Thuở ấu thơ, chú đã từng có bài thơ Đi tàu hỏa rất thú vị: Tiếng bành bạch rất xa / Tiếng bành bạch rất gần / Nghe ù ù ầm ầm / Đất trời đang xay lúa / Nắng bập bình cửa sổ / Mây bồng bềnh về đâu / Em ngồi trên dông bão / Đang chuyển dưới gầm tàu... Sau này, chú lại có dịp đi tàu hỏa ở Đức. Nghe nói buồn cười lắm. Chú có so sánh gì về tàu hoả của ta với tàu hoả của Đức, bật mí cho tụi cháu nhé. Cháu cảm ơn chú nhiều.
VŨ HUYỀN TRANG (chuotconngocngech@yahoo.com)
Nhà thơ TRẦN ĐĂNG KHOA
Cảm ơn cháu đã quan tâm đến một kỉ niệm của chú ở xứ người. Cụ V.I. Lênin, từ những năm đầu của thế kỉ trước, đã lấy mạng lưới tàu hỏa Đức làm 1 trong 5 tiêu chí xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Cứ như định nghĩa đầy đủ của Lênin, thì Chủ nghĩa xã hội là “Nền giáo dục Mỹ, cộng với quản lí kinh tế Mỹ, cộng với mạng lưới đường sắt nước Phổ, cộng với điện khí hóa toàn quốc và cộng với chính quyền Xô viết”.
V.I. Lênin quả là người nhìn xa trông rộng. Cứ như quan niệm của ông, Chủ nghĩa xã hội là kết tinh của những đỉnh cao nhân loại. Sẽ còn rất lâu nữa, chúng ta mới vươn tới cái xã hội hoàn thiện ấy.
Chú không biết hệ thống đường sắt nước Đức ở thời Lênin như thế nào, nhưng theo nhà văn Nguyễn Văn Thọ, một “con ma xó” đã nhiều năm lặn lội trên đất Đức thì ở đây, hệ thống đường sắt dường như ít thay đổi. Có đủ thứ hạng tàu. Tàu chạy bằng đầu máy diezel. Rồi lại có cả tàu chạy bằng đầu máy hơi nước. Mặc dù những con tàu “hoang dã” ở thời “cổ đại”, thời ông K. Mark viết Tư Bản luận, thường chi phí rất đắt, lại ô nhiễm môi trường. Nhưng người Đức vẫn “nuôi” nó như một hiện vật sống ở một viện bảo tàng ngoài trời. Còn thì thông thường, nối giữa các thành phố lớn là một hệ thống tàu hiện đại. Tàu chạy với tốc độ lớn. Vừa rời ga, lập tức vận tốc đã lên đến 180 - 250km/h. Ngồi trong tàu, rất khó xác định được những loài cây lướt qua cửa sổ. Chỉ thấy loáng một ánh chớp xanh. Con tàu đang bay trên mặt đất. Tàu chạy nhanh như thế, nhưng rất êm. Có thể dựng đứng điếu thuốc lá trên mặt bàn mà không đổ. Trong toa hoàn toàn tĩnh lặng. Không nghe thấy tiếng bánh sắt bành bạch nghiến trên đường ray như tàu của mình. Ta như ngồi phòng cách âm. Có thể đọc sách, nghe nhạc, vào hệ thống internet hoặc xem các chương trình truyền hình. Màn hình ở ngay sau lưng ghế của người ngồi phía trước. Với hệ thống tàu hỏa hiện đại như thế này, mấy vạn cây số cũng không còn là một khoảng cách đáng ngại. Chú từ Berlin, đi Bokhum, một thành phố cổ kính ở Tây Đức dự cuộc giao lưu với các sinh viên và cộng đồng người Việt. Một chặng đường chừng 700km mà cứ như đi từ phố nọ đến phố kia. Sáng 8 giờ lên tàu. Trưa đã dự bữa cơm thuần Việt rồi nghỉ ngơi thoải mái. Chiều 2 giờ làm việc. Rồi đi dạo phố, thăm danh lam thắng cảnh. Chiều lại quay về bằng tàu hỏa. Tới Berlin, trời vẫn chưa tắt nắng. Một ngày mà làm được bao nhiêu công việc. Đi được bao nhiêu đường đất. Đúng là chuyện chỉ có ở trên thiên đường! Nhưng điều chú kinh hoàng nhất là tàu ở đây chạy rất đúng giờ, chuẩn xác đến từng tích tắc. Chỉ cách hơn phút lại một chuyến tàu, sơ sểnh là nhầm ngay. Mà lạc tàu rất phiền toái. Đã thế, tàu lại nhiều, cơ chừng nhiều hơn cả hành khách đợi trên ga. Trên sân ga chỉ lót đót mấy bóng người, mà trong vài phút đã có hàng chục chuyến tàu chớp qua. Nhà văn Nguyễn Văn Thọ rất có lí khi thấy chú sau nhiều năm lang bạt trên đất Nga, cũng đã từng xuôi ngược bao lần trên những chuyến tàu tốc hành của Nga mà rồi đến Đức vẫn cứ thành một “chú bò đội nón”. Chú đã mấy lần đi tàu, lần nào cũng có thổ công dẫn dắt mà rồi vẫn gặp sự cố. Đợt trước đi cùng F.Gerke, chú luống cuống thế nào, bỏ quên cả cái ví nhỏ trên ghế đá sân ga. Lần này, đi cùng hai ông thổ công là chú Nguyễn Văn Thọ và bác Phạm Vĩnh Thắng mà rồi loạng quạng cũng lại nhầm tàu. Bác Phạm Vĩnh Thắng từng học ở Đức, lại công tác ở Đại sứ quán ta tại Đức. Bác thường xuyên lặn lội xuống các cơ sở của cộng đồng người Việt bằng tàu hỏa nên có thẻ giảm giá. Còn chú Nguyễn Văn Thọ thì đã gần nửa đời bươn chải trên xứ này, nên thông tỏ mọi ngóc ngách ở Đức như con thú rừng đã thuộc hết mọi nẻo đường rừng. Khi bọn chú còn đứng trên sân ga, chú Nguyễn Văn Thọ đã cẩn thận nghiên cứu biểu đồ chuyến đi, rồi lại tìm bảng điện tử xem chỉ dẫn cụ thể của từng chuyến tàu. Rồi bọn chú tất tả chạy theo chú Thọ. Hóa ra chú Thọ dẫn mọi người lên con tàu đi thành phố khác. Khi tàu chuyển bánh, bằng một linh cảm rất đặc biệt, chú Thọ nhận ra ngay là mình đã nhầm. Nhưng phải vượt qua mấy trăm cây số, bọn chú mới tìm được con tàu đích thực “của mình”. Mà nào có xa xôi gì. Nó ở ngay phía trước. Hóa ra hai con tàu đính mũi vào nhau, cùng chạy một thời điểm. Rồi chỉ trong một chớp mắt nào đó, nó sẽ tách ra, đi về hai thành phố riêng biệt. Xem ra, chú Thọ cũng chẳng khác gì “ông bò đội nón”. Mặc dù đã bao lần xuôi ngược trên những chuyến tàu này...
Di chuyển trên các chuyến tàu nội địa, tàu cao tốc hay tàu đêm khi du lịch nước Đức là cách giúp bạn tiết kiệm chi phí đi lại, tiện lợi và bạn sẽ những trải nghiệm thú vị mà khi đi máy bay hay xe sẽ không bao giờ có được.
Năm ấy, chú Thọ và cô Hiền Ngọc còn chưa thân nhau trong nhóm bạn rủ nhau lên Berlin chơi. “Tiểu thư công nương” Hiền Ngọc, một phụ nữ nhỏ nhắn, trắng trẻo và xinh xắn đeo khư khư một chiếc ba lô có hai quai giả da. Trong ba lô chả hiểu có những gì. Chỉ thấy chẳng bao giờ cô rời nó. Họ ríu rít nói chuyện với nhau, không biết rằng đã tới bến. Khi tàu vừa dừng, họ nháo nhào lao xuống. Cô Ngọc đi sau cùng nên ba lô còn vướng ở trong tàu mà cánh cửa thì đã khép chặt. Lập tức, cô bị treo lửng ngoài cửa toa. Thế thì khác gì voi giày ngựa xé. Mà nào phải voi. Nó là con mãng xà vương bay trên mặt đất. Trò giảo hình thời trung cổ sẽ diễn ra ngay trong chớp mắt. Thấy tình thế cực kì nguy hiểm, bằng sự tinh nhạy của một người lính trận, chú Thọ bay theo và trong chớp mắt, chú đã thành chàng Thạch Sanh cứu nàng công chúa. Chú vung tay chặt quai ba lô. Cú chém khá mạnh. Hai quai da đứt tung, phần ba lô ở lại trong tàu còn cô Ngọc và chú cuộn lăn trên sân ga. Khi họ dìu nhau đứng được dậy thì con “mãng xà vương” cũng đã biến mất. Cả nhà ga nháo nhác. Công an, rồi nhân viên đường sắt ào đến. Rồi bác sĩ cứu nạn. Nhưng chẳng có vết thương nào cả. Cặp uyên ương ấy cũng chẳng còn nhìn thấy gì nữa. Cái sân ga nhốn nháo ấy đã thành thiên đường chỉ còn có 2 người. Rồi họ về Berlin nhận lại chiếc ba lô. Mà nào có gì đâu. Chỉ một cái quần bò người bạn nào đó gửi cho người thân ở Berlin. Chút nữa thì cái quần ấy đã được đổi bằng cả một mạng người. Nhà văn Nguyễn Văn Thọ bật khóc. Mới hay nước mắt đàn ông thật ghê gớm. Người đàn bà đã trải qua bao nỗi đau khổ, tưởng lòng mình chai sạn giờ bỗng thấy bủn rủn. Chính nước mắt đã gắn kết họ với nhau.
Thế rồi nên vợ, nên chồng.
Chú ngạc nhiên như thế nào khi đi tàu hỏa Đức, thì giáo sư người Đức, ông J. Berke cũng ngạc nhiên như thế khi chu du tàu hỏa Việt Nam. Ông đã hai lần sang thăm Việt Nam. Cả hai lần, ông đều xuyên Việt bằng tàu hỏa. Ông đi từ Sài Gòn ra Hà Nội. Chặng đường dài hơn ngàn cây số. Nếu ở nước Đức, tàu chỉ chạy ngót một đêm. Còn ở đây, con tàu cứ cà rịch cà ràng chạy miết. Ông đọc hết cả một đống báo mang theo. Rồi lại ngủ. Lại đọc hết cả mấy cuốn tiểu thuyết. Rạng sáng ngày thứ ba, mở mắt ra, ông kinh ngạc thấy con tàu vẫn lúc lắc chạy. Đến lúc đó thì ông bắt đầu thấy hoảng. Ông nghĩ là mình đã lên nhầm tàu. Không khéo con tàu này lại là tàu liên vận quốc tế. Biết đâu nó đã đến Trung Quốc rồi. Ông nhìn qua cửa sổ chắn bằng lưới sắt như chuồng nhốt thú dữ. Không có thảo nguyên, cũng không thấy đồng cỏ. Chỉ loi thoi mấy căn lều lợp bằng rơm rạ của dân du mục. Thế thì đích thị là vùng sâu vùng xa của nước Mông Cổ rồi. Nghĩa là con tàu đã băng qua Trung Quốc. Vé đi Hà Nội sao lại sang nơi khỉ ho cò gáy của Mông Cổ nhỉ? Ông bày tỏ sự ngạc nhiên như thế. Nhưng không ai hiểu. Cả nhân viên nhà tàu và người bạn đường của ông, một cựu chiến binh ngồi cùng toa, cũng đều nhìn ông như nhìn người ngoài hành tinh. Thế rồi mãi buổi trưa hôm sau nữa, con tàu mới về đến ga Hà Nội. Chỉ vượt có hơn ngàn cây số mà ông cứ đinh ninh mình đã chu du qua cả mấy nước châu Á. “Nhưng ở Việt Nam, thích nhất lại là đi xe đạp. - Giáo sư J. Berke tâm sự - Chỉ cần bỏ ra hơn chục đô-la là đã có cả một chiếc xe đạp rồi. Đi xe đạp Việt Nam rất hay bị xịt lốp. Nhưng không sao. Xe xịt ở bất cứ chỗ nào thì cứ tạt vào rệ đường. Thế là lập tức ở đó sẽ có ngay một ông thợ bơm vá xe đạp. Mà những ông thợ này rất đặc biệt. Họ không phải người bình thường đâu. Họ là những anh hùng trong những năm chiến tranh. Đó là pho sử sống của cả một thời đại. Chỉ cần một lần bơm xe hay vá xăm xe, là ta biết được bao nhiêu chuyện. Cứ tự nhiên là họ tự nói ra. Người Việt xởi lởi lắm. Họ chẳng giữ được cái gì lâu ở trong lòng. Nhưng mà đừng có hỏi. Nếu cứ tò mò hỏi, lập lức họ sẽ nghi ngay mình là một thằng gián điệp. Người Việt vốn cảnh giác cao độ. Những đau khổ trong bao năm chiến tranh đã cho họ đức tính đa nghi này... Giáo sư J. Berke cười tủm tỉm. Rồi ông nheo nheo một bên mắt, như một chàng trai tinh nghịch, vừa phát hiện ra một bí mật mới của loài người: “Còn muốn ngắm toàn bộ đất nước Việt Nam, anh biết tôi phải thực hiện như thế nào không? Giáo sư bảo chú - Đơn giản thôi! Chỉ cần xuôi một chuyến tàu từ Nam ra Bắc. - J. Berkr tiếp tục câu chuyện - Tàu Việt Nam đi rất chậm. Nó như một con sâu đo, vừa đi vừa ngửi ngửi đánh hơi để tìm kiếm một cái gì đó ở dưới lòng đất. Ta có thể chụp ảnh phong cảnh. Mà bao nhiêu là phong cảnh. Núi rừng. Biển cả. Những ngọn tháp cổ. Những chòm xóm dân cư. Rồi những bãi chợ. Mà chợ Việt Nam rất lạ. Có cả chợ di động. Tàu chỉ dừng lại là toa tàu thành ngay một cái chợ rồi. Người bán ào lên trao hàng. Rồi bán hàng qua khung cửa sổ. Có lần tàu đang chạy, tôi thấy “kịch” một tiếng ở trên nóc. Thế rồi một cái đầu người treo ngược ở khung cửa sổ. Vợ tôi hốt hoảng rú lên. Tưởng phải chứng kiến một tai nạn khủng khiếp. Nhưng không. Một cái miệng toét cười. Hóa ra là một cậu bé bán hàng rong. Cậu ta nằm trên nóc tàu, rồi toài cái đầu xuống trao túi hoa quả và nhận tiền của khách mua hàng. Kinh doanh đến như thế thì khiếp thật. Dù chỉ làm một việc đơn giản, là đi bán dạo như cậu bé ấy cũng phải có cái tài ảo thuật của nhà ảo thuật nổi tiếng thế giới David Kopperfield!