Đam mê khám phá sự mênh mông của đại dương nên từ nhỏ, Nguyễn Văn Đức (ở Diên Khánh, Khánh Hòa) đã nhen nhóm ước vọng có ngày xuống đáy biển quay/chụp lại các hình ảnh kỳ thú dưới đáy đại dương. Nhưng rồi, sau vài chuyến lặn biển đầu tiên, anh nhận ra nhiều sự xót xa.
Nỗi ám ảnh cứ thôi thúc trong nghĩ suy của Nguyễn Văn Đức là những lần tận mắt chứng kiến các loại động vật quý như: rùa biển, cá ếch và các loài vật quý hiếm nơi đáy biển kiệt sức giữa những tấm lưới bằng sợi hóa học, những chiếc bao bố hay những đống rác thải nhựa khổng lồ…
Bao đêm mất ngủ, anh Đức quyết định trong mỗi hành trình lặn biển của mình phải mang theo một chiếc bao lớn có lỗ thoát nước cùng dụng cụ cào rác thải nhựa.
"Có những chùm rác nhựa quấn chặt vào các rạn san hô nơi đáy biển, nếu mình lấy tay giật ra sẽ rất khó, có khi rách cả bao tay. Vậy nên cầm thêm cây cào nhỏ sẽ thuận tiện hơn" - Nguyễn Văn Đức chia sẻ.
Nghĩ về những ngày đầu lặn biển và nhặt rác, anh Đức bộc bạch: "Coi đại dương là người mẹ thiên nhiên vĩ đại có thể bao bọc, chở che đời sống con người. Vậy nên mình chọn nghề dạy lặn biển để có cơ hội khám phá nhiều hơn".
Bắt đầu từ năm 2002, Đức dạy bơi, đưa các học viên đi tập lặn biển. Có hôm sau mấy ngày đi lặn dưới đáy đại dương, trở về nhà nhìn những tấm hình chụp được về sự chết chóc nơi đáy biển do rác thải nhựa gây ra làm anh rất đau đớn. Cảm giác môi trường bị tổn thương quá nhiều do hành vi vô tình hoặc cố ý con người gây ra.
"Ngay lập tức mình sẻ chia điều này với hàng trăm học viên đang học lặn để vận động các em cùng nhặt rác hoặc chung tay cứu các loài dưới đáy biển đang thoi thóp vì rác thải nhựa tấn công. Cũng từ đó, hành trình "săn rác" nơi đáy đại dương gắn với mình đến giờ. Và có lẽ còn theo suốt mãi về sau này cho đến khi mình không còn đủ sức đi lặn biển nữa" - "thợ lặn" Nguyễn Văn Đức tâm sự.
Nhiều bạn bè cùng trang lứa với Nguyễn Văn Đức có lúc ái ngại khi thấy anh triền miên nhọc nhằn đánh vật giữa những rạn san hô, những "hầm" trú ẩn của các loài vật dưới đáy đại dương để tỉ mẩn gỡ các tấm "lưới ma". Bản thân Đức nhiều phen cũng thấm mệt. Nhưng cứ mỗi lần cõng được một bao rác lớn lên, anh lại muốn gom thêm nhiều bao rác khác.
Anh Đức bảo rằng: Đôi khi có cảm giác nếu nhặt chậm, nhặt ít sẽ làm "mẹ biển" bị tác hại, đời sống nhiều loài vật lâm nguy. Thế là "sốc" lại tinh thần. Tất cả các mọi sự hủy hoại nơi đáy biển do rác thải anh đều cố gắng quay phim lại được hết để đưa ra lồng ghép vào các khóa học cho các học viên. Sau đó tổ chức phát động thầy - trò cùng nhặt rác.
Để trở thành huấn luyện viện dạy bơi, lặn, Nguyễn Văn Đức đã phải trải qua nhiều năm tháng rèn luyện. Trong mỗi chuyến đi lặn biển hoặc dẫn học viên đi lặn đan xen trong anh luôn là sự hạnh phúc và lo âu.
Gửi cho tôi xem những tấm hình về sự lộng lẫy, phong phú, sống động, tươi đẹp, kỳ thú… ở đáy đại dương, anh Đức bảo đó là hạnh phúc. Và có mong rằng sự đẹp đẽ này tồn tại mãi. Nhưng rồi giọng Đức lại trầm buồn khi chia sẻ những tấm hình phơi bày cặn kẽ nhất tác hại của rác thải nhựa.
Từ kinh nghiệm của mình, anh Đức thổ lộ: "Tất cả các loại rác đó đều do con người xả ra cả thôi chứ không phải tự nhiên mà có. Có hôm gặp loài vật quý đang lâm nguy, chúng tôi dốc sức giải phóng đống rác bó chặt nhưng loài vật quý ấy đã kiệt sức.
Những lần như thế, anh em chỉ biết nhìn nhau trong nỗi rưng rưng và tràn ngập sự lo lắng vì biển cả mênh mông quá, làm sao mà đi nhặt cho sạch rác ở tất cả mọi nơi được".
Xem, thấy tận mắt các thước phim, hình ảnh đau thương nơi đáy biển mà Nguyễn Văn Đức ghi nhận lại được, ngày càng nhiều đồng nghiệp làm nghề huấn luyện viên như anh lại cháy lên niềm đam mê.
"Không chỉ là huấn luyện viên người Việt Nam mà cả những "ông Tây" khi nghe tôi kể tường tận về đáy biển, về sự tàn khốc của rác thải nhựa… đã ngay lập tức thiết kế bao đựng rác buộc vào người trong mỗi chuyến lặn biển. Lúc đó thấy mình như có thêm động lực. Thực sự lúc đầu tôi cũng chưa mặn mà, thấy tiện thì nhặt thôi. Nhưng đắm mình dưới đáy biển rồi, thức dậy những lo âu bảo vệ đại dương rồi thì… "nghiện" nhặt rác lúc nào không hay" - người đàn ông đam mê nhặt rác giãi bày.
Làm huấn luyện viên bơi lặn, mỗi năm Nguyễn Văn Đức tham gia huấn luyện thành thục kỹ thuật lặn cho khoảng vài trăm học trò.
Bao nhiêu vùng biển đã đi qua, đã lặn xuống nhiều đến mức không nhớ nỗi. Tương ứng với hành trình đó là hàng vạn bao rác thải nhựa, rác thải độc hại được Đức cùng các học viên, đồng nghiệp của mình đưa lên khỏi đáy biển, giải cứu nhiều loài vật quý hiếm. Vùng biển các anh đến không chỉ ở Khánh Hòa mà còn Phú Quốc, Quảng Nam…
Nguyễn Văn Đức thường nói với các học viên của mình rằng, khát vọng lớn nhất, lâu bền trong lòng anh không chỉ là tạo nên những thợ lặn giỏi mà còn là mong mỏi đại dương không phải oằn mình hứng rác nữa.
Rõ được tâm tư, khát vọng của Đức, các học viên của anh dần đồng cảm, chung sức làm theo. Anh Đức thổ lộ: "Cứ mỗi năm mình tham gia dạy vài trăm người. Vài trăm người này lại lan truyền phong trào nhặt rác thải nhựa nơi đáy biển cho người khác. Các em cũng học được cách giải cứu các loài cá quý hiếm khi rác tấn công. Những lúc như vậy nỗi nhọc nhằn như được xua tan.
Cũng có em học xong còn về vận động các xóm làng của mình đừng vứt rác thải nhựa bừa bãi ra nữa. Nếu không trôi ra biển gây hại cho các loài vật mà chất đống ở đất liền thì cũng ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống con người. "Mẹ biển" luôn ban phát cho đời sống nhiều ân huệ, vậy nên chúng tôi chỉ mong mỗi người hãy ý thức không nhặt được rác thì cũng đừng có xả rác".
Dẫu có những lúc thấm đẫm nhọc nhằn nhưng dường như chưa bao giờ niềm đam mê nhặt rác, cứu môi trường biển trong tận sâu tâm thức Nguyễn Văn Đức nhạt nhòa. Những ngày đầu tháng 11/2021, tất tưởi trở về nhà sau bao ngày vật lộn với rác, Đức vẫn nở nụ cười nhẹ nhỏm. Anh đúc rút ra rằng: Cứ giữ vững nghĩ suy bảo vệ đại dương là hạnh phúc thì sẽ thấy được những điều kỳ diệu từ biển.
(Còn nữa...)
Xem thêm video được quan tâm:
NÓNG: Số ca nhiễm tăng nhanh, Thái Bình phong tỏa 30 xã, thị trấn, thần tốc xét nghiệm bóc tách F0.