Những con người nhỏ bé đầy đau đớn đã một thời gian dài phải đối mặt với sự gặm nhấm của bệnh tật. Nhưng ở trong họ vẫn có một sức sống bền bỉ, dẻo dai đến lạ kỳ. Gặp họ, tưởng chừng như chưa có vết thương nào từng in dấu trên những tấm thân thể vốn đã hao gầy vì căn bệnh phong quái ác. Gặp họ trong làng phong Quy Hòa, nơi nổi danh về căn bệnh này từ cách đây gần một thế kỷ nhưng ở đó có những mối tình mà mỗi chúng ta đều cảm thấy ấm áp khi được biết.
Những mảnh đời ghép
Làng phong Quy Hòa hẳn không còn xa lạ với rất nhiều người. Điều này không khó để lý giải, bởi cái tên Hàn Mặc Tử - một trong những thi sĩ nổi tiếng bậc nhất những năm phong trào thơ Mới đã từng sinh sống và gắn bó trọn kiếp đớn đau ở chốn này. Trước đây, làng phong Quy Hòa được xem là thế giới đã an bài của những con người bất hạnh, sống tách biệt với xã hội bên ngoài. Lặng lẽ, dịu dàng và kín đáo, làng phong Quy Hòa như là một góc khuất nhỏ nơi phố biển Quy Nhơn. Vẻ đẹp kiêu sa của khung cảnh thiên nhiên hòa quyện cùng nét đẹp cuộc sống của con người nơi đây tạo cho chúng tôi một cảm giác yên bình và thanh thản… Sự e ngại với những bệnh nhân phong không còn nữa mà thay vào đó là những tâm hồn đồng điệu, tràn ngập yêu thương và ấm áp tình người. Mọi người đã đặt cho nơi này một cái tên rất mỹ miều là “Thung lũng tình thương”.
Hai ông cháu ông Bùi Văn Tánh thả diều trên bãi biển.
Hiện cả làng có gần 350 hộ gia đình với hơn 1.100 nhân khẩu. Họ là những bệnh nhân phong đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước, chủ yếu là vùng duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Vì mặc cảm bệnh tật, họ không trở về cố hương mà quyết định định cư tại đây, coi Quy Hòa như quê hương thứ hai của mình. Nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, họ chôn chặt trong lòng để đối mặt với cuộc sống bệnh tật mà mình đang mắc phải. Trong những ngày tháng đau khổ đó, các bệnh nhân phong đã tự tìm đến với nhau, đùm bọc, chở che nhau tạo nên một mái ấm gia đình.
Những mái ấm gia đình ở làng phong Quy Hòa cứ như trong truyện cổ tích. Tại đây, hàng trăm bệnh nhân từ khắp nơi đã gặp nhau và thành vợ thành chồng, sinh con, đẻ cái. Tình yêu là liều thuốc kỳ diệu giúp họ vượt qua bệnh tật và sống tốt hơn. Được sống với nhau trong tình yêu thương, các bệnh nhân không còn thấy bị mặc cảm. Sức mạnh tình yêu đã trở thành liều thuốc tinh thần cùng với sự tiến bộ của y học đã giúp nhiều người vượt qua bệnh tật. Ông Nguyễn Văn Vinh, 77 tuổi, có mặt ở làng phong Quy Hòa gần 60 năm nay, bồi hồi kể lại: “Tôi không tin mình lại được sống đến ngày hôm nay. Hồi ấy tôi bị xa lánh và đã phải tìm đến nơi này để chữa trị. Những viên thuốc và sự chăm sóc của bác sĩ đã giúp đẩy lùi căn bệnh nhưng sự sống của tôi chỉ thực sự trở lại từ lúc kết duyên với bà Lài, người đồng bệnh, ở trên cùng mảnh đất này”. Như bao người khác, tình cảm của ông với bà Lài lúc đầu chỉ là sự quan tâm, chia sẻ giữa người cùng bệnh với nhau. Nhưng rồi tình yêu đến và họ đã tổ chức đám cưới sau 2 năm vào khu làng phong điều trị. Gọi là “đám cưới” cho oai chứ cái thời những năm 40 của thế kỷ trước lại sống trong cảnh nghèo khổ, bệnh tật, chỉ dăm cái bánh, kẹo mời bạn bè cũng là bệnh nhân đến chúc mừng trước sự chứng kiến của Hội đồng bệnh viện đã là một sự cố gắng lớn. Hiện nay, gia đình ông Vinh đã có 3 thế hệ, sống vui vầy, đầm ấm trong khu làng này.
Trong căn nhà cấp 4 ọp ẹp hướng ra làng chài của những người mắc bệnh phong, ông Hoàng Ngọc Mừng (sinh năm 1940) bồi hồi nhớ lại về mái ấm hạnh phúc của mình: “Năm 32 tuổi, tôi thấy có nhiều vết đỏ nơi cùi trỏ và đầu gối mình. Nhân dịp có đoàn y tế khám ở huyện Hương Thủy (Thừa Thiên Huế), tôi mạnh dạn đi khám. Một tuần sau, có giấy báo đến trung tâm y tế và tôi biết mình đã nhiễm căn bệnh quái ác: bệnh phong. Họ khuyên tôi nên ra Bệnh viện phong Quy Hòa ở Bình Định để điều trị một vài năm rồi về vì tôi còn trẻ”. Trên chuyến xe định mệnh đến Quy Hòa đúng 7h30 tối ngày 12/9/1977 có 8 người bệnh phong tại Huế lúc ấy, 2 người đã về quê, 5 người còn lại đã gửi nắm xương tàn cùng cát bụi vì tuổi tác. Đến năm 1982, sau khi đã chữa khỏi bệnh, ông Mừng bén duyên với bà Nguyễn Thị Phận (quê ở Phan Thiết - Bình Thuận) cũng là một bệnh nhân tại làng phong. Sau nhiều đêm suy nghĩ, chàng trai Huế quyết định lập gia đình với người cùng cảnh để cảm thông, sẻ chia và chăm sóc nhau những ngày tiếp theo của cuộc đời. Đám cưới tự lập của đôi bệnh nhân phong nhận được sự tán đồng của anh em đồng cảnh mà hai bên gia đình đều phản đối. Chuyện tình của ông Mừng và bà Phận trở thành “huyền thoại” của làng phong. Đến bây giờ, hỏi về mái ấm ấy ai cũng bồi hồi. Vài năm ông bà lại về thăm quê một lần, vì như đôi vợ chồng này nói, xa Quy Hòa một ngày lại thấy nhớ.
Cụ Chút - người già nhất làng đã hơn 102 tuổi.
Một chuyện tình đặc biệt
Buổi trưa Quy Hòa đầy nắng, tôi gặp một ông già ngồi lim dim, bên cạnh là bà già đang run tay nhổ từng sợi tóc bạc. Ông lão tự giới thiệu là Bùi Văn Tánh: “Tui năm nay 79 tuổi, quê ở Thanh Hóa, có vợ và 6 đứa con!”. Thế nhưng cách đây 10 năm, vợ lão không may mất đi. Năm 2008, di chứng bệnh phong ngày càng hành hạ, lão tìm đến trung tâm để cắt bỏ chân phải. Cũng thời gian này, bà Vũ Thị Bích (SN 1940) cũng gia nhập trung tâm để điều trị. Thấy ông nằm bẹp trên giường bệnh, không ai chăm sóc, bà Bích tự nguyện làm người giúp việc cho ông. Hằng ngày, bà giặt giũ, lau dọn, bón cho ông lão từng thìa cháo miếng cơm. Đôi bạn già cứ thế quấn quýt, lâu dần thành quen, cả hai đều thấy không thể thiếu nhau, người mất vợ, người mất chồng, lại cùng cảnh ngộ, họ đến với nhau tự nhiên như cây mọc trên rừng, như gió thổi giữa đại ngàn. Cuối tháng 9/2009, ông bà quyết định kết hôn sau 1 năm gần gũi quen biết. Cả khu điều trị phong ngỡ ngàng, ai cũng mừng và cầu chúc họ hạnh phúc. Đám cưới giản dị được tổ chức ngay tại hội trường của trung tâm, không loa đài, chẳng bia rượu. Bạn bè chủ yếu là những bệnh nhân già ở trại phong. Sau lời tuyên bố của chủ hôn, ông đẩy chiếc xe lăn đến bên bà, tay cầm bó hoa được mọi người chuẩn bị sẵn đặt lên tay bà. Hai đôi bàn tay run rẩy nắm lấy nhau ngập ngừng. Họ không nói gì. Những giọt nước mắt lăn trên đôi gò má đã nhăn nheo của bà. Người đàn bà cả đời phải chống chọi với căn bệnh phong quái ác, chồng mất sớm, không có con, nay cuối đời đã tìm thấy được một bờ vai của đàn ông, lại là người cùng cảnh ngộ để dựa vào nhau mà sống.
Bà Phận trong ngôi nhà nhỏ của mình.
Một điều may mắn là dù rất nhiều gia đình cha mẹ là bệnh nhân nhưng sinh con sức khỏe bình thường. Nhiều người con của bệnh nhân sau khi tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học đã được đưa về công tác tại bệnh viện hoặc giảng dạy tại trường tiểu học tại phường.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Tân - Giám đốc Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hoà cho biết: “Trong Hội đồng làng phong Quy Hòa có 5 người thì cả 5 đều từng là bệnh nhân và có vợ, chồng là người đồng cảnh ở tại làng phong Quy Hòa. Nhiều người khi mang bệnh bị vợ hoặc chồng xa lánh khi vào đây cũng đã tìm được một nửa còn lại của mình. Được sống với nhau trong tình yêu thương, các BN không còn thấy bị mặc cảm; sức mạnh tình yêu đã trở thành liều thuốc tinh thần cùng với sự tiến bộ của y học đã giúp nhiều người vượt qua bệnh tật”. Những mái ấm gia đình ở làng phong Quy Hòa cứ như trong truyện cổ tích. Tại đây, hàng trăm bệnh nhân từ khắp nơi đã gặp nhau và thành vợ thành chồng, sinh con, đẻ cái. Tình yêu là liều thuốc kỳ diệu giúp họ vượt qua bệnh tật và sống tốt hơn.
Nói về những gia đình này, ông Trần Công Nghĩa - Trưởng ban Đời sống và Tiếp nhận từ thiện của Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa cho biết, mặc dù chưa có một số liệu thống kê chính xác, nhưng ở làng phong Quy Hòa có hơn 250 hộ gia đình đang sinh sống đều là những người bệnh vào đây chữa trị, gặp nhau và tự nguyện sống bên nhau trọn đời. Nhiều người trong số họ đến nay đã làm ông, làm cụ như gia đình ông Nguyễn Văn Vinh, ông Lương Sinh, ông Huỳnh Trơn... Đặc biệt, gia đình ông Nguyễn Đẩu có 4 thế hệ cùng lớn lên, sinh sống ở khu làng này. Theo thống kê, có 120 bệnh nhân là cụ ông, cụ bà từ 60 tuổi đến 88 tuổi. Riêng bà Huỳnh Thị Chút đã 102 tuổi!
Bài, ảnh: Nguyên Khôi