Ngồi trước tôi là Đại tá Hồ Trọng Bình - Đoàn trưởng Đoàn Quy tập liệt sĩ, đơn vị anh hùng thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An. Đó là một người lính chắc đậm với gương mặt điềm tĩnh. Anh là lính tình nguyện, từng chiến đấu nhiều năm ở nước bạn Căm-pu-chia. Rồi sau đó, anh chuyển sang nhiệm vụ mới: Tìm mộ liệt sĩ trên đất bạn Lào. Bao nhiêu năm, làm việc miệt mài, từ khi còn là một lính trơn với mái tóc còn xanh, đến nay, anh đã là Đại tá với mái đầu đang ngả bạc mà công việc vẫn còn bề bộn. Điều đó chứng tỏ, số lượng anh em hy sinh nhiều đến thế nào. Ấy là chưa kể chiến trường Căm-pu-chia…
- Tìm kiếm liệt sĩ trên đất Lào vất vả lắm (Đại tá Hồ Trọng Bình bắt đầu câu chuyện), bởi địa hình Lào rất phức tạp. Cuộc chiến lại khốc liệt nên bộ đội thường ở những nơi cheo leo hiểm trở nhất. Hành trang của chúng tôi chỉ có chiếc Gas 66 và Zin 130 cùng cuốc xẻng, nhang nến và vải niệm. Hết đường ôtô thì anh em leo bộ. Có khi phải vượt dốc lội suối suốt mấy ngày liền. Nhiều khi phải vừa quỳ, vừa đi mới tới được địa điểm tập kết. Tới nơi, nhìn thực địa lại khác hẳn. Chẳng có dấu hiệu nào được ghi trên bản đồ. Cũng có khi tới một khu rừng rậm rạp như rừng nguyên sinh, thấy quạ bay nhao nhác và bướm rừng tỏa lên như có ai vừa rũ một tấm chăn hoa. Vạch cây dại thì bất ngờ thấy nguyên một cái võng treo bùng biêng trong dây leo quấn chằng chịt. Một bộ hài cốt vẫn đắp trong chiếc chăn dù. Có lẽ một người lính nào đó mắc võng, nằm ngủ. Rồi bị sốt rét chết rất lặng lẽ. Mỗi năm cây rừng lại bao phủ, thành một ngôi mộ táng giữa trời. Còn thì rất nhiều mộ đã thành bằng địa, thành đại ngàn thâm u. Mấy chục năm qua rồi...
Lễ đón và truy điệu, an táng hài cốt liệt sĩ trở về từ nước bạn Lào tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Ðô Lương, tỉnh Nghệ An.
- Vậy thì làm sao mà tìm được những ngôi mộ bị thời gian xoá hết dấu vết?
- Phải dựa vào dân thôi. Dựa vào dân là chắc chắn nhất. Chúng tôi cũng đã đưa một số anh em cựu chiến binh sang bên này. Họ chính là những người trong cuộc, từng trực tiếp chôn cất liệt sĩ. Nhưng tới nơi, họ cũng chịu, không thể nào còn nhận ra được dấu tích cũ nữa. Bãi hoang thành rừng rậm. Bởi thế, có hài cốt nằm sâu dưới gốc cây to đến mấy người ôm. Lại có ngôi mộ nằm ngay giữa bụi tre. Mà tre rất rậm. Cả một rừng tre chứ đâu có ít. Trong bản đồ đơn vị để lại, có ghi dấu tre pheo nào đâu. Chính những người chôn cất liệt sĩ cũng không thể ngờ được rằng, cái cáng tre khiêng liệt sĩ mà họ đóng xuống bên mộ làm cọc đánh dấu ấy, sau mấy chục năm đã trổ thành một bụi tre dày. Rồi bụi tre lan thành rừng tre. Bởi thế, chính những người trong cuộc lại có những hạn chế rất khó vượt qua. Vì vậy, chúng tôi phải dựa vào dân bản xứ, tìm đến các già bản. Dân Lào rất yêu quý và biết ơn bộ đội tình nguyện ta. Có cụ già bản không những nhớ kỹ từng ngôi mộ mà còn nhớ cả đặc điểm, tính nết và những kỷ niệm rất sâu nặng của những người nằm dưới mộ nữa. Bởi thế, một trong những nguồn quan trọng của chúng tôi trong việc tìm mộ liệt sĩ là dựa vào dân. Rồi dựa cả vào địch nữa...
- Sao? Dựa vào địch à?
- Vâng! Nhờ cả địch dẫn đi tìm mộ...
- Nghĩa là những người trước đây ở trong hàng ngũ địch...
- Vâng, đúng thế! Trước đây họ ở trong hàng ngũ địch và bây giờ, có người vẫn tiếp tục làm việc cho địch (Đại tá Hồ Trọng Bình xác định). Chúng tôi biết rất rõ điều ấy nhưng vẫn phải tận dụng họ, vận động họ, giải thích cho họ biết điều hay, lẽ phải. Có khi phải “ba cùng” với họ, không quản ngại nguy hiểm, ở nhà họ đến hàng tháng trời. Rồi nai lưng giúp đỡ gia đình họ, vợ con họ. Thấy mình làm việc thiện, lại chân tình, tốt bụng nên rồi họ cũng hiểu ra và giúp mình rất thật lòng. Ví như một người lính của phỉ Vàng Pao. Anh chàng này trước đây đã từng bị ta bắn mất mũi. Bây giờ, anh ta vẫn tiếp tục làm việc cho phỉ. Tôi trực tiếp cùng anh ta vào rừng. Anh ta đi thì mình đi. Ngủ thì mình cùng ngủ. Nhưng phải rất cảnh giác. Có động tĩnh gì là phải ứng phó được ngay. Cũng may là chưa có điều gì xảy ra. Anh ta chỉ mộ rất chính xác. Chính anh ta đã giúp chúng tôi tìm được hơn một trăm ngôi mộ...
- Liệu có sự nhầm lẫn không? Người Lào với ta lại cùng hình dáng, kích cỡ...
- Không, không thể nhầm lẫn được. Chỉ trông thoáng qua mộ là chúng tôi nhận ra được ngay. Mộ của người Lào họ chôn rất thẳng hàng. Xung quanh lại khoét rãnh thoát nước. Mộ của bọn phỉ thì thường xếp đá. Hài cốt của anh em bộ đội ta thường được bọc trong võng và tăng. Cứ nhìn tăng với võng là không thể lẫn đi đâu được. Thỉnh thoảng, chúng tôi còn gặp cả những ngôi mộ tươi. Nghĩa là mộ đào lên, anh em vẫn nguyên vẹn, chưa hề bị phân huỷ dù đã nửa thế kỷ nằm dưới đất. Vậy mà có người vẫn còn nguyên cả ria mép, cả vết trổ ngày tháng năm sinh nơi cánh tay. Có lẽ đó là những người lính hy sinh mấy ngày mới tìm được xác nên có mùi, anh em phải gói kín trong mấy cái tăng nên xác không phân huỷ được...
- Có phải đó là mộ kết không?
- Không, mộ kết hoàn toàn khác. Trong hơn ba mươi năm bốc mộ anh em, tôi mới chỉ gặp có hai mộ kết. Đó là hai ngôi mộ chôn cất rất đàng hoàng bằng quan tài. Hai người lính này đều chết trong bệnh viện. Mộ kết, đất rất cứng và nóng. Xung quanh quan tài có giăng một lớp vàng óng như tơ tằm. Quan tài mở ra thấy một lớp băng đầy lùm và trắng xoá như tuyết. Vài phút sau, màu trắng tuyết chuyển sang màu hồng tím rồi lại vàng óng như tơ tằm. Chừng mươi phút sau, tất cả các màu sắc rực rỡ như ảo giác ấy tan biến, để lộ ra nguyên hình một bộ xương người đen sẫm như mun. Dưới đáy quan tài lại xuất hiện những hạt nâu lổn nhổn như những hạt đậu...
- Vậy trong hơn ba mươi năm quy tập hài cốt liệt sĩ, có kỷ niệm nào đối với anh là ấn tượng nhất?
- Ấn tượng thì rất nhiều. Có những hiện tượng tôi không còn biết giải thích như thế nào. Tôi không phải là người duy tâm. Nhưng quả thật có những chuyện rất khó lý giải. Phần lớn mộ anh em ta không có tên. Thi thoảng mới có mộ có ống penicilin, bên trong ống tiêm là dòng tên liệt sĩ. Có khi vẫn có ống tiêm nhưng mảnh giấy ghi tên anh em lại mục mất rồi, không thể đọc được nữa. Chúng tôi phải kết hợp với sơ đồ, với cơ quan chính sách của các đơn vị để xác định tên tuổi các liệt sĩ. Nhưng đó là một việc không hề đơn giản. Thi thoảng trong hàng trăm hài cốt liệt sĩ nằm chờ đưa về nước mới có một phụ nữ...
- Làm sao có thể biết được họ là phụ nữ?
- Cái đó thì lại đơn giản thôi. Phụ nữ, xương sọ thường nhỏ, nhưng xương chậu lại to. Rồi còn đồ trang sức như lược, gương, rồi cả những lọn tóc. Người phụ nữ nằm kia có thể là văn công hoặc y tá. Cô còn có cả một sợi dây chuyền vàng, chúng tôi liệm luôn cùng với hài cốt. Điều ấn tượng rất khó giải thích đối với tôi lại là chuyện này. Một lần, chúng tôi chở 45 hài cốt liệt sĩ về nước. Xe chở liệt sĩ thì các anh biết đấy. Nó là loại xe tải, phủ bạt kín mít. Về đến Kỳ Sơn, chúng tôi dừng lại ăn cơm trưa. Ai ngờ bọn kẻ cắp lại tưởng chúng tôi chở hàng hoá gì quý hiếm lắm. Chả gì thì cũng là xe từ nước ngoài về. Thế là một thằng leo lên xe, ăn trộm luôn một bọc. Chúng tôi về bàn giao cho các cơ quan chức năng rồi làm lễ truy điệu, đếm đi đếm lại mãi vẫn thấy thiếu một bộ hài cốt. Nghĩ bụng, quái, hay là mình đếm nhầm. Nhưng chả lẽ từng ấy con người mà lại nhầm được? Chúng tôi trở lại đơn vị tìm cũng vẫn không thấy. Lòng rất bứt dứt. Còn tên trộm khi mở vuông vải đỏ ra, biết không phải hàng hoá, hắn táng tận lương tâm ném luôn vào bụi tre. Và thế là một sự việc rất lạ lùng xảy ra. Một cô bé học sinh lớp 11 rất xinh xắn và ngoan ngoãn nết na nhất trong làng bỗng nhiên phát điên. Cô bé cứ rót rượu uống ừng ực và quát tháo om sòm, gọi đúng đích danh tên kẻ trộm, rằng muốn sống phải mua vé cho tao về Nghệ An. Đồng đội tao đã về hết rồi. Tại sao lại vứt tao vào bụi tre, để mối xông vai tao thế này. Mọi người thấy lạ, ra bụi tre tìm thì quả có thế thật. “Anh lính” qua miệng cô bé còn nói vanh vách tuổi tên, quê quán, đơn vị, ngày tháng hy sinh. Quê anh ở Nghi Diên, Nghi lộc, Nghệ An. Huyện đội Kỳ Sơn về nhận lại bộ hài cốt và điện cho chúng tôi. Khi đó cô bé mới dứt khỏi những cơn mê hoảng. 2 tháng sau, chúng tôi mới về được để nhận lại bộ hài cốt. Thế là trong số 45 liệt sĩ chúng tôi đón về nước đợt ấy, chỉ duy nhất có một người có tên và đó lại là người lính xấu số ấy...
(Còn nữa)