Chuyện thú vị với vài ca khúc nhạc rock bất hủ

05-09-2018 15:35 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Tất cả người hâm mộ nhạc rock đều biết và yêu thích những ca khúc này. Nhưng các bạn có biết chuyện thú vị liên quan đến quá trình xuất hiện và tồn tại của chúng?

Show must go on

Vào thời điểm thu âm ca khúc bất hủ này của Freddie Mercury (1946-1991) ca sĩ nhạc rock người Anh vĩ đại nhất mọi thời đại, nạn nhân bệnh AIDS giai đoạn cuối ốm yếu đến mức, Freddie chỉ có thể nhúc nhích cử động. Brian May, đồng nghiệp của Mercury thu âm phần giọng hát chỉ có thể máy môi theo dạng faselto (hát giọng gió, giả thanh), bởi chất giọng của ca khúc quá cao so với khả năng của Brian. “Fred, tớ không biết, liệu cậu có thể thực hiện, ngay cả khi hoàn toàn khỏe mạnh” - May ca thán. Mercury lập tức lên tiếng: “Tớ sẽ làm điều đó, bạn yêu quý”, giây lát sau người hùng uống một ngụm rượu vodka và hát một mạch, hết trọn ca khúc.

Show must go on là ca khúc thứ 12, đồng thời là nhạc phẩm cuối cùng trong album Innuendo của ban nhạc Queen. Được phát hành tháng 10/1991, ca khúc Show must go on giành vị trí 16 bảng xếp hạng ở Anh, đứng thứ 2 bảng xếp hạng của tạp chí Billboard (Mỹ). Tác giả Freddie Mercury qua đời 6 tuần sau ngày đĩa đơn Show must go on được phát hành. Sau cái chết của Mercury (tháng 11/1991), Show must go on lọt vào danh sách 75 bài hát hay nhất Anh quốc và duy trì trong thời gian khá lâu.

Freddie Mercury, tác giả ca khúc Show must go on trên sàn diễn 1990.

Freddie Mercury, tác giả ca khúc Show must go on trên sàn diễn 1990.

Light my fire

Khi The Doors, ban nhạc rock huyền thoại Mỹ thành lập năm 1965 được mời tham dự chương trình nổi tiếng The Ed Sullivan Show, các nhà tổ chức yêu cầu tác giả ca khúc Light my fire thay điệp khúc “Girl, we couldn’t get much higher” (Em gái, chúng tôi không thể cao hơn) trong lời bài hát thành câu gì đó, nhã nhặn hơn. Harrison, nhạc sĩ kiêm ca sĩ trưởng nhóm hứa, sẽ “chỉnh sửa”, nhưng trong buổi biểu diễn Morrison vẫn hát nguyên văn, không thay chữ nào.

Sau sự kiện, ca sĩ bào chữa vì lý do quá căng thẳng, song từ đó The Doors vĩnh viễn không được mời tham gia chương trình này.

Đĩa đơn Light my fire được phát hành năm 1966 (hơn 1 triệu bản), từng lọt vào top 100 Solo guitar hay nhất thế kỷ 20 do tạp chí Guitar World bình chọn.

Stairway to Heaven

Tháng 1/1991, Đài Phát thanh FM KLSK bang New Mexico (Mỹ) quyết định thay đổi định dạng phát sóng chương trình âm nhạc cho thể loại rock kinh điển và thông báo đến thính giả bằng cách phát ca khúc Stairway to Heaven suốt ngày. Hệ quả, ca khúc được phát sóng 200 lần, còn đài phát thanh gần như bị đánh sập bởi thư từ và điện thoại phản đối của đám đông người nghe nổi cơn tức giận.

Hai lần cảnh sát ập đến đài phát thanh. Lần đầu có ai đó cấp báo, nhân viên lựa chọn và phát đĩa hát của đài bị đột quỵ, lần sau cảnh sát nhận được tin báo, các phần tử khủng bố do...Saddam Husajn, kẻ hâm mộ cuồng nhiệt ban nhạc Led Zeppelin (tác giả ca khúc) phái đến đã chiếm đài!

Stairway to Heaven là ca khúc trong album thứ 4 của Led Zeppelin, ban nhạc rock Anh phát hành cuối năm 1971. Là sáng tác chung của tay guitar Jimmy Page và ca sĩ Robert Plant. Stairway to Heaven được coi là một trong những ca khúc hay nhất lịch sử nhạc rock (giành vị trí thứ 3 danh sách “100 ca khúc rock xuất sắc nhất” của VH1, năm 2000 và vị trí 31 danh sách “500 bài hát vĩ đại nhất” do tạp chí Rolling Stone bình chọn.

Satisfaction

Đêm 5/6/1965, các chàng trai ban nhạc The Rolling Stones đã thực hiện chương trình dành cho đám đông 3 nghìn khán giả tại sân vận động Clearwater, bang Florida. Sáng hôm sau nhật báo St. Petersburg Times tường thuật, khoảng 200 fan trẻ tuổi đã gây gổ với lực lượng cảnh sát bảo vệ buổi hòa nhạc. Đến thời điểm đó các nghệ sĩ mới kịp thực hiện 4 nhạc phẩm. Chính đêm hôm ấy, Keith Richards (sinh năm 1943, tay guitar chính của ban nhạc) thức giấc với tiếng đàn guitar và điệp khúc “I can’t get no satisfaction” (Tôi không thể không hài lòng). Nghệ sĩ mắt nhắm mắt mở bật máy, ghi âm lại đoạn ca khúc ấy và vùi đầu ngủ tiếp. Khi Richards mang bản thu âm đến phòng thu, té ra ngoài tiếng đàn guitar, đoạn băng ghi cả tiếng… ngáy của người hùng!

Smoke on the water

Ca khúc của ban nhạc Deep Purple mô tả biến cố có thực đã xảy ra với các nghệ sĩ. Trước đó các chàng trai trong nhóm thuê sòng bạc ở Montreux (Thụy Sĩ) trên bờ hồ Geneva, để thu âm một số nhạc phẩm. Tuy nhiên, công việc phải bỏ dở giữa chừng vì đám cháy bất ngờ lan đến phòng thu. Sau đó các nghệ sĩ buộc phải kết thúc công việc tại Grand Hotel, một khách sạn bị bỏ hoang và không có hệ thống sưởi ấm.

Một buổi sáng trong những ngày xảy ra sự cố, Roger Glover (sinh năm 1945, tay guitar bass, thành viên ban nhạc) thức dậy và thốt lên những từ “Smoke on the water” (Khói trên mặt nước) - chắc hẳn đêm trước, trong giấc ngủ Roger đã mơ thấy ngọn lửa và khói bốc lên trên mặt nước hồ. Và câu nói ngẫu hứng đã trở thành tên và nội dung tuyệt phẩm của ban nhạc Deep Purple.

Smoke on the water nằm trong album Machine Head phát hành năm 1972.  Năm 2004, ca khúc được xếp vị trí 424 trong danh sách “500 bài hát vĩ đại nhất” do tạp chí Rolling Stone bình chọn, đứng thứ 4 danh sách “Những đoạn guitar riff vĩ đại nhất” của tạp chí Total Guitar.


Vinh Thu
Ý kiến của bạn