Kỹ sư điện Nguyễn Hồng Nhật quê gốc xã Đức Nhân, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, năm nay 80 tuổi. Thời trai trẻ, ông từng du học tại trường đại học lớn nhất Trung Quốc là Đại học Thanh Hoa, rồi nhiều năm là Phó Giám đốc kiêm Bí thư Đảng ủy Công ty Truyền tải điện 1 thuộc Bộ Năng lượng (nay là Bộ Công Thương). Ngày ông còn bé, ít khi được gặp cha bởi cha thường vắng nhà đi hoạt động cách mạng và qua lời mẹ kể, ông chỉ biết cha thuộc lớp đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Và một lần vào năm 1955, khi ông đang học lớp 6 ở trường dành cho con em cán bộ Việt Nam đặt tại Quế Lâm (Trung Quốc), nghe tin cha trên đường sang nước bạn chữa bệnh, ông được nhà trường cho ra ga đón. Hai cha con ngồi trên tàu nói chuyện khoảng nửa giờ tàu đi từ ga Quế Lâm Nam lên ga Quế Lâm Bắc. Ấy là lần ông được ngồi bên cha lâu nhất và được ngắm nhìn kỹ người cha yêu dấu: đôi mắt sáng, nụ cười hiền từ, giọng nói nhỏ nhẹ. Cha khuyên nhủ, con phải học thật tốt để sau này có đủ kiến thức về nước phụng sự Tổ quốc. Ông thấy một bên tay cha bị gãy thành tật, hỏi thì được biết cha bị địch tra tấn dã man vào những năm 1931-1937 ở nhà tù Côn Lôn (Côn Đảo). Sau lần gặp đó không lâu, cha mất vì bệnh tim khi đang chữa bệnh ở Liên Xô. Năm ấy cha mới 49 tuổi.
Cụ Nguyễn Trọng Nhã (1908-1956), một vị tiền bối cách mạng.
Thế rồi trong những năm tháng làm việc trong ngành năng lượng, có một điều luôn canh cánh trong lòng kỹ sư Nguyễn Hồng Nhật là muốn tìm hiểu rõ hơn về cuộc đời hoạt động cách mạng của cha mình. Đức Thọ quê ông là vùng đất địa linh nhân kiệt, đã sản sinh ra nhiều văn thân yêu nước và nhiều nhà cách mạng tiền bối, điển hình như cụ Phan Đình Phùng - lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp trong nhiều năm ở vùng rừng núi Hương Khê; như Tổng Bí thư đầu tiên Trần Phú... Rồi ông tìm đến nhiều nơi cha từng hoạt động, thăm quan các di tích lịch sử và trong một lần đến Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, ông tiếp cận được một tài liệu rất quý do chính cha viết. Đó là bản Tự thuật, đánh máy chữ trên giấy bản, vào tháng 5/1951 tại Chi bộ Bồng Giang ở huyện Đức Thọ (Bồng Giang là nơi cư trú của gia đình hồi ở quê). Từ đây, cuộc đời hoạt động cách mạng vinh quang nhưng đầy gian khổ hy sinh của người cha thân yêu đã được hiện ra rõ ràng, minh bạch.
Cha tên thật là Nguyễn Trọng Nhã, bí danh Hòa, sinh ngày 8/8/1908. Mở đầu Tự thuật, cha viết: “Đến 11 tuổi, tôi mới bắt đầu đi học. Năm tôi 15 tuổi, nhà chúng tôi ở bị một chủ nợ chiếm đoạt, nguyên do vì túng thiếu, bà thân sinh tôi phải vay nặng lãi, lời vốn chồng chất trả không được nên chủ nợ tịch thu nhà. Từ đấy tôi phải ở đậu và để có thể tiếp tục việc học, tôi phải đi dạy thêm. Sau khi đậu tiểu học, tôi thi vào trường kỹ nghệ thực hành Huế, ra trường là thợ điện... Do tôi giác ngộ sớm, khi bà thân sinh tôi mất được ít tháng, tôi được kết nạp vào Thanh niên cách mạng đồng chí hội, từ đây đời tư của tôi hòa lẫn với đời cách mạng của tôi”. Một đoạn khác: “Tới Sài Gòn cuối năm 1929, tôi làm ở hãng xe hơi Charner, rồi sau lên nhà đèn Chợ Lớn, đồng thời bắt ngay liên lạc với đồng chí Ngô Gia Tự và nhóm An Nam Cộng sản đảng. Công tác của chúng tôi hướng về việc thống nhất các nhóm cộng sản trong ấy... Rồi tôi làm việc ở nhà máy xe lửa Dĩ An, Biên Hòa, được vài tháng gây được cơ sở, đến 1/8/1930 thì tổ chức một cuộc biểu tình chống chiến tranh đế quốc. Sau cuộc biểu tình này, tôi được cử đi dự Đại hội Xứ ủy Nam kỳ và trúng ủy viên Trung ương Đảng và cùng đồng chí Ngô Đức Trì đi dự Hội nghị Trung ương lần thứ nhất tại Hồng Kông vào khoảng tháng 10/1930, hội nghị này đã thảo ra Luận cương chính trị đầu tiên của Đảng, đổi tên Việt Nam Cộng sản đảng ra Đông Dương Cộng sản đảng và đồng thời các tổ chức quần chúng của đảng cũng được quy định rõ ràng... Bế mạc hội nghị, thường vụ Trung ương gồm có đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư, đồng chí Ngô Đức Trì và tôi dời về đóng ở Sài Gòn, tôi phụ trách công tác Ban Công vận và cơ quan ấn loát báo Cờ Vô sản - cơ quan tuyên truyền, cổ động Trung ương Đảng lúc bấy giờ. Vào khoảng đầu tháng 3/1931, sau Hội nghị Trung ương lần thứ hai ở Sài Gòn, đồng chí Ngô Đức Trì bị bắt rồi phản bội, các cơ quan trọng yếu của Đảng lần lượt bị mật thám khám phá. Do đó mà tôi và đồng chí Trần Phú cũng bị bắt luôn vào cuối tháng 4/1931. Trong khi bị tra tấn dã man ở Sở Mật thám Chợ Lớn, tôi đã bị gãy một cánh tay và đồng chí Trần Phú đã phải bỏ mình tại nhà thương Chợ Lớn vào trung tuần tháng 9/1931...”.
Sau này có dịp ông Nguyễn Hồng Nhật đối chiếu những điều cha viết trong Tự thuật với cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, những điểm cơ bản đều là trùng khớp. Từ đây, ông biết rõ hơn về cuộc đời hoạt động vô cùng sôi nổi, đầy hy sinh thử thách của cha mà do sức khỏe yếu, rồi qua đời quá sớm nên ít người biết tới. Cha là một trong những người đầu tiên sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Trích trong cuốn Lịch sử Đảng: “...Hội nghị lần thứ nhất Ban chấp hành Trung ương diễn ra từ ngày 14 đến ngày 31/10/1930 tại Hương Cảng (Trung Quốc) do đồng chí Trần Phú chủ trì đã thông qua Nghị quyết về tình hình nhiệm vụ cần kíp của Đảng, dự thảo Luận cương chính trị, điều lệ các tổ chức quần chúng. Theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, hội nghị đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Hội nghị bầu Ban chấp hành Trung ương chính thức của Đảng, Ban Thường vụ Trung ương gồm có: Trần Phú, Ngô Đức Trì và Nguyễn Trọng Nhã. Đồng chí Trần Phú là Tổng Bí thư”.
Khi cuộc Cách mạng tháng 8/1945 nổ ra, người cha của ông Nguyễn Hồng Nhật hoạt động trong tổ chức Việt Minh, giành chính quyền tại huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), đảm nhiệm Chủ tịch Ủy ban cách mạng lâm thời huyện. Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946, cha trúng đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, là trưởng phái đoàn Quốc hội và Chính phủ tại các tỉnh Trung bộ, phụ trách Tổ chức nhà Thanh tra Chính phủ; phụ trách Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; năm 1947-1950 là Chánh văn phòng ủy ban Kháng chiến hành chính Liên khu 4; năm 1955 phụ trách cơ quan sản xuất giấy bạc Việt Nam tại Liên khu 4...
Vào những năm đầu thế kỷ XXI, Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã có những nghiên cứu, thu thập chứng cứ, tài liệu về vị tiền bối cách mạng Nguyễn Trọng Nhã, đề nghị lên trên có những khen thưởng xứng đáng. Tại Quyết định số 1496, ngày 19/12/2005, cụ đã được Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh vì “Đã có công lao to lớn, có nhiều thành tích xuất sắc đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”.
Ông Nguyễn Hồng Nhật tại nhà riêng, dù đang mắc bệnh hiểm nghèo, nhưng nụ cười luôn nở trên môi.
Vượt qua bệnh tật
Kỹ sư Nguyễn Hồng Nhật vốn là một nhà kỹ thuật, nhà quản lý giàu kinh nghiệm, đã có trên 30 năm làm việc trong ngành điện lực, đến năm 1999, ông nghỉ hưu. Tự hào về truyền thống cách mạng của gia đình, song ông luôn sống khiêm nhường, giản dị, chan hòa với đồng chí, đồng nghiệp, chẳng thế mà thời còn đương chức qua nhiều kỳ đại hội Đảng bộ cơ quan, ông đều được tín nhiệm bầu là Bí thư đảng ủy công ty. Đến khi nghỉ hưu, ông còn thể hiện sự lạc quan, yêu đời ngay cả khi biết mình đã mắc bệnh hiểm nghèo. Cách đây 3 năm, ông đến khám ở Bệnh viện Việt Xô, phát hiện bị ung thư đại tràng. GS.TS. Trịnh Hồng Sơn - Bệnh viện Việt Đức đã mổ cho ông, ca mổ khá thành công. Và ông uống thuốc đặc trị 8 đợt. Gần đây lại phát hiện đã di căn sang gan và mạc treo, ông được truyền hóa chất tại Bệnh viện K. Khám lại, bác sĩ vui mừng bảo là bệnh đã ổn định. Về nhà, ông duy trì một chế độ luyện tập, ăn uống chặt chẽ, thường xuyên. Hàng ngày, vào buổi sáng, ông tập Dịch cân kinh, lắc tay 1.500 lần trong vòng nửa giờ, rồi sau đó đạp xe một vòng với chiều dài hàng chục cây số quanh nơi gia đình ông ở là phố Chùa Bộc (Hà Nội). Ông còn có cái “vườn” trên gác thượng, hằng ngày tự tay trồng và tưới tắm các bồn rau sạch, đó cũng là lúc đầu óc ông luôn được thư giãn. Ông thường nhắc nhở con cháu trong nhà: “Sinh, bệnh, lão, tử ấy là lẽ thường tình của con người. Suốt đời cha noi theo đạo đức tác phong, lối sống của ông nội các con - một nhà cách mạng chân chính. Không khi nào cha vướng bận quá nhiều về vật chất, để cái tâm luôn thanh thản. Và cha thích một câu nói nôm na: Ăn cơm với thịt lo ngay ngáy, ăn cơm rau muống ngáy o o...”.