Chuyến tác nghiệp bão táp

21-06-2023 15:30 | Xã hội
google news

SKĐS - Đã 9 năm trôi qua, mỗi khi nhắc lại chuyến tác nghiệp trong vùng lũ ở Quảng Ninh và Hải Phòng, tôi và nhiều đồng nghiệp vẫn không thể quên. Đó là chuyến đi cho chúng tôi nhiều thứ nhất: Sự dũng cảm, lòng yêu thương và tinh thần trách nhiệm.

Mặc quần sooc đi... họp

Tôi nhớ, vào cuối tháng 7/2015 (25-28/7), khi đang ở Hải Phòng làm việc vì lúc đó mưa lớn kéo dài suốt 2 ngày qua khiến nhiều tuyến đường ở Hải Phòng bị cô lập thì được CTV Thế Nam đang ở Cẩm Phả (Quảng Ninh) báo, trận mưa lịch sử chưa có dấu hiệu chấm dứt, nhiều khu vực như Bản Sen (Vân Đồn) đã bị cô lập, đặc biệt số người thiệt mạng do mưa lũ đang tăng dần khiến tôi như phát sốt.

Sau hồi xem xét tình hình ở Hải Phòng, tôi quyết định lên đường. Tôi nhanh chóng gói tạm vài bộ quần áo, đồ dùng cá nhân cùng trang thiết bị làm nghề vì xác định đi làm mưa lũ không thể về được ngay và báo cáo ông xã nhờ lo giúp việc nhà mấy ngày.

Chuyến tác nghiệp bão táp - Ảnh 1.

Nhiều khu dân cư ở Cửa Ông, Cẩm Phả (Quảng Ninh) bị nước ngập tràn vào nhà.

Sau đó, tôi cùng 3 đồng nghiệp gồm Minh Khang (Báo điện tử VTC News), Đỗ Hoàng (Báo Tiền Phong), Hải Sâm (Báo Dân trí) lên đường tới Quảng Ninh.

Thời điểm đó, từ Hải Phòng sang Quảng Ninh chưa có cao tốc nên chúng tôi chỉ còn cách di chuyển bằng xe ôtô qua Quốc lộ 18. Bình thường chúng tôi sẽ chạy xe mất khoảng 1,5 tiếng nhưng trong điều kiện mưa lũ, ngập lụt, việc di chuyển đã phải kéo dài hơn 2 tiếng.

Khoảng 12h, chúng tôi có mặt tại TP. Hạ Long. Nhờ sự hỗ trợ của các anh chị địa phương (đã liên hệ trước), chúng tôi may mắn mượn được xe bán tải gầm cao để di chuyển trong mưa lũ.

Chuyến tác nghiệp bão táp - Ảnh 1.

Cano biên phòng Đồn 54 Cát Bà đưa chúng tôi ra làng Việt Hải trong mưa lớn

Điều chúng tôi không thể hình dung nổi, địa bàn Cẩm Phả, Uông Bí và hầu hết các trung tâm huyện, thị trấn Đông Triều, Vân Đồn, Hoành Bồ lúc này đều đã bị ngập lụt; riêng Cẩm Phả bị ngập sâu nhất, gần 2m. Trận mưa kéo dài suốt 2 ngày khiến địa phương này rơi vào tê liệt. Nhiều công trình nhà dân bị hư hại nặng nề. Khắp các lối đi đều ngập bùn và nước.

Chúng tôi phải bỏ dép vào túi nilon, xắn quần lên cao nhất có thể để lội bùn. Đường từ Hạ Long sang Cẩm Phả lúc này trở nên khó khăn vì xung quanh nước ngập cao, không ai còn nhận ra đâu là đường, đâu là sông để đi...

Việc di chuyển mỗi lúc một khó khăn hơn đối với chúng tôi vì chỗ nào cũng bị ngập, ôtô không vào được hiện trường, chúng tôi cố gắng lội bùn để tới nơi mình cần. Trưa hôm sau (29/7), mưa lũ bất thường tại Quảng Ninh tiếp tục kéo dài, lượng nước lớn kéo theo đất đá từ bãi thải Đông Cao Sơn dồn xuống đập 790 (phường Mông Dương, TP. Cẩm Phả), khiến đập này có nguy cơ bị vỡ.

Cả tỉnh Quảng Ninh cùng ngành than và lực lượng chức năng lúc này như ngồi trên đống lửa, bởi nếu vỡ đập thì thiệt hại đối với TP. Cẩm Phả vô cùng nặng nề. Thông tin liên tục được cập nhật và chúng tôi lại tiếp tục di chuyển như con thoi ở Quảng Ninh. Suốt 2 ngày đêm tác nghiệp ở Quảng Ninh, những bộ quần áo tươm tất cũng không còn đủ để mặc vì ngấm mưa và bẩn, chưa kịp giặt.

Lúc này, nhận tin báo 11 giờ, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh sẽ họp báo, cung cấp thông tin về trận thiên tai này. Lục tìm balo không còn cái quần dài nào ngoài 2 quần sooc còn lại, không có sự lựa chọn, tôi đành phải mặc sooc đi họp.

Tới nơi, hóa ra cũng không phải riêng mình ăn mặc như thế. Một số anh em báo Trung ương khác cũng mặc sooc để tác nghiệp vì điều kiện, hoàn cảnh bị rơi vào thế bất khả kháng. Ngay hôm đó, chúng tôi đã cùng nhau quyên góp hỗ trợ thiên tai cho bà con vùng lũ.

Cuộc họp diễn ra rất nhanh. Đến 12 giờ, chúng tôi rời họp, vào một quán ăn viết bài và ăn trưa luôn. Đúng lúc này, một người bạn làm ở UBND thị trấn Cát Bà, Hải Phòng gọi báo tin cho tôi “Làng chài Việt Hải ngập lụt rồi bà có về không?”.

Tôi nghe mà không tin vì làng chài này xung quanh là vịnh nước, sao có chuyện ngập lụt được. Tôi gắng hỏi cho cặn kẽ và liên lạc với chính quyền huyện Cát Hải xác nhận thông tin này. Sau khi nắm được chính xác việc này, tôi cùng Minh Khang, Đỗ Hoàng quyết định về Hải Phòng, còn Hải Sâm tiếp tục ở lại Quảng Ninh theo dõi cập nhật tình hình mưa lũ địa bàn.

Trên đường đi, chúng tôi bắt đầu nghĩ tới việc ra Cát Bà bằng phương tiện nào cho nhanh và an toàn vì lúc này, nhiều phương tiện ra đảo đã tạm dừng hoạt động. May mắn, còn cao tốc vẫn hoạt động nốt trong chiều hôm đó. Chúng tôi quyết định gửi ôtô tại nhà khách TP. Hải Phòng và đáp chuyến tàu cao tốc sớm nhất ra đảo.

Chuyến đi bão táp

Sau khi ổn định chỗ ngồi trên tàu cao tốc, tôi gọi điện thông báo cho chồng biết mình tiếp tục ra làng chài Việt Hải. Ông xã rất lo lắng nhưng vẫn động viên tôi.

Để đảm bảo khi cập bến có thể ra ngay được Việt Hải, tôi đã liên lạc cho anh Hải - Đồn trưởng Đồn Biên phòng 54. Các anh dặn dò, khi tới bến phải thật khẩn trương vì di chuyển ra Việt Hải lúc tối rất vất vả, nguy hiểm.

May sao, tàu cập bến an toàn sau 1 giờ đồng hồ dưới trời mưa tầm tã. Chúng tôi phi như bay vào Đồn và được các chiến sĩ dùng ôtô chở ra bến Bèo, nơi cano đang đợi sẵn.

Tới bến, một đồng chí lái xe đã vào trong bục gác của Đồn lấy đồ ra để phát cho chúng tôi. Nghĩ rằng cũng sắp tối, để anh em trong đoàn có gì lót dạ nên phát lương thực, ai ngờ cán bộ trong đoàn lại phát cho chúng tôi 2 cái... bao cao su.

Tôi đỏ hết mặt vì chỉ có một mình là nữ duy nhất trong đoàn, ra đảo làm nhiệm vụ mà lại đưa thứ này, không lẽ họ trêu mình. Biết tôi đang hiểu sai, một đồng chí cười nói: “Em bọc điện thoại bằng cái này thì nước mưa không làm hỏng điện thoại được. Lúc đó mới có cái mà tác nghiệp chứ”.

Lúc này, tôi vừa không nín được cười, vừa mừng vì học được kinh nghiệm bảo vệ máy móc khi đi biển trong mưa bão. Chúng tôi gồm 6 người (3 nhà báo, 3 cán bộ, chiến sĩ biên phòng) bắt đầu ngồi vào cano, mặc áo phao, thắt dây an toàn sẵn sàng rời bến.

Lúc này đã là 17 giờ, tôi ngồi trong cano tâm trạng khá căng thẳng. Tôi chỉ lo lắng laptop và điện thoại mang theo không đủ pin cho hoạt động những ngày ở vùng lũ thì phí công sức.

Chuyến tác nghiệp bão táp - Ảnh 5.

Làng Việt Hải chìm trong biển nước

Trong lần tác nghiệp đó, chúng tôi có dịp ăn cơm cùng người dân, anh em biên phòng và một vài cán bộ huyện Cát Hải. Mọi người cảm động vì chúng tôi đã vượt qua mưa lũ để về Việt Hải đưa tin về tình hình ở đây.

Mưa bão trên biển quá dữ dội. Mưa lớn chưa từng thấy cứ táp thẳng vào mặt đau rát, mắt mũi cay xè không thể nhìn rõ. Có lúc sóng biển chồm cả lên cano tưởng chừng nuốt cả đoàn.

Biển động dữ dội, cano nghiêng trái lại nghiêng phải, cảm giác có thể lật bất cứ lúc nào. Cả đoàn, ai cũng căng thẳng.

Khoảng 30 phút sau, cano cũng vào tới bến Việt Hải. Khi cách làng Việt Hải khoảng 2km, chúng tôi phải chèo xuồng tăng bo vào làng.

Do con đường độc đạo dẫn vào làng bị đất đá trên cao sạt lở trôi xuống, chất đống ngổn ngang chặn hết lối đi nên chúng tôi phải dùng mái chèo, gậy gộc gạt cây mở đường, khai luồng lạch để xuồng di chuyển.

Dù chỉ có 2km đường, song do địa hình hiểm trở, chúng tôi phải mất gần 2 tiếng mới di chuyển vào tới làng. Vì từng đến đây nên khi nhìn cảnh nước lũ bủa vây ngôi làng nhỏ bé, tôi thực sự sốc.

Cổng làng chài vốn cao 6 mét giờ bị nước lũ bủa vây, chỉ còn nhô lên mỗi cái chóp cổng. Những mái nhà, dãy trụ sở của Tổ công tác biên phòng và Trạm Y tế xã Việt Hải đặt tại đầu làng đã bị nước lũ nhấn chìm.

Thấy có xuồng đưa người tới, một số người dân vội chạy ra cửa ngóng. Câu hỏi đầu tiên của họ là: “Gạo đã về chưa?”. Thì ra, suốt từ ngày 26/7 tới nay, khi Quảng Ninh bị mưa lũ tràn về thì ở làng chài này cũng gặp khó khăn với việc mua lương thực, thực phẩm.

Chuyến tác nghiệp bão táp - Ảnh 7.

Nhà báo Minh Lý cùng đồng nghiệp quyên góp ủng hộ nguời dân trong thiên tai

Đến đàn gia súc, gia cầm của các nhà phòng khi khó khăn giờ cũng chết ngạt, trôi dạt. Người dân trong làng ai cũng lo lắng, chỉ sợ mưa kéo dài, thực phẩm, gạo ăn bị thiếu, đường sá bị cô lập, chia cắt..., chỗ gia súc chết sẽ thối gây ô nhiễm thì không biết đối mặt ra sao.

Trong làng, một số nhà bị ngập lên tận mái cũng đã được các chiến sĩ biên phòng Đồn 54 sơ tán vào những nhà trên cao tạm lánh nạn. Cả làng nhỏ xíu chỉ có vài chục ngôi nhà, nên chúng tôi phải chia nhau ra, mỗi người ở một nhà dân.

Nhìn đồng hồ, thời gian để viết bài, chuyển bài không còn nhiều, tôi vội ngồi ngay xuống thềm một nhà dân gần đó để viết. Nhờ những tư liệu bắt gặp trong suốt hành trình trên biển vào tới làng, tôi nhanh chóng hoàn thành bài viết chuyển về cho Ban Thư ký xử lý. Sáng sớm hôm sau, chúng tôi dậy và xem điểm báo.

Bài về làng Việt Hải chìm trong mưa lũ đã được điểm. Tôi nhanh chóng chia sẻ trên facebook của mình. Lúc này, nhiều anh em đồng nghiệp ở Hải Phòng đã bắt đầu nắm được thông tin có một xã của đảo Cát Hải đang gặp khó khăn, vật lộn với mưa lũ suốt 2 ngày qua.

Mưa bắt đầu tạnh. Chính quyền huyện Cát Hải điều thêm người vào phối hợp cùng Bộ đội Biên phòng họp bàn cách khắc phục để nhanh chóng có đường ra. Đoàn công tác của huyện Cát Hải cùng với lực lượng bộ đội, công an đã khẩn trương khắc phục các đoạn đường bị sạt lở, thông đường. Các hang nước trong núi đang bị tắc cũng được khẩn trương khai thông rộng hơn để nước thoát nhanh, tránh gây lụt cục bộ.

Chúng tôi tiếp tục tác nghiệp thêm nửa ngày, chờ nước rút. Một thanh niên tầm 25 tuổi nhiệt tình lấy xuồng đẩy cho tôi đi khắp làng. Lúc này, tôi mới cảm nhận rõ nét sự khốc liệt của nước lũ đối với làng chài Việt Hải. Nhà cửa tan hoang, tài sản trong nhà gần như hỏng hóc, cơ sở Trạm Y tế ngập sâu 2/3, gà lợn chết trôi dạt khắp nơi...

Cảnh tượng trước mặt khiến tôi xót xa. Đến 10 giờ, mọi công việc đã tạm xong, anh Hải (lúc đó đang là Đồn trưởng Đồn Biên phòng 54) chỉ đạo, bố trí xuồng và cano đưa chúng tôi về bờ. Chèo được một đoạn, xuồng không thể đi tiếp vì lúc này nước đã rútmột phần, chúng tôi leo bộ qua hết con dốc nọ tới đoạn dốc kia, lớp nhớp bùn đá.

Suốt 2 tiếng đồng hồ vừa đi vừa nghỉ, cuối cùng chúng tôi cũng đã tới được bến, nơi cano đợi sẵn.

Trở về Đồn Biên phòng, chúng tôi nhanh chóng ra tàu chạy về thành phố. Về tới nhà, điều đầu tiên tôi làm là kêu gọi anh em quyên góp hỗ trợ bà con ngoài xã đảo.

Những ngày sau, rất nhiều đoàn từ thiện đã đến làng Việt Hải hỗ trợ, sẻ chia.

Hai năm sau, khi trở lại làng Việt Hải, điều tôi hạnh phúc nhất là bà con của làng mà tôi từng gặp, họ vẫn nhớ tôi, kể về lần tác nghiệp của tôi ở làng...


Minh Lý
Ý kiến của bạn