Chuyện ở “lò bóng đá” Sông Lam Nghệ An

02-09-2013 08:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

Sông Lam Nghệ An xứng đáng được xem là một “thương hiệu” đặc biệt của làng bóng đá nước nhà.

Sông Lam Nghệ An xứng đáng được xem là một “thương hiệu” đặc biệt của làng bóng đá nước nhà. Nếu so với các tên tuổi khác đang thi đấu tại hệ thống bóng đá chuyên nghiệp (V.League và hạng Nhất) thì đội bóng xứ Nghệ có bề dày truyền thống vượt trội, một vườn ươm tài năng theo đúng nghĩa nhiều năm qua. Sự kiện Lê Công Vinh sang thi đấu tại giải nhà nghề Nhật Bản mới đây có thể xem như thêm một minh chứng về giá trị của lò bóng đá này!

Vườn ươm nhân tài

Trong quá khứ, hễ nói tới công tác đào tạo bóng đá trẻ thì Sông Lam Nghệ An luôn được giới chuyên môn nhắc đến với sự trân trọng. Họ đã xây dựng cả một hệ thống đào tạo bài bản và quy củ với trung tâm là Đoàn bóng đá SLNA (từ năm 1994) cùng hệ thống “chân đế” rất rộng tại 9 huyện và TP. Vinh. Nhưng không chỉ có thế, những nhà quản lý thể thao và bóng đá Nghệ An đã rất thành công khi gây dựng nên nền tảng phong trào vừa có bề rộng, vừa rất có chiều sâu. Đấy chính là địa phương duy nhất trên toàn quốc từng có quy định mỗi xã đều có sân bóng đá, cũng là địa phương duy nhất mà mọi ban ngành - đoàn thể trên địa bàn đều có giải bóng đá, thậm chí có cả những giải bóng đá của dòng họ. Tình yêu bóng đá được nhân rộng, bao trùm, trở thành một niềm đam mê cháy bỏng của nhân dân từ TP. Vinh cho tới các huyện vùng sâu, vùng xa, vùng cao trên địa bàn tỉnh. Thế cho nên hiếm có nơi đâu như ở đây: Rất đông đảo người hâm mộ bóng đá từ những huyện xa lũ lượt đi xe đò từ sáng sớm lên TP. Vinh chỉ để chờ được xem và cổ vũ cho đội bóng nhà tại giải VĐQG. Không phải ngẫu nhiên mà với nhiều trẻ em tại các miền quê nghèo xứ Nghệ, bóng đá không chỉ được xem như một thú vui, một trò chơi mà đã trở thành một cứu cánh để... thoát nghèo. Tất nhiên trong mắt họ, được khoác áo Sông Lam Nghệ An là một niềm khát khao, niềm vinh dự cho cả gia đình, họ hàng, đồng thời là bàn đạp để hướng tới những thành công lớn hơn nữa. Giấc mơ ấy của họ đã phần nào được chắp cánh bởi những HLV giàu năng lực và cần cù - những người từng không quản khó khăn, lặn lội xuống tận những vùng xa để cổ vũ phong trào và tìm kiếm nhân tài...

Chuyện ở “lò bóng đá” Sông Lam Nghệ An 1
 CLB bóng đá SLNA đoạt chức vô địch U21 quốc gia VN.

Từ lâu, hệ thống đào tạo của SLNA được xây dựng với đầy đủ các tuyến trẻ, từ U11 tới U21. Và càng đặc biệt hơn khi họ chính là CLB duy nhất của Việt Nam từng đoạt chức vô địch quốc gia ở tất cả các lứa tuổi. Bởi vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi liên tiếp những lớp nhân tài trưởng thành từ SLNA nối nhau góp mặt ở các đội tuyển quốc gia: Nguyễn Hữu Thắng, Văn Sỹ Hùng, Ngô Quang Trường, Văn Sỹ Thủy, Nguyễn Phi Hùng... (thập niên 90 của thế kỷ trước); Dương Hồng Sơn, Lê Quốc Vượng, Phạm Văn Quyến, Lê Công Vinh, Nguyễn Minh Đức, Phan Như Thuật... (những năm đầu thế kỷ này); rồi mấy năm nay là Nguyễn Trọng Hoàng, Hoàng Văn Bình, Trần Đình Đồng, Âu Văn Hoàn, Nguyễn Ngọc Anh, Trần Phi Sơn, Trần Đình Hoàng, Ngô Hoàng Thịnh, Phạm Mạnh Hùng, Trần Nguyên Mạnh...

Để tạo nên những thành công ấy, không thể không đề cập tới những nhà quản lý gạo cội như Nguyễn Hoàng Thụ - nguyên Giám đốc Sở TDTT; Nguyễn Hồng Thanh - Trưởng đoàn bóng đá, nay là chủ tịch CLB hay Nguyễn Thành Vinh - HLV lão làng từng gắn bó với đội 1 SLNA trong suốt hơn 2 thập kỷ. Đặc biệt, ông Nguyễn Hồng Thanh từng được làng bóng đá nước nhà ví von là “Khổng Minh xứ Nghệ” bởi những ý tưởng lớn của ông trong việc phát triển CLB. Cách nay tròn 10 năm, khi bóng đá Việt Nam vẫn còn chập chững với những bước đầu thử nghiệm theo xu thế chuyên nghiệp hóa, ông Hồng Thanh đã đề xuất ý tưởng đào tạo cầu thủ để... xuất khẩu. Vì nhiều lý do, ý tưởng ấy của ông chưa được triển khai một cách chính thức. Nhưng nhờ sự dồi dào nhân lực, SLNA vẫn là CLB có số lượng cầu thủ “đánh thuê” nhiều nhất trong thời gian qua.

Vững vàng trước sóng gió

Nhưng bên cạnh những yếu tố tích cực, Sông Lam Nghệ An không phải không từng mắc sai lầm: Từng nảy sinh những mâu thuẫn nội bộ từ điều hành cho tới triển khai chuyên môn; Từng có những bất cập trong công tác quản lý - giáo dục VĐV trẻ (vì quá chú trọng vào chuyên môn, chạy theo thành tích mà một số thầy không làm nghiêm khâu giáo dục đạo đức)... “Cơn bão tiêu cực” năm 2005 tưởng như đã có thể xóa sổ SLNA. Nhưng cuối cùng, với quyết tâm của lãnh đạo tỉnh cùng sự chung tay, góp sức của đông đảo người hâm mộ cũng như tập thể cán bộ - HLV trong CLB, SLNA đã vượt qua.

Sự trở về sau một thời gian phiêu bạt của nguyên trưởng đoàn Nguyễn Hồng Thanh và HLV Nguyễn Hữu Thắng vào năm 2010 có ý nghĩa hết sức quan trọng, tiếp thêm sức mạnh cho CLB trong giai đoạn xây dựng và củng cố lại. Kể từ đó, SLNA đã “hồi sinh” rất nhanh, đoạt chức VĐQG năm 2011, đồng thời liên tiếp gặt hái những thành công ở các giải trẻ.Sau sự tan rã của CLB Hà Nội, “đứa con lưu lạc” Lê Công Vinh cũng đã trở về. Và thật bất ngờ, anh như “cá gặp nước”. Một Lê Công Vinh tưởng đã qua thời đỉnh cao bỗng lại tỏa sáng, liên tiếp ghi bàn cho đội bóng quê nhà tại đấu trường V.League. Lần đầu tiên sau nhiều mùa giải, một cầu thủ Việt Nam có cơ hội giành ngôi vua phá lưới từ chân các chân sút nội. Nhưng Sapporo - CLB bóng đá đang chơi tại J. League 2 của Nhật Bản đã đặt vấn đề “mượn” Vinh trong 5 tháng nên khát vọng giành chức vua phá lưới của V. League 2013 của Vinh đành xếp lại. Anh đã có một niềm vinh dự khác, trở thành cầu thủ Việt Nam đầu tiên chơi bóng tại J. League trong niềm tự hào của đông đảo những ai yêu mến bóng đá Việt Nam nói chung và SLNA nói riêng!

Sông Lam Nghệ An có thể không còn như thời đỉnh cao, khi họ đóng góp tới phân nửa đội hình chính của ĐTQG và đội U23 tại nhiều giải đấu quốc tế lớn. Nhưng họ chắc chắn vẫn đang là một CLB tiêu biểu về sự vững mạnh của bóng đá Việt Nam với chân đế phong trào mạnh, tổ chức quản lý - điều hành CLB tốt, hệ thống bóng đá trẻ rất tốt và tất nhiên không thể bỏ qua “cầu thủ thứ 12”, những người hâm mộ tuyệt vời trên khắp cả nước (đi tới đâu, SLNA cũng luôn được cổ vũ bởi đông đảo cổ động viên trong sắc áo vàng truyền thống).          

  Bài, ảnh: Kiều Phong


Ý kiến của bạn