Chuyện sử dụng động vật dự đoán World Cup: Đâu dễ có “thánh” Paul

21-06-2014 06:20 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Sau thành công kỳ lạ của chú bạch tuộc Paul, có cả một trào lưu dự đoán kết quả World Cup 2014 bằng động vật.

Sau thành công kỳ lạ của chú bạch tuộc Paul – mà sau này được người ta gọi là “thánh” trên đất Nam Phi cách đây 4 năm, có cả một trào lưu dự đoán kết quả World Cup 2014 bằng động vật. Trong đó, nổi bật nhất là chú rùa Big Head của nước chủ nhà Brazil đã lập tức ghi điểm khi chọn đúng chủ nhà thắng Croatia ngay trận khai mạc. Nhưng không chỉ Big Head mà có lẽ các “nhà tiên tri” mãi về sau cũng chẳng thể đạt được tới tầm mức như Paul.

Gấu Misa Việt Nam đã đoán đúng cả 4 trận

Nhằm tạo ra sức hấp dẫn cho các chương trình truyền hình, tại World Cup 2014, VTV cũng thử nghiệm việc sử dụng động vật vào dự báo kết quả các trận đấu tranh tài trên đất Brazil. Nhân vật được chọn là một cô gấu có tên Misa của Rạp Xiếc Trung ương, đã từng trải qua nhiều năm luyện tập, biểu diễn tại đây.

Trước các trận đấu, nhà đài đã thực hiện các buổi ghi hình việc dự báo kết quả của cô gấu này theo phương pháp, đặt hai rổ bóng có in tên của hai đội bóng. Gấu Misa với trái bóng trên tay sẽ thực hiện việc di chuyển, chọn lựa rồi ném bóng vào rổ. Trái bóng của Misa ném vào rổ có tên đội nào coi như đội đó được dự báo giành chiến thắng.

Đến giờ, việc dự báo của gấu Misa tại Việt Nam đã thành công ngoài dự kiến với cả 4 trận đấu được ghi hình đều đúng, trong đó, mới nhất, cô gấu với rọ mõm và trái bóng bắt đầu quen thuộc trên truyền hình đã chọn đúng đội thắng trong trận cầu tâm điểm Đức – Bồ Đào Nha.

Chuyên gia “phán” đúng 100% là... chú bạch tuộc

Tại World Cup 2010, lúc đầu, mọi người cũng chỉ coi việc dùng chú bạch tuộc có tên Paul được ra đời tại Anh và lớn lên ở Đức chỉ là chuyện bông phèng của một vài chuyên gia lắm chiêu trò. Thế nhưng khi truyền thông vào cuộc và quan trọng hơn là Paul “phán” đúng kết quả hết trận này tới trận khác thì ai cũng... choáng.

Tổng cộng Paul đã đoán đúng cả 8 trận, gồm 7 trận của Đức và trận chung kết Tây Ban Nha - Hà Lan xác suất 100%, theo cách vô cùng khó lý giải. Đơn cử trong 7 trận của Đức, Paul đã dự báo đúng trận thua ở bán kết trước Tây Ban Nha và đáng kinh ngạc hơn là cả trận vòng bảng mà “những chiếc xe tăng” sảy chân trước đối thủ yếu hơn hẳn Serbia.

Chú bạch tuộc Paul được coi là “nhà tiên tri” của World Cup 2014.

Chú bạch tuộc Paul được coi là “nhà tiên tri” của World Cup 2014.

Không phải ngẫu nhiên, qua vòng bảng, Paul đã trở thành một ngôi sao được săn đón bậc nhất ở World Cup. Người hâm mộ, giới chuyên môn, các hãng cá cược và chính các HLV, cầu thủ trong cuộc cũng đặc biệt quan tâm xem “chuyên gia” chọn kết quả nào. Các buổi dự đoán của “thánh” từ vòng tứ kết, thậm chí còn được truyền hình, đưa tin trực tiếp và cũng cho thấy mọi công đoạn đều hết sức minh bạch, phụ thuộc vào Paul chứ không ai điều khiển nổi. Ban tổ chức cho hai hộp thức ăn có gắn quốc kỳ của hai quốc gia có hai đội thi đấu (theo thứ tự bảng chữ cái trong tiếng Anh), nếu Paul tìm đến rồi ăn ở hộp thức ăn có chứa quốc kỳ của quốc gia nào, coi như đội đó được dự đoán thắng.

Hiện tượng độc nhất vô nhị

Nếu xét về mặt khoa học, suy cho cùng, việc dự đoán kết quả World Cup của bạch tuộc Paul cũng chỉ là sự hội tụ đỉnh cao của các yếu tố ngẫu nhiên và may mắn, bởi chú đâu có liên quan gì đến bóng đá hay xác suất thống kê. Tuy nhiên, Paul đã thực sự tạo ra một hiện tượng độc nhất vô nhị, ngoài kết quả đúng 100% còn là khả năng đáp ứng tối đa với sự phù hợp hiếm có với tính chất kịch tính, khó lường, nhiều may rủi của môn thể thao vua.

Ngay ở World Cup 2010, nhiều người đã ăn theo “thánh” bằng cách sử dụng nào vẹt, nào voi, nào tinh tinh, cá heo để cạnh tranh, song sớm thảm bại vì tỷ lệ đúng kém xa Paul. Nổi nhất như chú vẹt Mani ở Singapore từng gây chấn động khi đoán đúng cả 4 trận tứ kết, tuy nhiên, đến hai trận bán kết và chung kết lại sai bét.

Paul còn là một hiện tượng gắn với truyền thông chưa từng có, xuất hiện với tần suất dày đặc, rộng khắp trước các trận đấu, chẳng khác gì các ngôi sao như Messi, Ronaldo, Roben, Puyol. Sau trận bán kết mà Paul dự Đức thua Tây Ban Nha, Thủ tướng Tây Ban Nha khi ấy còn khẳng định sẽ đưa “nhà tiên tri” bạch tuộc vào danh sách bảo vật quốc gia, còn người hâm mộ Đức dọa đưa chú ra nhà hàng để... làm thịt. Kết thúc World Cup, người Tây Ban Nha còn làm áo đấu của đội tuyển nước này mang tên Paul và tạc tượng chú.

Cũng phải thừa nhận, các chủ nhân của Paul còn rất khôn ngoan khi cho “thánh” giải nghệ luôn chứ không dự thêm một giải, trận nào nữa càng khiến hình ảnh của “nhà tiên tri” là bạch tuộc thêm lung linh huyền ảo. Khi Paul qua đời ở tuổi 2,5 vào tháng 10/2010, hàng loạt các báo trên khắp thế giới đều đã đưa tin.

Cơ hội nào cho rùa “đầu bự”?

Rất nhanh nhạy, đến World Cup 2014, nước chủ nhà Brazil đã chọn và huấn luyện kỹ lưỡng một “nhân vật” nhằm thay thế cho “thánh” Paul. Đó là một chú rùa có tên Big Head (đầu bự) có 25 năm tuổi được nuôi ở khu bảo tồn thiên nhiên, được cho là vô cùng tinh anh.

Cách thức dự báo của Big Head cũng áp dụng tương tự như Paul khi trước, có nghĩa là chọn phần thức ăn dưới quốc kỳ, chỉ khác có thêm phần mồi không gắn quốc kỳ nước nào đặt ở giữa, tương ứng với một kết quả hòa.

Và Big Head cũng đã có một màn ra mắt ấn tượng khi chọn đúng Brazil thắng trong trận ra quân với Croatia. Chỉ sau một trận, chú rùa này đã nổi tiếng khắp thế giới, được coi như một linh vật của người hâm mộ Brazil.

Tuy nhiên, có thể khẳng định ngay rằng, rùa “đầu bự” sẽ không thể nào sánh được, chứ chưa nói đến việc thay thế, cho “thánh” Paul. Bởi ngay trận thứ 2, Big Head đã đoán sai hay nói nhẹ nhàng hơn là thiếu chính xác một nửa khi chọn kết quả hòa cho trận Anh - Italia (thực tế Anh thua 1-2), tức mới chỉ qua hai trận, rùa “đầu bự” đã thua ngay bạch tuộc Paul, chưa kể với các trận cầu khốc liệt và khó lường phía trước, khả năng đạt tới một tỷ lệ đúng cao tương đối của Big Head chứ chưa nói đến 100% đúng như Paul rõ ràng quá khó. Theo các chuyên gia, các nhà quản lý đã sai lầm vì làm khó cho Big Head khi đưa ra tới 3 phương án thay vì 2.

Quả thật, đâu dễ để có được một “thánh” Paul. Vì ngoài việc đưa ra các dự đoán đúng 100% vốn gần như không tưởng, “nhà tiên tri” của World Cup 2010 còn hội đủ các yếu tố thời thế, gắn với một cách làm đắc địa của các chủ nhân, cùng sự hội tụ và lan tỏa của truyền thông.

Chừng nào còn World Cup, hay nói rộng ra là bóng đá, người ta sẽ còn tiếp tục dùng động vật để dự báo kết quả với nhiều cách thức khác nhau.

Tuy nhiên, chắc chắn sẽ không thể có “thánh” Paul thứ 2 - nhân vật duy nhất không đá bóng lại luôn được nhắc đến ở mỗi kỳ World Cup. 

Xuyến Chi


Ý kiến của bạn