Chuyện những người hiến máu dự bị trên đảo

29-10-2014 11:51 | Thời sự

Trong đêm tối, 2 người hiến máu dự bị đã khẩn trương có mặt hiến máu cứu bệnh nhân, đặc biệt có người đã lần thứ 3 hiến máu khẩn cấp trong hai năm nay.

Phú Quốc là huyện đảo lớn nhất trên cả nước. Hàng năm, bệnh viện đa khoa Phú Quốc đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho hơn 100.000 người dân và cán bộ, chiến sĩ trên đảo, chưa kể từ 400.000 – 600.000 lượt khách du lịch trong và ngoài nước. Việc duy trì lực lượng hiến máu dự bị đủ điều kiện sức khỏe, an toàn, sẵn sàng hiến máu là giải pháp tiết kiệm, hiệu quả nhằm đảm bảo cho người dân được hưởng cơ hội truyền máu công bằng, đầy đủ và kịp thời.

Lượng máu sử dụng ngày càng tăng cao

Những năm gần đây, bệnh viện Phú Quốc đã triển khai nhiều kỹ thuật mới, số ca cấp cứu ngoại khoa và sản khoa ngày càng nhiều nên nhu cầu truyền máu tại bệnh viện đa khoa Phú Quốc cũng ngày càng tăng. Nhận thức của bác sĩ về chỉ định sử dụng máu cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Đồng thời, quy trình tiếp nhận chế phẩm máu từ bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang được cải thiện đáng kể nên lượng máu nhận về tăng lên, chế phẩm máu được lưu trữ ổn định và đảm bảo chất lượng cho điều trị.

Kết quả thống kê cho thấy, trong 5 năm (từ 2009 đến 2013), bệnh viện đa khoa Phú Quốc đã sử dụng 1.418 đơn vị máu và chế phẩm máu điều trị cho 611 lượt bệnh nhân, trung bình mỗi bệnh nhân được truyền 2,3 đơn vị máu. Lượng máu sử dụng trung bình mỗi năm tăng 22,35% so với năm trước.

BS. Nguyễn Đức Phát – Giám đốc Bệnh viện đa khoa Phú Quốc cho biết thêm: “Nếu như trước đây, bệnh viện chỉ sử dụng hơn 200 đơn vị máu mỗi năm thì con số này vào năm 2013 đã lên tới 452 đơn vị máu và chế phẩm. Chỉ riêng 10 tháng đầu năm 2014, bệnh viện đã sử dụng 528 đơn vị máu. Việc một bệnh nhân được truyền máu liên tục từ 10 – 15 đơn vị máu cũng không phải là chuyện hiếm gặp”.

Từng nhiều lần chăm mẹ chồng tại bệnh viện, chị Nguyễn Thị Thanh (khu phố 10, thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc) hiểu rất rõ tình hình ấy, chị chia sẻ: “Cứ mỗi lần vô bệnh viện, tôi đều thấy có mấy ca truyền máu liền…” Mẹ chị Thanh đã được truyền 24 đơn vị máu trong 2 năm qua, chỉ có 2 đơn vị máu được nhận khi điều trị tại bệnh viện đa khoa Kiên Giang, còn lại đều tại bệnh viện Phú Quốc.

Chạy đến bệnh viện hiến máu ngay trong đêm

17h ngày 23/9/2014, bà Nguyễn Thị Đ. (64 tuổi, thị trấn Dương Đông) nhập viện trong tình trạng rất mệt, choáng váng, khó thở, huyết sắc tố 50,9g/l (chỉ số của người bình thường là 120g/l), nhóm máu O. Bệnh nhân có tiền sử xuất huyết tiêu hóa/xơ gan, đái tháo đường tuýp II, đau khớp gối. Đến 16h ngày 24/9, bệnh nhân đã được truyền 4 đơn vị khối hồng cầu. Tuy nhiên, việc cung cấp khối hồng cầu từ đất liền không đáp ứng được so với nhu cầu sử dụng tại đảo, nhóm máu O đã hết vào sáng 8/10, do đó cần phải truyền máu toàn phần thay thế.

Ngay lập tức, anh Võ Phong Hầu – giáo viên Trường THCS Dương Đông 1 – thành viên Câu lạc bộ hiến máu dự bị được huy động, đã có mặt hiến máu chỉ sau 7 phút. 20h30 cùng ngày, thành viên khác của câu lạc bộ là anh Nguyễn Ngọc Thuận cũng đã kịp thời có mặt tại bệnh viện chỉ sau 15 phút được gọi. “Lúc đó bệnh viện gọi là tôi đi liền. Tôi đã đăng ký tham gia lực lượng hiến máu dự bị được 3 năm nay, nhưng đây là lần đầu tiên được gọi hiến máu khẩn cấp…”, anh Thuận chia sẻ.

Sức khỏe bệnh nhân Nguyễn Thị Đ. dần ổn định sau khi được truyền máu.

Sức khỏe bệnh nhân Nguyễn Thị Đ. dần ổn định sau khi được truyền máu.

Tình trạng khan hiếm máu không chỉ ảnh hưởng tới một bệnh nhân; cùng thời điểm thiếu máu trên, anh Nguyễn Hoàng D. (khu phố 4, thị trấn Dương Đông) nhập viện lúc 17h ngày 9/10/2014 trong tình trạng nôn ra máu, tụt huyết áp, huyết sắc tố 60g/l, nhóm máu O. Trong đêm tối, 2 người hiến máu dự bị đã khẩn trương có mặt hiến máu cứu bệnh nhân, đặc biệt chị Nguyễn Thị Hằng đã lần thứ 3 hiến máu khẩn cấp trong hai năm nay. Chứng kiến và cảm nhận rõ nhất từng cung bậc cảm xúc mỗi lần phải huy động máu như vậy, chị Nguyễn Thị Loan – Trưởng Khoa Xét nghiệm, bệnh viện đa khoa Phú Quốc cho biết: “Lúc thiếu máu, từ bác sĩ, y tá cho đến gia đình bệnh nhân, ai cũng thấp thỏm lo âu. Thật may vì có những người hiến máu dự bị như vậy, tôi hồi hộp bấm điện thoại gọi cho từng thành viên và vỡ òa hạnh phúc khi họ nhận lời tới bệnh viện hiến máu liền…”.

Bỏ dở cả buổi bán hàng để đi... đăng ký hiến máu

Có mặt tại buổi gặp mặt, khám sức khỏe và xét nghiệm máu định kỳ được tổ chức sáng 23/10/2014, phóng viên chúng tôi cảm nhận được sự nhiệt huyết đầy trách nhiệm của những người hiến máu dự bị. Có giáo viên tranh thủ đến sau giờ dạy, người dân bỏ dở buổi bán hàng, họ đến khi lưng áo ướt đẫm nước mưa, tất cả chỉ mong được hội ngộ để được chia sẻ ước nguyện chung của mình. Lại có những người nghe bạn bè của mình nói về hiến máu, về lực lượng hiến máu dự bị nên cũng vội vã đến để kịp đăng ký. Anh Lâm Ngọc Hải – giáo viên Trường THCS Dương Đông 2 phấn khởi chia sẻ: “Ngày bình thường bận rộn, chúng tôi chả có dịp để gặp nhau mặc dù đều là thành viên Câu lạc bộ hiến máu dự bị cả. Được bệnh viện mời đến xét nghiệm máu định kỳ, tôi vừa được kiểm tra sức khỏe, lại vừa được gặp gỡ, trao đổi với các thành viên khác.” Hiện tại, Trường THCS Dương Đông 2 có 13 giáo viên là thành viên của Câu lạc bộ hiến máu dự bị huyện Phú Quốc.

Khám sức khỏe định kỳ cho người hiến máu dự bị tại huyện Phú Quốc.

Khám sức khỏe định kỳ cho người hiến máu dự bị tại huyện Phú Quốc.

Khám sức khỏe, lấy máu xét nghiệm sàng lọc định kỳ cho người hiến máu dự bị tại huyện Phú Quốc.

Khám sức khỏe, lấy máu xét nghiệm sàng lọc định kỳ cho người hiến máu dự bị tại huyện Phú Quốc.

GS.TS Nguyễn Anh Trí – Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương khẳng định: “Việc tổ chức gặp mặt, xét nghiệm sàng lọc định kỳ cho người hiến máu dự bị không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học, nhằm đảm bảo an toàn truyền máu khi được huy động, mà cũng là biện pháp để gắn kết, duy trì và đánh giá ý thức của những người đăng ký hiến máu dự bị. Cùng với huyện đảo Phú Quốc, Viện cũng đang triển khai xây dựng lực lượng hiến máu dự bị tại một số huyện vùng sâu, biên giới, hải đảo khác, bước đầu đã khẳng định được vai trò và đóng góp lượng máu kịp thời cấp cứu cho người bệnh, đồng thời là biện pháp dự phòng hữu hiệu cho huy động máu khi xảy ra thảm họa cần máu với số lượng lớn.”

Nhờ sự nỗ lực bền bỉ và cách làm bài bản, đến nay, lực lượng hiến máu dự bị của huyện Phú Quốc đã được duy trì thực chất, hiệu quả với 80 thành viên. Từ cách làm này, chúng ta tin tưởng rằng tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng sẽ luôn thường trực ở mỗi người dân trên đảo để khi cần huy động máu khẩn cấp, ai cũng có thể hiến máu. Đó chính là hiệu quả tích cực mà lực lượng hiến máu dự bị đem lại cho việc đảm bảo an toàn truyền máu.

Thảo Nguyên


Ý kiến của bạn