Chuyện tình nơi chân mây

22-12-2018 15:46 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Thị xã Hà Tiên mới được lên thành phố đô thị loại II (3/11/2018), miền đất cuối cùng của Tổ quốc, giáp với biên giới nước bạn Campuchia (cột mốc 314).

Cụm tượng đài những nàng tiên ca múa bên bờ đầm Đông Hồ ghi dấu ấn huyền thoại, nói lên vẻ đẹp của vịnh biển xa xôi, kỳ bí này. Nơi đây một cõi bồng lai tiên cảnh, được con người khai phá, mở mang hơn 300 năm qua. Nó ẩn mình, e lệ chốn góc biển, chân trời.

Bi tình sử từ Tao đàn Chiêu Anh Các

Chúng tôi đi theo tuyến đường bộ số 80, từ Rạch Giá (Kiên Giang) đến thành phố Hà Tiên, dài chừng 90km. Ngay đầu ngã ba đi lên cầu Đông Hồ dẫn vào thành phố, chúng tôi dừng xe xuống ngắm bức tượng Mạc Cửu - người đầu tiên có công tổ chức khai phá miền rừng núi hoang sơ này từ thế kỷ XVII. Sau khi Mạc Cửu mất (1655-1735), con trai ông là Mạc Thiên Tích kế nghiệp, được chúa Nguyễn phong là Tổng trấn Hà Tiên khi vừa tròn 30 tuổi (1736). Mạc Thiên Tích không những là một tướng trẻ tài ba mà còn được học hành văn chương thi phú, cùng tư tưởng mới lạ về xây dựng, phát triển kinh tế và mở mang bờ cõi. Đặc biệt, ngay khi vừa nhậm chức, Mạc Thiên Tích đã thành lập Thi đàn Chiêu Anh Các - nơi hội tụ hiền tài và đàm đạo thơ ca. Có thể nói đây là tổ chức văn chương đầu tiên ở nước ta. Những tác phẩm thơ ca cổ vẫn còn được lưu giữ đến ngày nay. Đó là một trong những dấu ấn văn hóa sâu sắc của Hà Tiên.

Toàn cảnh Phù Dung Cổ Tự.

Toàn cảnh Phù Dung Cổ Tự.

Đặc biệt, câu chuyện tình giữa Mạc Thiên Tích và nữ sĩ Phù Cừ Nguyễn Thị Xuân - một thành viên của Chiêu Anh Các đã để lại một dấu ấn khó phai miền biên viễn này. Mặc dù đã có gia thất nhưng tâm hồn Mạc Thiên Tích khó cưỡng lại sắc đẹp dịu dàng và những vần thơ lãng mạn của cô gái Phù Cừ bên hồ sen. Hai tâm hồn thơ gặp nhau. Tình yêu đã nảy sinh. Mấy năm sau, ngài Tổng trấn rước nàng thơ về dinh họ Mạc và trở thành Ái Cơ Phù Cừ. Nhân duyên hạnh phúc của hai người đã trở thành nỗi thù hận mỗi ngày một dâng cao trong lòng Hiếu Túc phu nhân - vợ cả của ngài Tổng trấn. Bà ta nung nấu hờn căm, chờ thời cơ sát hại Ái Cơ mà Mạc Thiên Tích không hề hay biết. Thấy hai người luôn luôn quấn quýt bên nhau mỗi khi đến tao đàn Chiêu Anh Các càng làm cho Hiếu Túc phu nhân trào sôi máu nóng. Và dịp ra tay đã đến.

Có lần, biết rõ thời gian Tổng trấn đi kiểm tra các đồn bốt trên biên ải phải mấy ngày mới về, Hiếu Túc phu nhân bí mật cho người bắt Ái Cơ Phù Cừ nhốt trong một chiếc chậu úp ngoài sân. Thời điểm này, nhà nào ở Hà Tiên cũng phải dùng chậu hứng nước mưa ăn vì nước giếng bị nhiễm mặn. Trong dinh cơ Tổng trấn có tới hàng chục chiếc chậu lớn. Nhưng ông trời thật kỳ lạ. Bỗng dưng mưa xối xả. Đường lên biên cương dốc cao hiểm trở trơn trượt. Đất đá trên núi lở tràn mặt đường. Ngựa không thể đi, ngài Tổng trấn đành cho lui quân, rồi quay về ngay trong ngày. Về tới nhà, Mạc Thiên Tích không thấy nàng Ái Cơ đâu, vội cho người đi tìm. Ai nấy trong dinh đều biết chuyện nhưng họ không dám bẩm báo vì sợ lệnh chém đầu của bà chủ. Bất ngờ Mạc Thiên Tích phát hiện, khi thấy trời đang mưa, sao các chậu hứng nước lại lật úp. Sinh nghi, ông ra lệnh cho mọi người lật chậu để hứng nước mưa. Quả nhiên, ông đã tìm thấy nàng Ái Cơ bị bịt miệng, thoi thóp trong chiếc chậu lớn nhất. Ông vừa khóc vừa bế Ái Cơ vào trong nhà và ra lệnh cho thầy thuốc đến cứu chữa. Cơn mưa xối xả. Gió từ biển ào ạt cuộn về trong gió bão. Lòng ông rối bời, cay đắng.

Khi tai qua nạn khỏi, nàng Ái Cơ Phù Cừ một mực đòi chồng cho ra khỏi dinh, tránh tai họa. Nàng xin xuống tóc đi tu. Trong lòng nữ sĩ u sầu buồn thảm. Ngày đêm im lặng. Cực chẳng đã, ngài Tổng trấn đành ra lệnh xây một ngôi chùa cho Ái Cơ ra trụ trì, tu hành theo ý nguyện. Ngôi chùa xinh đẹp có hồ sen dưới chân núi Bình San, đặt tên là “Phù Dung Cổ Tự”. Tổng trấn Mạc Thiên Tích vẫn thường lui tới chùa để làm lễ và gặp gỡ các văn nhân của Chiêu Anh Các. Ông đã viết tác phẩm “Hà Tiên Quốc âm thập cảnh vịnh” cùng với nhiều bài thơ tại đây. Ai đến Phù Dung Tự đều biết đến câu thơ cuối cùng mà Ái Cơ Phù Cừ viết để lại rằng: “Vươn khỏi bùn nhơ thoát vươn lên. Phô lòng trong trắng giữa thiên nhiên. Xuân thu đậm nhạt bao hồng tía. Đừng sánh thanh cao với đóa sen”. Nữ sĩ Phù Cừ viên tịch năm 1761. Và cũng chỉ 10 năm sau, Hà Tiên bị quân Xiêm đánh chiếm, Tổng trấn Mạc Thiên Tích chạy về Gia Định, Tao đàn Chiêu Anh các tan rã (năm 1771) sau hơn 30 năm hoạt động.

Bút tích thư pháp của Đông Hồ.

Bút tích thư pháp của Đông Hồ.

Mối tình đẹp Đông Hồ - Mộng Tuyết

Sau khi rời “Phù Dung Cổ Tự”, chúng tôi được dẫn tới “Đông Hồ thi nhân kỷ niệm đường” ngay trên đường Đông Hồ. Cô hướng dẫn viên kể, ngôi nhà cũng lưu dấu một câu chuyện tình thơ ca, bên đầm hồ mênh mông thông ra biển khơi. Chủ nhân ngôi nhà là Lâm Tấn Phác (1906-1969). Ông là nhà thơ có bút danh Đông Hồ - người đã thành lập trường học ở ngay tại nhà với cái tên “Trí đức học xá” (năm 1926) nhằm truyền dạy chữ Việt cho học trò quanh vùng. Một trong số học trò của ông có cô bé Thái Thị Úc (12 tuổi) xinh xắn, thông minh ở cuối đường gần núi Bình San. “Trí đức học xá” có thể coi là một “thi đàn” thứ hai trên đất Hà Tiên. Bởi sau đó, một số người làm thơ, viết văn thường lui tới đây, trao đổi thư pháp và nghiên cứu văn hóa. Cô bé Thái Thị Úc được sự ảnh hưởng trực tiếp của người thầy đồng thời cũng là anh rể của mình sau này nên bắt đầu tập viết văn làm thơ, tỏ rõ một năng khiếu đặc biệt. Tình yêu lớn dần theo năm tháng lúc nào không hay. Đến khi chị gái ốm đau, bị mất trong cơn bạo bệnh, Thái Thị Úc vô cùng tiếc thương. Cô dồn tâm sức chăm sóc anh rể khỏi bị hụt hẫng đau buồn. Từ đó, hai người chung sống thành đôi vợ chồng như định mệnh sắp đặt tự nhiên. Cũng từ đây, cô học trò Thái Thị Úc cùng chồng làm thơ, viết văn với bút danh Mộng Tuyết.

Một mối tình sâu thẳm, tâm hồn đồng điệu và thăng hoa trong sáng tạo văn học. Cả hai lần lượt cho ra đời những tác phẩm làm mọi người ngạc nhiên. Đông Hồ còn viết báo và nghiên cứu văn hóa. Ông có nhiều bài in trên báo chí ở Hà Nội, sớm nổi tiếng tại miền Nam. Cũng thời gian này, những bài thơ của Mộng Tuyết in đều đặn trên Nam Phong tạp chí vào đầu những năm 30. Đến năm 1939, Mộng Tuyết được trao bằng khen của Tự Lực văn đoàn với thi phẩm “Phấn hương rừng”. Mấy năm sau đó, hai cái tên Đông Hồ và Mộng Tuyết vang dội trong văn đàn miền Nam với những tác phẩm được xuất bản, phát hành khắp lục tỉnh. Tình yêu của hai người thật lý tưởng, son sắt, cùng phát triển sự nghiệp văn học hiếm có. Đến khi nhà thơ Đông Hồ mất (năm 1969), nữ sĩ Mộng Tuyết vẫn ở vậy, lui về ẩn dật tại đất “Trí đức học xá”. Suốt 38 năm ròng bà sống trong nỗi cô đơn cùng sự thương nhớ người chồng tài hoa, bạc mệnh của mình. Trong thời gian này, bà đã viết được hàng chục cuốn sách, các thể loại như tiểu thuyết, hồi ký và thơ ca. Bà lo mọi việc của nhà chồng, một bề son sắt thủy chung cho đến khi mất (năm 2007), thọ 93 tuổi.

Đàn kêu tích tịch tình tang...

Hành trình tiếp theo, khi chúng tôi đến hang Thạch Động (gần cửa khẩu quốc tế Hà Tiên-Prếch Char) với những vạt núi sừng sững cao vút. Nhưng điều làm chúng tôi ngạc nhiên hơn bởi chính nơi đây gắn liền với truyện cổ tích Thạch Sanh. Trong vòm Thạch Động, ngoài ngôi chùa còn có một hang tối, sâu hun hút không nhìn thấy đáy, nơi đại bàng giam giữ công chúa Quỳnh Nga. Đây cũng là nơi Lý Thông, sau khi công chúa được đưa lên, đã lấp đá nhốt Thạch Sanh ở lại. Kế bên cửa Thạch Động, nổi bật hình ảnh chim đại bàng lớn, hung dữ với chiếc mỏ khổng lồ.

Giờ đây, ai cũng biết rõ nhân duyên Thạch Sanh và Quỳnh Nga được kết nối bởi tiếng đàn giải oan. Tiếng đàn kể chuyện, ai là người bắn đại bàng gãy cánh, ai đã cứu công chúa ra khỏi hang. Cuối cùng, Lý Thông bị trừng trị. Dưới sân chùa, tiếng đàn nguyệt thánh thót vọng lên. Cô hướng dẫn viên mỉm cười, đọc cho chúng tôi nghe những vần thơ về câu chuyện cổ tích tình yêu này. Thì ra đến đây chúng tôi mới hay đã có tới 1.812 câu, trong bản thơ Nôm kể chuyện Thạch Sanh. Giọng đọc thơ lúc trầm lúc bổng kể câu chuyện tình yêu đầy sóng gió, hiểm nguy nhưng thật lãng mạn với những cung đàn Thạch Sanh huyền diệu trong đêm trăng Hà Tiên.


Bài và ảnh: Vương Tâm
Ý kiến của bạn