Kỳ 2: Ai dạy kỹ năng sống và bồi dưỡng tình yêu cuộc sống cho họ?
Có một điều chắc chắn là dù nạn tự tử ít được nói tới, nhưng hậu quả của chúng thường rất tai hại, trước tiên là đối với bản thân của người tự tử, bởi họ đã hủy hoại chính mình. Thêm vào đó, khi một người rời xa thế giới, hậu quả vẫn còn ở lại với xã hội, đặc biệt nó gây ra nỗi đau đối với những người xung quanh. Thế nhưng "người xung quanh có lỗi gì không khi người tự tử đã bao giờ được giáo dục về giá trị cuộc sống cũng như được học về kỹ năng sống?
Trong ngành y, nếu nói về nỗi đau nghề nghiệp thì có lẽ đau nhất là các thầy thuốc ở A9 Bạch Mai này. Đó là nỗi đau trước một sự trái khoáy đến vô lý. Nếu như ở các bệnh viện phụ sản, chỗ này đang rối lên trong lo lắng vì chuyện vô sinh thì gần đấy lại gấp rất nhiều lần người rối lên lo nạo hút thai đã là trái khoáy đến đau lòng thì nỗi đau A9 còn phải nhân lên gấp nhiều lần. Cả một bệnh viện mênh mông, thầy thuốc và bệnh nhân đều hướng đến cuộc sống và căm thù cái chết thì ở đây, sao lại có không ít người tìm đến cái chết.
Người tự tử thường thiếu hiểu biết về giá trị cuộc sống và kỹ năng sống. Ảnh: Bích Lộc |
Ngược với Loan là trường hợp Huy (*) . Nhà Huy khá giả, bố là phó tiến sĩ, mẹ là giáo viên tiểu học một trường ngay tại Hà Nội. Huy không thích vào đại học vì với cậu, học cái gì đấy rồi ra đời kiếm tiền cũng tốt. Thế nhưng bố mẹ cậu không nghĩ thế. Họ coi con vào được đại học mới là sự giỏi giang và sự giỏi giang ấy là thứ trang điểm cho gương mặt sĩ và oai của họ trước họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp. Họ bắt con đi học thêm và chu cấp xe máy, tiền ăn, tiền tiêu cùng những lời hứa "nếu đỗ dại học thì sẽ và sẽ...". Cả một năm lớp 12 cậu như thể triệu phú trước bạn bè cùng lớp và tiền học thêm vẫn lĩnh nhưng cậu học ở... quán game! Chẳng những thi đại học trượt và việc rồi cũng lộ. Thế rồi bão táp trút lên đầu cậu. Ông bố bình tĩnh hơn khuyên con thi vào trường nguyện vọng 2 hoặc gửi vào TP. HCM học miễn là... đại học! Đã không thích học mà bị ép học thì còn cực hình nào hơn. Cả nhà lúc nào cũng như nồi nước sôi sùng sục. Kết quả bố mẹ... thua và họ gỡ lại bàn thua bằng cách cắt mọi khoản ăn sang, chi tiêu cùng biện pháp thu hồi xe máy! Cô đơn, buồn chán, cậu uống một vốc thuốc ngủ sau khi để lại bức thư tuyệt mệnh "Con xin lỗi bố mẹ. Con sinh ra không làm được điều bố mẹ mong muốn. Con chào bố mẹ con đi đây". Nhà khá giả, con có phòng riêng và khi bố mẹ gọi cửa, phá cửa đưa cậu đến được A9 thì đã muộn. Phần lớn chuyện học sinh tự tử đều do cảm thấy mình không được khẳng định, mình như vô nghĩa trước cuộc sống. Nhiều khi họ cô đơn trước đám đông, trước cộng đồng, cô đơn trước cả sự chăm sóc tận tình của người thân chỉ vì khoảng cách, mục đích sống giữa hai thế hệ. Nhiều phụ huynh quá đặt kỳ vọng vào con mình nên bắt con phải thế này thế khác nếu không được thì tỏ ra thất vọng và không còn yêu thương chúng nữa. Điều đó tạo ra một sự trống trải nơi các em. Các em không tìm được niềm tin ở người lớn. Những suy nghĩ của các em không phải là "chuyện trẻ con" như người lớn nghĩ và rất cần một sự quan tâm liên thông giữa gia đình, nhà trường và các nhà tư vấn. Đối với các em học sinh, một sự đồng cảm ở cha mẹ, thầy cô là rất quan trọng. Với những va vấp trong trường lớp, bạn bè các em cần một nơi nương tựa. Nhưng nhiều phụ huynh đã không đáp ứng được điều này, làm cho các em thấy mình bị bỏ rơi nên làm những việc thiếu suy nghĩ.
Biết tôi đang làm phóng sự về lĩnh vực này, một bác sĩ A9 chia sẻ: "Kỹ năng sống là rất cần thiết cho giới trẻ, nhưng hiện nay gia đình và nhà trường đang hoàn toàn bỏ ngỏ. Nền giáo dục, xã hội chưa giúp người trẻ nhận ra rằng, những khó khăn của cuộc sống là chuyện đương nhiên. Và cũng chưa giúp trẻ hiểu được, khi gặp khó khăn thì chúng cần phải có sự giúp đỡ để vượt qua. Mọi người ngại nói ra những khó khăn của mình, mọi người ngại bày tỏ những vướng mắc của mình. Và tự mình tìm cách giải quyết để rồi đi đến bế tắc. Nên chăng, cần hình thành một ý thức tìm đến sự giúp đỡ khi mình không thể vượt qua".
Phải chăng nguyên nhân chính dẫn đến cái chết là nỗi cô đơn trong con người và con người ấy lại chưa bao giờ được ai dạy kỹ năng sống và môi trường xung quanh họ chưa tạo ra được những ý nghĩa đích thực của cuộc sống.
(*) Tên nhân vật đã được thay đổi
Phóng sự của Lê Quý - Hoàng Dương