Đúng thế đấy.
Chuyện thật mà cứ như bịa.
Nhưng tôi đâu có biết bịa đặt.
Chúng ta rất vui mừng vì công cuộc đổi mới của Đảng và Nhà nước ta, đã mang lại sự thay đổi thật sự cho đời sống người dân, nhưng cũng rất đau lòng vì qua báo chí và các hãng truyền thông, ta biết nhiều di sản văn hóa vật thể của cha ông đang bị mất mát hoặc hư hại. Mỏm đá mang dáng nàng Tô Thị, đã thành một truyền thuyết tuyệt vời của người Việt ta, từ lâu đã bị một kẻ mù quáng nào đó phá hủy, đem nung vôi mất rồi.
Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh.
Chùa Tam Thanh thì vẫn còn đó. Nhưng nàng Tô Thị thì dù có hóa đá cũng vẫn không thoát khỏi cặp mắt kẻ phàm phu. Các nhà điêu khắc đành phải tái tạo lại nàng bằng xi măng cốt thép, nhưng dù có cố gắng khôi phục thì nàng Tô Thị cũng đâu còn là Tô Thị nữa. Người tạc làm sao bằng được giời tạc. Đó là chưa kể nạn mất cắp đồ cổ ở các chùa chiền. Rồi gần đây là chuyện những nhà du lịch ngoại quốc mua chiêng ché ở Tây Nguyên. Có những bộ chiêng ché được giữ gìn qua bao nhiêu đời, giờ bà con Tây Nguyên bán với cái giá chỉ mấy trăm ngàn, đủ số tiền đổi lấy mấy chục đấu gạo.
Dù có cố gắng khôi phục thì nàng Tô Thị cũng đâu còn là Tô Thị nữa...
Dường như ngày nào chúng ta cũng nói đến việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Rồi việc bảo vệ di sản văn hóa truyền thống của ông cha, trong đó bao gồm cả văn hóa vật thể. Giữ gìn di sản văn hóa là công việc của toàn dân chứ không riêng các nhà lãnh đạo, hay giới chuyên môn trong ngành văn hóa. Nước mình qua bao phen binh lửa, thời tiết, khí hậu lại rất khắc nghiệt. Bao trận đại hồng thủy như ở mấy tỉnh miền Trung thì chẳng có gì tồn tại được cả. Cha ông mình đâu phải giàu có gì. Nhiều di vật vô giá của cha ông, chiến tranh và thiên tai chưa kịp hủy hoại thì con người lại tàn phá nốt. Đáng sợ nhất vẫn là sự tàn phá của con người. Những kẻ ngu muội, ta chả nói làm gì, điều đáng buồn là ngay cả những người làm công tác văn hóa, nếu không có văn hóa cũng có thể trở thành kẻ phá hủy những công trình văn hóa một cách hữu hiệu nhất. Bởi thế, tôi trộm nghĩ, muốn giữ gìn di sản văn hóa, phải nâng cao đời sống dân trí. Nếu không có văn hóa mà lại làm công tác bảo vệ văn hóa thì rất nguy hiểm. Có khi ta lại nhiệt thành giữ gìn những cái phi văn hóa và phá hủy những cái cần được bảo vệ, nâng niu.
Có lẽ trong chúng ta, ai cũng biết Nguyễn Trãi, một danh nhân văn hóa thế giới. Ông là nhà ngoại giao lỗi lạc, nhà quân sự thiên tài, nhà thơ lớn của dân tộc. Những năm cuối đời, Nguyễn Trãi bị triều đình phong kiến hất ra lề đường. Mà cũng phải thôi, cái vương triều bé nhỏ ấy làm sao chứa được Nguyễn Trãi. Con người ngoại cỡ ấy, chỉ có thiên nhiên, trời đất may ra mới có thể chứa nổi. Nguyễn Trãi về với núi rừng Côn Sơn:
Láng giềng một áng mây bạc
Khách khứa hai ngàn núi xanh
Hóa ra đối với một nhà văn, chẳng có gì mất cả. Ngay cả sự bất hạnh cũng chưa chắc đã là bi kịch. Chính trong những năm tháng cô độc, lặng lẽ làm bạn với mây núi, hoa ngàn, Nguyễn Trãi lại có nhiều tác phẩm đặc sắc. Có thể nói, thơ viết ở Côn Sơn là mảng sáng tác hay nhất trong đời Nguyễn Trãi. Những năm tháng ấy, ông chỉ mong trời đất cứ yên bình, để sáng sáng múc nước suối pha trà, đêm gối đầu lên tảng đá, nằm ngủ dưới trăng. Rồi:
Thong thả chiều hôm dắt tay
Trông thế giới phút chim bay
Non cao, non thấp mây thuộc
Cây cứng cây mềm gió hay...
Vạn vật trên đời này đều thấu hiểu nhau. Chỉ có lòng dạ hiểm độc của con người là không thể hiểu được, cũng chẳng biết đằng nào mà lường. Hình như Nguyễn Trãi đã linh cảm trước một hiểm họa thảm khốc đang chờ ông. Và quả đúng như thế. Cũng do “bui chỉ lòng người cực hiểm thay” ấy, mà ông bị chu di tam tộc. Đời sau, người ta mới thấu hiểu và minh oan cho ông.
Ngoài văn chương được lưu truyền trong nhân dân mà bạo lực hiểm độc không triệt phá nổi, tài sản hiếm hoi còn lại của Nguyễn Trãi chỉ có một di vật, ẩn náu giữa thiên nhiên. Đó là một phiến đá nằm chót vót trên đỉnh núi Côn Sơn. Tương truyền, vào những lúc cô độc nhất, Nguyễn Trãi thường lên đó đánh cờ. Người đời sau gọi phiến đá ấy là “Bàn cờ tiên”. Qua màu sắc và độ mài mòn của mưa nắng, ta biết nó đúng là phiến đá cổ, có trước ta hàng mấy thế kỷ. Thuở ấu thơ, tôi cũng hay leo lên đó, ngồi bên bàn cờ đá mà hình dung ra Nguyễn Trãi.
Sau này, con cháu đời sau, ai cũng yêu kính ông, tự hào về ông. Và để tỏ lòng ngưỡng mộ người anh hùng dân tộc, một danh nhân văn hóa thế giới, người ta đã bỏ ra hàng tỷ đồng, dòng dã suốt mấy năm trời, vác đá từ Kinh Môn, Kính Chủ về xây hàng vạn bậc thang, rải suốt từ dưới chân núi lên đến tận Bàn cờ. Phải nói đó là một công trình kỳ vĩ. Những bậc đá nối nhau lên cao mãi. Chẳng khác gì Vạn Lý Trường Thành. Tuy thế, đi trên công trình thế kỷ đó, tôi cứ thấy tiếc, vì cảnh quan cũ đã bị phá mất rồi. Con đường Nguyễn Trãi đi xưa đâu có thênh thang đồ sộ như thế này:
Dấu người đi là lối mòn
Đường non vi vút trúc luồn
Tuyết sóc leo cây điểm phấn
Tiếng vượn xa kêu cách non...
Bây giờ khó mà tìm ra được dấu tích đó nữa. Người ta đã bỏ ra bao nhiêu tiền của, sức lực xây hàng vạn bậc đá lên giời cũng là để xem “Bàn cờ tiên” của cụ Nguyễn Trãi. Nhưng khi lên đến đỉnh giời lại thiếu một phiến đá, xuống núi vác lên thì ngại, thế là người ta đã phá luôn cái “Bàn cờ”, đập ra để làm bậc thang cuối cùng. Bây giờ lên “Bàn cờ tiên”, không còn “Bàn cờ tiên” nữa. Lên ngắm mây bay gió thổi thôi. Và nếu chỉ để ngắm mây bay gió thổi thì việc gì phải leo lên đỉnh Côn Sơn, cũng chẳng cần phải xây những bậc thang đá tốn kém đến như thế.
Chuyện thật mà cứ như bịa.