫn viên nói đến đây, tôi bỗng nhớ đến những câu thơ của Chế Lan Viên viết về một thuở đẫm lệ này, rằng: “Ta vừa thấy bóng Nàng trên cỏ biếc. Suối tóc dài êm chảy giữa dòng trăng” (Mộng). Do vậy, hiện dân chúng quanh vùng ven chân dãy núi Bà Nà vẫn còn tín ngưỡng dân gian thờ thần. Họ coi cái tên Bà Nà chính là tên gọi tắt của Chúa thiên Yana, tức Thánh mẫu Poganar. Đây là con nhà trời đưa xuống và là mẹ đẻ của Vương quốc Chăm Pa cổ đại. Đó cũng là một truyền thuyết có cơ sở về nguồn gốc của cái tên núi Chúa.Hoa đào chuông.

Hoa đào chuông.

Hiện nay, đường cáp treo ở Bà Nà được xác lập kỷ lục dài nhất thế giới và đường dốc lên cũng cao nhất thế giới. Quả đó là niềm tự hào của thành phố Đà Nẵng. Cùng với đó, những công trình giải trí hiện đại, độc đáo kết hợp với tín ngưỡng tâm linh cõi Phật tại chùa Linh Ứng đã tạo nên sự khác biệt của khu du lịch Bà Nà so với nhiều khu du lịch địa phương khác. Nhưng có lẽ chính vì thế những con đường vắt vẻo trên sườn núi đã bị lãng quên cùng với những chứng tích lịch sử mơ mộng nhất của nền văn hóa Chăm, với vũ điệu Apsara thần diệu. Sự nuối tiếc làm xao động lòng người. Tiếng chuông thỉnh lên giữa không trung của đại ngàn xưa dụ tâm hồn khách lãng du về cõi niết bàn vô thường. Trên dọc đường đi người ta trồng những cụm cây hoa đào chuông như những chuỗi ngân vang bài thơ tình yêu thủy chung của nàng Nà. Mỗi quả chuông hoa nở một nụ cười hồn nhiên với sắc hồng níu bước chân người đi. Đó là nụ cười của Phật Bà ban phước lành cho chúng sinh.

Thiên thạch tình yêu

Tôi đi trong cơn mộng du trên những áng mây bay và chợt dừng chân bên một tảng đá hồng giữa con đường bộ mà không hề hay biết. Đúng là một cảm giác vô thường choàng lên tâm hồn mình. Đó chính là thiên thạch của trời ban. Các nhà khảo cổ kết luận, trên xứ sở thần tiên này còn có một mỏ đá hồng mà chưa được khai thác. Mỏ đá quý bị lãng quên như chính con đường bộ dẫn lên núi vậy. Có một nhà thơ ví những khối đá hồng đó là báu vật của dãy núi này và chúng chính là sự kết tinh của màu sắc tình yêu thủy chung của cô Nà với chàng Nỗng theo truyền thuyết xưa. Có lẽ thế, trên đỉnh núi này vẫn luôn lưu giữ những khối tình màu hồng, như những bí ẩn của núi cao.

Và xa kia mái nghiêng tháp Chăm như lời kêu gọi của nỗi nhớ về mà lòng người còn thổn thức với những bài thơ của Chế Lan Viên. Đó là những câu thơ chan chứa nỗi niềm hoài vọng về một thời đã xa. Thật bất ngờ bản nhạc Rừng xưa đã khép của Trịnh Công Sơn vang lên từ một căn nhà gỗ bên góc quán cà phê. Tôi lặng người trong giọng hát Khánh Ly ấm áp buồn tênh: “Ta thấy em trong tiền kiếp với cọng buồn cỏ khô. Ta thấy em đang ngồi khóc trong rừng chiều đổ mưa...”. Trước mắt tôi là dòng suối Tóc Tiên đổ ào từ trên cao xuống như bài ca bất tận về thiên diễm tình ngàn đời của Bà Nà - Núi Chúa, trên đỉnh cuối của dãy núi Trường Sơn hùng vĩ chạy ra biển khơi.


Bài và ảnh Lưu Kường
Ý kiến của bạn