Chuyện tên đường phố

04-02-2012 09:49 | Xã hội
google news

Hoan nghênh TP. Hà Nội bắt đầu thí điểm biển tên đường phố trên 10 tuyến mang tên danh nhân có chú thích năm sinh, năm mất, công trạng danh nhân ngắn gọn đặt dưới tên đường phố. Nhưng cách làm thí điểm trên 10 tuyến phố hiện nay có nhiều bất cập:

Hoan nghênh TP. Hà Nội bắt đầu thí điểm biển tên đường phố trên 10 tuyến mang tên danh nhân có chú thích năm sinh, năm mất, công trạng danh nhân ngắn gọn đặt dưới tên đường phố. Nhưng cách làm thí điểm trên 10 tuyến phố hiện nay có nhiều bất cập:

- Trong một thành phố, các biển tên đường phố sẽ không thống nhất về kích cỡ và nội dung (đường phố mang tên danh nhân có chú thích, đường phố không mang tên danh nhân thì không).

- Thí điểm chú thích tên danh nhân đặt cho đường phố hiện nay không đủ để trở thành bài học lịch sử trên đường phố vì chữ nhỏ, nội dung chưa đủ thông tin cần thiết và hình thức thiếu trang trọng.

Biển tên đường phố cần được giữ nguyên như cũ và dưới biển tên đường phố cần có bảng giới thiệu về tên đường phố được mang tên một cách trang trọng như một niềm tự hào. Mỗi đường phố tự hào về cái tên mình mang đồng nghĩa với cả thành phố tự hào về lịch sử và truyền thống cũng như việc học lịch sử trên đường phố sẽ thấm nhanh hơn trong cộng đồng khi mà thực trạng hiện nay, việc tuyên truyền, giáo dục lịch sử qua phim ảnh ở ta chưa thể làm tốt khiến nhiều người biết sử nước ngoài hơn sử nước nhà qua phim ảnh.

Về tên đường phố mang tên anh hùng dân tộc, danh nhân lịch sử cần được cung cấp thông tin chứ không thể chỉ chú thích. Ví dụ Trần Hưng Đạo ngoài giới thiệu năm sinh năm mất cần có thông tin thêm tên gọi “Trần Quốc Tuấn”, một số chiến công, tác giả của Hịch tướng sĩ... Không ít các cháu hiện nay vẫn nghĩ Trần Hưng Đạo là danh nhân họ Trần có tên đệm là Hưng và tên gọi là Đạo. Đã có học sinh trong một bài thi tốt nghiệp phổ thông viết Quang Trung và Nguyễn Huệ là 2 người khác nhau vì thực tế có đường Quang Trung nhưng cũng có đường Nguyễn Huệ. Ngoài tiểu sử tóm tắt và công trạng danh nhân cũng cần có những câu nói bất hủ của danh nhân lịch sử được lưu truyền. Ví dụ Quang Trung có câu “... nước Nam ta có chủ”, Lý Thường kiệt với bài thơ “thần” Namquốc sơn hà, Trần Thủ Độ với câu “Bệ hạ muốn hàng xin hãy chém đầu thần trước đã”...

Với các danh nhân văn hóa, khoa học cũng cần được giải thích về cuộc đời, sự nghiệp, thành tựu như Đào Duy Anh, Tô Ngọc Vân, Tôn Thất Tùng...

Những tên phố không mang tên danh nhân cũng cần được giải thích. Nếu điều tra xã hội học người dân sống ở phố Giảng Võ, chắc chắn rất nhiều người không biết Giảng Võ là “ông” Giảng Võ hay võ trường và võ trường xưa sao lại được chọn đặt tên. Ngay phố Văn Miếu và phố Quốc Tử Giám cũng dễ bị nhầm làm một tuy cùng giáp 2 cạnh của một khu di tích. Người dân 2 con phố trên đâu phải ai cũng phân biệt được Quốc Tử Giám là trường đại học đầu tiên của nước nhà và Văn Miếu là di tích thờ Khổng Tử đánh dấu giai đoạn Nho học vào nước ta.

Những phố “Hàng” cũng cần được giải thích rõ để qua đó giáo dục về các làng nghề truyền thống, ví dụ phố Hàng Đồng có bảng giới thiệu về nghề đúc đồng, các làng nghề đúc đồng trên cả nước.

Bên cạnh việc giải thích tên phố, thiết nghĩ nên có lịch sử của phố, giai đoạn nào đường phố mang tên gì. Thế hệ trẻ hôm nay tìm về lịch sử qua sách vở sẽ biết “phố Hàng Cỏ”, “đường Nam bộ” là con đường Lê Duẩn hiện nay chẳng hạn.

Một lần nữa xin hoan nghênh việc làm rõ tên đường phố của UBND TP. Hà Nội, song lớn hơn là việc giáo dục lịch sử, truyền thống qua tên đường phố. Hy vọng mỗi đường phố thủ đô sẽ là một trang lịch sử đi vào nhận thức tự nhiên của người dân, cả thành phố với những con đường ngang dọc sẽ là cuốn lịch sử, truyền thống sinh động dễ hiểu, dễ nhớ. Thực hiện điều này chắc không khó, không mất nhiều thời gian khi bấy lâu, những công trình “Từ điển” với kinh phí không nhỏ do Nhà nước đầu tư đã hoàn thành với sự tham gia của các nhà khoa học. Vấn đề là TP. Hà Nội có Hội đồng giới thiệu (chứ không phải chú thích) tên đường phố từ những công trình đã có được chỉnh lý bổ sung. Quan trọng hơn là Hà Nội có quyết tâm đưa lịch sử, truyền thống vào những đường phố mang tên để giáo dục, tuyên truyền hay không.

Lê Quý Hiền


Ý kiến của bạn