Hà Nội

Chuyện phòng chống doping của thể thao Việt Nam: Thừa quyết tâm, thiếu hành động

22-11-2015 14:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Sự cố doping của điền kinh Nga đang gây rúng động cả thế giới lại khiến giới chuyên môn nước ta phải giật mình khi nghĩ về hiện trạng phòng chống doping của thể thao Việt Nam (TTVN)

Sự cố doping của điền kinh Nga đang gây rúng động cả thế giới lại khiến giới chuyên môn nước ta phải giật mình khi nghĩ về hiện trạng phòng chống doping của thể thao Việt Nam (TTVN), với hàng loạt lỗ hổng và nguy cơ.  Trong đó, qua khảo sát của mình, các chuyên gia khẳng định khoảng  90% số tuyển thủ quốc gia không “nắm” được những chất bị cấm cơ bản nhất của ngay môn mình đang tập luyện, thi đấu.  

Đủ hành lang pháp lý

4 ca doping ở SEA Games 22  đã làm cho cả ngành thể thao nước ta, trước hết từ chính các vị lãnh đạo cao nhất, như bừng tỉnh sau một quá trình kéo dài quên bẵng vấn đề lớn này, với động thái quan trọng đầu tiên là lập tức báo cáo Chính phủ cho phép ký Tuyên bố quốc tế Copenhagen phòng chống doping.

Chuyện phòng chống doping của thể thao Việt Nam: Thừa quyết tâm, thiếu hành động

Việc dùng doping của Đỗ Ngân Thương tại Olympic 2008 để lại nhiều đau xót.

Chỉ mấy tháng từ “nỗi đau” trên sân nhà, được Thủ tướng ủy nhiệm, ngày 21/4/2004, Bộ trưởng - Chủ nhiệm UBTDTT Nguyễn Danh Thái đã đại diện ký vào “Tuyên bố Copenhagen” để Việt Nam trở thành quốc gia, vùng lãnh thổ thứ 106 chính thức nhập cuộc toàn diện, trong đó cam kết tuyệt đối nói không và tham gia đầy đủ vào công cuộc phòng chống vấn nạn này.

Ý nghĩa, vai trò quan trọng của việc ký Tuyên bố này ở chỗ: TTVN đã nâng lên tầm quốc gia, chứ không dừng lại chuyện của riêng lĩnh vực thể thao. Nếu tuân thủ không tốt, không chỉ TTVN có thể bị loại ra khỏi đời sống thể thao quốc tế mà còn ảnh hưởng nặng tới uy tín quốc gia.

Cũng tại lễ ký kết, người đứng đầu ngành thể thao đã khẳng định và công bố quan điểm kể trên một cách rõ ràng, đồng thời phát động một “chiến dịch” trong toàn ngành phòng chống triệt để mọi nguy cơ doping, không để tái diễn như SEA Games 22.

Với “cột mốc pháp lý” quyết định này, ai cũng tưởng mọi chuyện sẽ đột phá, rồi những người làm thể thao đều tâm niệm tự bản thân mình phải chủ động, tự giác tránh xa. Nhất là, sau đó đến cuối năm, UBTDTT lại cụ thể hóa thành một “Quy chế kiểm tra y tế” riêng. Với nội dung trọng tâm dành cho các biện pháp phòng chống doping (có quy đối tượng và trách nhiệm thực hiện hẳn hoi). Chưa kể rằng, đến khi có Luật TDTT (Quốc hội thông qua tháng 11/2006) thì cũng đưa ngay phần về doping vào, thậm chí còn đặc biệt coi trọng, đứng thứ hai trong số 6 nội dung bị cấm trong hoạt động TDTT.

Tức là ngành thể thao đã có sớm và đầy đủ một cách hệ thống các hành lang pháp lý để có thể triển khai đồng bộ, hiệu quả việc phòng chống doping ngay từ khi nó còn ít phức tạp và nguy cơ.

Thừa quyết tâm

Dù đã có nền tảng, nhưng thực tế thì việc “tấn công” vào doping hóa ra lại chỉ diễn ra tập trung ở những lời tuyên bố, quyết tâm, chỉ có điều mang nặng tính hình thức. Đáng nói hơn, không những lãnh đạo mà ngay cả các HLV, VĐV cứ hễ nhắc đến doping là nhận ngay được một phản ứng như thành nếp, như một sự tất nhiên: tuyệt đối không (!).

Trước mỗi lần xuất ngoại dự tranh các giải đấu, đặc biệt những đại hội lớn, từ khi chuẩn bị đến lúc lên đường, chẳng thấy bao giờ thấy lãnh đạo quên nhấn mạnh, có lúc chỉ đạo gay gắt quân sĩ về đòi hỏi “tuyệt đối” này. Đến lượt các lãnh đạo, HLV cũng ra rả quán triệt theo kiểu hô hào chung chung với các tuyển thủ...

Đặc biệt, sau mỗi sự cố có VĐV “dính” doping thì mới thấy việc tuyên bố và sự quyết tâm của ngành thể thao được đẩy lên cao độ như thế nào. Ai cũng bày tỏ sự bức xúc, phát biểu cho rằng phải làm thế này thế kia, rồi xử lý nghiêm tất cả các đối tượng liên quan, mà chắc đến giờ nếu áp dụng theo đó đã là “thừa” để có thể đẩy lùi hẳn được doping khỏi TTVN rồi. Ngay từ đầu, TTVN đã có được một quan điểm đúng đắn, thống nhất: kiên quyết không chấp nhận doping, áp dụng nghiêm ngặt mọi biện pháp phòng và chống.

Nhưng không...  hành động

Suy cho cùng quá trình “anti - doping” của TTVN cứ trong vòng luẩn quẩn, để rồi đều đặn nhận những ca doping, cả thảy 11 trường hợp đến thời điểm này, trong đó đau nhất là vụ của tuyển thủ thể dục dụng cụ Đỗ Ngân Thương tại Olympic 2008 và lực sĩ cử tạ Hoàng Anh Tuấn ngay trước thềm ASIAD 2010. Điểm cốt lõi là ở chỗ: thực chất chúng ta không có bất cứ hành động phòng chống đúng nghĩa nào cả.

Đơn giản và thiết thực nhất như việc tuyên truyền giáo dục tinh thần nói không với doping, danh mục các chất bị cấm tới các VĐV chỉ được tiến hành sơ sài cho có, mỗi khi có sự kiện, để rồi “trôi tuột” luôn qua đầu. Qua khảo sát của mình, một chuyên gia đoán chắc rằng có ít nhất 90% số tuyển thủ quốc gia không nắm được những chất bị cấm cơ bản nhất của ngay môn mình.

Trong khi đó, ngay “Quy chế kiểm tra y tế” (chủ yếu về doping) mà ngành thể thao ban hành cả chục năm nay vẫn hoàn toàn nằm trên giấy mà có lẽ chỉ vài người tham gia soạn thảo trực tiếp mới có thể nhớ đến một cách... lờ mờ.

Mọi hậu quả rốt cuộc lại đẩy hết cho điều kiện khách quan, khó khăn ràng buộc, nào thiếu kinh phí, thiếu phương tiện, mà lý do được viện dẫn nhiều nhất có lẽ vẫn là vì TTVN chưa có labo kiểm tra doping.

Và những sự thiếu tưởng như khách quan kể trên, cũng như hiện trạng buồn thảm doping của TTVN xuất phát từ chính cái thiếu “chết người”: hành động thực tế. 

  Xuyến Chi

 


Ý kiến của bạn