Khi yêu, người ta thường cảm thấy ở nhau điều gì đó mà khó có thể giải thích để nỗi “cảm” ấy như chất keo gắn kết bền chặt, nên vợ nên chồng. Thế nhưng trong đời sống hôn nhân, sao nhiều cặp vợ chồng cứ phải muốn rõ mọi điều nghi ngờ ấm ức để rồi càng đi tìm sự thật càng quặn xé tim gan. Không phải là tự lừa dối mình nhưng liệu có thể ứng xử theo sự mách bảo của con tim như ngày trẻ trung để tỉnh táo quyết định và bớt đi những bi kịch?
Không ít ông chồng khi cảm thấy “một nửa yêu thương” của mình không còn chung thủy đã không giữ được bình tĩnh. Họ thuê thám tử hoặc tự mình bí mật theo dõi hành tung của vợ. Chuyện “xác minh, làm rõ” không hẳn chỉ là sự cẩn trọng trước một nguy cơ, một sự thật mà dường như còn là sự cay cú, hiếu thắng của “nạn nhân” trong chuyện phải - trái, đúng - sai. Và chuyện tình cảm là chuyện của con tim, chỉ có tình yêu mới bảo vệ được tình yêu, lẽ nào tờ “Đăng ký kết hôn” có thể thành tấm khiên chở che hạnh phúc. Đã có nhiều ông chồng muốn đi tìm sự thật nhưng sự thật hiện ra khi tận mắt thấy vợ đi vào nhà nghỉ với người đàn ông khác đã trở nên mất tự chủ và những bi kịch xảy ra bao giờ cũng thành sự hối hận muộn mằn…
Ngay tại Hà Nội có cặp vợ chồng anh T. và chị H. Họ sống với nhau gần chục năm và có hai mặt con, nếp tẻ đầy đủ. Gia đình anh chị không dư dả nhưng cũng đủ ăn đủ tiêu từ những chuyến chở taxi của anh và thu nhập từ cửa hàng tạp hóa của chị. Thế rồi vào cuối năm 2012, anh để ý thấy chị ngày càng thay đổi, xa với mình từ chuyện giường chiếu đến bữa ăn và lạ hơn nữa là chị chăm chút nhan sắc nhiều hơn. Vốn ham việc, trước chị cấm rời cửa hàng bao giờ bởi hàng họ có người đem đến theo từng loại mà nay, thỉnh thoảng chị lại đóng cửa cả buổi đi đâu không rõ. Linh tính của người đàn ông bắt đầu đặt điểm ngắm vào ông trung niên hơn anh cả chục tuổi vẫn thường bỏ mối bia rượu cho cửa hàng chị. Đầu tiên thấy ông trung niên đưa bia rượu đến không về ngay mà ngồi rất lâu trò chuyện với vợ, anh vẫn tin vào mình lắm vì trẻ, khỏe hơn ông ta. Thế rồi chỉ khi vô tình đọc tin nhắn mùi mẫn đến điện thoại của vợ khi chị đang tắm anh mới nhớ đến những cái nhìn liếc vội, nụ cười lả lơi của vợ với gã đàn ông không phải để ngoại giao mà là... ngoại tình thật! Hỏi, tất nhiên chị gắt anh rằng ghen vớ vẩn, bóng gió. Nỗi nhục trong người đàn ông trào dâng khi cảm thấy vợ “có vấn đề” nhưng thua về lý khiến anh quyết tìm bằng chứng quả tang.
Một sáng, thấy vợ thơm lừng, áo quần xúng xính, anh nói đến công ty nhận taxi nhưng bí mật quay về theo dõi chị. Đeo bám một lúc, anh như gục xuống khi thấy vợ cùng ông trung niên vẫn giao bia rượu tạt vào nhà nghỉ bên Gia Lâm. Cảm giác thất bại, nhục nhã, yếu thế khiến anh quyết làm cho ra nhẽ nhưng anh không muốn ầm ĩ sợ mất mặt là kẻ bị cắm sừng. Thế là chỉ còn cách về nhà tra hỏi vợ. Bị truy vấn quá, đang ngủ cũng bị lay dậy để “hỏi cho ra nhẽ’ khiến chị phải công nhận và đem chồng ra so sánh với người tình. Anh uất hận bỏ nhà trong đêm làm bạn với chai rượu ngỡ có thể xóa đi nỗi đau trong lòng. Sáng hôm sau về, lại... tra hỏi và lại điệp khúc chê chồng khiến anh không làm chủ được mình, vớ con dao trên bếp gần đấy đâm chém loạn xạ, có nhát trúng tim và chị chết trên đường đi cấp cứu. Mẹ chết, bố vào tù, chỉ khổ hai đứa con bỗng thành bơ vơ từ thói trăng hoa và nóng giận của người lớn, chẳng phải chúng gây nên.
Hôm tòa xử anh tội giết người, không khí pháp đình nặng trĩu khi những tiếng nấc của hai đứa trẻ phát ra rồi con trai mếu máo: “Các bác tòa ơi, cháu mất cả bố mẹ rồi à”. Con gái đầu lòng thì rền rĩ: “Bố ơi, mẹ hư thì bố bỏ, giết mẹ làm gì cho chúng con khổ thế này”. Anh chỉ còn biết gục xuống trong sự ân hận muộn mằn và nói lời sau cùng trong nước mắt: “Bị cáo chỉ mong được sống để có cơ hội gặp các con, muốn các con hiểu rằng bố nó không muốn gây ra bi kịch hôm nay...”.
Chuyện thứ hai lại hoàn toàn trái ngược chuyện trên. Ông V. là thủ trưởng một cơ quan có bồ là cô thư ký. Chuyện bồ bịch của thủ trưởng và thư ký chẳng ai trong cơ quan không biết nhưng chẳng thể khuyên bảo vì cấp dưới khuyên cấp trên như chuyện hái sao trên trời. Vào một tối, thấy sếp và thư ký vẫn làm việc trong phòng, mấy cô cậu cấp dưới muốn “làm rõ” bèn điện cho “sếp bà” đến bắt quả tang! Mà bà đến thật. Bà dặn “các em” cứ ngồi xa xa để bà vào làm cho ra ngô ra khoai. Gõ cửa hồi lâu ông mới ra mở cửa. Bà vào và cẩn thận khóa cửa phòng làm việc của chồng sau đó bảo chồng gọi cô thư ký đang trốn trong tủ ra. Bà đưa lược cho cô chải đầu, chỉnh trang sống áo tử tế rồi rủ cô... đi ăn phở! Lúc qua phòng thường trực, làm như không biết có ai và cứ ríu rít nói chuyện với tình địch “Cô đến tìm chú xem ông ấy có ốm đau gì không mà rồi mày cũng đến ngay sau đó là sao? Quan tâm tới chú thế là tốt. Thôi, đi ăn phở với cô để ông ấy làm nốt việc...”.
Sau vụ bắt quả tang này, cô thư ký bỗng như cháu của vợ chồng sếp và ông chồng từ đó tịnh không hề léng phéng với bất kỳ ai nữa. Xem ra câu “Đàn ông nông nổi giếng khơi/Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu” trong trường hợp này sai bét. Ghen và giữ chồng như thế quả là cao thủ.
Nhiều vụ “nem chả” hiện nay không hẳn do vợ chồng chán nhau, vì con cái, không thể ly dị nên phải đi “cải thiện”. Anh N., một tiến sĩ ở Viện khoa học nọ là người có tài, tính tình hiền lành, chỉn chu, thật sự là niềm tự hào của vợ. Hiềm nỗi, anh hay làm việc khuya, mải mê nghiên cứu nên vợ bị “bỏ đói”. Người ta có thể đói ăn, đói mặc nhưng quan hệ vợ chồng bị đói thì thật nguy hiểm bởi tiếng là vợ chồng nhưng quả là không phải vợ chồng. Nhiều đêm trong phòng vắng, chị chỉ biết thở dài sườn sượt một mình khi nhìn thấy anh lúi húi bên công trình nghiên cứu rồi 2-3 giờ sáng lăn ra ngủ. Chị nũng nịu, gợi mở “ngủ đi anh” nhưng công việc hút anh khiến anh quên hết, vô tình quên trách nhiệm làm chồng với câu “Em ngủ trước đi, anh làm nốt chỗ này đã”.
Chuyện nem chả nhiều khi chỉ là nhu cầu “đổi gió” và phía bị phản bội nên xem lại mình chăng. Không đồng tình với phía phản bội nhưng vấn đề không chỉ là lên án mà quan trọng hơn là tìm được nguyên nhân của sự phản bội. Nếu còn yêu thương nhau và sự đổi gió có một phần vô tình của mình trong đó thì nên thông cảm và tha thứ. Khi không còn thật sự thương yêu nhau nữa thì nên dũng cảm chia tay bởi cố níu kéo một tình yêu cạn kiệt chỉ càng làm khổ cả hai. Tất nhiên, chuyện chia tay không dễ khi còn nhiều thứ ràng buộc như con cái, bố mẹ hai bên, kinh tế và uy tín,…
Theo khảo sát của chúng tôi tại một tòa án cấp quận thì những vụ đưa nhau ra tòa có đến 60% do chuyện “nem chả”. Nhưng không phải bất cứ gia đình nào có chuyện nem chả cũng đưa nhau ra tòa. Có đến 90% trong số 60% trên ra tòa vì tự ái, vì ghen tuông dẫn đến bạo lực, vì chuyện bỗng trở thành ầm ĩ, vì tác động của bên ngoài như bố mẹ, anh em, bạn bè.
Không ít cặp ngoại tình khi một bên đòi cưới hay về chung sống công khai thì bên kia… chạy mất dép. Chuyện nem chả với lý do đổi gió chiếm phần lớn khi mà phương tiện liên lạc và nhà nghỉ thời hiện đại như một “đồng minh”. Đổi gió, hóng gió chút rồi vẫn phải về nhà và “nem chả” “ngon” mấy thì gia đình như một tổ ấm vẫn có sức hút thật sự.
Hãy biết gìn giữ tổ ấm mình đang có kể cả với người muốn tìm tình yêu ngoài luồng và cả người bị mất mát. Tình cảm cũng là một dạng vật chất vô hình không cụ thể hình dáng, kích thước mà bi kịch xảy ra thảy đều bắt đầu từ lòng tham. Tham có thêm, tham khám phá, tham “oai” với khả năng chinh phục và cả tham tiền của danh vọng khi nhân danh cái gọi là tình yêu để lợi dụng nhau. Khi lòng tham được thỏa mãn thì bi kịch ắt xảy ra và đau khổ nhất vẫn là những người liên quan mà không hẳn là những người trong cuộc.
Không thể phủ nhận thời hiện đại có nhiều chuyện nem chả hơn xưa. Nhưng biết không phải để hãi hùng mà cần nhìn lại mình, nhìn lại nhau để vì một hạnh phúc đích thực, vì những năm tháng gắn bó mà khi đó hành động vì tương lai, vì con cái, vì cả chính bản thân khi về già…