Càng dần lên cao, trời sáng hơn nhưng có những cụm mây vẫn bám diết lấy mặt kính phía trước. Cố từng đoạn một. Bỗng có người reo lên: Hoa đào kìa! Một không gian màu hồng sáng bừng phía trước mặt…
Ai lên xứ hoa đào
Lên tới đây vào dịp đầu xuân, nhiều người dễ nhầm đây với xứ hoa đào Đà Lạt, với khúc ca Ai lên xứ hoa đào của Hoàng Nguyên. Bởi đây cũng là một vùng hoa lạ, hồn nhiên với âm thanh luôn vang lên trong trí tưởng tượng của con người, với những chiếc xà ích được trang hoàng lộng lẫy, đưa những nàng tiên giáng trần. Hoa đào chuông! Một loài hoa mà ở Đà Lạt không hề có. Chẳng ai biết mà trồng. Ông trời đã ban cho Mẫu Sơn giống hoa này, nảy mầm từ các triền núi cao. Dãy núi Mẫu Sơn trải dài cả ba xã, rộng tới 700 cây số vuông, gồm 80 ngọn núi chạy dọc biên giới Trung Hoa. Giờ đến mùa hoa đào nở, cánh căng mọng, ngỡ như trong suốt như tơ lụa vậy. Hoa đào ở Mẫu Sơn có tới mấy loại. Đều là đào rừng. Ngoài đào chuông, người ta thường chơi cả đào quả, rồi hoa anh đào (giống của Nhật Bản)… Lại nghe nói, tít trên đỉnh núi Mẹ (Mẫu Sơn) còn có cây hoa đào mấy trăm năm tuổi vẫn ra hoa, xòe tán phủ tràn nền móng một biệt thự cổ như một vườn hoa sưởi ấm cho mặt đất và tỏa ngát hương. Đúng vậy khi lên tới khu du lịch Mẫu Sơn, ở độ cao chỉ chừng 1.100m, ngày nắng khô vẫn nhìn thấy một khu rừng tỏa sắc hồng phía xa trên núi Mẹ cao 1.541m. Đó mới là đỉnh Mẫu Sơn. Người dân tộc Dao ở đây thường lên đỉnh Mẫu Sơn hái thuốc lá. Nhiều khi trong bồn nước tắm thuốc cho du khách, họ hay bỏ thêm những cánh hoa đào chuông phơn phớt hồng làm thơm nước ngấm vào cơ thể. Có người tắm xong người thơm suốt cả ngày là vì thế. Hương hoa đào rừng là vậy. Do trời đất ban cho. Huyền diệu làm sao.
Tạo dáng bên vườn đào.
Khi rẽ vào bản Dao xã Công Sơn ở lưng chừng núi cao 1.000m, chúng tôi mới hay vì sao họ gọi nơi đây là cõi thiên thai, với hàng trăm vườn đào trải khắp đỉnh núi cao. Dẫn chúng tôi đi là ông Nguyễn Gia Mến, người đã trồng mấy ngàn cây đào trên núi, để chặt cành mang xuống chợ bán vào mỗi vụ Tết. Đã 30 năm theo đuổi nghề hoa đào, ông kể vanh vách những kinh nghiệm làm vui khách chơi hoa đào. Bất ngờ ông hỏi chúng tôi, vì sao người ta thường chơi hoa đào vào dịp Tết? Ai cũng ớ ra một lúc rồi có người nói vì nó đẹp thôi. Nhưng ông lại có triết lý của mình về hoa đào. Ông nói về phong thủy, hoa đào có thể trị bách quỷ, đồng thời là biểu tượng cho sự đổi mới, sinh sôi phát triển. Đồng thời hoa còn có ý nghĩa về sự sống vượt qua khó khăn và dám đương đầu với thách thức khắc nghiệt của thiên nhiên. Nhất là hoa đào rừng, cánh mỏng, hương thơm ngan ngát và có sức sống mãnh liệt, với những bộ rễ bám sâu giữa những kẽ đá, hay vách núi. Mặc cho thời tiết sương muối, dưới âm 3 độ mà cành vẫn đâm chồi nảy lộc đơm hoa. Ông chỉ cho chúng tôi một cây hoa đào chuông trên vách núi. Đúng là nở bung hết hoa căng tràn sức sống. Cánh hoa mở ra tạo nên hình quả chuông thắm hơn hoa đào thường. Sau đó, ông chỉ cho chúng tôi biết những cành đào có vảy bạc xen lẫn màu nâu đang chuẩn bị đưa xuống dưới chân núi, cho khách đặt từ trước. Những cành đào có vỏ đanh lại như thế gọi là đào đá bởi nó biểu hiện cho một sức sống mạnh mẽ và bền bỉ với thời gian. Thì ra, mọi sự chơi hoa đào cũng còn ẩn giấu những nét văn hóa và tâm linh, mà không phải ai cũng lưu tâm. Ông kể dân chơi hoa đào giờ sành lắm. Họ lên chọn cành, chọn dáng, đánh dấu rồi đặt cọc trước. Vậy là gia đình ông phải nuôi những cành đào như thế cả năm trời cho đến trước Tết, chờ khách lên lấy. Nếu cành không được ý khách là mất toi công sức chăm bẵm cả mùa.
Ông Mến còn kể, cùng với nghiệp làm đào như ông còn có bà Phượng, người dưới thành phố Lạng Sơn lên đầu tư lớn để giữ giống hoa đào Mẫu Sơn. Bà nghĩ nếu cứ để mọi người khai thác hoa rừng chả mấy chốc mà hết giống, nên phải tổ chức gây giống và trồng thêm nhiều vườn đào rừng mới. Bà đã mua những gốc đào cổ của người dân khai thác được rồi thuê họ trồng ngay trên đất nhà mình để bảo tồn lâu dài. Nhất là loại cây đào quả, vì đó là đặc sản của Mẫu Sơn. Quả có vị ngọt lịm, cùi dầy, hương thơm phảng phất, hạt chỉ nhỏ bằng hòn bi ve. Giống đào quả Mẫu Sơn khác hẳn đào Trung Quốc tràn ngập ở chợ Lạng Sơn, nom thì chín đỏ rực, thơm nức nhưng thịt lại mềm nhũn. Bà Phượng còn có ý tưởng sẽ tổ chức lễ hội đào Mẫu Sơn và không bao giờ bán những gốc đào cổ, bởi đó là giá trị di sản văn hóa của một vùng miền cần được gìn giữ. Chính vì thế, giờ đây vườn đào của nhiều gia đình nở bung, tạo nên cảnh sắc thần tiên như hiện nay.
Chuyện tình của người Dao bên vườn đào
Đúng là khi lên tới khu du lịch Mẫu Sơn, chúng tôi mới biết đến tên của từng ngọn núi trước mặt và câu chuyện tình bí ẩn của nó. Người kể là anh Hùng, nhân viên Trạm Khí tượng Mẫu Sơn, ngay bên đường lên đài quan sát. Những người đo đạc thời tiết nơi đây họ đều phải nắm được những vị trí, từ độ cao đến độ bức xạ mặt trời hoặc hướng gió và độ ẩm… Họ phải chia nhau đo đạc theo giờ suốt ngày đêm để báo về đài khí tượng thành phố. Hùng chỉ cho chúng tôi ngọn núi cao nhất, tên là núi Mẹ, rồi ngọn phía bên trái là núi Cha, rồi kể câu chuyện cổ tích về hai ngọn núi này, rằng… Xưa thật là xưa… Trên núi có một gia đình sống rất hạnh phúc. Vợ chồng họ có bày con trẻ thật đáng yêu. Họ thường tìm những cành đào về chơi vào những dịp xuân về. Người vợ xinh đẹp thì hay đi hái những quả đào ngọt cho các con ăn. Mọi người đều khỏe mạnh và xinh đẹp. Người chồng vạm vỡ cường tráng chống trả cả hổ beo trong rừng sâu. Bất ngờ, có lệnh vua triệu người chồng đi lính ra trận chống giặc ngoại xâm. Người vợ buồn bã tiễn chồng lên đường và cất vào túi chồng một bông hoa đào hẹn ngày chiến thắng trở về. Hai người quyến luyến trong nhớ nhung. Hương đào đi theo người chồng như một sự gửi gắm tình yêu và hò hẹn hạnh phúc quay về.
Nhưng đâu có ngờ, một kẻ nhà giàu trong bản muốn chiếm đoạt người phụ nữ xinh đẹp này. Hắn mơ về một người đàn bà có làn da ngát hương đào thơm trên đỉnh núi. Bằng mọi cách hắn tìm cách tiếp cận, mua chuộc, dỗ dành, nhưng đều bị từ chối. Hắn tức tối và nuôi chí phá hoại hạnh phúc của họ. Khi người chồng trở về, kẻ nhà giàu kia cho người bắn tin rằng, người vợ kia đã ăn ngủ với một chàng trai dưới chân núi, tên là Chóp Chài. Người chồng cả tin nổi giận về tra khảo, đánh đập vợ. Mặc dù cho vợ thề độc, nguyện lấy cái chết để thể hiện sự trong trắng, thủy chung của mình, nhưng người chồng không tin. Người vợ giải thích, Chóp Chài chỉ ngủ nhờ trong bếp vì lỡ đường, trong đêm tối không xuống núi được, vì lắm thú dữ rình rập khắp nơi. Tất cả bà con trong bản có thể làm chứng. Trong cơn say rượu người chồng quá nóng giận, nổi cơn ghen cuồng nộ, đã ra tay giết vợ không chớp mắt. Khi hồi tỉnh, người chồng chợt nhớ ra mình đã vạch đánh dấu trên bụng vợ, nên vội vã kiểm tra lại. Cay đắng sao vạch dấu đó vẫn còn nguyên. Người chồng hối hận thì đã muộn. Người vợ phải nhận cái chết oan uổng không sao giải thoát được. Người chồng vật vã khóc than ba năm liền và xây miếu để cầu xin vợ tha tội cho mình. Oan hồn người vợ bay lên trời, xin Ngọc Hoàng giải thoát tình cảnh này, mong chồng không quá đau buồn nữa. Ngọc Hoàng cho tiên nữ xuống giải thoát tội lỗi người chồng. Nhưng ngờ đâu, người chồng quyết xin cho được chết để tạ tội vợ và mong sau này cả nhà được sum vầy như thuở ban đầu. Ước muốn của người chồng được toại nguyện. Gia đình con cháu của họ đã hóa thành 80 ngọn núi trùng điệp quây quần như thành lũy nơi biên cương Tổ quốc như ngày nay. Hai ngọn núi cao nhất là núi Cha và núi Mẹ, còn lại xếp theo thứ tự là các con, các cháu trong dòng họ tiếp núi nhiều đời… Và, chính nơi chúng ta đứng đây, tại khu du lịch này được gọi là núi Cháu là vì thế. Anh Hùng còn chỉ sang ngọn núi cách đó không xa, đó chính là đỉnh núi Chóp Chài, tên của chàng trai người Dao trong câu chuyện ngày ấy. Chàng cũng khóc, thương cảm nỗi oan khuất của người phụ nữ đã giúp đỡ mình cho đến chết, rồi hóa thành ngọn núi đứng kề bên.
Màu hoa trinh nguyên
Vậy mới hay, người Dao ở Mẫu Sơn thường nói, hoa đào trên núi có màu đỏ thắm và thơm ngát vì đất đã nuôi cây bằng máu và nước mắt oan khiên của người phụ nữ một lòng chờ chồng trở về. Nên khi tàn hoa, kết quả, trái đào cũng có màu đỏ như trái ớt, khi to dần còn đọng lại màu hồng. Hoa thắm và dịu dàng hơn bất cứ đâu. Một nét đẹp trinh nguyên của lòng người con gái. Một cô gái người Dao đưa cho chúng tôi xem những quả chanh, cũng kể rằng, đây là sự kết tinh qua những giọt nước mắt của người chồng khóc ròng trong ba năm liền. Nước mắt đã đổ thành chín dòng suối chảy từ núi cao. Chính vì thế chanh ở Mẫu Sơn tuy không to những lại thơm ngon, có vị chua dịu hơn chanh các vùng khác. Riêng rượu được cất từ nguồn nước suối chảy từ mắt của người chồng cũng khác lạ. Thơm và ngọt từ gạo nếp hương còn nguyên vỏ cám được ủ men lá mấy ngày đêm. Một câu chuyện cổ tích nhưng ít khi lại gắn với đời sống hiện thực như hoa đào Mẫu Sơn. Một dãy núi đầy bí ẩn, nơi biên viễn trong sương mù quanh năm, luôn mới lạ cho bất kể du khách nào lên đây. Những người Dao nơi đây luôn hát rằng: “Hoa đào nở hết. Anh giờ nơi đâu. Em chờ anh mãi. Đợi đến mùa sau. Nụ đào chúm chím. Ủ sắc nhiệm màu. Hồn em trong suốt. Thơm hương tình yêu…”.