Trong một lần đến Đà Lạt du lịch, một chàng trai Mỹ đã bị cô gái Rolan, người dân tộc K’Ho làm say đắm bởi khả năng chơi đàn Tơ Rưng. Anh quyết đeo đuổi Rolan để rồi hơn 4 năm sau họ nên duyên vợ chồng, chàng trai Mỹ quyết định về sống hẳn với buôn làng của Rolan, ngày ngày được nghe tiếng cồng chiêng, uống rượu cần và trêu đùa những chú heo đen đang chạy khắp làng.
Tình yêu của chàng trai Mỹ tên Joshua Henry Guikema, sống tại thành phố Michigan và cô gái Rolan (dân tộc K'Ho, sống dưới chân núi Lang Biang, Đà Lạt) là một câu chuyện tình đẹp, đầy lãng mạn và bất ngờ.
Joshua tốt nghiệp đại học ngành nông nghiệp ở Mỹ. Đã có việc làm ổn định nhưng tình yêu du lịch khiến anh dành phần lớn số tiền dành dụm được để đi chu du khắp nơi. Trong một lần đến Việt Nam, Joshua cảm nhận được một đất nước tuyệt vời, với những bãi biển đẹp, núi rừng trùng điệp và những cánh đồng lúa ngút ngàn. Sau lần đó, anh chàng người Mỹ đã nhiều lần quay trở lại.
Để thực hiện ước muốn được sống nhiều thời gian ở Việt Nam, năm 2009 Joshua xin làm việc cho một công ty chuyên tổ chức tour cho khách đi bằng xe vespa từ TP HCM đến Nha Trang, Đà Lạt và các tỉnh miền Tây Nam bộ.
Một lần đến khu du lịch Đồi Mộng Mơ, con tim của Joshua đã loạn nhịp trước khả năng múa hát, chơi đàn Tơ Rưng cũng như nhan sắc của Rolan, thành viên trong đội cồng chiêng ở đây.
Joshua tâm sự: "Ở Việt Nam, nhiều nơi cha mẹ vẫn chọn vợ, chọn chồng cho con cái, tôi cũng có được sự may mắn đó khi mẹ mình đã đích thân chọn nàng dâu. Trong một lần tôi đưa mẹ cùng đoàn khách lên đồi Mộng Mơ, bà đã bị cuốn hút vởi những điệu múa của những chàng trai, cô gái người K’Ho. Khi Rolan biểu diễn đàn tơ rưng, mẹ tôi tiến lại sát sâu khấu. Kết thúc tiết mục, bà bỗng nói với cô ấy: 'Ước gì cô là một người con của tôi".
Rolan cười ngượng ngùng, khuôn mặt ửng đỏ, làn da nâu của cô đã quyến rũ chàng trai người Mỹ. Sau đó, Joshua và Rolan trao đổi số điện thoại cho nhau, việc giao tiếp giữa hai người không trở ngại nhiều vì vốn tiếng Anh của Rolan rất tốt.
"Nhiều lần sau đó tôi tìm đến nhà của Rolan trong một buôn làng dưới chân núi Lang Biang, tôi phụ giúp gia đình Rolan bón phân, tỉa cành cho vườn cà phê và đi theo cô ấy trong những lần biểu diễn để tăng thêm tình cảm và cứ thế tình yêu giữa chúng tôi lớn dần lên", chàng rể Tây nhớ lại.
Rolan cho biết, ban đầu làm quen với Joshua, cô cũng chỉ nghĩ là một người bạn nước ngoài mến mộ mình, nhưng Joshua cứ liên tục “tấn công’’ khiến cô xiêu lòng. Giữa năm 2011 đội cồng chiêng của Rolan được mời xuống TP HCM biểu diễn. Biết tin, Joshua tới đón cô đi chơi và gặp những người bạn của mình.
"Lần đó, anh Joshua chính thức tỏ tình với em và nói sẽ bỏ công việc ở TP HCM về buôn làng của em để sinh sống. Lúc đó, em rất bối rối và hỏi anh ấy đã suy nghĩ kỹ chưa. Không ngờ đúng một tuần sau, Joshua bỏ hết công việc ở TP HCM để lên nhà em trước sự ngỡ ngàng của bạn bè. Vì trước đó, nhiều người khuyên nên xem xét lại nhưng anh ấy vẫn không thay đổi. Joshua thuê một căn phòng ở Đà Lạt và hằng ngày đến nhà em để phụ giúp. Trong một lần đi làm trong rẫy cà phê, tụi em đã trao nhau nụ hôn say đắm, đây là nụ hôn đầu sau gần 2 năm quen nhau mà đến giờ em vẫn nhớ mãi", cô nhớ lại.
Sau đó, Joshua bắt tay vào việc thử nghiệm rang xay cà phê. Anh ứng tiền mua cà phê của những gia đình người K’Ho trong buôn làng, mỗi người dăm ba triệu và bảo đảm khi thu mua cà phê để xay rang, giá sẽ cao hơn thị trường. Hiện, chàng rể Tây đã xay thành công loại cà phê Arabica trồng tại buôn làng của Rolan, anh lấy tên nhãn hiệu là K’Ho Coffee.
Joshua cho biết, anh quyết định chọn sống lâu dài ở buôn làng này để được tận hưởng không khí trong lành và vẻ đẹp nguyên sơ của núi rừng. Anh rất thích cuộc sống giản dị, đơn sơ và còn nhiều cực khổ ở buôn làng này. Đồng thời với vốn kiến thức nông nghiệp của mình anh muốn làm điều gì đó giúp cộng đồng người K’Ho nơi đây.
Đầu năm 2014, Joshua và Rolan chính thức nên duyên vợ chồng. Khách mời đám cưới chủ yếu là người trong buôn làng của Rolan. Mẹ của Joshua cũng từ Mỹ bay qua dự đám cưới. Bà rất tôn trọng và ủng hộ quyết định của con trai mình.
Joshua kể, gia đình anh ở Mỹ có 7 anh chị em, anh là con áp út. Cha anh đã mất khá lâu. Mẹ của Joshua có một khu vườn nhỏ, dựng nhà kính, hàng ngày bà chăm sóc những chậu hoa trong vườn để kiếm tiền sinh sống. Các anh chị em của Joshua mỗi người đều tự định hướng cuộc sống riêng khi đã trưởng thành.
Lúc mới qua Việt Nam, từ 6 tháng đến một năm, anh đều tranh thủ về thăm nhà một lần. Rolan cho biết, từ lúc cưới nhau đến nay, một người chị của Joshua cũng đã về buôn làng này thăm gia đình cô và sắp tới một người anh của Joshua cũng sẽ qua thăm.
Hiện Joshua và Rolan đã có bé trai gần một tuổi và sống hạnh phúc trong căn nhà gỗ 40 m2 do người chồng tự thiết kế. Căn nhà có kiến trúc một tầng hầm dùng để ngủ, phía trên là bếp và nơi tiếp khách. Rolan bật mí, để có được căn nhà này, vợ chồng cô được hai bên gia đình giúp đỡ về tiền bạc khá nhiều.
Quốc Dũng