Chuyện phiếm về giải quyết ách tắc giao thông

13-11-2017 09:22 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Phóng viên (PV): Rất vui lại được trò chuyện với nhà thơ Trần Đăng Khoa trong ngày đầu tuần. Trước hết là tin Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, người vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Quốc hội phê chuẩn, bổ nhiệm vào chức vụ tư lệnh ngành GTVT. Là người viết rất nhiều, quan tâm rất nhiều đến lĩnh vực giao thông, đặc biệt là việc giải quyết ách tắc giao thông đô thị, ông thấy thế nào?

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Tôi rất vui. Và cũng như một ký giả bạn tôi, tôi rất hy vọng sẽ có những bứt phá mới trong việc tháo gỡ những khó khăn phức tạp của ngành GTVT. Trong đó có chuyện thu phí BOT trên các quốc lộ suốt hai miền Nam Bắc. Đây là một việc rất nhức nhối của ngành giao thông vì người ta ngửi thấy cái mùi của lợi ích nhóm mà tôi cũng đã bàn không chỉ một lần trên báo Sức khỏe&Đời sống. Chúng ta kỳ vọng vào Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, vì khác với rất nhiều các vị Bộ trưởng đã được đề bạt, Nguyễn Văn Thể được đào tạo rất bài bản, lại đúng chuyên ngành. Ông là kỹ sư xây dựng đường bộ được đào tạo chuyên sâu tại Trường đại học Giao thông Matxcơva. Rồi bảo vệ tiến sĩ chuyên ngành giao thông cũng ở ngôi trường nổi tiếng này. Ông cũng đã kinh qua công việc của ngành từ những cấp cơ sở đến Thứ trưởng Bộ GTVT. Ông lại được đề bạt Bộ trưởng Bộ GTVT không phải từ cấp Thứ trưởng lên mà từ cương vị Bí thư Tỉnh ủy của một địa phương. Đấy là những lợi thế giúp ông có tầm nhìn vừa vi mô vừa vĩ mô để giải quyết những vụ việc cụ thể ở một Bộ lớn có nhiều việc phức tạp, mà với ông cũng không có gì xa lạ vì ông cũng đã có kinh nghiệm thực tiễn khi đảm nhiệm nhiều cương vị cụ thể ở Bộ này rồi.

Chuyện phiếm về giải quyết ách tắc giao thôngMuốn chống ách tắc giao thông thì cần thay đổi chính sách nhà đất đô thị và nếu có một hệ thống tàu điện ngầm thuận tiện thì người dân sẽ tự bỏ hết ôtô, xe máy để đi tàu điện ngầm… ( Nhà thơ Trần Đăng Khoa).

PV: Những vấn đề về giao thông đô thị đang là những câu hỏi cần chính Bộ trưởng Bộ GTVT trả lời. Ông ấy cũng đã biết, hai đô thị lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh việc ách tắc giao thông bây giờ đã là chuyện thường xuyên trong khi mọi nỗ lực cải thiện nhằm giảm vấn nạn này lại bị chính ngành giao thông làm trì trệ. Người ta ngao ngán về sự chậm trễ tiến độ lại đội vốn từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đô-la của những công trình có tính then chốt trong bài toán giao thông đô thị như đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông Hà Nội hay Metro Bến Thành - Suối Tiên ở TP. Hồ Chí Minh?

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Đấy là việc rất cụ thể, nhưng cũng là việc vô cùng nhức nhối thu hút sự quan tâm của hàng triệu người dân. Không chỉ người dân Thủ đô mà người dân cả nước. Bởi Hà Nội không chỉ của riêng người Hà Nội. Chúng ta cũng đã loay hoay tìm mọi cách để giải quyết vấn nạn ách tắc giao thông này rồi, đặc biệt là ở hai thành phố lớn. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Riêng khu vực Hà Nội, thành phố cũng đã đầu tư xây dựng rất nhiều tuyến đường cao tốc, đường vành đai, đường xuyên tâm và các trục liên đô thị, góp phần nâng cao năng lực giao thông từ Thủ đô đi các tỉnh cũng như trong nội đô. Các phương án tổ chức giao thông cũng đã được thực hiện một cách linh hoạt. Tuy nhiên, nạn ùn tắc vẫn không thuyên giảm. Tai nạn càng ngày càng cao. Sở Giao thông Vận tải Hà Nội còn tổ chức cuộc thi ý tưởng giao thông để tận dụng trí tuệ toàn dân với tổng giải thưởng lên đến cả chục tỷ đồng. Cuộc thi cũng đã được trao giải. Và giải cao nhất cũng chỉ là giải nhì. Tuy nhiên, theo người dân và các ký giả thì cuộc thi cũng chẳng tìm ra được một ý tưởng gì thật sự mới mẻ. Nói như ký giả, luật sư Trần Đình Triển, còn lề lối làm việc này thì còn tắc nữa, tắc mãi! Ông cho rằng mọi giải pháp vừa qua, thi với cử, thưởng với thủng,... chỉ vẽ vời cho vui,... không có tý tẹo ích lợi gì hết. Cũng theo ông, muốn chống ách tắc giao thông ở Hà Nội, chỉ còn cách thay đổi chính sách nhà đất: ở khu vực nội đô nghiêm cấm tư nhân xây nhà; không cho phép xây biệt thự hay chung cư bán để tiết kiệm quỹ đất (trừ khu vực xây nhà công vụ); Không quy định giá đất ở khu vực đô thị. Có như vậy thì việc giải phóng mặt bằng, bồi thường, cấp nhà tái định cư mới thuận lợi khi cần mở đường. Cần có tầm nhìn lớn, khoa học, ổn định, chi tiết trong việc quy hoạch thành phố, nghiêm cấm cảnh nay đào mai bới lắp đặt linh tinh, lấn chiếm hè phố, cảm giác làm chỉ với mục đích tiêu tiền. Nâng cao dân trí, ý thức của người tham gia giao thông. Xóa sạch cơ bản tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực xây dựng cầu đường, chấm dứt nạn làm ẩu tả, gian dối, không đúng thiết kế, chất lượng kém (theo thông tin là 50% giá trị công trình vào túi tham nhũng). Cần tính toán hợp lý, khoa học lắp đặt hệ thống biển báo, đèn hiệu giao thông. Lắp đặt hệ thống ghi hình; xử phạt vi phạm qua ghi nhận của camera. Khi xây dựng thêm hệ thống giao thông gì, phương tiện giao thông gì? Đều phải tính toán khoa học, hiệu quả mới tiến hành và đưa ra áp dụng. Tôi nghĩ rằng đó là những tiếng nói của dân. Những tiếng nói xây dựng, thiện chí bao giờ cũng cần thiết giúp chúng ta tỉnh táo trong mọi quyết sách. Nếu biết nghe tiếng nói của dân, trong đó có giới khoa học, trí thức, thì chắc chắn sẽ không có những dự án khai thác bô-xít ở Tây Nguyên, hay cung đường trên cao Cát Linh - Hà Đông rất tốn kém mà hiệu quả chắc chắn sẽ không cao vì chỉ giải quyết được một tuyến đường, lại không phải tuyến trọng yếu, vì thế, sẽ không thể giải quyết được nạn ách tắc, trong khi đó, phố phường của ta lại nhỏ, tuyến đường lại kềnh càng. Cảnh quan bị băm nát. Thẩm mỹ rất xấu. Ngay việc xây dựng tuyến buýt nhanh cũng lại sai lầm. Vì buýt nhanh cũng có nhanh đâu mà giá mỗi xe lại cao gấp đôi xe buýt thông thường. Theo khảo sát của Chủ tịch Hà Nội thì lượng khách cao nhất của buýt nhanh chưa đạt 48 người mỗi lượt trong khi sử dụng cả một làn xe riêng, khi đường phố của ta lại nhỏ là không hợp lý. Xóa nạn ách tắc là một bài toán không dễ tìm lời giải, nếu không nói là không thể tìm được lời giải, nếu nhìn vào thực tiễn ở nước ta. Đường phố chật hẹp. Mật độ các phương tiện tham gia giao thông rất đông. Với các dự án xây dựng nhà ở, xây dựng chung cư của chúng ta ở các tuyến phố thì số lượng dân cư sẽ còn tăng lên đến chóng mặt. Đường không nới ra được, còn bớt đi lấy chỗ làm các tuyến buýt nhanh, lại cấm các phương tiện không được đi vào tuyến buýt này thì sự ùn tắc sẽ còn tăng lên nữa. Còn việc cấm các phương tiện cá nhân tham gia giao thông vào những năm nào đó, hay phương án xe chẵn đi ngày chẵn, xe lẻ đi ngày lẻ chỉ là chuyện hoang đường và không tưởng. Bởi người dân vẫn phải đi lại. Phương tiện công cộng không thể đáp ứng được. Chỉ có một phương án giải quyết hiệu quả nạn ách tắc thôi mà không còn có phương án nào khác là tập trung làm hệ thống tàu điện ngầm như ở Matxcơva. Có người bảo tôi: Làm sao chúng ta có kinh phí làm tàu điện ngầm? Đúng là làm tàu điện ngầm rất tốn kém. Nhưng không phải chúng ta không có tiền. Tiền ở trong dân. Nếu có những giải pháp tốt, vừa có lợi cho nước, vừa có lợi cho dân thì vẫn huy động được và huy động rất dễ dàng. Thêm nữa, chỉ cần truy thu những số tiền tham nhũng, những số tiền thất thoát trong các vụ án lớn trong suốt mấy chục năm qua cũng đã đủ để làm đến mấy lần hệ thống tàu điện ngầm. Vả lại, chúng ta hãy cứ nhìn lại những số tiền dành cho các dự án giải quyết nạn ách tắc, mà không giải quyết được, trong hàng chục năm qua cũng đã đủ để làm hệ thống tàu điện ngầm rồi. Cũng có người bảo tôi, ông định xây tàu điện ngầm để làm cống thoát nước cho lũ lụt Hà Nội à? Một thành phố vừa mưa đã ngập mà lại còn đòi làm tàu điện ngầm! Ở Hà Nội mà có tàu điện ngầm thì chỉ có chết sặc. Tôi xin thưa rằng, chính vì nạn ngập lụt mới phải làm tàu điện ngầm đấy! Tại sao ư? Tại vì hệ thống thoát nước Hà Nội ở trong khu vực nội đô về cơ bản vẫn là hệ thống thoát nước cũ, xây dựng từ thời Pháp. Người Pháp xây dựng hệ thống thoát nước này là dành cho một thành phố chỉ có 10 vạn dân. Bây giờ Hà Nội đã lên đến 10 triệu dân. Con số thực có khi còn lớn hơn nhiều. Một thằng bé oắt con, cõng trên lưng cả một ông khổng lồ thì làm sao không ngã quỵ. Hà Nội được tu tạo và xây dựng mới rất nhiều. Trừ khu xây mới, còn trong nội đô, chúng ta mới chỉ sửa chữa hệ thống thoát nước thôi. Còn cơ bản vẫn là hệ thống cũ. Vì thế, úng lụt là dĩ nhiên. Làm tàu điện ngầm, chúng ta có điều kiện làm lại toàn bộ hệ thống thoát nước mới, vừa cho thành phố, vừa cho hệ thống tàu điện ngầm. Ở Matxcơva, đâu phải không có mưa lớn. Nhưng họ có lụt lội đâu? Thành phố của họ đông gấp mấy lần ta. Nhưng đường phố vẫn thưa thoáng. Thưa thoáng trên mặt đất, còn dưới lòng đất lại rất sôi động. Hệ thống tàu điện ngầm như mạng nhện khổng lồ. Người dân Matxcơva đi lại chính bằng tàu điện ngầm. Rất nhanh và tiện lợi. Bây giờ họ có kỹ nghệ xây dựng tàu điện ngầm bằng phương pháp ép đất, không phải đào đất, lôi đất lên như trước kia, nên rất nhanh và chắc chắn. Hầu như mỗi tháng lại xuất hiện một ga mới. Mỗi ga là một công trình văn hóa kỳ vĩ. Bây giờ việc xây dựng hệ thống tàu điện ngầm của họ còn hiện đại hơn nhiều. Tốt nhất, chúng ta nên thuê họ làm trọn gói hệ thống tàu điện ngầm ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Nếu Hà Nội, Sài Gòn có một hệ thống tàu điện ngầm như ở Matxcơva, tôi tin không cần phải cấm, người dân cũng sẽ tự bỏ hết ôtô, xe máy để đi tàu điện ngầm. Và chỉ có tàu điện ngầm mới xóa được nạn ách tắc...

PV: Cảm ơn ông!


SONG YẾN (thực hiện)
Ý kiến của bạn