Hà Nội

Chuyện ở Làng A Xây

20-10-2020 16:43 | Xã hội
google news

SKĐS - Làng A Xây (xã Khánh Nam, Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) còn có tên gọi khác là “Làng Bác Hồ”. Tên làng như một mạch nguồn thiêng liêng ăn sâu vào nếp nghĩ để thôi thúc, củng cố, nuôi dưỡng, tiếp sức, hun đúc cho người làng A Xây có được tinh thần dũng cảm vượt qua sự càn quét của địch thời chiến và xóa bỏ mọi hủ tục, nghèo nàn trong thời bình.

Luôn nhớ về Bác Hồ

Ký ức về những năm tháng oanh liệt như chuyện mới hôm qua, cựu chiến binh Pi Năng Tuấn tràn ngập niềm tự hào: Thời chiến, tất cả người Raglai ở A Xây (làng có gần 100% người Raglai) đều theo cách mạng, theo Đảng. Phụ nữ thì lo lương thực, đàn ông ai có năng khiếu bắn cung, bắn súng thì được tổ chức huấn luyện làm du kịch, ai có năng khiếu bào chế các bài thuốc nam thì lo chuẩn bị thuốc cho dân làng và bộ đội.

Vào những ngày cuối tháng 5/1969, sau trận càn, mùi bom đạn còn mịt mùng vây kín làng nhưng nhiều người vẫn lao hút vào rừng kiếm thuốc về kịp chữa trị cho bộ đội. Mỗi lần gặp khó khăn, dân làng A Xây lại tự nhủ, cố lên vì mình là con cháu Bác Hồ.

Có những ngày địch hàng chục lần uy hiếp, hỏi người làng A Xây, cộng sản ở đâu, bộ đội ở đâu?, tất cả đều đồng thanh chỉ vào tim mình nói, ở đây này!.

Để đạt được mục tiêu phải phá hủy bằng được A Xây, địch còn cho xây dựng 3 sân bay dã chiến, gồm: Sân bay Hòn Mưa, sân bay Hòn Dù và sân bay Hòn Nhọn để liên tục nã bom đạn xuống làng. Một trong những du kích dũng mãnh nhất A Xây khi đó là A Ma Xanh. Sau trận đụng độ ác liệt với địch, máu còn chảy ròng ròng trên bắp tay, A Ma Xanh vẫn rực sáng niềm tin, đứng giữa làng quả quyết: Lời của Bác Hồ là sức mạnh, là lời của non sông phải ghi nhớ và thực hiện.

Là người thông tỏa nhiều vấn đề của A Xây, ông Cao Dáng (nguyên chủ tịch xã Khánh Nam) tự hào: Có đợt hàng trăm du kích dính đạn, nằm trong hốc đá, lên cơn sốt hầm hập nhưng vẫn nhoẻn miệng cười và thều thào, không thể khuất phục. Có người vì bị thương quá nặng, biết không thể qua khỏi còn nhường những viên thuốc giảm đau, những bọc thuốc lá cây chống nhiễm trùng cho đồng đội của mình. Sau này trong sách Lịch sử Đảng bộ huyện Khánh Vĩnh cũng ghi rõ: Trong ngày 20/2/1970, dưới sự chỉ huy của đội trưởng A Ma Xanh, du kích A Xây đã bắn rơi 7 máy bay, diệt 49 tên địch, làm thất bại cuộc càn quét của hơn một tiểu đoàn địch. Nhiều du kích đã chiến đấu anh dũng, kiên cường đến phút cuối.

Diện mạo A Xây đã đổi khác

Vươn lên no ấm

“Biến hoàng tàn thành rẫy xanh, bảo tồn dược liệu quý, bảo vệ rừng”- Là những câu khẩu hiệu sau ngày giải phóng mỗi người ở “Làng Bác Hồ” học thuộc. Nhớ những ngày vần đá trỉa bắp, lấy bờ rẫy làm giường, lấy rừng là nơi che nắng, ông Cao Dáng tâm tình: Bao nhiêu năm đạn cày, bom xới, máu chảy liên tục còn trung thành với cách mạng, vượt mọi gian nguy thì chẳng lẽ hòa bình rồi lại đầu hàng những quả đồi cằn, những rẫy ruộng rày đặc đá và mảnh bom hay sao?. Nhà nhà, người người nghĩ vậy nên có lúc người lạ muốn gặp người “Làng Bác Hồ” thì phải lên rẫy. Sự cần mẫn chẳng mấy chốc đã ươm xanh cả một vùng bom đạn xưa, sự ấm no dần hiện hữu.

Giáo dục luôn được chú trọng

Theo dòng chảy cuộc sống, các thế hệ sinh ra sau năm 1975 ở A Xây không còn sống cảnh ăn rau độn củ mì nhưng một số người lại sinh thói quen xấu như xâm hại rừng, la cà uống rượu, bỏ bê nương rẫy. Nhưng rồi, họ dần nhận ra thói xấu ấy nên giã từ dần. Mấy tháng nay, bà Amí Thanh cứ thấy lòng chộn rộn niềm vui tươi vì hai đứa con trai của bà đã thề không quậy xóm làng, không phá rừng, không phá dược liệu. Bà Thanh bảo: Tuổi trẻ nên thường có những bột phát, đua đòi và dễ bị kẻ xấu lôi kéo nên mình phải nhắc nhở.

Tiên phong trong công tác Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, chị Cao Thị Mèn cũng giãi bầy rằng: Đất nước đang hiện đại hóa từng ngày, vùng sâu mình cũng phải không ngừng cập nhật kiến thức để tạo sự ấm no, chăm sóc sức khỏe cho người thân một cách tốt nhất, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ y tế nhất.

Đi qua bao thăng trầm, dẫu có lúc giáp hạt, lúa ngoài ruộng chưa kịp về nhà, bắp trên rẫy chưa kịp vào bao thì với người làng A Xây một điều luôn luôn tươi nguyên như thuở ban đầu là tình làng nghĩa xóm, tình yêu với Bác Hồ, với Đảng. Những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống luôn được giải quyết bằng phương pháp nhân văn nhất.

Từ tinh thần cách mạng và lòng chăm chỉ, làng A Xây hôm nay đã trù phú, điện-đường-trường-trạm đều đảm bảo, công tác chăm sóc sức khỏe luôn được chú trọng. 100% trẻ em được tiêm chủng, gần 100% phụ nữ sinh đẻ ở trạm y tế, khi có bệnh người dân không còn tìm thầy cúng để chữa trị theo kiểu mê tín, đồng bào đã bỏ hẳn tư tưởng “trời sinh voi, trời sinh cỏ”, nhiều gia đình ở A Xây đã tạo được cơ ngơi tiền tỉ. Sống trong không gian rừng rẫy bao bọc nên người A Xây còn luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ rằng; “Rừng là vàng nếu ta biết bảo vệ và chăm sóc thì rừng rất quý”.

 


Bài, ảnh: Hà Văn Đạo
Ý kiến của bạn