Hà Nội

Chuyện tình ở làng phong

16-11-2009 06:18 | Thời sự
google news

Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng tình yêu diệu kỳ giữa ông Nguyễn Văn Thâm và bà Nguyễn Thị Bướm ở làng phong Quỳnh Lập (Quỳnh Lưu - Nghệ An) vẫn làm nức lòng bao người.

Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng tình yêu diệu kỳ giữa ông Nguyễn Văn Thâm và bà Nguyễn Thị Bướm ở làng phong Quỳnh Lập (Quỳnh Lưu - Nghệ An) vẫn làm nức lòng bao người. Dù trong khó khăn vật lộn với cuộc mưu sinh và bệnh tật nhưng họ vẫn trọn tình, trọn nghĩa bên nhau gồng gánh những lo toan và cả khổ đau mà tạo hoá đã bất công ban phát. Đôi vợ chồng phong cùi đã chiến thắng những toan tính thiệt hơn, thắng cả dư luận để xây dựng một tình yêu đẹp và hoa trái cuối đời là những người con thành đạt trong một tổ ấm đơn sơ giữa bạt ngàn núi, biển và những người đồng cảnh ngộ.

Long đong kiếp người

Chúng tôi đến Làng phong Trung Ương - Quỳnh Lập vào một ngày cuối thu. Thu vàng sóng sánh trên bạt ngàn những rừng cây núi thẳm và con đường trải nhựa phẳng lì nhìn ra xa phía biển. Gió vi vút mát lành gợn trên từng khuôn mặt người dân làng phong. Thật ra, cái tên làng phong không thực đúng nhưng người dân nơi đây quen gọi như vậy bởi một thời những định kiến về người bị bệnh phong cùi ghê gớm lắm. "Bây giờ đã khác, người ta hiểu ra rằng, "con phong cùi" không thể lây nhiễm nên biển Quỳnh Lập với vẻ đẹp tiềm ẩn đang được khai thác phục vụ du lịch. Và sau này, người làng phong sẽ tham gia làm các dịch vụ biển, làm giàu quê hương..." - nhà văn bản địa Nguyễn Tiến giới thiệu với tôi.

Vợ chồng ông Thâm, bà Bướm.

Trong men say đầy hứng khởi, nhà văn Nguyễn Tiến dẫn chúng tôi đến thăm một gia đình đặc biệt trong làng, ấy là vợ chồng ông Nguyễn Văn Thâm và bà Nguyễn Thị Bướm. Nhà văn Nguyễn Tiến bảo về làng phong mà không gặp vợ chồng cụ Thâm là coi như chưa biết "bảy phần chìm" của một "thiên tình sử". Thoạt đầu tôi chào vợ chồng họ là cụ nhưng ông Thâm tay cầm batoong giơ lên mắng: "Vợ chồng tôi già lắm mà anh chào là cụ, là ông thôi cho trẻ..." Nhà văn Nguyễn Tiến chợt bưng mặt phì cười, còn tôi thì hơi hoảng. Cũng may bà Bướm tinh ý nhìn chồng: "Gớm! Nhà báo mới đến thì mần răng biết ông còn trẻ", rồi bà quay sang bảo tôi thông cảm, cụ nhà còn "thanh niên tính" lắm!

Ông Thâm năm nay đã bước sang tuổi 85, còn bà Bướm cũng đã 73 tuổi tròn. Trong khói chè nghi ngút đượm mùi hương sen, ông Thâm kể cho tôi nghe những đoạn trường mà họ đã trải qua từ khi có mặt trên đời. Ông Thâm sinh ra trong một gia đình 8 anh chị em ở xã Diễn Xuân (Diễn Châu - Nghệ An). Nạn đói năm Ất Dậu đã khiến anh em ông mỗi người một ngả, bây giờ ai còn ai mất ra sao cũng không rõ. Ông dạt vào Đô Lương rồi tham gia cách mạng và hoạt động rất hăng hái. Trong một trận đánh du kích quân Pháp ở biên giới Việt - Lào, súng hết đạn, chiến sĩ Thâm cầm kiếm lao vào đánh giáp lá cà đến đứt hai ngón tay mà không hay. Mãi đến khi chịu một nhát lê bên đùi trái ông mới biết mình bị thương.

Kể đến đoạn này, giọng ông Thâm run run nhưng còn hăng lắm, bà Bướm nhìn chồng vẻ thán phục và cũng nóng lòng kể về mình. Bà quê gốc ở Quỳnh Phụ - Thái Bình, gia đình vốn chỉ có mình bà là con một nên được cưng chiều. Nhưng nạn đói 1945 đã cướp đi bố mẹ và biến bà thành một đứa trẻ mồ côi. Quãng đời sau này bà phải lưu lạc khắp tỉnh Thái Bình, Nam Hà để làm thuê kiếm miếng ăn, bát gạo. "Kể thì nhẹ nhàng thế thôi chứ có trải qua cái đói cùng kiệt như "vắt chanh vào ruột" mới thấm thía cái hạnh phúc khi được ăn no dù chỉ một bữa" - bà Thâm nói với chúng tôi mà trong ánh mắt đã mờ ướt xa xăm những kỷ niệm buồn thương một thuở.

Nên duyên nhờ… "con hủi"

Đó là số phận! Như bao nhiêu số phận khác ở khắp nhân gian và ở làng phong này. Có thể là tình cờ chạm mặt đã phải lòng nên duyên. Cũng có số phận phải qua các đoạn trường gian khổ như để thử vàng trong lửa. Và với vợ chồng ông Thâm, bà Bướm từ giai đoạn chạm mặt đến các đoạn trường dường như là một pho tình sử sống. Là nhân chứng sống cho tình yêu đẹp đẽ từ trong những nghĩ suy cùng cực của bệnh tật, giữa sự sống và cái chết để yêu và tồn tại. Và tình yêu nhỏ bé như đốm lửa dần sáng rực rỡ soi cho đêm dài vạn dặm. Dẫu biết rằng, có những lúc hai con người bệnh tật cảm thấy tủi hờn cho hai trái tim yêu rỉ máu, và cuộc sống còn quá nhiều những búa rìu để chịu đựng. Nhưng dù thế, họ vẫn sống, vẫn yêu và yêu tha thiết, vẫn biết bình yên một thoáng cho tim mềm, bình yên để dựng túp lều cho hai trái tim yêu!

Đường vào làng phong Quỳnh Lập.

Biển Quỳnh Lập dào dạt sóng vỗ, nước xanh như lá rừng và sóng bàng bạc trải dài đến vô tận. Ai đã đến với làng phong Quỳnh Lập là đến với biển tình yêu, tình người và trên tất cả là sự chân thành vô vị lợi. Ông Thâm, bà Bướm cũng là một mẫu tình như vậy mà ai cũng ước ao. Nhìn biển cuộn sóng, ông Thâm như nhìn về mối tình của mình với người vợ yêu. Năm 1957, đang phục vụ trong quân đội, ông Thâm đã phải phục viên để về điều trị bệnh phong cùi. Lúc này, ông vào tuổi 32 chín chắn nhưng không tránh khỏi nỗi chán chường. Nỗi đau có khi nó đến chẳng hề báo trước, ông Thâm nhẩm nói như một triết lý.

Năm 1965, tức là sau 8 năm chữa trị cầm chừng với "con hủi", ông Thâm nhập viện Quỳnh Lập và thui thủi sống như một bóng ma. Rồi trong một buổi chiều hoàng hôn tím năm 1970, ông Thâm chạm mặt nữ bệnh nhân Nguyễn Thị Bướm và tình yêu nảy nở trong hai trái tim yếu đuối. Bình minh dường như mới bắt đầu ghép hai số phận vào chung một trang đời.

Thế nhưng định kiến xã hội đã vô hình thành hàng rào ngăn cách mối tình đầu tiên của Làng phong Quỳnh Lập. Lúc này, bà Bướm đã bước sang tuổi 33, ông Thâm cũng đã 45 và chân bên phải đã bị con hủi "ăn" mất cả bàn. Ông bỏ làng phong mà lê đến một chốn không ai biết mình và trốn chạy tình yêu. Những ngày ấy, ông sống không ra sống, chết mà không được như thể mang nợ với đời. Bà Bướm cũng khóc cạn nước mắt vì yêu, vì nhớ dáng hình tuy không còn lành lặn của tình nhân.

Nhưng rồi nỗi nhớ và tiếng gọi mãnh liệt của tình yêu đã khiến ông Thâm bò lê mà quay trở lại. Đôi trai tật gái bệnh gặp nhau hẳn không đẹp như trong phim nhưng cảm động đến trào nước mắt. Họ quyết tâm phải chữa trị cho khỏi để làm đám cưới, để thành vợ thành chồng, để trả nợ cho đời những thứ tình khó gọi thành tên.

Cuộc sống bắt đầu thay đổi. Sau 2 năm, bà Bướm khỏi bệnh, những vết loét cuối cùng của "con hủi" lành lặn. Còn ông Thâm gần như hồi phục được sức khỏe. "Hồi đó, y tế chưa phát triển mà bệnh tình của họ được khỏi dường như từ sức mạnh của tình yêu" - nhà văn Nguyễn Tiến cho biết. Năm 1973, ông Thâm và bà Bướm quyết định tiến tới hôn nhân, đám cưới của họ được coi như việc "đặt nền móng" đầu tiên cho những mối tình ở làng phong sau này.

Ông Thâm ghé vào tai tôi nói nhỏ: "Này nhé, nếu bây giờ mà xét theo lý thì tôi và bà nhà tôi không phải là vợ chồng đâu...". Tôi giật mình nhìn ông, ông bảo, thì có đăng ký kết hôn gì đâu, yêu là cưới! Hồi ấy, cả làng phong góp gạo ăn đám cưới của chúng tôi đấy! Vui đáo để, bây giờ chúng tôi lên chức ông chức bà rồi.

Gần một năm sau ngày cưới, vợ chồng họ sinh được hai bé gái kháu khỉnh đặt tên là Nguyễn Thị Hải, Nguyễn Thị Vân, mấy năm sau họ sinh được bé trai Nguyễn Đình Tấn. Tấn bây giờ đã là Thạc sĩ Vật lý và đang tham gia công tác nghiên cứu, giảng dạy tại huyện Bố Trạch - Quảng Bình. Còn hai cô con gái theo lời khuyên của bố mẹ đã theo học nghề y và hiện đang công tác ở Trại phong Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Tháng nào, các chị cũng đưa các con về Làng phong Quỳnh Lập để sum họp với gia đình, làng xóm.

Vĩ thanh

Nhìn đôi vợ chồng già hạnh phúc bên nhau, tôi hiểu rằng không dễ gì để có niềm vui ấy. Chính tình yêu và gia đình là chỗ dựa vững chắc nhất sau những tháng ngày vật lộn với bệnh tật, với những khổ đau. Trong bài viết này, tôi xin không nói về những khó nhọc mà bấy nhiêu năm họ phải bươn trải kiếm sống nuôi các con khôn lớn, trưởng thành bởi điều ấy vốn như một huyền thoại mà chẳng bút mực nào có thể tụng ca. Chỉ biết rằng, tình yêu chân thành đã giúp họ vượt qua những gấp khúc vô thường để không chỉ tồn tại mà còn cảm nhận như khúc hát tình sâu lắng mà âm hưởng của nó còn vang mãi, vang mãi...

Bài, ảnh: Trần Thế Hòa


Ý kiến của bạn