Chuyện ở Khe Khế

05-01-2009 07:07 | Thời sự
google news

Đứng giữa bản Khe Khế, tôi xoay người bốn phía, chỉ một màu xanh ngăn ngắt… Xa xa, Đường Hồ Chí Minh chạy qua đầu xã Kim Thủy như một dải lụa vắt ngang giữa bạt ngàn màu xanh của núi rừng.

"Trước kia ở trên kia kìa, cán bộ không đi được đâu mà trên đó giờ cũng chẳng còn ai", trưởng bản Hồ Tiên đưa tay chỉ đại lên trời, về phía dãy Trường Sơn hùng vĩ. Đứng giữa bản Khe Khế, tôi xoay người bốn phía, chỉ một màu xanh ngăn ngắt… Xa xa, Đường Hồ Chí Minh chạy qua đầu xã Kim Thủy như một dải lụa vắt ngang giữa bạt ngàn màu xanh của núi rừng.

Người Vân Kiều xuống núi

Hôm nay tôi ngồi uống rượu ở nhà trưởng bản Hồ Tiên (bản Khe Khế, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình). Uống hết rượu, cái mặt của trưởng bản đỏ rần. Tiên nói với vợ câu gì đó, chị tất tả cắp chai đi...

Trong căn nhà sàn không cửa, bốn phía chỉ thấy rừng, thấy núi, thấy tiếng gió và nắng chênh chếch chéo qua cửa sổ chẳng chấn song, chuyện của Hồ Tiên cứ vang lên xen kẽ tiếng rít se sẽ của gió qua những khe hở trên trần nhà...

Ấy là chuyện về bố vợ anh, ông Hoàng Giàng, người có công "kéo" bà con xuống sinh sống trên mảnh đất bằng phẳng này. Là người sinh ra và lớn lên trên vùng đất tựa lưng vào dãy Trường Sơn, vùng đất mà nắng thì bụi, gió, mưa lại bị ngăn cách như ốc đảo bởi các con suối, người lớn đi lại làm ăn đã khó khăn, thì nói gì đến chuyện cho con trẻ học hành. Nhưng làng quê ông còn nghèo quá, nhìn tới, nhìn lui cũng chỉ thấy những mái nhà tranh nghèo xác xơ thấp lùn bên rẫy nhỏ, cả làng chỉ hơn chục hộ mà đi bộ đến mỏi bởi các nhà bị chia cắt bởi các con suối; những quãng đường khúc khuỷu và thêm vào đó lại gò bó bởi những hủ tục lạc hậu.

 Trưởng bản Hồ Tiên đang kể chuyện về sự thay đổi của Khe Khế.

Chưa đến mùa thu hoạch, nhưng "cái bụng" các chòi lúa thì đã trống rỗng. Người lớn đã đành, nhưng những đứa trẻ thì tội, mặt vàng ủng eo vì đói. Hoàng Giàng thương dân làng nhiều, thương bọn nhỏ cũng lắm, nhưng nghĩ mãi mà vẫn chưa ra lối thoát. Người Vân Kiều là du canh, du cư với phương châm "chặt, đốt, tỉa, trồng", rừng núi ngày càng thu hẹp, đất đai bạc màu, đường đi làm mỗi ngày cứ dài ra mà cuộc sống vẫn chưa hết khổ.

Rồi đến một ngày cũng nắng như thế này, Giàng về dưới huyện họp, thấy người Kinh làm ruộng, mà cái bụng được no, Giàng về bảo mọi người ra các khe suối phát bụi rậm, làm đất, ngăn đập làm lúa nước.

Nghĩ và bảo mọi người thế, nhưng khi bắt tay vào thực hiện thì mới thấy nhiều cái khó quá. Dạo ấy vùng Trầm Đương (tít sâu trong núi), không có đám đất nào cò bay mỏi cánh như dưới chỗ người Kinh làm cả, chỉ toàn những mảnh như manh chiếu. Nhưng vì làm mẫu cho bà con nên Giàng quyết tâm vẫn phải làm. Đó là lối thoát nghèo - ấy là Hoàng Giàng nghĩ thế.

Nhưng không phải cái đầu ai cũng nghĩ như vậy. Buổi họp bản hỏi ý kiến, cả bản ngồi nghe và đương nhiên còn nhiều cái đầu chưa thoát: "Người Vân Kiều mình xưa nay đi bộ, lội suối, sống trên rừng là chuyện thường, thằng Hoàng Giàng bày đặt chuyện xuống núi để trồng lúa là trái với ý Giàng (ý trời), trái với tập tục, không được đâu...".

Không nản, ông cứ làm và một vụ, hai vụ rồi dần dần, lúa gạo nhà Hoàng Giàng cứ dần đầy lên. Đến lúc nhà Hoàng Giàng đã đủ lúa, có được nhiều tiền thu từ bán bò, heo và một số cây trồng khác thì dân làng mới thấy Hoàng Giàng làm đúng và kéo tới học tập làm theo. Chẳng bao lâu sau, cả làng nhà nào cũng trồng lúa nước và các cây "công nghiệp" khác, cuộc sống đã thay đổi, bước đầu cái đói, nghèo quanh năm đã không còn bám dân làng nữa. Rồi một cú ngoạn mục nữa, cùng với chính quyền cơ sở, Hoàng Giàng đã thuyết phục được bà con xuống dưới chân núi, nơi có những "cái ruộng to gấp 50 lần manh chiếu".

Cán bộ đi trước, làng nước theo sau

Thấm thoắt đến giờ đã 12 năm trôi qua. Gặp tôi ở UBND xã Kim Thủy, ông Phan Văn Việt, Bí thư Đảng ủy xã, cười nhớ lại: "Khi bà con chịu xuống núi, xã nghĩ kỹ lắm rồi, nếu chỉ dựa vô cây lúa, cây ngô thì chỉ giải quyết vấn đề lương thực, không mần răng mà thoát nghèo nổi. Lâu dài phải mần được cái rừng tốt như bên Lâm trường Kiến Giang mới giàu. Rứa là trước khi hô bà con trồng rừng, cán bộ xã phải rủ nhau học tập kỹ thuật sản xuất trước".

Buổi "trồng rừng lấy ngày", cán bộ còn hồi hộp hơn cả bà con. Còn bà con thì đương nhiên rồi bởi từ chỗ sống dựa vào chặt phá rừng, nay lại trồng rừng nên bà con bỡ ngỡ lắm. Cán bộ ra tay cuốc hố, chở cây con về trồng "biểu diễn" cho mỗi hộ vài cây... Trồng cây xong thì ngồi... khấn trời cho cây đừng chết kẻo bà con thấy cây chết thì hết tin trồng được rừng. Cây tốt. Cán bộ lại luôn rủ rỉ với bà con cái lợi của rừng, thế là bà con nghe theo trồng ào ào. Cứ thế, rừng bạch đàn, keo lai cứ xanh rờn trên đồi đá sỏi cằn cỗi.

Đến giờ, điều mà Hồ Tiên phấn khởi là mình hộ anh cũng có tới 7 ha trồng cây keo, cây tràm. Chả nói đâu xa, năm ngoái thôi, cứ trừ tất tật, nhà Hồ Tiên cũng bỏ ra được 30 triệu. Gần cả cuộc đời bám với rừng, bây giờ, rừng đã đem đến cho anh và bà con cuộc sống khá giả hơn. Vui quá, Hồ Tiên dắt tôi qua nhà Hồ Len, mà theo lời của Tiên là "Nó giàu nhất bản mình đấy".

Có lẽ thế thật bởi người Khe Khế đều bảo Hồ Len đích thực là tiêu biểu cho cái sự biết làm giàu. Cái gia sản của Hồ Len ngoài 20 ha rừng còn có cả ao. Nhờ đó Hồ Len sắm được máy bơm nước tưới cây, sắm được cái tivi cho vợ con xem, sắm được xe máy để giao thương làm ăn với các thương lái dưới đồng bằng. Rồi thừa thắng xông lên! Bây giờ nhà Hồ Len còn mở quán cạnh đường Hồ Chí Minh, là đại lý cung cấp phân bón và các thứ sinh hoạt bình thường khác cho cả bản. Và đương nhiên, mô hình này đã trở thành "công thức" hộ giàu cho nhiều người các bản khác nhìn theo. Trên con đường đất dốc, bước nghiêng nghiêng cùng Hồ Tiên trong men rượu nồng chếnh choáng, thoáng nghe Hồ Tiên nói giọng đầy tự hào, ở Khe Khế, 45 hộ thì đã có 36 hộ có xe máy, 34 hộ có tivi.

Chả thế mà vài năm lại đây, bản Khe Khế đã được lãnh đạo huyện Lệ Thuỷ và xã Kim Thủy chọn làm "điểm" xây dựng làm bản văn hóa, để nhân rộng ra toàn vùng rẻo cao trên địa bàn huyện. Hai năm qua, bản Khe Khế đều đạt Khu dân cư tiên tiến xuất sắc và điều quan trọng nhất là từ một bản nghèo, khó khăn, bản đã vươn lên đủ ăn, đủ mặc và bước đầu nhiều hộ trong bản đã có của ăn, của để.

Không chỉ dừng lại thế, ông Phan Văn Việt, Bí thư Đảng ủy xã còn tiếp tục khoe với tôi, bây giờ bản đã được quy hoạch theo địa hình và phân bố dân cư thuận lợi cho sản xuất và sinh hoạt văn hóa, quản lý hành chính. Mọi chủ trương chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước đều được cán bộ phổ biến giải thích cho dân thông hiểu. Các gia đình đều có radio nghe tin tức, 65% số hộ đã có nhà lợp ngói. Nói tóm lại ở Khe Khế bây giờ tất cả đều tốt, chỉ có điều cán bộ "hơi" đau đầu vì tốc độ... bùng phát sinh đẻ.

- Vậy sao còn đẻ nhiều thế (nhà Hồ Tiên có 6 người con-PV)?

Ghé sát tai tôi, Hồ Tiên cười, nói nhỏ: "Chỉ tính từ bây giờ thôi, chứ trước kia miềng (mình) lạc hậu mà!".

Chia tay Hồ Tiên, tôi vẫn nhớ mãi đôi mắt ngời lên phấn khởi bởi đã nhiều mùa nay, keo tràm được ăn giá tết. Chưa bao giờ nhìn chúng mà như nhìn thấy tiền thế này. Gỗ ra đi thì có áo váy mới, đồ dùng mới về trong nhà. Giờ đến cuối năm, mục tiêu của trưởng bản là thay cái mái gỗ ván pơ-mu mòn cụt kia bằng tấm tôn Austnam, để mưa chỉ còn biết “khóc” đứng ngoài.

Cứ miên man với những suy nghĩ đơn giản của người bản Khe Khế, miên man cùng sự ao ước của vợ Hồ Tiên. Rồi cả hình ảnh chị kéo nẹp áo che miệng cười. Tiếng cười giấu kín sau nẹp áo nhưng vẫn ngời lên, chứa chan hạnh phúc, hạnh phúc từ những sự đổi thay...

Bài và ảnh: Trọng Hoàng


Ý kiến của bạn