Cuộc đời bà, tuy không phải con nhà khá giả, nhưng từ nhỏ được cha mẹ cho học trường tư thục, sau đó là nữ sinh Đồng Khánh. Nhưng có lẽ người cha kính yêu chính là người đã ảnh hưởng nhiều đến tính cách, lối sống và con đường văn chương của bà. Xưa kia, chiều chiều, dưới giàn hoa thiên lý, người cha thường dạy bà những đoạn văn hay của nhà văn Pháp Alphonse Daudet, dạy làm thơ tứ tuyệt, dạy các câu ca dao tục ngữ… Tất cả điều đó đã góp phần làm nên một nhà báo, nhà văn Nguyệt Tú hôm nay.
Ngôi nhà của bà ở trong một khuôn viên khá rộng gần Cột cờ Hà Nội. Mùa này, cây roi trong sân trĩu quả, chụm lại như những chùm đèn laze. Những trận mưa ngâu làm quả rụng trắng sân. Bà ở đây cùng những người con, gắng nâng niu từng kỷ niệm, từng dấu ấn về người chồng mà bà rất đỗi tự hào.
Tôi đã gọi điện thoại hẹn trước khi đến thăm bà vì hiếu kỳ với cuốn Chuyện tình chính khách Việt Nam, bởi ở đó là những câu chuyện tình cảm động và đầy trắc trở của những nhà lãnh đạo nổi tiếng của đất nước Việt Nam như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phó Thủ tướng, nhà thơ Tố Hữu, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch…Thực ra một số nhân vật bà cũng đã có sách riêng viết về họ. Trên bàn là cuốn Áo trắng trước pháp trường viết về liệt sĩ Nguyễn Thị Minh Khai (tái bản lần thứ 8), Chuyện tình chính khách Việt Nam (2006), đặc biệt cuốn hồi ký về gia đình mình xuất bản năm 2004 mà cái tên của bà đã được mọi người gọi gắn liền với nó Nguyệt Tú Đường sáng trăng sao. Bà nói rằng mấy bữa nay bà cũng đang phải chữa cuốn Lịch sử Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam bởi bà đã từng là người tham gia làm số báo đầu tiên của báo Phụ nữ Việt Nam từ năm 1948, những năm sau này lại về làm Giám đốc NXB Phụ nữ. Cuốn Chuyện tình chính khách Việt Nam (2011) in lần thứ 4, có bổ sung thêm 4 “mối tình đỏ”, trong đó có cả câu chuyện của cô cán bộ phụ vận tỉnh Hà Tĩnh trẻ măng với chàng thanh niên nhỏ nhắn, khuôn mặt trái xoan trắng trẻo làm Bí thư Hà Nội thời đó là bà và cố Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo.
Bà Nguyệt Tú và ông Lê Quang Đạo. |
Tôi thật khó tin trước mặt tôi là cụ bà 86 tuổi. Mái tóc cắt gọn, nhanh nhẹn, nhớ tới từng chi tiết, nói năng nhẹ nhàng và lịch lãm. “Thực ra lúc đầu tôi không định viết thành sách mà chỉ viết mấy bài báo về người thật việc thật của những con người mình yêu quý và xúc động về cuộc đời họ. Tình yêu của họ rất đẹp, lãng mạn và giàu lý tưởng, nhưng cũng không kém gian nan bởi họ phải trải qua một chặng đường gian khổ chia cắt vì chiến tranh... Tôi cầm bút ghi chép lại những câu chuyện của họ, có là chính khách thì đời sống tình cảm cũng như bao người thôi”. Bà Nguyệt Tú mở đầu câu chuyện như vậy. Rồi bà bảo, khi có ý tưởng làm sách, bà muốn chọn những người tiêu biểu ở từng lĩnh vực như quân sự, chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa…, những chính trị gia cũng là những con người bằng xương bằng thịt, cũng có tình yêu như bao người khác, nhưng bà muốn khẳng định vai trò cá nhân của họ trong lịch sử. Mỗi lĩnh vực bà chọn một nhân vật có đóng góp vai trò nhất định nên cách viết của bà như viết sử, nhưng nó lại được làm mềm mại bằng ngôn ngữ văn chương. Thực ra thì chẳng phải ai cũng có cơ may như bà, được tiếp xúc và thân thiết với những nhân vật mà bản thân họ có vai trò cá nhân trong lịch sử. Đề tài này hấp dẫn nhưng tế nhị, với bà - vừa là người đương thời, lại có cả quá trình đồng hành với họ. Vả lại, viết những chuyện riêng tư này, nếu những người trong cuộc không hợp tác, không mở lòng chia sẻ thì cũng khó thành công.
Câu chuyện đầu tiên bà viết là chuyện tình của vợ chồng Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và bà Ngô Thị Huệ. Khi ông Nguyễn Văn Linh làm Tổng Bí thư thì ông Lê Quang Đạo làm Chủ tịch Quốc hội, hai người tâm đầu hợp ý và vợ của hai chính khách cũng rất yêu quý nhau. Được đọc câu chuyện này, chúng ta càng cảm phục cuộc đời hy sinh vì cách mạng của vợ chồng vị Tổng Bí thư từng có câu nói nổi tiếng:Hãy cứu mình trước khi trời cứu. Giai đoạn đất nước chiến tranh, vợ chồng ông gần như sống xa nhau. Những năm đất nước khó khăn về kinh tế, ông Mười Cúc (tức Nguyễn Văn Linh) cùng gia đình tăng gia sản xuất, đi làm về tự tay cho heo ăn và thay nước cho chim cút uống. Nghỉ hưu, ông mới có những ngày êm ả với gia đình. Vậy mà chỉ còn vài ngày nữa đến ngày tổ chức đám cưới vàng, ông lại ra đi…
Trong 16 nhân vật mà bà chọn in trong cuốn này, bà bảo chuyện tình của ai cũng xúc động, mỗi cuộc tình đều có một ý nghĩa riêng. Nhưng những nhân vật mà bà lựa chọn đều ít nhiều có những chi tiết trong cuộc đời gây ấn tượng với bà. Như chuyện về mối tình đầu của Thủ tướng Võ Văn Kiệt với bà Trần Kim Anh, bà bảo: Điều khiến bà rung động về mối tình này là khi được đọc bức thư của ông Võ Văn Kiệt gửi cho Thường vụ Tỉnh ủy và BCH Đảng bộ Vĩnh Long, bày tỏ nguyện vọng khi chết muốn được hỏa táng và rải tro xuống đoạn sông Sài Gòn để trọn nghĩa thủy chung, đúng những lời hẹn ước ban đầu với người vợ mới ngoài 30 tuổi. Điều đó đã hối thúc bà cầm bút. Thế rồi bà và con gái Nguyệt Tĩnh bay vào Sài Gòn nhiều lần, nhà con gái Hiếu Dân - nơi những năm cuối đời ông Võ Văn Kiệt đã về sống, kỷ niệm duy nhất còn lại của mối tình đầu. Bà đã gặp gỡ nhiều người trong gia đình bà Trần Kim Anh. 40 năm sau ngày vợ mất, ông vẫn hy vọng và tìm kiếm mộ vợ con. Rất nhiều lần ông Kiệt cùng Hiếu Dân đi bộ dọc bờ sông Sài Gòn, đoạn bến Dược để tìm. Từ sáng sớm đến hoàng hôn, không biết ông đã đi bao nhiêu cây số. Ông đi tìm từ lúc Sài Gòn mới giải phóng đến khi tóc bạc trắng. Đọc câu chuyện tình yêu của ông, ai cũng sẽ cảm động rơi lệ.
Hỏi về chuyện tình duyên của bà với Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo, gương mặt bà giãn ra, đôi mắt nhìn về xa xăm như kéo bà trở lại quãng đời hơn 65 năm về trước - ấy là vào mùa thu năm 1946, khi mà bà và ông gặp nhau. Chuyện tình của bà với ông Lê Quang Đạo nảy nở từ những ngày bà là Phó Bí thư phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh ra Hà Nội học và nhận công tác ở Thanh niên Hoàng Diệu. Gặp lại nhau năm 1948, ông bà đã cùng hẹn ước. Trước khi chia tay, bà chép tặng ông bài thơ Đợi anh về của Ximônôp và tặng ông tấm ảnh chân dung. Từ đó đi đâu ông cũng mang theo người ba thứ là tấm ảnh Bác Hồ, ảnh bà và chứng minh thư. Thế rồi, năm 1948, một năm sau ngày hẹn ước, ông bà cưới nhau do ông Lê Đức Thọ làm chủ hôn. Chú rể mặc bộ quần áo nâu thường ngày. Cô dâu mặc quần áo đi mượn của chị em trong cơ quan phụ nữ. Bà vừa vượt qua trận Pháp nhảy dù ở Vân Đình, ba lô quần áo vứt lại hết. Ngày cưới chú rể 27 tuổi, cô dâu tuổi 23…
Cứ thế, bà đã làm sống lại bao ký ức về những nhân vật lịch sử đương thời. Mỗi cuộc đời của mỗi chính khách là một câu chuyện xúc động, qua câu chuyện tình của họ, thấy được sự hy sinh, phấn đấu của cả người chồng và người vợ. Bà vẫn nhớ như in lời của chồng bà từng nói khi còn sống: không thể tách cuộc đời riêng với cuộc đời hoạt động cách mạng.
Rất mừng, truyện của bà viết ra, không chỉ người cùng thời mà cả lớp thanh niên cũng thích đọc. Nhiều độc giả trẻ gọi điện bày tỏ, những câu chuyện tình đó như chuyện cổ tích, nhưng nó giúp ích cho các bạn rất nhiều, bởi qua đó họ biết lớp cha anh đã phải phấn đấu, hy sinh thế nào cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Điều đó làm bà vui, xúc động và hào hứng làm tiếp công việc của mình. Bà bảo, đã viết thêm mấy câu chuyện nữa, sang năm nếu tái bản sẽ bổ sung thêm.
Chia tay bà, ra khỏi khuôn viên yên tĩnh là cuộc sống phố phường ồn ào, tấp nập. Nắng đầu thu vàng sánh. Những chiếc lá chao nhẹ trên mặt đường. Tất cả như muốn ngưng lại. Ngưng lại đôi chút để bày tỏ lòng kính trọng với những người con ưu tú của Đảng - những người đã hy sinh tình riêng vì sự nghiệp chung của đất nước. Nhưng tất cả chỉ là khoảnh khắc, vòng quay của cuộc đời lại tiếp tục cuốn đi…
Tố Lan