Ông Đại tá quy tập mộ liệt sĩ với những chuyện khó lý giải
- Tôi kể đến đâu rồi nhỉ? - Đại tá Hồ Trọng Bình nhớ lại - À, chúng tôi dừng ăn cơm trưa, tên trộm trèo lên xe, thó một bọc đã được gói buộc cẩn thận. Khi mở vuông vải đỏ ra, biết không phải hàng hóa, hắn táng tận lương tâm, ném luôn vào bụi tre, dù hắn biết xương cốt liệt sĩ. Và thế là xảy ra một sự việc rất lạ lùng. Một cô bé học sinh lớp 11 rất xinh xắn và ngoan ngoãn, nết na nhất trong làng bỗng nhiên phát điên. Cô bé cứ rót rượu uống ừng ực và quát tháo om xòm, gọi đúng đích danh tên kẻ trộm, rằng muốn sống phải mua vé cho tao về Nghệ An. Đồng đội tao đã về hết rồi. Tại sao lại vứt tao vào bụi tre, để mối xông vai tao thế này. Mọi người thấy lạ, ra bụi tre tìm thì quả có hài cốt bị mối xông đúng như thế thật. “Anh lính” qua miệng cô bé còn nói vanh vách tuổi tên, quê quán, đơn vị, ngày tháng hy sinh. Quê anh ở Nghi Diên, Nghi lộc, Nghệ An. Biết tin, huyện đội Kỳ Sơn đã về nhận lại bộ hài cốt và điện cho chúng tôi. Khi đó cô bé mới dứt khỏi những cơn mê hoảng. Hai tháng sau, chúng tôi mới về được Việt Nam để nhận lại bộ hài cốt. Thế là trong số 45 liệt sĩ chúng tôi đón về nước đợt ấy, chỉ duy nhất có một người có tên, và đó lại là người lính xấu số ấy...
- Anh có tin có thế giới bên kia không?
- Tôi đã nói rồi. Tôi không phải là người duy tâm. Tôi cũng không tin có ma tà hay thần thánh gì cả. Nhưng trong công việc cụ thể mà chúng tôi đã gặp, có những chuyện rất khó lý giải. Ví như một lần chúng tôi đi tìm mộ. Đang giữa rừng, lại gặp một trận giông. Mây đen kéo đầy trời. Nếu mưa thì rất gay. Những trận lũ rừng của Lào thì anh thấy rồi đấy. Nằm bẹp mấy ngày là chuyện thường. Mà chưa kể suối lũ. Riêng mưa rừng thôi, cũng chẳng biết lấy gì che. Có bao nhiêu nilon, chúng tôi dành hết gói liệt sĩ rồi. Bây giờ che cho mình, lại để anh em ướt ư? Họ đã nằm bao nhiêu năm dưới đất rừng lạnh lẽo rồi, giờ lại phải chịu thêm mưa gió nữa ư? Thế là anh em chúng tôi thắp hương khấn. Mặc dù không tin nhưng vẫn khấn: “Chúng tôi được Đảng và nhân dân giao phó cho nhiệm vụ đi tìm và đưa các anh về với đất mẹ. Xin các anh hãy phù hộ chúng tôi thoát cơn mưa giông này và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Thế rồi như có phép nhiệm mầu, mười phút sau giông tan. Nắng bừng lên rực rỡ. Mặc dù ở quanh chúng tôi, ngoài những miệt rừng xa, mưa vẫn trút xối xả? Vậy thì anh bảo hiện tượng ấy là hiện tượng gì? Ly kỳ lắm! Hay như có lần, chúng tôi đã đến địa điểm tập kết. Theo như sơ đồ chỉ dẫn thì ở đó có đến mười hai ngôi mộ liệt sĩ. Chúng tôi đào bới suốt ba ngày, tìm khắp vẫn không thấy. Mộ đã thành bằng địa. Sau anh Đồng, đoàn phó phụ trách chính trị thắp hương khấn, rồi nhắm mắt chạy. Anh chạy chừng được 50 mét thì vấp ngã ở ngay chỗ đất bằng phẳng nhất. Chúng tôi đào ngay dưới chân anh. Quả tìm thấy 5 bộ hài cốt. Rồi đào lân ra xung quanh, chúng tôi tìm thấy trọn vẹn cả mười hai anh em. Rồi lại một lần khác nữa, chúng tôi ra đi, trước khi lên đường, chúng tôi thắp hương, xin các đồng chí phù hộ để hoàn thành nhiệm vụ. Đi được một đoạn đường, tôi cứ thấy bồn chồn rất lạ. Linh tính có điều gì không bình thường. Tôi quay lại, đi tắt con đường khác. Quả khúc đường ấy có thổ phỉ phục kích. Đúng là “anh em” đã “báo” cho mình...
Thả hoa trên sông Thạch Hãn để tưởng nhớ các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh cho Tổ quốc.
- Như thế hoàn toàn có một thế giới mà chúng ta vẫn gọi là thế giới tâm linh?
- Điều ấy tôi xin nhường các nhà khoa học lý giải. Trong thâm tâm, quả thật, tôi cũng không hiểu gì về thế giới tâm linh. Tôi cũng không duy tâm. Nhưng tôi tin vào sự kỳ diệu của con người, về sự linh thiêng và vẻ đẹp vĩnh hằng của những người lính đã khuất. Quy tập hài cốt liệt sĩ là một công việc rất vất vả và không kém phần nguy hiểm. Đã có không ít những người lính của chúng tôi ngã xuống trên con đường đi tìm đồng đội này. Mới đây ở đơn vị tôi có Vi Văn Khanh. Anh bị sốt rét ác tính, nằm lại giữa rừng Lào, trong lúc đang đi tìm kiếm đồng đội. Danh sách những liệt sĩ hy sinh ở nước bạn Lào lại nối dài thêm. Tuy vất vả, nguy hiểm như thế, nhưng khi nhìn những người mẹ, người vợ đón nhận hài cốt của chồng, của con sau bao nhiêu năm đằng đẵng xa cách, chúng tôi lại thấy yên lòng. Có một chị vợ liệt sĩ đến viếng chồng tại nghĩa trang Việt Lào ở Anh Sơn. Mấy chục năm nay, giữ tờ giấy báo tử của chồng, chị chỉ biết anh hy sinh ở mặt trận phía Tây. Nhưng phía Tây thì biết ở đâu? Được tin hài cốt anh đã được đưa về nghĩa trang, chị lặn lội tìm đến, sau khi thắp hương cho chồng, chị quay lại rồi sụp xuống vái chúng tôi. Tôi phải đỡ chị dậy. Khổ, chúng tôi có công lao gì đâu. Nếu cần cảm ơn thì chị nên cảm ơn một ông già Lào. Chính ông đã dẫn đường cho chúng tôi tìm được mộ chồng chị. Hoặc biết đâu chính chồng chị đã “chỉ dẫn” cho ông già Lào làm được một việc thiện, một việc phúc đức. Thì tôi đã nói rồi. Tôi không tin có thần thánh, ma quỷ, nhưng tôi tin sự linh thiêng và vẻ đẹp vĩnh hằng của con người. Vẻ đẹp ấy không bao giờ mất dù đời người rất đỗi ngắn ngủi. Biết đâu, mỗi việc thiện tốt lành mà chúng ta làm được cho cuộc sống hôm nay, chả có sự “giúp đỡ, chỉ dẫn” của những người đã khuất?
Đại tá Hồ Trọng Bình ngồi lặng. Khóe mắt ngân ngấn nước. Hơn ba mươi năm miệt mài tìm mộ liệt sĩ ở đất bạn Lào, anh đã đưa về bao nhiêu đồng đội rồi, mà công việc vẫn ngổn ngang. Có lẽ còn phải chờ đến thế hệ con anh, cháu anh tiếp sức. Ấy là chưa kể còn chiến trường Campuchia, với hai cuộc chiến tranh chống Mỹ và chống bè lũ diệt chủng Pôn Pốt. Có lẽ không ở đâu lại có nhiều người chết trận như ở Việt Nam. Hầu như làng nào, xã nào cũng có nghĩa trang liệt sĩ. Có xã có đến mấy nghĩa trang. Chỉ riêng tỉnh Quảng Trị đã có 72 nghĩa trang rồi, trong đó có Nghĩa trang quốc gia Đường 9 và Nghĩa trang Trường Sơn, mỗi nghĩa trang hàng mấy vạn ngôi mộ. Còn bao nhiêu hài cốt anh em vẫn còn nằm trong những cánh rừng, những ngọn núi xa khuất mà chúng ta còn chưa quy tập được?
Tôi còn nhớ cách đây không lâu, tôi theo đoàn tháp tùng nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết về Nghĩa trang Trường Sơn và Nghĩa trang Đường 9. Lần đầu tiên, chủ tịch nước đi tàu hỏa, xuôi về phương Nam trong đêm như những người lính ra trận năm xưa. Ông cũng ăn cơm nắm với muối trắng, uống nước gạo rang và dọc đường vang lên những bài ca của thời chiến trận trên dàn loa ở dọc hành lang tàu. Và rồi khi vào thành cổ Quảng Trị, khi ông cùng đoàn tùy tùng thả hoa xuống dòng Thạch Hãn, và lập tức ở đâu đó hai bên bờ sông nấc lên bài hát phổ thơ của cựu chiến binh Lê Bá Dương: “Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ - Đáy sông còn đó bạn tôi nằm - Bao tuổi thanh xuân thành sóng nước - Vỗ yên bờ bãi, vỗ ngàn năm”. Và rồi hôm trở lại Trường Sa, lúc thả hoa xuống biển Đông, tôi cũng lại rùng mình và chợt nhận ra rằng, hóa ra sông Thạch Hãn và cả biển Đông ngút ngát, lạnh buốt như nước mắt kia là những nghĩa trang bằng nước. Có bao nhiêu người lính đang nằm dưới lòng biển, đáy sông? Rồi còn có bao nhiêu những nghĩa trang bằng nước như thế trên dải đất hình chữ S này? Nếu mỗi ngôi mộ người lính chỉ cần thắp lên một ngọn nến thôi thì đêm đêm cả nước ta sẽ sáng rực lên như một dải ngân hà. Một dải ngân hà cháy trên mặt đất. Chỉ thế cũng đủ biết, sự hy sinh của cha anh cho cuộc sống yên bình của chúng ta hôm nay lớn đến mức thế nào. Và tôi cầu mong vào đúng 9 giờ 9 phút đêm ngày 27 tháng 7, tất cả những ngôi chùa, những nhà thờ của cả đất nước này sẽ gióng lên những hồi chuông để tưởng nhớ những người đã khuất, để nhắc nhở các cấp chính quyền và cá nhân mỗi người phải chăm lo cho bố mẹ, vợ con các liệt sĩ. Không để họ phải đói rét, cơ cực và bần hàn. Đó cũng là công việc đền ơn đáp nghĩa của chúng ta đối với những người đã khuất...