Đáng mừng, không ít tác phẩm văn học trong thời gian qua được chuyển thể sang điện ảnh đã tạo ra nhiều tác phẩm chất lượng, khán giả đón nhận và yêu thích...
Một trong những yếu tố quan trọng để làm nên một bộ phim hay và tạo được hiệu ứng, thu hút người xem chính là chất lượng kịch bản. Trong thời gian qua, việc chúng ta thiếu kịch bản chất lượng, công nghệ làm phim chưa phát triển, kinh phí hạn hẹp... dẫn đến nhiều bộ phim ra đời không để lại ấn tượng với người xem. Đúng lúc này, giới làm nghề nhanh chóng tìm được hướng đi mới: chuyển thể tác phẩm văn học sang điện ảnh nhằm tạo sự đột phá, đem lại sinh khí mới cho phim Việt.
Ngược dòng thời gian, nền điện ảnh nước ta đã có nhiều bộ phim chuyển thể từ văn học ghi dấu ấn với công chúng. Điển hình là những tác phẩm đỉnh cao của văn học như Vợ chồng A Phủ, Mẹ vắng nhà, Chị Dậu, Làng Vũ Đại ngày ấy chuyển thể từ 3 tác phẩm văn học nổi tiếng của nhà văn Nam Cao gồm Chí Phèo, Lão Hạc và Trăng sáng. Sau đó, khán giả cả nước từng được xem bộ phim nổi tiếng Bến không chồng được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Dương Hướng. Đặc biệt, phim Thời xa vắng chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Lê Lựu là một trong những tác phẩm được giới làm phim ở nước ta đánh giá cao, khán giả yêu mến.
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - tác phẩm điện ảnh chuyển thể từ tác phẩm văn học đoạt doanh thu kỷ lục 80 tỷ đồng sau 1 tháng công chiếu.
Thời gian gần đây, các nhà làm phim Việt tiếp tục đưa nhiều tác phẩm văn học thành phim. Nổi bật trong số này phải kể phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (Victor Vũ đạo diễn) - bộ phim từng đoạt kỷ lục doanh thu phòng vé, giành nhiều giải thưởng trong và ngoài nước. Bộ phim này được chuyển thể từ truyện dài cùng tên gồm 81 chương của Nguyễn Nhật Ánh. Tác phẩm văn học khi được đưa lên màn ảnh vẫn cho thấy sợi dây kết nối khi đề cập tới tuổi thơ ở một làng quê nghèo khó, khơi gợi những ký ức đẹp đẽ trong mỗi người xem về thuở bé thơ cắp sách tới trường. Tác phẩm điện ảnh Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đã dệt câu chuyện tuổi thơ ấm áp bằng những khung hình đẹp, lời thoại dễ thương phù hợp với các diễn viên nhí trong phim.
Hiện tại, bộ phim Cô gái đến từ hôm qua của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh tiếp tục gây “sốt” ở khắp các phòng vé nước ta. Đây là tác phẩm điện ảnh mà ê-kíp làm phim đã biên kịch lại từ truyện dài ăn khách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Sau 10 ngày công chiếu, Cô gái đến từ hôm qua đã phá kỷ lục doanh thu phòng vé với việc thu về hơn 50 tỷ đồng. Bộ phim đã đánh trúng tâm lý khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ khi có những thước phim đẹp và trong trẻo, đồng thời gợi lại ký ức tuổi thơ của những ai đã đi qua quãng thời gian “nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò”.
Từng để lại những cảm xúc mạnh mẽ đối với khán giả là phim Quyên (đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình) đã được phát sóng trên truyền hình nước nhà. Quyên cũng là bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ. Tác phẩm kể về Quyên - cô gái gốc Hà Nội - theo chồng vượt biên từ Nga sang Đức. Cuộc ra đi tìm miền đất hứa trở thành cuộc phiêu lưu 9 năm với bao bất ngờ, khổ cực của người phụ nữ đa đoan nơi xứ người. Lấy bối cảnh châu Âu trước và sau thời gian bức tường Berlin sụp đổ, tiểu thuyết chứa đựng cuộc sống người Việt xa xứ. Khi Quyên được dựng thành phim đã cho thấy nhiều hình ảnh đẹp, khắc họa nhiều chi tiết ám ảnh, đặc biệt khắc họa nội tâm nhân vật Quyên gần gũi với những gì tác phẩm văn học đã đề cập, miêu tả.
Một trong những bộ phim tạo được tiếng vang trong và ngoài nước gần đây là Đảo của dân ngụ cư (đạo diễn, diễn viên Hồng Ánh). Ít người biết, Đảo của dân ngụ cư là bộ phim được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Đỗ Phước Tiến. Bộ phim của đạo diễn Hồng Ánh gần đây đã có những chuyến xuất ngoại và tham gia liên hoan phim quốc tế, từ đó đoạt giải cao như tại Liên hoan phim quốc tế ASEAN 2017 đã đoạt 3 giải danh giá nhất: Phim xuất sắc, Nam diễn viên chính xuất sắc, Đạo diễn hình ảnh xuất sắc nhất. Bên cạnh đó, Đảo của dân ngụ cư còn được giới thiệu trong khuôn khổ Liên hoan phim Cannes 2017, được công chiếu lần đầu tiên với phụ đề tiếng Tây Ban Nha tại sự kiện Tuần lễ phim Việt Nam tại Madrid, Tây Ban Nha cùng với Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Quyên và Cuộc đời của Yến.
Ngoài những bộ phim kể trên, công chúng cũng đã biết đến nhiều bộ phim chất lượng được chuyển thể từ tác phẩm văn học. Đó chính là Cánh đồng bất tận (chuyển thể từ truyện dài của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư), Mùa len trâu (dựa trên hai truyện Một cuộc đời bể dâu và Mùa len trâu của nhà văn Sơn Nam), Người trở về (chuyển thể từ truyện ngắn của nhà văn Sương Nguyệt Minh)... Với những hiệu ứng tích cực kể trên, công chúng tin rằng khi điện ảnh “bắt tay” với tác phẩm văn học sẽ tạo ra những trái ngọt vừa để phục vụ khán giả, đồng thời mở ra hướng đi mới cho giới trong nghề khi nguồn kịch bản hay rất khan hiếm. Điều này cũng cho thấy sợi dây kết nối giữa điện ảnh với tác phẩm văn học có thể tạo nên những đột biến, diện mạo mới cho điện ảnh nước nhà nói chung, giới làm phim nói riêng.