Hà Nội

Chuyến thăm đầy ẩn ý của Mỹ tới Ấn Độ

29-10-2020 17:06 | Quốc tế
google news

SKĐS - Trong khuôn khổ chuyến thăm 5 ngày tới châu Á, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Ấn Độ, đến Sri Lanka, Maldives và Indonesia nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của các nước này trong khu vực trước ảnh hưởng ngày một lớn từ Trung Quốc.

Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong tương lai

Ngày 27/10, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến Thủ đô New Delhi cùng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper để tham dự cuộc đối thoại chiến lược thường niên Mỹ - Ấn Độ với 2 đồng cấp Ấn Độ là ông S. Jaishankar và ông Rajnath Singh. Sau cuộc hội đàm, 2 bên ký thỏa thuận quân sự cho phép Ấn Độ truy cập dữ liệu bản đồ và vệ tinh tiên tiến của Mỹ giúp tên lửa và máy bay không người lái của nước này đạt độ chính xác cao hơn.

Trong một tuyên bố chung tại hội nghị, Mỹ - Ấn Độ tái khẳng định cam kết duy trì một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cởi mở và tự do. “Các bộ trưởng tái khẳng định cam kết về việc duy trì một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cởi mở, tự do và thịnh vượng dành cho mọi quốc gia dựa trên trật tự các quy tắc quốc tế, được củng cố bởi lập trường trung lập của ASEAN, quy tắc pháp luật, đầu tư cơ sở hạ tầng bền vững và minh bạch, tự do hàng hải và hàng không, sự tôn trọng chủ quyền lãnh thổ và nỗ lực giải quyết tranh chấp bằng giải pháp hòa bình”, tuyên bố nêu rõ.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo lợi ích kinh tế và an ninh cho mọi quốc gia có lợi ích hợp pháp trong khu vực, 2 bên hoan nghênh sự quan tâm gia tăng của các nước có cùng chí hướng đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời tái khẳng định rằng sự hợp tác sâu rộng hơn giữa Mỹ và Ấn Độ sẽ hỗ trợ những lợi ích chung trong việc thúc đẩy an ninh, thịnh vượng cho không chỉ riêng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Bộ trưởng Esper phát biểu: “Trọng tâm của chúng tôi bây giờ phải là thể chế hóa và chính quy hóa hợp tác của chúng tôi để đáp ứng những thách thức trước mắt và duy trì các nguyên tắc về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở trong tương lai”.

Sau Ấn Độ, Ngoại trưởng Pompeo đến thăm Sri Lanka, Maldives. Indonesia sẽ là chặng cuối trong chuyến công du châu Á lần này của ông. Phát biểu về chuyến thăm dự kiến đến Indonesia, ông David Stilwell - Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương cho biết Indonesia đóng vai trò là trụ cột quan trọng của một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở trong tương lai”.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong chuyến công du châu Á hạ tuần tháng 10/2020.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong chuyến công du châu Á hạ tuần tháng 10/2020.

Trung Quốc phản ứng

Trước khi bước vào hội đàm chính thức với Ấn Độ, Ngoại trưởng Pompeo phát biểu: “Chắc chắn sẽ có nhiều việc cần phải làm. Hợp tác xử lý đại dịch có nguồn gốc từ Vũ Hán, ngăn chặn các nguy cơ Trung Quốc tạo ra đối với an ninh và tự do thúc đẩy hòa bình và ổn định tại khu vực...”.

Ngay sau đó, phát biểu trong cuộc họp báo tại Thủ đô Bắc Kinh hôm 28/10, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân kêu gọi Mỹ hãy từ bỏ tư duy “kiểu Chiến tranh lạnh” và ngừng việc gọi Trung Quốc là “mối đe dọa”. Ông Uông nêu rõ: “Mỹ liên tục đưa ra những lời cáo buộc vô văn cứ thể hiện tư duy chủ quan ý thức hệ. Bắc Kinh kỳ vọng Washington từ bỏ những hành động làm mất đoàn kết giữa Trung Quốc với các quốc gia xung quanh cũng như gây tổn hại đến hoà bình, ổn định khu vực”.

Trung Quốc còn lên tiếng phản đối chuyến thăm Sri Lanka của Ngoại trưởng Pompeo. “Chúng tôi phản đối việc Mỹ lợi dụng chuyến thăm của Ngoại trưởng nước này để gieo rắc và can thiệp vào quan hệ Trung Quốc - Sri Lanka”, Đại sứ quán Trung Quốc đăng tin. Cơ quan này còn cho rằng chuyến thăm 24 giờ của ông Pompeo tạo gánh nặng cho Sri Lanka vốn đang trong dịch COVID-19.

Trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Pompeo, ông Den Thompson - quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách khu vực Nam Á và Trung Á cho rằng, Sri Lanka phải chấp nhận lựa chọn khó khăn để bảo đảm độc lập về kinh tế trong dài hạn. Đại sứ quán Trung Quốc lên tiếng phản đối phát biểu của ông Thompson và cho rằng đây là vi phạm nghi thức ngoại giao.


Hà Anh
Ý kiến của bạn