Chuyện “phong bì”

21-07-2013 08:00 | Thời sự
google news

Vấn nạn “phong bì” - biến tướng của trò đưa và nhận hối lộ đang là nỗi nhức nhối của xã hội. Do đó, chúng tôi rất hoan nghênh thái độ kiên quyết của bà Bộ trưởng Bộ Y tế về việc cấm nhận phong bì với nhân viên y tế và yêu cầu bệnh nhân cũng như người nhà không đưa “phong bì” khi đến khám và chữa bệnh như một biện pháp chống tiêu cực của ngành y tế. Tuy nhiên, việc này còn cần cụ thể hơn vì chợt nhớ tới trường hợp “đưa phong bì” của chúng tôi.

Vấn nạn “phong bì” - biến tướng của trò đưa và nhận hối lộ đang là nỗi nhức nhối của xã hội. Do đó, chúng tôi rất hoan nghênh thái độ kiên quyết của bà Bộ trưởng Bộ Y tế về việc cấm nhận phong bì với nhân viên y tế và yêu cầu bệnh nhân cũng như người nhà không đưa “phong bì” khi đến khám và chữa bệnh như một biện pháp chống tiêu cực của ngành y tế. Tuy nhiên, việc này còn cần cụ thể hơn vì chợt nhớ tới trường hợp “đưa phong bì” của chúng tôi.

Vào năm 2002, tôi bị ốm phải vào điều trị tại bệnh viện, lại nằm cạnh buồng anh Vũ Kỳ - nguyên Thư ký của Bác Hồ, đang kiểm tra sức khỏe. Chúng tôi từng thỉnh thoảng gặp và làm việc với nhau khi tôi được cử đi công tác theo Bác Hồ, song ít có thời gian dài nói chuyện với nhau. Nhưng khi ốm đau, cùng nằm bệnh viện, không ai bị bó buộc với công việc, có nhiều thời gian rảnh rỗi và có dịp nói chuyện, tâm sự với nhau, nói với nhau cả những chuyện mà ngày thường đừng hòng “cậy răng” anh ấy nửa lời. Những chuyện đó có dịp sẽ nói nhưng hãy kể chuyện chúng tôi “đưa phong bì”.

Giúp chúng tôi có bác sĩ và chị điều dưỡng viên (đến nay tôi vẫn nhớ tên nhưng không tiện kể ra), trở thành thân nhau, có thể hỏi chuyện công tác và gia đình, trong đó biết gia đình chị điều dưỡng viên rất khó khăn, lương thấp, lại phải nuôi hai con đang tuổi ăn tuổi lớn.

Chúng tôi đều biết lương của anh chị em làm ở ngành y tế cũng như nhiều ngành khác đều rất thấp. Tôi kể với anh Kỳ về phát biểu của anh Đỗ Nguyên Phương tại Quốc hội khóa IX khi anh là Bộ trưởng Bộ Y tế. Anh nói trong một phiên họp công khai: “Phụ cấp cho bác sĩ một ca mổ dạ dày không bằng công vá chiếc lốp xe đạp”. Nghe tôi nói thế, anh Kỳ chia sẻ: “Chắc bây giờ có khá hơn nhưng cũng không khá hơn công vá chiếc săm xe máy!”.

Sau đợt điều trị, chúng tôi được ra viện cùng một ngày. Trong thâm tâm, tôi muốn biếu chị điều dưỡng viên một ít tiền. Một mình tôi làm thì không có chuyện gì vì tôi là nhà báo, sống thoải mái, nhưng tôi muốn bàn với anh Kỳ để có thể chị điều dưỡng viên có số tiền kha khá, đồng thời cũng muốn thăm dò ý kiến của anh. Anh Vũ Kỳ vốn kỹ tính, lại là Thư ký Bác Hồ, cho nên tuy thấy ý kiến của tôi là hợp lý nhưng vẫn phân vân chuyện “phong bì” tuy rằng lúc đó chưa có lệnh cấm và lời khuyên của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Tôi nói với anh về cuốn sách Từ, thụ yếu quy của quan thanh liêm Phạm Phú Thứ, triều Nguyễn đã dịch in tóm tắt. Trong sách đó có nêu lên 103 trường hợp người dân và cấp dưới biếu quà và nêu rõ trường hợp nào nên “từ” (không nhận) và trường hợp nào được “thụ” (cho phép nhận). Trong 193 trường hợp thì cụ cho nhận 5 trường hợp, trong đó có những trường hợp “cảm ơn người đã giúp đỡ mình”. Nghe tôi kể, anh cho biết là đã đọc cuốn sách đó và xem ra hiểu ý tôi cho nên anh gật gù, suy nghĩ.

Tôi nói: “Ngày mai chúng ta ra viện, có một chút quà biếu là để cảm ơn người giúp mình, không phải là hối lộ, cũng để giúp chị điều dưỡng viên một chút ít thêm cặp vào bữa ăn hàng ngày. Nếu ta biếu tiền trước khi vào viện hay là trong khi điều trị là ta muốn dịch vụ ưu đãi, như thế mới là hối lộ”. Nghe tôi nói thế, anh Kỳ lại gật gù ra vẻ tán thành.

Sau chuyện “phong bì” lại chuyện tặng hoa. Chúng tôi đều hiểu rằng chị điều dưỡng viên cần tiền hơn là cần hoa nhưng lại phải có hoa cho có vẻ văn minh nhưng thay vì mua 2 bó hoa, chúng tôi chỉ mua 2 bông hoa có bọc giấy bóng kính hẳn hoi, tất cả tiền chênh lệch dồn hết vào 2 phong bì cho lịch sự.

Nhân chuyện cấm đưa và nhận “phong bì” ở bệnh viện, tôi kể chuyện chúng tôi đưa phong bì và thấy không có gì sai. Đến nay, khi ốm đau phải đi khám bệnh hay vào bệnh viện điều trị, tùy hoàn cảnh kinh tế, của ít lòng nhiều, tôi vẫn “cảm ơn” người giúp tôi bằng phong bì!.

  Nhà báo Hữu Thọ


Ý kiến của bạn