Còn những mối tình thật của đời ông lại đẹp như trong tiểu thuyết.
Nhớ mãi mùa hè năm 1997, trong một lần tôi đến thăm gia đình nhà văn Nguyễn Văn Bổng. Không thấy anh, chị Hồ Thị Vân - vợ nhà văn chỉ vào chiếc giường phía sau cái tủ ngăn làm tấm bình phong, nói với tôi: “Dạo này anh Bổng ít ngủ về đêm nên buổi sáng tôi thường để anh ấy dậy muộn”...
Chị thủ thỉ... “Ngày xưa, đó là năm 1947, cách nay đúng nửa thế kỷ, tôi chơi với mấy người bạn là cháu của anh Bổng nên cũng theo bạn xưng cháu và gọi anh Bổng bằng chú!”. Kể đến đó, chị Vân cười, một nụ cười tươi trẻ, lạc quan.
- Sau đó chị yêu anh Bổng?
- Anh trai tôi ngày đó là Thư ký tòa soạn báo Cứu quốc khu V, là bạn thân của anh ấy. Trong chuyện này, anh tôi tích cực giúp đỡ anh Bổng lắm, rất ủng hộ anh ấy!
- Đám cưới nhà văn Nguyễn Văn Bổng chắc rất to?
- Đâu có, hồi đó là thời kháng chiến chống Pháp, đang tản cư, ở nhà dân, làm mấy mâm đơn giản. Anh Nguyễn Duy Trinh - cố Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ngày ấy là đại diện Trung ương Đảng ở khu V nói mấy câu...
46 năm đã trôi qua sau đám cưới ấy. Vợ chồng anh Bổng chị Vân đã có 4 con trai trưởng thành. Năm 1997, nhà văn 76 tuổi. Qua mấy lần mổ mắt, giờ đã bị kém nhiều. Chỉ còn 2/10. Hằng ngày, người vợ phải đọc báo cho nhà văn nghe và phải bón cho anh từng thìa súp. Anh ăn xong, chị lo thu dọn.
Nhà văn Nguyễn Văn Bổng (đứng giữa) thời kỳ ở chiến trường miền Nam.
Nhà văn tâm sự: ... Tôi và người vợ trước cưới nhau hồi sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Đà Nẵng. Chúng tôi có đứa con gái tên Thu 6 tháng tuổi trông rất kháu khỉnh. Một hôm tôi đi công tác ghé về, thấy một cô gái đứng bên nôi con tôi. Cô mặc quần trắng, áo dài màu xanh biển - màu áo của nữ sinh trường Đồng Khánh, Huế. Mặt sáng sủa, dịu hiền, tóc cặp bỏ ra sau lưng. Tay đẩy nhẹ vành nôi ru giấc ngủ con tôi. Cử chỉ rất đáng yêu. Hình dáng, thái độ của cô làm tôi nhớ đến người nữ sinh Đồng Khánh. Hình ảnh của cô còn gợi lại cả ngôi trường ấy, cách trường Khải Định chúng tôi một con đường nhỏ. Gợi lại sông Hương, núi Ngự, những vui buồn đời học sinh, những mối tình đầu...
Nhưng tôi đang có vợ con! Vợ mới cưới chưa được 2 năm.
Chị tôi cho biết, đó là Vân - con một nhà giáo, bạn của các cháu, lên thăm chị tôi, làm quen với vợ tôi, có ý để xin vào cơ quan tôi. Sau này, Vân trở thành nhân viên trong bộ phận tờ báo của tỉnh.
Trận bom đầu của Pháp đánh xuống An Tân - một thị trấn giáp ranh Quảng Nam - Quảng Ngãi nơi gia đình tản cư. Vợ và con tôi chết. Tôi đón mẹ vợ về cơ quan. Cả cơ quan đều “má má, con con” với bà. Riêng Vân, ngoài giờ làm việc, hầu như không rời bà ra. Tối Vân ngủ chung với bà. Cũng “má, con” với bà. Vân tỏ ra thông cảm với hoàn cảnh của tôi - mất vợ, mất con - đứa bé mà Vân cũng rất yêu và người vợ của tôi mà Vân rất mến.
Sang năm 1948, tôi chuyển về cơ quan văn nghệ tỉnh, chuyên đi viết. Vân cũng về báo Cứu quốc khu V. Hai cơ quan cách nhau vài cây số. Thỉnh thoảng tôi về cơ quan cũ, thăm anh chị em, thăm mẹ vợ. Lần nào gặp nhau, Vân cũng mừng rỡ nhưng thái độ lễ phép, dè dặt. Có nhiều dịp Vân gửi quà cho mẹ vợ tôi: tấm khăn mặt, gói bánh đậu. Lần nào mẹ vợ tôi cũng hỏi đủ thứ chuyện về Vân. Một lần, bà nhìn tôi, e dè nói: “Dẫu sao thì mẹ con con Thu cũng không còn nữa, mẹ thấy con Vân...!”.
Tôi vẫn nghe anh chị em cơ quan cũ cho biết, Vân đã trở thành đối tượng tỏ tình của những bác sĩ, kỹ sư, kể cả những cán bộ cách mạng có tầm cỡ và rất nhiều anh em trẻ. Thế nhưng, chuyện gì phải đến, đã đến. Tôi yêu Vân! Nhưng vợ con tôi mới mất chưa bao lâu. Tôi thấy mình có lỗi nhưng không ngăn lòng mình lại được. Nó trống vắng quá. Tôi quyết viết cho Vân một lá thư. Một lá thư dài, tha thiết chân thật, kể hết nỗi lòng mình, trao cho Vân rồi đi công tác ngay.
1 tháng sau, trở về cơ quan rồi sang gặp Vân, lấy hết can đảm hỏi: - Vân nghĩ gì về thư của anh? Vân nhìn tôi rồi gục mặt xuống bàn. Tôi lúng túng nói: “Đáng lẽ anh không nên làm như vậy, không nên viết thư cho em... nhưng...!”. Cuối cùng, Vân ngửng nhìn lên, long lanh nước mắt...
Tôi hiểu, Vân không nỡ từ chối, nhưng cũng không thể mở miệng nhận lời tôi. Vì lẽ gì, tôi biết. Tôi không phải bác sĩ, kỹ sư, không phải cán bộ có địa vị, chưa viết được gì đáng kể ngoài vài bài bút ký, truyện ngắn đăng ở báo tỉnh, khu. Chẳng có gì quyến rũ đối với những cô gái như Vân, lại đã từng có vợ, có con.
Tình trạng đó kéo dài gần 3 năm. Đầu năm 1951, Vân nhận lời tôi. Tôi đi công tác ra Quảng Nam, ghé cơ quan cũ thăm mẹ vợ trước của tôi, thưa với bà là tôi sắp cưới Vân. Bà nhỏ nhẹ: “Mẹ mừng cho con... cho hai đứa!”.
***
Năm 1962, tôi đi B. Cuối năm 1966, vào Sài Gòn. Định vào ở một cơ sở là con của người chị gái nhưng chị gạt đi vì cháu đứng bán thuốc cho bà Ngọc Ánh. “Bà ta nói biết cậu”. Tôi giật mình! Ngọc Ánh chính là người yêu của tôi hồi ở Huế trước khi tôi cưới người vợ thứ nhất ở Đà Nẵng. Bây giờ có hiệu thuốc tây rất lớn ở giữa Sài Gòn. Ngọc Ánh biết con của chị tôi là người Quảng Nam, một lần hỏi: “Có biết ông Nguyễn Văn Bổng cũng ở Quảng Nam không?” - “Có, nhưng bị mất tin tức!” - “Nghe nói ông ấy là nhà văn!”. Sau này tôi được biết, Ngọc Ánh chưa có chồng. Tuy không nằm trong tổ chức nhưng vẫn thường gửi thuốc men, dụng cụ y tế ra vùng giải phóng cho cách mạng. Cô còn đóng góp nhiều cho phong trào phụ nữ của ta.
Sau đợt I Tổng tiến công của ta hồi Mậu Thân 1968, tôi phải đổi cơ sở. Tôi không có tờ khai gia đình. Người cháu con chị gái bảo: “Hay cậu qua nhà cô Ngọc Ánh, hiệu thuốc có tiếng, lại toàn chơi với giới thượng lưu. Bọn nó nể lắm!”. Chẳng lẽ Ngọc Ánh tố giác tôi? Tình yêu của chúng tôi ngày xưa! Ngọc Ánh lại có cảm tình với Cách mạng...
Đến nơi, Ngọc Ánh nhận ra tôi, thoáng ngạc nhiên nhưng lại bình tĩnh ngay: “Anh!”. Cháu tôi nói: “Chị nhận ra à?” - “Sao không nhận ra!” - “Anh có thẻ kiểm tra không?” - “Có!”. Tôi rút thẻ kiểm tra đưa cho Ngọc Ánh. Cô nhìn qua rồi trả lại tôi: “Thẻ giả!”. Cháu tôi lém lỉnh: “Nhưng người thật!”. Trao đổi xong, cháu về. Ngọc Ánh bảo tôi: “Gấp quá rồi! Anh vào phòng trong thay đồ, rồi lên giường nằm, quay mặt vào phía trong... Mọi việc có em lo!”. Tôi làm theo như một cái máy.
Tôi nhớ lại hồi tôi từ giã Huế có để lại cho Ngọc Ánh lá thư lãng mạn kiểu văn chương Tự lực văn đoàn: “Đời anh gió bụi, không ở lại được với em. Xa em, anh vẫn mang theo hình ảnh em trong lòng...”.
Có tiếng cổng mở. Tiếng giày lính vào sân, dưới hiên... Ngọc Ánh cởi phắt chiếc kimônô vắt lên ghế, trên người chỉ còn chiếc quần lót màu xanh, nằm xuống giường, ôm riết lấy tôi và hôn...
Một trung úy ngụy quân trẻ tuổi đẩy cửa ngó đầu vào và hắn vội vã thụt lùi lại.
... Tôi ở nhà Ngọc Ánh 2 hôm thì chị tôi đưa tôi đến một nhà khác, rồi từ đó ra vùng giải phóng.
***
Từ bếp đi vào, thấy hai anh em tôi đang cười vui, lại nghe mấy tiếng “vùng giải phóng”, chị Vân góp chuyện: Tôi vẫn còn giữ được tờ lịch ngày anh Bổng lên đường về Nam: 12/6/1962 để làm kỷ niệm.
Có lần chị Vân tâm sự với tôi, sau khi anh đi B một thời gian, có người cứ bám riết chị ve vãn, gợi ý, rồi mua giúp chị thứ này thứ nọ, tặng quà... nhưng chị đã gạt đi tất cả, chị chỉ nghĩ đến anh Bổng.
Nhà văn Nguyễn Văn Bổng nay 76 tuổi. Vợ nhà văn 69. Nhà văn quay qua phía vợ: “Em đưa anh mấy viên thuốc!”
Chị Vân đưa thuốc, rót chén nước đưa tận tay anh Bổng rồi kể:
- Giáo sư Phạm Khuê kết luận anh ấy bị hội chứng ngoài bó tháp kiểu Pa-ki-xơn. Hàng ngày tôi phải làm liệu pháp phản xạ thần kinh cho anh ấy.
Chị còn bảo, từ ngày anh Bổng bị ốm, chị đã theo học mấy lớp chữa bệnh bằng các phương pháp chỉ cốt để điều trị cho riêng anh.
Tôi nói:
- Chị vừa là người yêu, người bạn đời, lại là bác sĩ tại gia. Thế là nhà văn Nguyễn Văn Bổng có bác sĩ riêng!
- Chị Vân cười giòn tan rồi nói một câu dí dỏm khôi hài: “Tôi chỉ là lang băm của anh ấy!”. Chị lại cười, quay qua nhìn anh với ánh mắt rất đỗi yêu thương.