Chuyện tình kỳ lạ ở Miêu Lật

31-03-2019 11:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Trước khi đến Đài Loan trong một chuyến đi 6 ngày, 3 mẹ con tôi đã có những bất đồng nhỏ về chuyện chúng tôi sẽ ở đâu tại vùng lãnh thổ này.

Tôi muốn tới nhà Lê Huyền tại huyện Miêu Lật (thuộc Đài Trung) nhưng con gái tôi nhất định bảo rằng đó là một huyện vùng quê, không có gì để chơi cả, nếu tôi muốn thì chỉ nên ở đó 1 ngày trong cả lịch trình.

Cuối cùng, tôi phải nhượng bộ hai con gái vì suy cho cùng, chuyến đi này là vì nguyện vọng của hai con, còn mục đích của tôi là tìm hiểu cuộc sống của một phụ nữ 7X cùng quê, đã di dân tới Miêu Lật gần 2 thập kỷ đành phải dời lại sau vậy. Tuy nhiên, chỉ một ngày đêm đến với Lê Huyền và gia đình cô ở Đài Loan, tôi không ngờ là mình đã “gặt hái” được một câu chuyện tình cảm động kỳ lạ đến thế.

Huyền inbox cho tôi địa chỉ của em ở Miêu Lật để tôi tìm đến nhà cho thuận tiện, tôi xem thấy toàn tiếng Trung, bèn nhắn lại em:

- Em dịch sang tiếng Anh cho chị chứ cái thứ chữ viết nhìn như chè khô rắc lên giấy này chị không hiểu được!

- Em không biết tiếng Anh, để  tối về nhà em bảo “thằng chồng” em nó dịch cho rồi nhắn chị nhé.

Tôi hơi choáng trước cái cách mà Huyền gọi chồng mình. Nhưng chẳng dám hỏi Huyền tại sao em lại gọi chồng như thế, tôi đành suy diễn rằng, Huyền xuất thân trong một gia đình nông dân ở quê tôi, cho dù đã học lên THPT nhưng sau đó lại đi làm công nhân, có thể em quen với cách xưng hô bỗ bã. Nhưng tôi vẫn có chút băn khoăn rằng, không hiểu cuộc sống của em với người chồng Đài Loan có hạnh phúc thực sự không?

Hơn chục năm qua, tôi chẳng gặp Huyền, nhưng những lần về làng, tôi nghe một chị họ tôi, hàng xóm của Huyền kể, rằng em đã lấy chồng người Đài Loan, sinh đứa con gái đầu tiên lại bị bệnh Down nên Huyền khổ với nhà chồng lắm. Nhưng rồi sau đó, run rủi thế nào Huyền lại sinh được đứa con trai thứ hai khỏe khoắn, nhanh nhẹn nên cuối cùng thì gia đình chồng Huyền đã cư xử với em tốt hơn, em đã có được lời ăn tiếng nói trong gia đình. Người Đài Loan vẫn phong kiến lắm dù kinh tế họ phát triển mạnh hàng mấy chục năm qua, thu nhập bình quân đầu người chỉ sau Nhật.

Vợ chồng Lê Huyền - Chinh Y dạo chơi trên bãi biển ở Houlung (Miêu Lật, Đài Trung, Đài Loan).

Vợ chồng Lê Huyền - Chinh Y dạo chơi trên bãi biển ở Houlung (Miêu Lật, Đài Trung, Đài Loan).

Huyền đã từng có cuộc sống lận đận ở Việt Nam. Em lấy chồng sớm, sinh một con gái. Chồng em cao ráo, đẹp trai nhưng sống tệ đến nỗi sau khi sinh con, em đã ly dị. Huyền để con gái ở nhà gửi mẹ đẻ nuôi, sang Đài Loan theo diện xuất khẩu lao động. Em vào làm việc trong một nhà máy sản xuất phụ tùng xe đạp ở Đài Trung. Quyết định ra đi, Huyền chỉ muốn thoát khỏi nhiều hủ tục nặng nề. Những người đàn ông hoặc say rượu, hoặc cờ bạc, hoặc ăn bám vợ nhưng vẫn vênh mặt sống như một bề trên và hành hạ phụ nữ cả thể chất và tinh thần. Cũng có thể có người đàn ông tốt bụng ở đâu đó nhưng Huyền không có cơ hội gặp họ. Ở Đài Loan, dù lao động giản đơn trong nhà máy, sau khi trừ sinh hoạt phí, mỗi tháng Huyền cũng có thể chắt chiu dành dụm được 20 triệu đồng, gấp 7 lần số thu nhập của em khi còn lao động trong nước. Ở nhà máy, Huyền chỉ tập trung vào công việc. Bất cứ khi nào nhà máy cần huy động làm thêm giờ, em đều đăng ký đầu tiên. Em xác định, sang Đài Loan để lao động kiếm tiền, không mất thì giờ vào những thứ không quan trọng khác. Lao động ở đây, tích lũy vốn rồi về Việt Nam sống với con. Có lẽ sự nghiêm túc cùng vẻ xa lạ, cách làm việc tập trung của Huyền đã lay động trái tim một chàng trai trẻ làm quản lý phân xưởng em đang làm việc. Sai Chinh Y (Thái Thanh Ích) - một chàng trai tân kém Huyền 2 tuổi đã phải lòng em. Cậu ta tìm cách tiếp cận Huyền, chăm sóc những việc nhỏ, hỏi han sức khỏe... Huyền lập tức tránh ra, em nghĩ rằng mình muốn yên thân để tập trung cho việc làm kiếm tiền. Nhưng Sai Chinh Y không dễ từ bỏ hy vọng. Cậu ta kiên nhẫn theo đuổi Huyền suốt 2 năm. Những gì từ trái tim sẽ dẫn đến trái tim, câu nói này không cũ và vẫn đúng trong trường hợp của Huyền. Khi họ chính thức yêu nhau, bản thân Sai Chinh Y và Huyền cũng phải vượt qua những trở ngại khác từ gia đình của anh. Gia đình Sai Chinh Y, nhất là bố anh không đồng ý việc anh lấy vợ là người nước ngoài, vả lại, cô ta đã qua một đời chồng và có con riêng ở Việt Nam.

Sai Chinh Y chỉ đơn giản nói, nếu không cưới được Huyền làm vợ thì anh không lấy người con gái nào khác nữa. Lễ cưới cuối cùng đã diễn ra nhưng vợ chồng Lê Huyền - Sai Chinh Y tiếp tục phải đối mặt với thách thức ngay trong gia đình họ. Thành lập gia đình riêng rồi, nhưng Sai Chinh Y không muốn ở riêng, anh thuyết phục Huyền rằng họ nên ở chung với bố mẹ chồng. Huyền đồng ý và em cũng sẵn sàng đối mặt với tình huống làm dâu ở Đài Loan.

Chinh Y rất yêu vợ, làm được bao nhiêu tiền lương, anh đều đưa hết cho vợ giữ. Tuy nhiên, Huyền hiểu rằng, chồng mình cũng là đứa con cực kỳ hiếu thảo. Nếu phải chọn giữa vợ và mẹ, anh thà xa vợ chứ không bao giờ bỏ mẹ mình. Sai Chinh Y thuộc lứa đàn ông Đài Loan thế hệ 7X về sau có quan điểm sống rất thoáng, hiện đại và có trách nhiệm, giống như đàn ông châu Âu vậy. Họ thương yêu và nâng niu người phụ nữ của họ. Họ cũng biết cách để làm tươi mới tình yêu. Vợ chồng Sai Chinh Y và Lê Huyền lấy nhau hơn 12 năm rồi, có 2 mặt con và rất bận rộn nhưng mỗi khi ra ngoài, anh ấy luôn nắm chặt tay vợ hoặc khoác vai, luôn âu yếm và đùa cho vợ vui, lắm lúc còn hôn hít nữa khiến hồi đầu chưa quen nên Huyền rất ngượng.

Cho đến nay, ông Lương bố chồng Huyền vẫn kỳ thị cô con dâu nước ngoài. Ông không nói chuyện với Huyền, cũng không đáp trả mỗi khi em hỏi việc trong nhà. Huyền nấu ăn, mời ông ra mâm cơm, ông lẳng lặng đứng dậy nhưng vẫn không trả lời. Ban đầu Huyền rất ức chế, nhưng sau này em đành nghĩ, hãy coi như ông ấy bị câm và thương ông ấy thôi.

Trái lại, người mẹ chồng Đài Loan của Huyền dường như muốn bù đắp cho em sự lạnh lùng của bố chồng. Bà tận tình giúp con dâu làm quen với lối sống gia đình ở Miêu Lật. Cách nấu các món truyền thống, nhất là món canh đặc biệt của người Đài Loan. Huyền tới nay đã biết nấu tới 16 món canh vị khác nhau với nguyên liệu từ xương lợn, gà, cá... để tạo ngọt, cùng các loại củ quả để bồi bổ sức khỏe.

Khi gọi điện cho Huyền lúc mẹ con tôi đã tới Đài Loan, tôi hết sức tránh để không hỏi thăm đến đứa con bị bệnh Down của em. Tôi e đó là một vấn đề nhạy cảm và không muốn động chạm. Nhưng Huyền đã khiến tôi ngạc nhiên khi em cùng chồng lái xe đến khách sạn đón mẹ con tôi và mang theo đứa con lớn của mình. Em hoàn toàn thoải mái khi nói chuyện về đứa con này. Bé Cảnh Vân gần 10 tuổi, trông khá hiền lành và biết cách cư xử tối thiểu.

Khi Huyền mang bầu đến tháng thứ 6, tới bệnh viện khám thai thì bác sĩ thông báo con có khả năng cao bị bệnh Down, tùy gia đình xử trí nhưng tốt nhất là không nên sinh đứa con này bởi đời sống gia đình sẽ đảo lộn, con sẽ là gánh nặng cho cả gia đình và xã hội. Gia đình Huyền thực sự khủng hoảng vì cái tin đó. Vợ chồng trẻ sinh ra mâu thuẫn, Chinh Y không muốn sinh đứa con này, Huyền thì khóc. Em vẫn muốn sinh con. Em nghĩ, mình từng sinh một đứa con bình thường ở Việt Nam thì tại sao lần này bác sĩ lại kết luận là con không bình thường!? Huyền khăng khăng nói với chồng, rằng nếu “mày” không chấp nhận thì “tao” sẽ đẻ con và mang con về Việt Nam. Quá yêu vợ, dù biết quyết định của vợ là mù quáng nhưng Chinh Y đành chấp nhận theo.

Lại nói đến chuyện xưng hô giữa vợ chồng Huyền. Trên xe ôtô mà Chinh Y lái đưa 3 mẹ con tôi về nhà họ ở Miêu Lật, Huyền vẫn vô tư gọi “thằng chồng em” như thế. Thực ra, ngôn ngữ ở đây không phân bậc như Việt Nam, gọi nhau ngang bằng chỉ có 2 ngôi, Huyền cứ phiên dịch đại ra là “mày”, “tao” suồng sã vậy. Nhưng qua giọng nói, ánh mắt, cử chỉ giữa họ với nhau, tôi thầm mừng cho tình yêu của vợ chồng Huyền - Chinh Y. Chinh Y không nói tiếng Anh nên cuộc trò chuyện giữa chúng tôi phải do Huyền phiên dịch. Nếu muốn hiểu tiếng Anh, Chinh Y phải nhờ “bác Google” dịch hộ.

Trong bữa tối và buổi đêm, tôi quan sát việc Chinh Y luôn ở bên, sẵn sàng làm những gì Huyền sai bảo, lại tỏ ra hiếu khách và rất nhiệt tình... Tôi thầm mừng cho em và thêm kính trọng người đàn ông này. Tôi từng đi nhiều nước, kể cả các nước văn minh lâu đời ở châu Âu, từng đến nhiều gia đình ở để quan sát cuộc hôn nhân của họ. Và riêng với vợ chồng Huyền - Chinh Y, tôi thực sự cảm động trước cảnh sống của họ, trước tình cảm họ dành cho nhau. Trước mắt tôi lúc ấy không là một cô Huyền xuất thân ở làng tôi với kiến thức hạn hẹp mà là một phụ nữ đã trưởng thành, hiểu biết, hoàn toàn làm chủ cuộc sống và cuộc hôn nhân đẹp của mình.

Hôm sau, Chinh Y và Huyền đưa 3 mẹ con tôi đi chơi tại bãi biển Houlung và cảng cá Miêu Lật. Chinh Y sốt sắng vừa lái xe, vừa làm hướng dẫn viên giới thiệu những danh thắng ở Miêu Lật. Anh cũng hào phóng chiêu đãi bạn vợ những đặc sản nơi đây gồm trà sữa, các món hải sản nướng, hấp tươi ngon. Nhưng bên cạnh việc chăm sóc chúng tôi, anh cũng vẫn luôn nắm tay, khoác vai vợ mình, trân trọng và âu yếm, gần gũi và yêu thương. Tôi cảm động trước cảnh anh bước đi, tay khoác vai vợ không rời, gió biển táp vào khiến áo, khiến tóc họ vấn vít. Tôi cứ ngắm họ, mỉm cười và tự hỏi, làm sao một cặp vợ chồng, lấy nhau đã hơn chục năm, mà lại vẫn cư xử âu yếm, nồng nhiệt và tình tứ đến thế!? Tôi không rõ trình độ cũng như vị trí hiện tại của Chinh Y trong xí nghiệp anh làm việc ở Miêu Lật hiện nay, nhưng qua cách ứng xử, qua tình yêu của anh với vợ thì trong mắt tôi, anh thực sự là một quý ông đáng kính. Đó chắc chắn là một đấng trượng phu mà Huyền muốn tìm kiếm cả đời mình.

Huyền kể, khi biết bạn vợ đến chơi nhà và ở lại 1 ngày đêm, Chinh Y đã xin nghỉ làm để rảnh rang đưa bạn vợ đi thăm thú quanh vùng. Huyền cũng xin nghỉ 1 ngày phép. Nếu chúng tôi không đến chơi, chắc chắn là Huyền cũng sẽ chưa đến bãi biển này cùng chồng. Họ coi đây là ngày hiếm hoi được cùng nhau đi chơi, tận hưởng cuộc sống. Không bố mẹ ở bên, không con cái ở bên. Cả hai đều cùng vui và thoải mái nhất. Bình thường, Chinh Y và Huyền đều đi làm chăm chỉ, riêng Chinh Y còn đăng ký làm thêm cuối tuần để có kinh phí nuôi gia đình. Anh vừa kết thúc việc trả góp tiền mua ngôi nhà họ đang ở, nhưng gánh nặng gia đình vẫn còn đó, mỗi tháng, anh phải nộp cho bố mẹ hơn 5.000 tệ tiền Đài Loan để họ tiêu vặt, gửi tiền về Việt Nam nuôi con vợ ăn học đại học, tích tiền để lo phẫu thuật tim cho con gái Cảnh Vân... Biết bao nhiêu trách nhiệm tình cảm và tài chính mà người đàn ông của Huyền cần gánh vác, nhưng cuộc sống của anh là thế và Chinh Y hạnh phúc được gánh vác. Điều quan trọng nhất là anh có Huyền bên cạnh.

Đa mang, đèo bòng, cao thượng, ích kỷ, tình yêu và tình thương, sự cả nể và nỗi đau, hạnh phúc và day dứt... Biết bao cảm xúc, biết bao điều vừa đẹp đẽ, vừa trái khoáy đều diễn ra trong ngôi nhà ở Miêu Lật này. Ngôi nhà có nhiều cửa sổ mà luôn đóng lại vì quá nhiều gió biển, gió quá mạnh và rất lạnh vào mùa đông. Quanh nhà, cánh đồng lúa, đồng cỏ rạp cả xuống trước sức mạnh của gió. Có lẽ vì thế mà 2 con gái tôi, những cô gái thành thị ham vui, không muốn ở lại lâu quá 1 ngày đêm tại nơi này chăng...

Nhưng tôi nhất định sẽ quay trở lại với Chinh Y và Huyền một lần nữa. Tôi tự hứa như vậy.


Bài, ảnh: Kiều Bích Hậu
Ý kiến của bạn