Hà Nội

Chuyện “sốc” làng bóng chuyền

06-02-2016 14:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Cả làng bóng chuyền Việt vừa sốc khi đội bóng nam giàu thành tích và đầu tư nhiều nhất Ðức Long Gia Lai bất ngờ bị giải tán.

Cả làng bóng chuyền Việt vừa sốc khi đội bóng nam giàu thành tích và đầu tư nhiều nhất Ðức Long Gia Lai bất ngờ bị giải tán. Ðây đã là CLB hạng mạnh thứ 5 của môn này bị khai tử chỉ trong vòng 2 năm gần đây. Kèm theo đó, khoảng 400 tỷ đồng coi như mất trắng.

Bỗng dưng bị... khai tử

Chính thức thành lập từ 2010, Đức Long Gia Lai chính là thế lực nổi nhất của bóng chuyền nam hiện tại, không chỉ vì chiến tích lọt vào chung kết giải VĐQG 3 trong 4 mùa gần đây với 1 lần đăng quang, mà còn bởi đội bóng này là sản phẩm đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này của một tập đoàn tư nhân. Họ cũng gắn với những thương vụ chuyển nhượng tiền tỷ đình đám, nổi bật với chủ công số 1 Đông Nam Á người Thái Lan Wanchai, hay đội trưởng ĐTQG Nguyễn Hữu Hà…

Ông Bùi Pháp (Tập đoàn Đức Long Gia Lai) và chủ công Nguyễn Hữu Hà.

Mẫu hình xã hội hóa hiếm có ấy vừa bị khai tử không thể dễ dàng và cũng không gì đau đớn hơn với một thông báo nhẹ nhàng của ông bầu Bùi Pháp: Tập đoàn Đức Long Gia Lai rút lui khỏi bóng chuyền vì… một số lý do tế nhị. Có nhiều lý giải khác nhau từ câu chuyện này, từ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) “mẹ” khó khăn, việc đội bóng suýt bị xuống hạng ở mùa giải 2010 hay những hệ lụy từ vụ tranh chấp đi - ở với chủ công Nguyễn Hữu Hà. Tất cả đều có thể đúng, song mấu chốt chỉ nằm ở một điều đơn giản: ông bầu hết yêu. Ngoài chuyện phải tập trung cho mảng chính của doanh nghiệp đang gặp khó, ông bầu Pháp thực sự đã không còn “máu” bóng chuyền và hết yêu đội bóng mình cho ra đời. Và có lẽ khi đó, một CLB bóng chuyền không còn cơ sở để tiếp tục, nhất là khi nó đã hoàn thành nhiệm vụ quảng bá hình ảnh.

5 đội bóng ra đi và 400 tỷ đồng mất trắng

Với cá nhân bầu Pháp cùng Tập đoàn Đức Long Gia Lai, sự cho đi một đội bóng có lẽ chỉ giống như cắt giảm một bộ phận… vui là chính trong giai đoạn còn ham thích và dư dả kinh tế. Tuy nhiên, điều đó lại khoét sâu vào nỗi đau, đánh dấu một thất bại của bóng chuyền Việt Nam. Môn này đã mất đi một thế lực hàng đầu, một điển hình xã hội hóa và chuyên nghiệp hóa thành công và đáng nói hơn bắt đầu ổn định ở tầm cao. Phía sau đó, một khoản đầu tư kỷ lục, khoảng trên 100 tỷ đồng trong 5 năm cũng hoang phí. Lực lượng chung của môn này bị tổn hại nghiêm trọng mà không có cách nào để bù đắp hay thay thế trong nhiều năm tới.

Các cầu thủ đội Đức Long Gia Lai.

Đức Long Gia Lai không phải là trường hợp đầu tiên và có lẽ sẽ chẳng phải cuối cùng rơi vào tình cảnh… bỗng dưng phải “chết”. Trước đội bóng phố Núi, chỉ trong 2 năm, đã có tới 4 đội bóng khác đều do các DN đầu tư và tài trợ chính bị “khai tử”.

Đó là 2 CLB của ngành Dầu khí, nam Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và nữ Vietsov Petro liên tiếp phải ra đi trong năm 2014  bởi đơn vị chủ quản trong chủ trương tái cơ cấu tiện thể cũng cho giải tán luôn. Thậm chí, nữ Vietsov Petro còn tan đàn xẻ nghé khi vừa giành HCĐ giải VĐQG. Ngay sau đó là nữ Bia Sài Gòn Thái Bình Dương, đội bóng mới hình thành được 3 năm, với hàng loạt toan tính gây “sốc” dang dở. Không lâu trước Đức Long Gia Lai, đội nữ Tập đoàn Cao su Bình Phước cũng được ông chủ nói lời… cảm ơn và chia tay. Tính tổng số kinh phí đi theo 5 đội bóng có thể lên tới 400 tỷ đồng, mà chỉ riêng 3 “ông bà” lớn một thời Nam Tập đoàn Dầu khí, nữ Vietsov Petro và nam Đức Long Gia Lai đã chiếm 300 tỷ đồng.

Do đó, mọi chuyện hoàn toàn thuộc quyền DN nên các nhà quản lý bóng chuyền dù có trăn trở xót xa cũng đành phải ngậm ngùi đứng ngoài và ngậm ngùi cố gắng ứng phó khắc phục hậu quả.

Xu hướng DN hóa đổ vỡ

Có thể thấy, số phận của các đội bóng chuyền DN chưa bao giờ lại trở nên mong manh như bây giờ, trong sự lệ thuộc hoàn toàn, mà không có bất cứ điểm tựa nào phía sau. Một CLB mạnh, đang phát triển tốt có thể biến mất bất cứ lúc nào chỉ vì một biến động nào đó trong hoạt động hay nhân sự lãnh đạo, hay đơn giản là ông chủ bất ngờ chán và đổi ý.

Bóng chuyền Việt Nam từng có một thời bùng nổ sự đổ bộ của các DN, nhất là ngành dầu và ngân hàng. Nhiều DN đua nhau tài trợ hay thành lập đội bóng với mục tiêu và đầu tư “khủng”. Chỉ có điều, đến thời điểm này, số CLB bền vững thực sự kiểu như đội nữ VTV Bình Điền Long An gần như không có trường hợp thứ 2. Điểm lại từ 2004, khi xu hướng xã hội hóa nở rộ ở môn này, có tới 2/3 đội bóng DN đã bị khai tử. Nguyên nhân cụ thể có thể khác nhau, song chung một gốc, xuất phát từ cách tiếp cận chạy theo thành tích bề nổi, cách làm “ăn xổi” của các ông chủ.

Xu hướng DN hóa bóng chuyền có lẽ đã thoái trào tới cực điểm. Trong bối cảnh hiện tại, quá khó để môn này có thêm một CLB do DN thành lập, đầu tư. Mặt tích cực duy nhất ở đây chỉ là việc những người làm bóng chuyền sẽ phải nhìn thẳng vào thực tại phũ phàng để tập trung cho cách nghĩ, cách làm bài bản, trong đó giá trị chuyên môn đóng vai trò quyết định, chứ không phải chỉ là thêm, phụ.


Xuyến Chi
Ý kiến của bạn