Mang trên mình một màu xanh lam ấn tượng, con tàu từng phút cập sát dần vào vị trí Kho cảng LNG Thị Vải, đánh dấu sự kiện đầu tiên và quan trọng nhất trong lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh của Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS).
Đón chuyến tàu LNG đầu tiên có các vị lãnh đạo PV GAS: ông Nguyễn Thanh Bình – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT PV GAS; các thành viên HĐQT PV GAS: ông Triệu Quốc Tuấn và ông Nguyễn Hồng Sơn; ông Trần Nhật Huy – Phó Tổng giám đốc PV GAS; đại diện lãnh đạo các ban, đơn vị của PV GAS.
Chặng đường hoàn thiện chuỗi dự án Kho cảng LNG Thị Vải đã được đánh dấu bằng sự kiện rất đáng mong đợi trong ngày hôm nay. Ông Nguyễn Thanh Bình – Chủ tịch HĐQT PV GAS đã gửi lời chúc mừng và động viên đến toàn thể đội ngũ CBCNV đã nỗ lực cho "thời khắc lịch sử" của ngành công nghiệp Khí Việt Nam. Ông Nguyễn Thanh Bình và đoàn công tác cũng đã trực tiếp lên tàu Maran Gas Achilles, chào mừng "đại sứ LNG" đầu tiên đến từ Shell và cảm ơn tinh thần làm việc đầy trách nhiệm, kỷ luật và nhiệt thành của tất cả các bên tham gia trong ngày trọng đại này.
Với khối lượng gần 70.000 tấn LNG được nhập từ cảng Bontang, Indonesia, tàu Maran Gas Achilles cập cầu cảng PV GAS để cung cấp toàn bộ lượng LNG cho quá trình chạy thử và vận hành chính thức kho LNG Thị Vải.
Để đảm bảo công tác tiếp nhận tàu an toàn, tuân thủ theo các quy định Hàng hải, Công ty Chế biến khí Vũng Tàu (KVT), đơn vị trực thuộc PV GAS được giao nhiệm vụ chủ trì trong công tác hàng hải liên quan đến tiếp nhận tàu LNG, phối hợp chặt chẽ cùng các bên liên quan để xây dựng phương án đảm bảo an toàn hàng hải cho tàu LNG trọng tải tới 100.000 DWT cập/rời cảng. Phương án này đã được Cục Hàng hải Việt Nam phê duyệt, theo đó các điều kiện hàng hải cần thiết cho công tác tiếp nhận tàu đã được sẵn sàng.
Ngay khi Maran Gas Achilles tiến vào khu vực phao số 0 cảng Bà Rịa - Vũng Tàu (nằm cách cầu cảng PV GAS khoảng 32 km), các hoa tiêu ngoại hạng dày dặn kinh nghiệm, trước đó đã được tham gia các lớp mô phỏng buồng lái tàu LNG và chuyên gia hàng hải (Mooring master) lên tàu và bắt đầu phối hợp cùng với Thuyền trưởng đưa tàu tới cảng. Trong quá trình hành hải, có 1 ca nô tốc độ cao với sự tham gia của chuyên gia Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu (VTS) làm nhiệm vụ dẹp luồng và 1 tàu lai với tính năng cơ động cao, công suất lớn (tàu Azimuth, công suất 5.000 HP) làm nhiệm vụ hộ tống và cảnh giới an ninh an toàn suốt từ phao số 0 tới khi tàu cập cảng. Bên cạnh đó, để con tàu LNG có thể cập cảng một cách an toàn, 4 tàu lai loại Azimuth (cùng công suất 5.000 HP) cũng đã phối hợp nhịp nhàng để đẩy-kéo và buộc dây. Tất cả quá trình này tuân thủ theo Quy trình điều động và tiếp nhận tàu LNG cập/rời cảng đã được KVT phối hợp cùng Hoa tiêu, Mooring master và Đại lý hang hải triển khai xây dựng trước đây, đồng thời với việc "Đánh giá rủi ro cho quá trình hành hải và tiếp nhận tàu LNG".
Khi cập thành công vào cầu cảng, LNG từ tàu Maran Gas Aschilles được bơm vào bồn chứa LNG (dạng full containment) dung tích 180.000 m3 thông qua hai cần nạp có kích thước DN500 và hệ thống đường ống nhập có kích thước DN900, đường tuần hoàn DN80.
Kho LNG Thị Vải được thiết kế với lưu lượng nhập LNG tối đa là 11,000 m3/h. Bồn chứa LNG có hai đường nhập sản phẩm là đường nhập đỉnh và đường nhập đáy. Đồng thời với quá trình nhập LNG từ tàu cập tại cảng vào bồn chứa, LNG cũng sẽ được các bơm thấp áp bơm liên tục ra khỏi bồn chứa, sau đó được nâng áp qua bơm cao áp và tái hóa thành khí bằng hệ thống gia nhiệt. Dòng khí tái hóa đi qua hệ thống đo đếm thương mại để cấp cho các "địa chỉ" đang cần nguồn năng lượng quý báu. Một phần khí được cung cấp vào trạm thấp áp để giảm áp suất và cung cấp cho các khách hàng tiêu thụ khí áp suất thấp tại Khu công nghiệp Phú Mỹ 3.
Khí LNG sẽ được phân phối đến các khách hàng theo 2 phương thức: qua đường ống (LNG được tái hóa khí và bơm vào đường ống để cấp cho khách hàng) hoặc cung cấp bằng xe bồn/kho LNG vệ tinh (vận chuyển bằng xe bồn đến khách hàng xa hệ thống đường ống, bồn chứa tại các kho vệ tinh để tái hóa khí và cung cấp cho khách hàng).
Trong thời gian nhập hàng lên bồn, Phòng điều khiển trung tâm Kho cảng PV GAS Vũng Tàu nói riêng, toàn bộ hệ thống điều độ khí PV GAS nói chung luôn tập trung theo dõi sát sao các thông số vận hành, bao gồm lưu lượng nhập, áp suất bồn chứa, nhiệt độ bồn chứa và tình trạng hoạt động của các thiết bị khác trong kho như các bơm thấp áp, cao áp, thiết bị tái hóa và lưu lượng khí cấp cho các khách hàng.
Quy trình nhập khẩu, xuất khẩu và vận chuyển khí LNG phải đáp ứng các yêu cầu pháp lý, hạ tầng, kỹ thuật, an toàn và môi trường để đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường khí LNG tại Việt Nam.
Để đảm bảo nguồn cung LNG ổn định, PV GAS đã làm việc và ký kết nhiều hợp đồng khung mua bán LNG theo chuyến với nhiều nhà cung cấp LNG lớn đến từ nhiều khu vực xuất khẩu khác nhau trên thế giới, trong đó có nhiều nhà cung cấp lớn đến từ Mỹ, khu vực Châu Âu, Trung Đông, Châu Á.... Các Nhà cung cấp LNG cũng rất đa dạng, từ nhà sản xuất (producers) đến các công ty thương mại (portfolio players/ trading houses). Việc hợp tác với các Nhà cung cấp LNG lớn, danh tiếng tại nhiều khu vực khác nhau trên thế giới sẽ giúp PV GAS linh hoạt hơn trong việc lựa chọn nguồn cung ứng với các điều khoản thương mại tối ưu.
Mục tiêu đến năm 2030, định hướng đến năm 2035, bên cạnh việc nhập khẩu LNG bổ sung thiếu hụt từ nguồn khí nội địa cho các khách hàng hiện hữu, PV GAS sẽ phát triển cung cấp khí từ nguồn LNG nhập khẩu cho các nhà máy điện mới, phấn đấu đạt mức khoảng 1,5 triệu tấn LNG vào năm 2030.