Chuyện tình cảm động của chàng trai tật nguyền xin hiến mắt

10-11-2014 08:00 | Thời sự
google news

Gửi hàng nghìn lá thư nhưng anh Xuân chưa biết mặt chị Thà. 6 năm sau, hai người tình cờ gặp nhau ở lớp học may và yêu nhau.

Hai anh em Phạm Văn Xuân (sinh năm 1971) và Phạm Văn Hương (sinh năm 1973) sinh ra trong gia đình thuần nông nghèo khó xã Xuân Quang, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Cái nghèo truyền kiếp khiến cuộc sống của cả gia đình quay quắt, 9 anh chị em người thì nghèo rớt, người thì dở điên dở dại, 2 người thì bị lừa bán sang Trung Quốc không rõ sống chết ra sao, bố mẹ thì bệnh nặng mà không có tiền chữa…

Chưa dừng lại ở đó, tai họa lại liên tiếp giáng xuống hai chàng trai cao to, khỏe đẹp và được ăn học tử tế nhất nhà là Xuân và Hương. Năm Xuân 16 tuổi, trên đường đi học về, Xuân gặp mưa, bị cảm lạnh ngất đi, sau đó bệnh tình ngày một nặng chân sưng to, đau nhức, rồi một thời gian teo đi, xương sống lưng co lại, gồ lên. Chàng trai khỏe mạnh, đẹp trai ngày nào giờ mang dáng vóc của một ông cụ, không làm được việc gì nặng nhọc. Vài năm sau, em trai Xuân là Hương lại đổ bệnh y hệt vậy, hai chân teo lại, liệt không đi lại được. Tương lai đóng sập trước mắt hai chàng trai trẻ.

Kinh tế thì khó khăn lại bị tật nguyền, không đi lại được, không bè bạn, hai anh em suốt ngày lê la ở ngôi nhà xác xơ, chênh vênh chân núi, làm bạn với chiếc đài cũ kỹ. Rồi cả hai cũng đến cái tuổi bắt đầu thèm những lời tâm sự. Thế là qua những chuyên mục kết bạn trên Đài tiếng nói Việt Nam, họ lưu lại những dòng địa chỉ và viết thư đi. Cũng có những lá thư hồi âm, nhưng tất cả chỉ dừng lại ở những lời chia sẻ, động viên và càng làm bùng lên những khát khao cháy bỏng trong hai cơ thể tật nguyền.

anh-xuan.jpg
Anh Xuân và gia đình nhỏ hạnh phúc của mình.

Rồi trong một đêm khuya, tình cờ hai anh em nghe được một chương trình của Đài tiếng nói Việt Nam, phỏng vấn giáo sư Nguyễn Trọng Nhân (nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế) về đề tài cấy ghép các bộ phận trên cơ thể người.

Một ý định điên rồ nảy ra trong đầu họ khiến cả hai thao thức suốt đêm: mình tật nguyền thế này, không đi lại được, không làm gì được thì cần gì đến mắt. Thế là hôm sau, họ quyết định viết một bức thư gửi giáo sư Nguyễn Trọng Nhân. Nội dung như sau: “Kính gửi giáo sư Nguyễn Trọng Nhân! Hôm nay cháu viết thư cho giáo sư, nhờ giáo sư trực tiếp về nhà cháu xem giúp bệnh cho cháu xem có chữa được không... Nếu mà không chữa được, cháu xin nhờ giáo sư tìm cho cháu một người con gái bị khiếm thị nhưng phải là người giỏi để cháu có thể hiến dâng đôi mắt của mình cho người ta. Trước khi viết thư cháu đã nghĩ kỹ rồi, thà cháu ngồi đây không nhìn thấy gì còn hơn. Mỗi lúc nhìn thấy đôi chân co quắp cháu lại khóc…”.

Lá thư của hai anh em đến tay ông Nguyễn Trọng Nhân. Dù rất cảm động trước tấm lòng của hai chàng trai đáng thương nhưng việc lấy mắt của người đang sống ghép cho người khác, pháp luật chưa cho phép nên ông cũng đã viết thư trả lời hai anh em về việc đó.

Sau này, khi anh Phạm Văn Hương mất, trong cơn hấp hối, anh cứ đòi mọi người gọi điện cho Bệnh viện Mắt Trung ương để hiến mắt. Nhưng mọi người nghĩ thương vì sống đã tật nguyền khổ sở, chết đi lại lấy nốt đôi mắt thì chẳng còn gì nên không ai đáp ứng nguyện vọng của anh. Trước đó khi được đưa vào viện chữa bệnh, gặp bác sĩ, anh Hương cứ bảo mình sắp chết rồi, nếu bệnh viện muốn lấy gì từ cơ thể mình thì anh cho tất, cả mắt, tim, gan, thận… Nhưng trong gia đình không ai nỡ làm điều đó.

Sau lần viết thư xin hiến mắt không được, những lá thư lại tiếp tục gửi đến những cái tên trên radio. Trong số đó, có một người con gái đã khiến Xuân nhiều đêm mất ngủ, đó là cô gái có cái tên chân chất Trương Thị Thà. Nhưng sau một thời gian dài viết thư mà không thấy Xuân gửi ảnh, Thà đã giận và không thư từ nữa.

Bẵng đi 6 năm trời không liên lạc, đến một ngày khi nghe được thông tin trên đài về lớp học may cho người tật nguyền ở Sơn Tây, Xuân đã trốn gia đình nhờ đứa cháu chở xuống Sơn Tây nộp đơn xin nhập học. Tình cờ một lần qua bảng danh sách lớp học may nữ, liếc từ trên xuống dưới Xuân bắt gặp cái tên Trương Thị Thà (sinh năm 1979, quê xã Văn Bình, Thường Tín, Hà Tây cũ) - những thông tin ấy thật quen thuộc.

Xuân dò hỏi và bắt đầu để ý đến cô gái tên Thà kia - đối chiếu với hình ảnh cô gái đã gửi ảnh cho mình, Xuân biết Thà chính là người anh đã gửi hàng nghìn lá thư trong suốt 6 năm trời trước đó. Nhưng đến khi ấy, Xuân mới biết Thà cũng là người tật nguyền, một tay co quắp, chân cũng bị tật đi tấp tểnh. Hóa ra qua thư, hai người tâm sự hết mọi thứ trong cuộc sống cho nhau biết, nhưng riêng việc mình bị tật nguyền thì cả hai đều mặc cảm không dám nói ra.

Xuân chủ động xin sang lớp học may để được gần người con gái trong mơ của mình. Suốt mấy tháng học cùng, Xuân chỉ lặng lẽ quan sát. Tình yêu qua thư ngày nào nay lại bùng lên trong tim Xuân. Có lần Thà ốm, Xuân chăm sóc cả chục ngày liền trong viện nhưng mặc cảm không dám thổ lộ mình là người đã viết thư cho Xuân suốt 6 năm trời.

Hai người đều “tình trong như đã”, nhưng mặc cảm, không ai dám ngỏ lời với ai. Xuân muốn ngỏ lời nhưng vì suốt 6 năm viết thư, anh chưa một lần cho Thà biết mình là người tật nguyền, vì vậy chỉ dám ôm mối tương tư vào lòng. Sau nhiều tháng suy nghĩ, Xuân mới quyết định cho Thà biết sự thật. Và họ đã thổ lộ tình yêu với nhau. Nhưng để đến được với nhau, họ đã phải trải qua nhiều sóng gió, sự ngăn cản của gia đình, cuối cùng, sự quyết tâm của hai người đã thuyết phục được gia đình hai bên.

Tốt nghiệp lớp học may, hai vợ chồng lang thang làm thuê ở rất nhiều trung tâm may nhân đạo để kiếm sống. Thu nhập thấp, lại có thêm con cái nên cuộc sống ngày càng khó khăn. Vì thương anh chị long đong vất vả, mấy năm trước nhà ngoại đã cho mấy chục mét đất ở Thường Tín (Hà Nội), được sự giúp đỡ của các cơ quan, đoàn thể, anh chị đã có một ngôi nhà để ở.

Hằng ngày, trên chiếc xe 3 bánh hai vợ chồng anh đẩy hàng quần áo ra chợ bán, thu nhập cũng chỉ được vài ba chục nghìn. Không đủ nuôi con, anh chị nhận thêm vàng mã về làm, túc tắc cũng được thêm vài ba chục.

Giờ đã ngoài 40 tuổi, sức khỏe hai vợ chồng đều yếu, những lúc trái gió trở trời, cả hai vợ chồng đều bị đau nhức xương khớp, tiền thuốc thang tốn không ít. Anh Xuân bảo, trước kia cứ đau quá anh phải uống thuốc giảm đau, nhưng uống nhiều bác sĩ bảo hỏng dạ dày nên dạo này anh không dám uống nữa mà chịu cho cơn đau hành hạ. Hằng sáng, anh đẩy hàng ra cho vợ bán rồi lại về nhà nấu cơm cho các con đi học về ăn. Cuộc sống khó khăn là vậy, nhưng hàng xóm láng giềng không bao giờ thấy họ to tiếng với nhau.

 

 


Ý kiến của bạn