Chuyện những người mẹ đơn thân trên đồi chè

25-12-2011 08:14 | Xã hội
google news

Những năm trước, ở đây có đến 4 “xóm không chồng” với mấy chục người đàn bà có chung hoàn cảnh như thế. Khác chăng là người có con gái, người sinh con trai.

Những năm trước, ở đây có đến 4 “xóm không chồng” với mấy chục người đàn bà có chung hoàn cảnh như thế. Khác chăng là người có con gái, người sinh con trai. Có người “tự túc” 2, 3 đứa con, cũng có trường hợp một mẹ một con, sống trong căn nhà tạm bợ, để rồi ngày đi cuốc cỏ, bón phân, hái chè, tối về tranh thủ dạy con học. Dần dà, có người bỏ về quê, người thì nghỉ làm công nhân chuyển sang chạy chợ. Những người đàn bà còn ở lại, nay trở thành hàng xóm, nương tựa vào nhau những lúc khó khăn. Mọi hy vọng, họ dồn hết vào những đứa con của mình…

Vượt qua nỗi cô đơn

Sau ngày giải phóng, hàng trăm cô gái trẻ hăng hái ngược lên vùng cao huyện Hiên (nay là Đông Giang và Tây Giang, Quảng Nam) phá đá, bạt đồi, góp phần không nhỏ lập nên Nông trường chè Quyết Thắng (nay đổi tên thành Công ty TNHH một thành viên Nông lâm nghiệp Quyết Thắng).Nhưng trớ trêu thay, hơn 30 năm sau, cái họ nhận được không phải là sự ngọt ngào, mà thay vào đó là những bẽ bàng, buồn tủi, đắng chát… Đến xã Ba hỏi chuyện về những nữ công nhân nông trường chè ai cũng biết. Chuyện của rất nhiều nữ công nhân nông trường chè ngày xưa, bây giờ như một áng mây buồn trên trời chiều Trường Sơn, dẫu có những người may mắn có được niềm hạnh phúc về đường gia đạo, nhưng còn đó những phận đời vẫn đơn côi khi tuổi đã xế chiều.

 Người phụ nữ lặng lẽ miệt mài làm việc trên đồi chè.

Xung phong đăng ký lên nông trường từ những năm 80 của thế kỷ trước, thời gian thấm thoắt trôi, đến khi nhìn lại mình thì họ đã quá lứa lỡ thì, đành chấp nhận tự túc kiếm lấy mụn con mà chăm sóc. Thế nhưng hành trình “vượt cạn” sinh con, rồi những năm tháng một thân một mình nuôi con khôn lớn, với mỗi người là cả một câu chuyện dài và nhiều nước mắt. Vất vả, cực nhọc chăm sóc cho con, rồi chuyện nhà cửa, vườn tược, một tay những người đàn bà gây dựng. Nhưng cay đắng nhất vẫn là những tháng năm cắn răng chịu đựng tiếng đời. Những đứa trẻ lớn lên trong sự trêu chọc, xa lánh bạn bè ở trường. “Răng mấy bạn khác có ba mà con không có hả mẹ? - câu hỏi ngây ngô của các con như nhát dao cứa vào gan ruột mình vậy!” Chị Phan Thị Thúy, 51 tuổi tâm sự như lời mở đầu cho thân phận những nữ công nhân đồi chè ở nông trường Quyết Thắng (xã Ba, Đông Giang, Quảng Nam) này.

Giữa bạt ngàn chè xanh non lúp xúp, hàng trăm công nhân nữ đang miệt mài hái đọt chè non. Vành nón lá che kín những khuôn mặt lầm lũi. Chị Lê Thị Bảy dáng người gầy nhom, trông lọm khọm so với tuổi 54, vai mang gùi đọt chè nặng trĩu trầm ngâm bên ấm nước chè hái từ những thân chè thổ lộ: “Ngó vậy mà đã 35 năm rồi. Từ lúc lên đây cuộc sống thiếu thốn chật vật lắm. Nhưng không hiểu sao mình thấy yêu thương và gắn bó với miền đất này lạ kỳ. Ở quê hương thứ hai này mình đã có tất cả, những vui buồn, hi vọng và nhiệt huyết tuổi thanh xuân”. Thời gian trôi thầm lặng. Bản năng làm mẹ càng trỗi dậy với những người phụ nữ một mình nơi núi rừng hun hút. Chị Bảy cũng ao ước có một đứa con để san sẻ tình thương và nương tựa sau này. Đứa con trai ra đời mang họ mẹ, được chị xem như một bảo bối. Những ngày đó đói kém, chỉ ăn sắn, ăn khoai nhưng chị quyết không để con mình đói, thiếu chữ. “Ngày con vào đại học, may thay vay bên Hội Phụ nữ được một con bò rồi nuôi đẻ. Trả hết nợ rồi còn sinh lời được 4 con, vừa rồi mới bán một con cho thằng Nguyên đi xin việc đó!”, chị cười vui.

Còn chị Lữ Thì Hoàng, 52 tuổi chia sẻ với chúng tôi bằng ánh mắt mòng mọng nước: “Thời đó thanh niên làng thì ít nên ai cũng chỉ muốn có một đứa con cho đỡ cô quạnh và nương tựa tuổi già. Ngay từ khi sinh ra, ba nó đã không tồn tại”. Những ngày tháng khốn khó ấy, chị một mình vượt cạn và vượt qua cả những lời đàm tiếu của thiên hạ, dành hết tình yêu thương cho cậu con trai. Tình yêu thương đó cũng được đáp đền, cậu con trai lớn lên trong nghèo khó giờ là lái xe, lấy vợ và sinh cho chị một đứa cháu bụ bẫm. Chị nói: “Với tôi, cuộc đời như vậy đã quá ý nghĩa rồi, có quá khứ để mình nhìn lại và nghĩ tới tương lai tốt đẹp hơn cho con cháu”.

Còn với chị Nguyễn Thị Chạy (thôn 6) thì vì tiếng gọi của những đồi chè. Năm 25 tuổi, chị quyết định lên núi lập nghiệp cùng với một nhóm bạn. Không chịu nổi cảnh thiếu thốn mọi bề, nhất là tình yêu đôi lứa ở cái tuổi xuân thì, những người bạn cuối cùng về xuôi “theo chồng bỏ cuộc chơi”. Chị ở lại bám víu đồi chè và những nỗi niềm “không biết tỏ cùng ai”. Năm 32 tuổi, chị mang bầu đứa con ngoài giá thú, chấp nhận vượt qua những lời đồn thổi, tai tiếng, mặc cảm và cả kiểm điểm của đơn vị. Chị cười với nước mắt: “Nếu không là người mạnh mẽ, mình đã không giữ nổi đứa con tội nghiệp này rồi. Bao nhiêu ức chế, áp lực từ sau khi sinh con”. Mức lương 90 ngàn đồng/tháng (năm 1990) còn khó nuôi mình, huống chi nuôi thêm con nhỏ. Nhưng nghĩ khó khăn vật chất mấy mình cũng chịu được, chứ sống mà không biết yêu thương, không có được đứa con để san sẻ thì còn khổ gấp ngàn lần”.

“Cái phận làm công nhân đồi chè nó vậy rồi. Lúc đương thì con gái lên nông trường làm công nhân, đến khi nhìn lại thì đã quá lứa. Thôi, đành ngậm ngùi đi tìm một mụn con để phòng mai sau già yếu còn có người chăm sóc”- bà Lê Thị Hiến, 59 tuổi lặng đi, cố giấu đôi mắt đang rưng rưng ngấn lệ. Cứ thế, những đứa con chào đời trong những túp lều lụp xụp trong tình thương vô bờ bến của những người mẹ. Cuộc sống khó khăn nhưng họ chưa bao giờ than thân trách về số phận của mình, bởi đơn giản tình yêu lớn nhất của họ đã gắn kết với đồi chè, nay lại được nhìn những đứa con khôn lớn từng ngày trên đồi chè mà các bà đã dày công vun đắp. Tại thôn 2, xã Ba có 64 hộ dân thì đã có 11 hộ gia đình “không chồng, không cha”. 11 mảnh đời ấy là 11 mảnh ghép nhỏ trong câu chuyện dài của hơn 30 năm về trước, của những người đàn bà chung một số phận, chung một nỗi buồn. Ấy thế mà cái xóm nhỏ yên bình này cũng thi thoảng được gọi là “xóm không chồng”. Hơn 30 năm nay, ở xã Ba bây giờ có tận 4 “xóm không chồng” như thế…

 Nông trường chè Quyết Thắng.

Ðợi tiếng sáo mùa xuân

Cứ thế, sau gần 30 năm vượt đắng cay miệng đời, người phụ nữ này đã tạo dựng được cơ ngơi khang trang với ngôi nhà 2 tầng, mua sắm tiện nghi sinh hoạt đầy đủ. Ba cô con gái thì một tốt nghiệp cao đẳng y tế đã có việc làm, một đang theo học năm cuối tại trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng), còn cô con út thì mới vừa đậu đại học. “Các con mới chính là gia tài, là niềm vui và hạnh phúc lớn nhất của cô”- cô Thúy thổ lộ với chúng tôi bằng niềm vui sướng thỏa thuê của người đàn bà đã qua biết bao sóng gió của dư luận đời người. Người dân khắp nẻo vẫn truyền nhau câu chuyện vượt khó vươn lên của ba chị em mang họ mẹ Nguyễn Bích Khuyên, Nguyễn Phương Nhàn, Nguyễn Minh Nhân (thôn 2, xã Ba, Đông Giang, Quảng Nam) ba tấm gương sáng về học tập và hiếu thảo. Người dân còn ngầm ý khâm phục người mẹ một tay dựng nghiệp, nuôi con khôn lớn, thành tài.

Cũng như cô Thúy, niềm an ủi lớn nhất của biết bao người phụ nữ trên nông trường chè heo hút miền đông Trường Sơn này là những đứa con. Như bà Túc ở đội 7, có 3 con gái thì đều được đi học đến nơi đến chốn, trong đó cô con gái lớn đang theo học tại Trường Đại học Quảng Nam. Hay bà Hiến, có một đứa con trai duy nhất cũng đang theo học tại Trường Cao đẳng Điện lực miền Trung (Hội An)... Nhìn lại quãng đời đã qua, bà Túc cũng cảm thấy ngỡ ngàng: “Hồi đó có chi cũng cắn răng mà chịu, chỉ cố gắng vun vén cho mấy đứa nhỏ. Chừ nhớ lại cũng không biết mình làm cách nào vượt qua tất cả”. Nói rồi bà Túc cười, tiếng cười nhẹ tênh mãn nguyện...

Đội trưởng Đội sản xuất số 9, anh Trần Năm, cho hay: “Đời sống kinh tế của người lao động đã được nâng cao rất nhiều, thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng/người/tháng. Các chế độ ưu đãi thiết thực, kịp thời đã giúp họ yên tâm với cây chè, với công ty. Họ không còn bỏ chè để đi làm vàng hay trở thành lâm tặc như trước”.

Ông Trần Trúc, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Nông lâm nghiệp Quyết Thắng bộc bạch: “Phương châm hoạt động của công ty là sự phát triển, đi lên của đơn vị phải gắn liền với sự đi lên, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người lao động. Bằng những cách làm riêng, đến nay sản phẩm trà xanh Quyết Thắng ngày càng được thị trường ưa chuộng. Đó là cơ sở để chúng tôi có điều kiện chăm lo đến đời sống người lao động ngày một tốt hơn”. Hỏi chị có nhớ quê, nhớ nhà, chị cười: “Nhà tôi ở đây, con tôi ở đây. Quê hương thứ hai của tôi là đây rồi. Tôi không còn mong chi nữa!” Chị Lành, một công nhân gắn bó 40 năm tại đồi chè cho biết. “Bây giờ nếu có đánh đổi bằng cái gì quý giá nhất trên cõi đời này, chúng tôi cũng không bao giờ rời bỏ đồi chè, nông trường này đâu. Bởi tất cả chúng tôi như đều được sinh ra từ mảnh đất thiêng liêng này với bao kỷ niệm đẹp và cao quý nhất”- một chị đã nói như thế với chúng tôi. 40 mùa xuân đã đi qua Nông trường chè Quyết Thắng. Và xuân này sẽ tiếp nối, đồi chè càng thêm sức sống và những phận đời không chồng nơi đây đang đợi tiếng sáo mùa xuân…   

Bùi Hữu Cường


Ý kiến của bạn