Khi thì ông “đứng” một mình, nghĩa là ông độc thoại, khi thì ông trả lời phỏng vấn, mà nói theo ngôn ngữ của ông là ông “đấu khẩu”, hay “đọ lưỡi” với phóng viên, ông cứ “tố” phóng viên lưỡi nhọn, nhưng lưỡi ông cũng nhọn chẳng kém. Mục đích những cuộc đấu ấy là để trang báo sinh động, tránh đi sự nhàm chán, tẻ nhạt. Chúng ta cũng đã bàn về nhiều vấn đề thời sự nóng hổi, cả ở tầm vĩ mô và vi mô. Trận “đấu” này, ta sẽ không đấu gì cả. Nghĩa là chỉ thư giãn những chuyện tầm phào. Ông đồng ý không?
- Bà là người tra khảo tôi. Nghiêm túc hay bông phèng cũng đều do bà. Tôi chỉ là kẻ “lệ thuộc, ăn theo” chứ có được chèo lái, quyết định gì đâu. Thế thì có gì mà bà cứ phải rào đón…
- Thế thì ta vào chuyện nhé. Ông có tin ma không? Theo ông có ma không?
- Ma thì thời nào mà chả có. Người ta vẫn rầm rì kể cho nhau nghe vào những đêm tối giời mưa dầm gió bấc. Thực ra thì tôi cũng không tin lắm đâu, vì chỉ được nghe kể chứ chưa được nhìn thấy tận mắt bao giờ. Nhưng tôi cũng không dám phủ nhận hay báng bổ…
- Thì ông cũng đã từng bị ma trêu và trêu giữa ban ngày đó thôi…
- À, đấy là chuyện nhà báo Hoàng Anh Sướng kể. Chuyện hoàn toàn có thật. Trên đường từ quê ra Hà Nội, tôi đi tè vào ngôi mộ gió. Thế rồi đi một đoạn tôi thấy mình rất lạ, như kẻ buồn ngủ, mà không ra buồn ngủ. Khi tỉnh dậy thì thấy mình đã nằm giữa đường. Cái xe đè lên người. Mấy người đi đường chỉ cho tôi mới biết mình phóng xe xuống ruộng, lượn mấy vòng dưới ruộng, rồi lại “bay” lên đường và ngã như trời giáng ở giữa đường. May không chết. Phóng xe xuống ruộng thì có thể, nhưng từ dưới ruộng phóng lên thì không thể, dù có phép ảo thuật vì bờ dựng đứng, lại cao hơn bánh xe. Lên làm sao được. Vậy mà tôi đã “bay” lên được và ngã ở giữa đường. Tất cả những điều đó người đi đường chứng kiến và kể lại cho tôi nghe. Còn tôi thì hoàn toàn không biết gì. Nhiều người cũng ở trường hợp tôi. Họ lao thẳng vào đầu xe ôtô hoặc lao xuống ruộng, lúc mọi người lôi được lên thì đã chết đứ đừ rồi. Người ta bảo tôi bị ma trêu. Nhưng tôi có nhìn thấy ma đâu. Khi diễn ra vụ việc, tôi như người ngủ. Khi tỉnh dậy, biết tường tận mọi việc thì sợ quá. Tôi vã hết mồ hôi dù trời đang giá rét…
Đất rừng bị “ma ngày” hóa phép thần thông thành những biệt phủ lộng lẫy, ngút ngát như thế này đây (Ảnh minh họa)
- Những chuyện mà ông gọi là “ma trêu” như thế này, thường chỉ xảy ra với người phương Đông thôi chứ có xảy ra với người phương Tây không?
- Chuyện này, bà phải hỏi người phương Tây chứ, sao lại hỏi tôi? Tôi cũng chẳng biết người phương Tây có tin ma không? Nhưng tôi biết có một người Mỹ hoàn toàn tin là có ma. Đó là Bruce Weigl. Anh là nhà thơ lớn của Mỹ, một người rất thân với nhà văn Lê Lựu và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Tôi biết anh khi sang thăm nước Mỹ. Ở Mỹ, có hai thứ người ta không còn để ý đến nữa. Đó là ăn và mặc. Bruce bước lên bục giảng ở trường đại học. Anh đánh độc một cái quần soóc đen rộng thùng thình, vắt vẻo hai dải rút trắng, áo may-ô mặc lộn ngược. Trông anh như bức tranh biếm họa. Ấy thế mà có hôm anh mặc rất đỏm dáng. Mái tóc chải mượt. Tấm áo sơ-mi trắng là phẳng, giắt gọn trong chiếc quần bò jeans bó sát thân. Anh như một chàng trai đang yêu, đỏm dáng quá, tươm tất quá, chẳng giống Bruce chút nào. Tôi chưa kịp ngạc nhiên thì anh hỏi: “Này, ông Khoa, ông bảo người ta chết rồi, liệu còn linh hồn không?”. Tôi không hiểu sao Bruce lại hỏi thế? “Ấy là vì đêm qua, trong giấc mơ, mà không, không phải mơ, tôi vẫn đang thức. Nói đúng ra là nửa thức, nửa ngủ, tôi nghe thấy tiếng gọi ở ngay bên tai (giọng Bruce hổn hển như người hụt hơi). - Đúng là tiếng Linda”. “Linda nào vậy?”. “Cô ấy là người yêu cũ của tôi. Người yêu đầu tiên. Cô ấy mất lâu rồi. Mất vì một tai nạn. Vậy mà đêm qua cô ấy gọi tôi. Đúng là cô ấy gọi tôi. Vì chỉ có Linda mới gọi tôi đầy đủ tên. Còn mọi người thì chỉ gọi tắt là Bruce. Nhưng Linda thì không thế. “Bruce Weigl! Bruce Weigl! Dậy đi! Dậy đi! Em về rồi đây này! Sao anh để em chờ lâu thế?”. Tôi choàng tỉnh dậy. Mồ hôi vã đầm đìa. Tôi lập cập mở cửa. Không có ai cả. Khu vườn đầy trăng mà vẫn lặng gió. Vào nhà mở lịch. 3 giờ 17 phút ngày 12 tháng 7. Trời ơi! Đúng là ngày sinh, giờ sinh của cô ấy. Hồi cô ấy còn sống, cứ vào ngày ấy là chúng tôi lại đi chơi với nhau. Tôi dậy mặc quần áo, chải lại đầu tóc. Rồi không sao ngủ lại được nữa. Người ta chết, liệu còn linh hồn không?”, Bruce lại hỏi. “Còn chứ! Nhất định là còn chứ”, tôi đáp hấp tấp. “Tại sao ông biết chết vẫn còn linh hồn?”. “Thì cô Linda gọi anh đó! Gọi đúng vào ngày sinh của cô ấy. Nếu không phải cô ấy thì ai nào? Tôi có một anh bạn thân. Rất thân. Thứ bảy, anh ấy tranh thủ đạp xe về thăm nhà. Chặng đường khá xa, chừng bảy mươi cây số. Đến mười giờ đêm, anh ấy mới về đến cầu Cầm. Cây cầu này là trọng điểm bắn phá của máy bay Mỹ trong những năm chiến tranh. Tôi cũng có bài thơ về chiếc cầu oanh liệt này. Bấy giờ đã khuya. Trăng suông và mưa phùn. Rét ngăn ngắt. Anh bạn tôi chợt thấy bên đường có một người con gái khoác tấm vải dù nguỵ trang: “Anh bộ đội ơi, cho em nhờ một đoạn với. Lâu lắm rồi, em cũng chưa về nhà. Nhà em ở ngay Mạo Khê thôi!”. Anh bạn tôi dừng ngay xe, tháo chiếc ba-lô, quàng lên ghi-đông, dành chỗ cho cô gái ngồi. Đường dài, có được một người bạn, nhất lại là bạn gái xinh đẹp để trò chuyện, kể cũng vui. Cô gái thật mau miệng. Anh biết cô tên là Dung, từng tham gia thanh niên xung phong, cô còn bà mẹ già. Bà mẹ cô bị thấp khớp, cứ trở trời là lại đau. Về tới Mạo Khê, đến đúng căn nhà đen nhẻm bụi than nằm lặng lẽ bên cây bàng cụt ngọn do chính cô chỉ dẫn, anh rùng mình quay lại. Không thấy cô đâu cả. Căn nhà im ắng. Trông hoang lạnh như một cái miếu thờ. Anh gõ cửa, một bà cụ tóc bạc, bàng hoàng nhìn anh. “Mẹ ơi, cô Dung về chưa? Cô ấy vừa nhờ con đèo về đến đây mà. Nhưng về đến nhà lại chẳng thấy cô ấy đâu cả?”. “Trời ơi, thế ra là anh ư?”, bà cụ òa khóc. “Vào nhà đi con! Đội ơn con”. Bà cụ sụp xuống, vái anh. Còn anh thì không hiểu gì cả. Anh chợt nhận ra mùi hương trầm. Rồi ngọn nến hí hóp cháy trên bàn thờ. Rồi bức ảnh cô Dung mà anh nhận ra ngay. Rồi tấm bằng liệt sĩ... “Trời ơi, sao lại thế này, mẹ?” - “Em nó chết một năm rồi. Hôm nay đúng là ngày giỗ đầu nó”. Thế là anh ngã vật ra.
- Thật thế à? Sợ nhỉ…
- Đấy là chuyện ông bạn tôi kể. Chuyện này cũng do một ông bạn thân khác của tôi kể. Nhưng lại là chuyện ma sống. Chuyện cũng tương tự như thế, chỉ khác ở cái kết. Đó là ông bạn tôi cũng gặp một cô gái hỏi đi nhờ xe trong một đêm trăng mờ. Họ cũng trò chuyện với nhau rất rôm rả nên đêm cũng bớt vắng. Thế rồi khi qua một nghĩa địa, cô gái ôm chặt lấy anh vì sợ. Bầu vú thây nẩy của cô còn chịn vào lưng anh. Bản năng bị đánh thức và trỗi dậy. Anh dừng xe, muốn ôm lấy cô. Và anh rùng mình. Trước mắt anh là cái đầu trọc lóc. Một cái đầu lâu trắng hếu. “Ma!”. Anh chỉ kịp kêu lên như thế rồi ngã luôn và bất tỉnh. Khi anh tỉnh dậy thì đã thấy mình nằm trong bệnh viện. Các bác sĩ cho biết có một cô gái đã đưa anh vào viện cấp cứu. Ngày hôm sau, anh trở lại bình thường, đang chuẩn bị ra viện thì cô gái ấy lại đến thăm anh. Vừa nhìn thấy cô, anh đã giãy đành đạch. Cô gái phải kêu lên rằng cô không phải ma. Cô bị tai nạn lao động, do máy cuốn phải tóc, làm tróc hết cả da đầu. Cô phải đội tóc giả. Đêm qua, lúc anh quay lại ôm cô, do cô lúng túng, tóc giả bung ra mà không xử lý kịp. Tất cả chỉ là thế. Cô gái nhấc tóc giả ra. Một mái đầu trọc lóc. Nhưng ông bạn tôi không còn sợ nữa. Ông đã hoàn hồn. Và chỉ đến lúc ấy, ông bạn mới khỏi hẳn để có thể ra viện.
- Hóa ra đó là người sống…
- Đúng, người sống. Còn ma sống cũng nhiều lắm. Ngày xưa, người ngự cõi dương, còn ma ở cõi âm. Chỉ đêm mới gặp ma. Bây giờ thì lộn tùng phèo. Người lại đi đêm. Rất nhiều cuộc đi đêm. Cứ thì thà thì thụt, rì rì rầm rầm. Còn ma lại ngự giữa ban ngày. Nhiều khi đi trên đường cứ thấy rờn rợn. Ma đi đầy đường. Ma hiện cả ở Yên Bái đấy. Bao biệt thự, biệt phủ ngút ngát cứ như cung vua phủ chúa, hóa ra của ma cả. Người trần làm sao có được. Làm một sổ đỏ, đất chính chủ của ông bà mà còn chạy lên chạy xuống suốt mấy tháng trời mướt cả mồ hôi. Đằng này, qua đến 6 cửa chuyển đổi từ đất công, đất rừng thành đất nhà với bao nhiêu thủ tục mà chỉ có một ngày. Không ma thì ai mà hóa phép thần thông như thế được.
Trong truyện “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của nhà văn Nguyễn Khắc Trường có một nhân vật rất đặc biệt. Đó là cô Thống Biệu - một lão phù thủy rất cao tay chuyên trị ma. Nhưng cô Thống Biệu chỉ trị được ma chết. Còn ma sống thì cô không thể trị được. Cô đành thả bát hương xuống sông, xin các ngài cho giải nghệ vì cô đã hết phép trị mà ma thì nhiều lắm. Ma hiện đầy đồng, đầy phố. Ma không chỉ ăn tiền dương mà còn ăn cả đất. Thế thì thầy phù thủy nào mà chẳng khiếp vía! Thầy phù thủy cũng phải giải nghệ là vì thế!