Chuyện ở bệnh viện tâm bão số 10

22-09-2017 10:59 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Là địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 10, cơn bão được đánh giá là lớn nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, mặc dù bão đã đi qua nhưng hậu quả của nó để lại cho ngành y tế Hà Tĩnh,

đặc biệt là thị xã Kỳ Anh là quá lớn và nếu tình trạng này kéo dài, nguy cơ hư hỏng máy móc, ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc bệnh nhân đang rất gần.

Nỗi lo sau bão

Bão qua, BVĐK thị xã Kỳ Anh bị thiệt hại nghiêm trọng. Toàn bộ các khối nhà đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 10/12 khối nhà bị tốc mái hoàn toàn, trong đó có 5 khối nhà điều trị nội trú, 1 khối nhà kỹ thuật, còn lại các khối nhà chức năng.

Đến thời điểm hiện tại, bệnh viện đã khắc phục tạm thời, lau dọn buồng bệnh để tiếp tục điều trị cho bệnh nhân.Dù bệnh viện gặp nhiều khó khăn do bão gây ra nhưng các bệnh nhân vẫn được chăm sóc tận tình, chu đáo.

Dù bệnh viện gặp nhiều khó khăn do bão gây ra nhưng các bệnh nhân vẫn được chăm sóc tận tình, chu đáo.

Để bệnh viện nhanh chóng trở lại hoạt động bình thường, phục vụ CSSK bệnh nhân và công tác cấp cứu sau bão, ngay sau bão tan, Sở Y tế điều động thêm lực lượng 40 cán bộ trong ngành và lực lượng ĐVTN vào hỗ trợ. Trung đoàn cơ động cảnh sát Bắc Trung Bộ cũng đã điều động hơn 100 chiến sĩ và trực tiếp hỗ trợ. Đến thời điểm này, về khắc phục tạm thời đã cơ bản. Tuy nhiên, để đảm bảo hoạt động CSSK cho người dân về lâu dài đang là nỗi lo lớn của bệnh viện.

Giám đốc bệnh viện Phan Thị Xuân Liễu chia sẻ: Riêng hệ thống mái nhà không thể dùng lực lượng tiếp sức được vì rất nguy hiểm, bệnh viện phải thuê máy cẩu trên 100 tấn bốc dỡ. Thiệt hại do bão gây ra quá lớn, tính sơ bộ đã đến khoảng 7 tỷ đồng. Hiện việc lợp lại hệ thống mái và sửa chữa hệ thống cửa là vấn đề cấp bách nhất nhưng nằm ngoài khả năng của bệnh viện nếu không có sự chung tay giúp đỡ.

“Nếu mưa xuống sẽ  ảnh hưởng trực tiếp hệ thống máy móc, trang thiết bị trong bệnh viện, tiếp tục gây thiệt hại và ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động cũng như chất lượng CSSK cho người dân. Vì vậy, rất mong các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước quan tâm ủng  hộ, giúp đỡ, tiếp sức cho bệnh viện khắc phục các vấn đề về sự cố để đảm bảo công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân trên địa bàn trong thời gian tới”, Giám đốc BVĐK Kỳ Anh lo lắng.

Và những chuyện bây giờ mới kể

Chúng tôi đến BVĐK thị xã Kỳ Anh khi bão đã đi qua, mọi thứ ngổn ngang như một chiến trường. Tất cả hệ thống mái tôn bệnh viện bị bóc dỡ hoàn toàn. Nhiều cửa sổ bị gió giật hư hỏng và vỡ kính. Cây cối gãy đổ ngổn ngang… nhưng đi sâu vào các buồng bệnh và nghe những câu chuyện kể về những ngày trong bão thì người ta cảm nhận ra một điều như chưa hề có bão đi qua.

Cho đến bây giờ, BS. Phan Thị Xuân Liễu vẫn chưa thể quên phút giây căng thẳng khi tiếp nhận 6 ca đau đẻ gọi cấp cứu khi bão ập vào. Trong tình thế khẩn cấp đó, dù mưa to, gió giật mạnh nhưng chị cùng ban lãnh đạo bệnh viện đã động viên cán bộ nhân viên và từng phút chỉ đạo cử xe cấp cứu vượt mưa bão đến tận nhà để đón bệnh nhân nhập viện”. Trong 6 ca đau đẻ, có 2 ca do vết mổ đẻ cũ, nguy cơ vỡ tử cung cao. BS. Thiều Quang Phúc - Trưởng khoa Sản, người trực tiếp đón 2 em bé chào đời nhớ lại, đó là một kỷ niệm đáng nhớ, hai sản phụ đang ở trong tình trạng nguy cấp, không thể chần chừ và thời điểm bước chân vào phòng mổ cũng là lúc tâm bão đổ bộ vào thị xã! Được biết, đúng thời điểm BS. Phúc đang ở trong phòng cấp cứu cũng là lúc vợ con anh ở nhà phải chui gầm giường để tránh bão vì bão đã làm bật tung nóc nhà!

Còn bệnh nhân Nguyễn Hoài Minh, ở thôn 1, khu tái định cư xã Kỳ Lợi đang ngồi trên chiếc xe lăn lăn bánh ra hành lang ngồi hóng gió chia sẻ, bệnh nhân chúng tôi đã được bảo vệ rất an toàn và rất tận tình, chu đáo.

Tại Khoa Chấn thương, số lượng bệnh nhân ở lại điều trị trước, trong và sau bão rất đông. Thời điểm chúng tôi có mặt, tất cả bệnh nhân đã trở về buồng bệnh theo phân công như ngày thường. Họ đang cùng nhau nói, cười rất vui. Chia sẻ với tôi về những ngày điều trị tại bệnh viện trong bão, bệnh nhân Nguyễn Thị Mành ở xã Kỳ Đồng hóm hỉnh: Em nhìn thì biết, ở nhà đến giờ mần chi có điện, ở đây vẫn có quạt mát đầy đủ. Nhìn ra phía ngoài nó ngổn ngang kinh khủng như vậy nhưng chúng tôi đã được chăm sóc như không hề có bão…

Cũng theo BS. Phan Thị Xuân Liễu, nằm ở tâm bão nên bệnh viện rất lo lắng, nhất là an toàn tính mạng cho bệnh nhân và để đảm bảo công tác cấp cứu, mỗi khoa, phòng bệnh viện chọn một buồng bệnh đảm bảo nhất để tập trung bệnh nhân vào đấy. Mỗi khoa phòng đảm bảo ít nhất 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng. Riêng Khoa Chấn thương tăng cường thêm 1 bác sĩ. Bệnh viện đảm bảo điện bằng máy nổ vận hành xuyên suốt để phục vụ hoạt động KCB và sinh hoạt cho bệnh nhân. Về ăn uống, quán triệt nhà ăn phục vụ đầy đủ, không để bệnh nhân thiếu nước, thiếu cơm trong những ngày bão. Trong bão, có 196 giường bệnh tại các khoa bị ảnh hưởng do nước tạt không nằm được, bệnh viện đã sơ tán bệnh nhân vào nơi khô ráo bằng cách kê giường nằm ghép.

Trong những ngày bão, BVĐK thị xã Kỳ Anh đã cấp cứu hơn 140 bệnh nhân, trong đó có 13 ca chấn thương do bão và 3 ca mổ đẻ cấp cứu. Sau bão, bình quân mỗi ngày có hơn 30 bệnh nhân đến khám và cấp cứu. Bệnh viện luôn đảm bảo điều kiện hoạt động chăm sóc bệnh nhân.


Biện Nhung - Tuệ Khanh
Ý kiến của bạn