Những buổi đầu khổ lắm
Theo chia sẻ của NSND Trọng Trinh, công việc làm phim truyền hình thời gian đầu rất khó khăn, hoàn toàn làm bằng sự tâm huyết và sự đam mê. Được đóng phim, làm phim với anh và các đồng nghiệp cùng trang lứa là điều vô cùng hạnh phúc. Ngày trước quay phim chỉ có 1 máy, to cồng kềnh như một cái vali. Thiếu thiết bị hỗ trợ như ánh sáng, thời trước Trọng Trinh có nước da đen, bao nhiêu đèn hỗ trợ cũng không... trắng hơn được.
MC Diễm Quỳnh, Anh Tuấn cùng các nghệ sĩ trong Quán thanh xuân tháng 7
“Tôi nhớ phim đầu tay của tôi là Mưa dầm ngõ nhỏ, nghệ sĩ Bùi Bài Bình đang đạp xe thì bỗng trẻ con và người làng ở đâu ùa ra đi xem, thế là phải quay lại cảnh đó. Ngay bộ đàm như bây giờ, trước đây cũng không có, chỉ có loa miệng thôi. Đạo diễn cứ cuộn giấy lại như cái loa rồi đưa lên miệng... hét. Mà cứ hét như thế, người dân càng biết đang đóng phim, lại càng ùa ra xem. Có lúc cũng vui, đang quay giữa trưa, có người dân bê cả rổ khoai lang luộc ra cho cả đoàn ăn” – NSND Trọng Trinh cho biết. Nam nghệ sĩ chia sẻ thêm, năm tháng đi qua rồi, nhưng đó là quãng thời gian không thể nào quên với nhiều cảm xúc, đầy hỉ nộ ái ố. “Nhưng tôi cảm thấy rất tự hào, hạnh phúc về những ngày làm phim ấy”.
Nỗi lo “đứt sóng”
Là người tiên phong làm phim truyền hình từ những ngày đầu tiên và được xem là “cây đại thụ” của phim truyền hình Việt, NSND Khải Hưng có nhiều hồi ức về thời mới làm phim của mình. Ông cho biết, ngày xưa làm phim không có truyền thông, quảng cáo như bây giờ. Phim làm ra cứ chiếu lặng lẽ trên truyền hình.
NSND Khải Hưng chia sẻ về những ngày đầu làm phim truyền hình
NSND Khải Hưng cho biết thêm, mùa thu năm 1994, VTV thực hiện chương trình Văn nghệ chủ nhật do Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình Việt Nam sản xuất. Khải Hưng nhớ lại: “Hôm ấy là ngày 14/8/1994, Tổng giám đốc VTV khi ấy là Hồ Anh Dũng gọi tôi sang, kênh VTV3 là kênh giải trí mới mở, nhưng chưa có phim, anh hỏi tôi có bảo đảm một tuần có thể lên được một bộ phim không?. Lúc ấy tôi đang khao khát làm phim nên tôi nhận ngay, về nhà đánh máy thành dự án với tên gọi Tiết mục thư giãn, Nhân vật tác phẩm, Phim truyện… Sau đó tôi nộp đề án lên cho anh Dũng và anh phê duyệt, đề nghị thực hiện ngay, anh Dũng đặt tên chương trình là Văn nghệ chủ nhật và từ ngày 4/9/1994 lên số đầu tiên.
Lúc đó Khải Hưng có trong tay 2 bộ phim, đó là Mẹ chồng tôi quay từ 1993 chưa phát sóng, như của dự trữ. Và bộ phim Người tình của cha đang làm hậu kỳ, thế là Khải Hưng ung dung nghĩ đã có 3 tuần để chuẩn bị. Tưởng 3 tuần là dài nhưng khi ấy nhanh kinh khủng. Khi chiếu Người tình của cha thì NSND Khải Hưng nghĩ có khi “đứt sóng”, mà nghe từ “đứt sóng” thì sợ lắm, bị kỷ luật là chắc. Đang rất hoang mang thì có tác giả là Trần Trúc Quỳnh mang đến một kịch bản, Khải Hưng đọc ngay. Kịch bản ấy tên Giao hưởng đêm mưa, câu chuyện chỉ xảy ra trong một đêm, ông đồng ý làm ngay. Thế là Khải Hưng lấy sân của Trung tâm sản xuất phim làm bối cảnh và bể nước cứu hỏa để làm trời mưa. “Ròng rã hai đêm, tôi đã hoàn thành bộ phim này và nỗi lo “đứt sóng” trước đó được gỡ bỏ. Sau đó tôi nghĩ mình hoàn thành một phần sứ mạng của Văn nghệ Chủ nhật những ngày đầu tiên.
Từ trái qua: diễn viên Quốc Tuấn, NSND Minh Hằng, MC Anh Tuấn - Diễm Quỳnh, NSND Hoàng Dũng
Khi Văn nghệ Chủ nhật ra đời thì truyền thông đưa tin nhiều, Khải Hưng nhận được rất nhiều lời mời cộng tác của Xưởng phim truyện. Một kho kịch bản cũ của bạn bè gửi tới, bắt đầu ông lọc lựa chia ra các mũi triển khai. Lúc ấy rất nhiều người muốn về đầu quân cho Trung tâm sản xuất phim (trước đây là Trung tâm nghe nhìn), Khải Hưng cảm thấy đã đủ lông đủ cánh và có thể ... chiến đấu dài hơi được cho Văn nghệ chủ nhật.
“Quốc Tuấn trưởng thôn” khốn khổ với lá khoai
Diễn viên Quốc Tuấn được khán giả truyền hình biết đến qua nhiều vai diễn ấn tượng trong các phim như Người thổi tù và hàng tổng, 12A và 4H, Những người sống quanh tôi... Đặc biệt, vai diễn trưởng thôn Lê Trung Kiên trong bộ phim về đề tài nông thôn Người thổi tù và hàng tổng được nhiều khán giả đánh giá là vai diễn ghi dấu ấn đậm nét nhất của nam diễn viên này. Quốc Tuấn dù sinh ra ở Hà Nội, nhưng anh nhận mình có đến 80% mang dáng dấp của người nông thôn, vì thế khi đóng các vai diễn trong phim về đề tài nông thôn anh cảm thấy không có gì khó khăn.
Diễn viên Quốc Tuấn chia sẻ về kỷ niệm "lá khoai ngứa" khi đóng vai trưởng thôn phim Người vác tù và hàng tổng
Tại Quán thanh xuân tháng 7, diễn viên Quốc Tuấn chia sẻ, trong phim Người vác tù và hàng tổng, anh có một kỷ niệm và một tai nạn làm anh rất sợ, đó là cảnh hai dòng họ đánh nhau để tranh nhau chức trưởng thôn. Sau đó hai họ bầu ra một ông... ất ơ làm trưởng thôn, thế là lúc mọi người đi tìm ông trưởng thôn mới thì không thấy đâu cả. Mọi người tóa đi tìm thì thấy ông ấy đang tắm... truồng dưới ao.
“Mọi người xuống bắt ông ấy lên để nhận chức trưởng thôn, nhưng lúc ấy vì đang tắm truồng nên ông ấy không thể lên được. Ông này mới vẫy mọi người cứ về đi thì sẽ lên, nhưng mọi người không về. Thế là tôi phải vặt luôn lá khoai ngứa che “chỗ ấy” rồi bước lên. Lúc diễn thì hồ hởi lắm, đến khi về nhà thì mới báo hại vì lá khoai ngứa nó “hành” cho gần chết luôn, phải bôi thuốc.” – Quốc Tuấn chia sẻ lại kỷ niệm của mình làm khán giả không thể nhịn cười.
Mua nhà bằng lồng tiếng, mẹ nói đừng về quê vì vào vai phản diện
Cũng tại chương trình Về nhà xem phim, NSND Nguyễn Hải với các vai phản diện được nhiều khán giả “vừa yêu vừa ghét” cho biết, nhiều năm về trước, NSND Khải Hưng có mời Nguyễn Hải vào một vai chính trong phim truyền hình Chuyện làng Nhô, dài 4 tập.
NSND Nguyễn Hải
Sau khi hoàn thành bộ phim, có thành công nhất định thì Nguyễn Hải nhận được lời nhắn của mẹ : “Bao nhiêu vai tốt không diễn, đi diễn vai thằng mất dạy, bảo nó đừng vác mặt về quê nữa”. May mắn là một năm sau tôi về quê, bà cụ không nói gì cả, vẫn cho ăn tết” – NSND Nguyễn Hải dí dỏm chia sẻ.
NSND Minh Hằng cho biết mua được căn nhà từ thu nhập cho việc lồng tiếng phim
Trong khi đó, ở công việc lồng tiếng nhân vật cho phim, NSND Minh Hằng “bật mí” với khán giả, những diễn viên lồng tiếng như chị có đời sống rất ổn. Thậm chí, NSND Minh Hằng cho biết: “Tôi đã mua được căn nhà từ thu nhập của việc lồng tiếng cho phim”.
NSND Hoàng Dũng
Cũng tham gia lồng tiếng, NSND Hoàng Dũng kể rằng, ngày xưa thế hệ ông lồng tiếng rất khổ, ví dụ như "Phân đoạn phim có 10 người thì chúng tôi cũng phải có chừng đấy người xuất hiện trong phòng thu. Bây giờ thì khác, mỗi người một đường tiếng nên tôi có thể lồng tiếng từ đầu đến cuối bộ phim rồi đến người khác cũng không sao".