Hà Nội

Chuyện tình cảm động ở... “địa ngục trần gian”

17-06-2011 15:43 | Xã hội
google news

Nếu như sự tích kể rằng, Ngưu Lang say mê Chức Nữ nên bỏ bễ việc chăn trâu. Chức Nữ cũng vì mê tiếng tiêu của Ngưu Lang nên trễ nải việc dệt vải.

Nếu như sự tích kể rằng, Ngưu Lang say mê Chức Nữ nên bỏ bễ việc chăn trâu. Chức Nữ cũng vì mê tiếng tiêu của Ngưu Lang nên trễ nải việc dệt vải. Ngọc Hoàng giận dữ, bắt cả hai phải ở cách xa nhau, người đầu sông Ngân, kẻ cuối sông. Sau đó, Ngọc Hoàng thương tình nên ra ơn cho hai người mỗi năm được gặp nhau một lần vào đêm mùng 7 tháng 7 âm lịch… thì cách đây gần 35 năm, có một câu chuyện tình trong nhà lao Côn Ðảo cũng cảm động và lạ kỳ không kém.

Ngày đó những tù nhân chính trị ở Côn Đảo, dù là chịu tra tấn cực hình, nhưng ngày nào họ cũng truyền tai nhau về một mối tình ấm áp, nồng thắm, cảm động trong lao tù. Mối tình ấy được bí mật truyền từ người này qua người khác, như tiếp thêm sức mạnh giúp người chiến sĩ cách mạng luôn giữ vững ý chí vững vàng.

“Ngưu Lang - Chức Nữ” trong nhà tù Côn Ðảo

Để làm sáng tỏ tin tức về đôi tình nhân nổi tiếng ở “chuồng cọp” Côn Đảo năm xưa. Rất nhiều lần có dịp vào Nam, chúng tôi đã cất công dò hỏi xem giờ họ ra sao? Rất may, mới đây khi chúng tôi có dịp đến Đồng Nai đã vui mừng biết tin hai nhân vật trong câu chuyện tình năm xưa vẫn còn hiện hữu đến bây giờ. Đó là đôi vợ chồng cựu tù chính trị Côn Đảo Trương Văn Bảy và Nguyễn Thị Kiếm hiện đang sinh sống ở ấp Thọ Chung, xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai). Thế là, bên chiếc bàn nhỏ trong căn nhà đơn sơ, đôi vợ chồng cựu tù chính trị ấy hồi ức lại chuyện tình của mình như thước phim quay chậm...

Ông Bảy nhớ lại, hồi đó khi bị đày ra Côn Đảo, ông bị nhốt ở phòng giam số 6, vốn từng là chiến sĩ biệt động thuộc Bộ Tư lệnh Miền, bị địch bắt trong lần trinh sát căn cứ Nước Trong vào cuối năm 1968. Lúc bấy giờ, hầu hết tù nhân chính trị ở Côn Đảo đều trong tình trạng tàn phế, bệnh tật, cái chết đang dần đến với từng người sau bao nhiêu năm bị tra tấn đày đọa trong các chuồng biệt giam nhưng nhất định không chịu từ bỏ lý tưởng và niềm tin mà mình đã theo đuổi. Những ngày bị biệt giam, ông nhớ nhất là giọng hát của một cô gái, đúng hơn là một nữ tù chính trị ở cách đó không xa. Mặc dù ông Bảy chưa biết mặt người con gái hát trong nhà lao ấy nhưng ông cảm nhận được sự gần gũi, thân thương. Đặc biệt là giọng hát thiêng liêng hơn trong lao tù thì phải, nó như tiếp thêm sức mạnh cho ông.

Cô gái vượt lên gông cùm và đòn độc tra tấn ấy chính là Nguyễn Thị Kiếm, cũng là một tù nhân chính trị đang bị giam trong phòng số 4, cách phòng giam số 6 của ông Bảy không xa. Nhưng thời đó, để nhìn thấy mặt cô nữ chiến sĩ hay hát ấy không phải là dễ. Nên mãi sau này ông Bảy mới biết bà Kiếm làm  cách  mạng từ khá sớm. Đó là vào năm 1964, khi vừa mới 13 tuổi. Gia đình bà Kiếm vốn là cơ sở cách mạng nên từ nhỏ đã được giao nhiệm vụ theo dõi hoạt động của tụi biệt khu quân ở đồn Bảo Chánh ngay đầu làng. Đầu năm 1969, sau 4 năm làm giao liên, Kiếm trở thành đội viên Đội du kích xã Xuân Thọ, tham gia tập kích đồn Bảo Chánh. Trận đánh không thành, Kiếm bị địch bắt rồi bị đày ra nhà tù Côn Đảo trong phòng giam số 4”...

Lúc đó, Kiếm còn rất trẻ nhưng lại bị giam cầm ở “địa ngục trần gian”, là một hệ thống chuồng cọp với hình thức tra tấn ngày càng trở nên tàn bạo hơn. Để quên đi nỗi đau thân xác và cũng là nâng cao tinh thần đấu tranh, các chị tự tổ chức văn nghệ, nhảy múa, hát ca, bất chấp sự cấm đoán, đàn áp của bọn cai ngục... Nguyễn Thị Kiếm có giọng ca mượt mà, truyền cảm, là hạt nhân của phong trào văn nghệ ở phòng giam số 4. Trong hoàn cảnh lao tù, tiếng hát của Kiếm trở thành món ăn tinh thần làm ấm lòng những người đồng chí đồng đội.

Chính từ phòng giam số 4, bao nhiêu tù nhân đã nghe được giọng hát như có ma lực của cô, để rồi họ kiên cường hơn với những thủ đoạn tra tấn cực hình… Trong số người mê giọng hát ấy thì ông Bảy là người si mê nhất. Trong ngục tù, ông ước được gặp mặt cô một lần rồi có chết cũng thỏa nguyện…

Một lần vì vụ anh em tù nhân tuyệt thực đấu tranh. Những người mà bọn thực dân cho là cứng đầu cứng cổ như ông Bảy phải chịu cực hình bằng thủ đoạn tra tấn là phơi nắng. Cái nắng giữa sân gạch Côn Đảo như làm quắt lại những thân hình giơ xương, lại bị bỏ đói nhiều ngày, nên ông Bảy và nhiều anh kiệt sức, bị chúng quăng vào phòng nằm thoi thóp chờ chết. Bỗng, trong đêm hoang vu chết chóc ấy, anh Bảy ngóc đầu dậy, hình như có tiếng hát từ phòng số 4. Anh nhổm dậy nói: “Anh em ơi, cô ấy lại hát rồi!  Đồng chí ơi, hát nữa đi, to lên cho chúng tôi nghe…!”.

Không biết ông Bảy gọi ở phòng giam số 4 các cô có nghe thấy không nhưng giọng hát lại lớn hơn, đều hơn. Giọng hát của Kiếm ngân xa khắp ngục tù chết chóc. Câu hát da diết, trĩu nặng tâm tình, như nhắn gửi, động viên, tiếp thêm sức mạnh và nghị lực giúp anh gắng gỏi vượt qua thời khắc hiểm nghèo. Nhiều anh em tù nhân đang mơ màng nghe lời hát, từ trong tiềm thức, khát vọng sống trỗi dậy, những đôi mắt mờ đục từ từ mở ra và tự nhủ lòng mình: “Phải sống, nhất định phải sống”.

Dàn đồng ca đêm đó khiến kẻ thù thực sự cay cú. Chúng cho người lục soát, bắt bớ, đánh đập tất cả mọi người trong phòng giam. Riêng phòng giam số 4 bị chúng tra khảo. Chúng đánh đập bắt phải khai ra người đứng đầu bắt nhịp. Một tháng liền tra khảo không đem lại kết quả, chúng vẫn không làm giọng hát lặng đi…

 Ông Bảy, bà Kiếm - bên trái (ảnh do gia đình cung cấp).

Tìm nhau trong niềm vui vỡ òa

Bây giờ hơn 35 năm trôi qua, bằng nghị lực và tình yêu thương vô hạn của những con người một thời tìm sự sống trong cái chết, họ đã an ủi, động viên nhau vươn lên, chiến thắng đói nghèo. Bà Kiếm tâm sự: “Thời gian đầu, hai vợ chồng tôi cùng 4 đứa con phải ở nhờ nhà ngoại. Mãi tới năm 1988, trong lúc đi làm thuê tôi tình cờ gặp chị Ba Hòa (bà Trần Thị Hòa, Trưởng ban liên lạc cựu tù chính trị tỉnh Ðồng Nai), ngày trước giam cùng trại với tôi. Nhờ chị ấy đứng ra bảo lãnh tôi mới được vay vốn làm nhà để chuyển ra ở riêng”. Còn ông Bảy lại tâm sự, dù cuộc sống chưa phải là khá giả nhưng yên bình, hạnh phúc và tràn ngập niềm vui, con cái được học hành tử tế, có công ăn việc làm ổn định, các cháu chăm ngoan, hiếu thảo thế là đã mãn nguyện lắm rồi.
Ông Bảy mong mỏi gặp mặt người con gái hát trong lao tù là vậy, nhưng đến mãi đêm 30/4/1975, khi nhận được tin miền Nam hoàn toàn giải phóng. Tù nhân ở phòng giam số 7 phá cửa thoát ra, mở khóa cho các phòng giam khác. Tất cả đồng loạt nổi dậy làm chủ toàn bộ Côn Đảo, sung sướng chờ đón quân ta ra tiếp quản. Để ổn định tình hình trật tự, đề phòng tình huống bọn địch quay lại, các chi bộ nhà tù thống nhất chỉ đạo đào công sự sẵn sàng chiến đấu. Ông Bảy rất muốn đi tìm bà Kiếm để thổ lộ tình cảm nhưng bận nhiều việc, hơn nữa mới được giải thoát, tình hình còn hỗn độn nên ông vẫn chưa thấy đó là thời cơ tốt. Mãi đến sáng 2/5, cả Côn Đảo bắt được liên lạc với đất liền và biết tin sắp có lực lượng ra cứu trợ nên anh em tích cực chuẩn bị một số tiết mục văn nghệ chào mừng.

Về phần ông Bảy, ngay chiều hôm đó, khi được thông báo chuẩn bị tập hợp về sân trung tâm xem biểu diễn văn nghệ chào mừng bộ đội ra tiếp quản, ông đã hồi hộp mong chờ và hy vọng gặp được người có giọng hát ấy. Ông cố nhích lên ngồi ở phía trên. Thế nhưng, đã mấy tiết mục trôi qua vẫn chưa thấy giọng ca ấy xuất hiện làm ông càng hồi hộp và lo lắng. Và rồi, đến tiết mục đơn ca cuối cùng, niềm hy vọng của ông Bảy bừng dậy. Chao ôi, đúng bài hát ấy, giọng ca ấy, ông Bảy mừng vui tưởng như ngộp thở, bao vấn vương, nhung nhớ vỡ òa. Ông Bảy giàn giụa nước mắt như gặp lại người thân.

Khi ngồi bên cánh gà chờ đến tiết mục đơn ca của mình, bà Kiếm nhận ra ở phía dưới khán giả có một người đàn ông cao kều, gầy gò, nghe và xem biểu diễn với điệu bộ rất lạ. Anh cứ nhấp nha nhấp nhổm, khi thì tiến sát lại sân khấu, khi thì loay hoay đến gần các “diễn viên” - Đó chính là ông Bảy. Nhưng rồi ông vẫn không gặp được. Mãi đến sáng hôm sau, khi cùng mọi người hớn hở đi tìm đồng hương thì anh chàng Bảy gầy gò đêm qua đến gặp Kiếm và bắt chuyện. Hóa ra cả hai người cùng quê Long Khánh. Và họ bắt đầu thổ lộ, bày tỏ tình cảm từ đáy lòng. Ông Bảy đã phải can đảm lắm mới nói hết ra tình cảm của mình. Bên bờ biển, nhìn ra sóng nước bình yên, nơi mà nhiều năm trời họ bị đày đọa, mất hết quyền con người, ngay đến việc chỉ nhận ra mặt nhau thôi đã không thể thì giờ thanh bình đến cũng là lúc tình yêu họ vụt sáng giữa vòng tay đồng đội.

Và đến ngày trở về đất liền, duyên phận thế nào họ lại được phân cùng ở trong Khu an dưỡng Bà Rịa, ước mơ đã được thoả. Tình yêu của họ như chuyện cổ tích. Giữa năm 1976, họ tổ chức cưới, một đám cưới trọn vẹn niềm vui khi hoà bình vừa lập lại. Trong lễ cưới, có ít đồng đội ở gần biết chuyện, họ đến chung vui và chúc tụng cho đôi uyên ương trở về từ Côn Đảo trăm năm hạnh phúc. Phát biểu trong lễ cưới, ông Bảy xúc động nói: “Cảm ơn vợ tôi và những anh em đồng chí, những người đồng đội đã cùng vào sinh ra tử, nơi mảnh đất mà “núi được pha bằng máu” và  đất thì “năm, sáu lớp xương người”, nhờ có họ mà tôi mới sống được đến ngày hôm nay. Rất tiếc là nhiều đồng chí ở xa không đến chung vui được với chúng tôi”.

Hạnh phúc đơn sơ

Cuộc sống của họ tuy gặp không ít cơ cực, gian nan. Có thời điểm ông bà phải đi làm thuê, ở nhờ, bán vé số mưu sinh để nuôi 4 người con ăn học. Thêm vào đó là những vết thương từ những trận đòn tra tấn trong tù, mỗi khi trái gió trở trời toàn thân buốt nhói. Thế nhưng ông Bảy chỉ hay nhắc đến chuyện tình của mình. Nhất là khi có những vị khách lạ như chúng tôi, ông lại nói: “Tôi là người may mắn, vì không như Ngưu Lang và Chức Nữ, phải có cầu Ô Thước, rồi mỗi năm mới được gặp nhau một lần. Chúng tôi đã được ở bên nhau, chăm sóc cho nhau, thế là đã toại nguyện lắm rồi”. Và, những lúc nhớ về những kỷ niệm xưa, ông Bảy vẫn thường bảo bà Kiếm hát cho mình nghe những lời ca thuở ấy. Những lúc như thế, ông Bảy lại ngân theo giọng bà: “Hay là anh bên ấy trong phút giây nhớ nhung trào sôi/ Gởi niềm tin theo gió qua mấy câu thiết tha.. hò ơi…!”.

   Phóng sự của Thảo My


Ý kiến của bạn