Rời bản nghèo để tìm trí thức về giúp đồng bào
Sinh ra trong gia đình người Bru – Vân Kiều, nơi bản nghèo Đá Chát của xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), với quyết tâm học để thoát cái nghèo, học để có ngày đưa những điều tiến bộ về giúp dân bản, Bác sĩ đa khoa Hồ Puôn (SN 1977), Trưởng Trạm Y tế xã Trường Sơn đã làm được điều mà nhiều người cho là "thần kỳ" vào thời điểm bà con dân bản còn "ăn bữa nay, lo bữa mai".
Kể về câu chuyện của chính mình, anh Puôn cho biết, bản thân sinh ra trong gia đình nghèo, cuộc sống khó khăn nhưng được ba, mẹ động viên anh luôn cố gắng để tới trường học con chữ. Qua từng lời thầy cô dạy, anh thấu hiểu được rằng, chỉ có tri thức mới đưa bản thân và làng bản thoát nghèo. Nó trở thành động lực khiến anh càng cố gắng hơn. Hằng ngày, cậu học sinh bản nghèo "kéo" các bạn vượt cả chục km đường rừng cuốc bộ tới trường. Học xong lớp 5, cả xã Trường Sơn chỉ một mình Hồ Puôn khăn gói xuống trường dân tộc nội trú tỉnh Quảng Bình để học cấp 2 và cấp 3.
Cậu học sinh nghèo lúc ấy có trong đầu bao nhiêu là dự định, nào là muốn làm anh lính biên phòng bảo vệ biên giới, bản làng, anh cũng muốn tham gia lực lượng kiểm lâm để bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá của quê hương.
Nhưng sau những lần chứng kiến người dân trong bản mắc bệnh, cầu viện đến cả tâm linh khiến bệnh càng nặng, có trường hợp tử vong, anh Puôn quyết định phải học được những kiến thức về y tế hiện đại để sau này khám chữa bệnh cho bà con một cách khoa học. Rồi chàng trai ấy rời bản nghèo vùng viễn biên miền Tây Quảng Bình để vào trường Đại học Y Thái Nguyên.
"Cái thời mình đi học thì nghèo đói lắm, nhà khó khăn, mỗi ngày đi bộ cả chục km đường rừng để tới trường. Không hiểu sao dù khó nhưng mình vẫn muốn học. Lúc đầu đi học chỉ nghĩ việc có con chữ để thoát nghèo cho mình nhưng thấy dân bản còn nghèo quá cũng muốn học để về giúp đồng bào mình. Ba mình có học được bài thuốc từ tổ tiên để trị bệnh, dân bản ốm thường tìm đến và ba giúp đỡ. Rồi ông chú cũng làm y sĩ giúp được nhiều người bệnh. Mình muốn như ba và chú nên cũng cố gắng học y để cứu chữa người bệnh", anh Puôn chia sẻ.
Sau quá trình học tập, anh Puôn về công tác tại Phòng Y tế huyện Quảng Ninh. Cũng là công việc cứu giúp người bệnh nhưng anh Puôn luôn đau đáu lời hứa với bản làng. Mặc dù công tác ở trung tâm huyện nhưng thời gian Hồ Puôn ở các trạm y tế xã cũng không ít. Từ trung tâm huyện Quảng Ninh về nhà Hồ Puôn 50km đường rừng nhưng thứ 7, chủ nhật nào anh cũng về nhà.
Hồ Puôn về nhà không phải để nghỉ cuối tuần mà về để tranh thủ đi khám bệnh cho bà con dân bản. Anh đến từng nhà, hỏi thăm bà con và động viên dân bản mỗi khi đau ốm nên đến trạm y tế để khám bệnh chứ không nên tin vào việc cúng bái của thầy mo.
Năm 2015, nguyện vọng được về công tác tại xã Trường Sơn của anh đã được cấp trên xét duyệt. Từ đó, đồng bào nơi đây đã quen thuộc với hình ảnh bác sĩ người Bru – Vân Kiều tận tình với người bệnh.
"Về công tác ở huyện thì cũng là cứu giúp bệnh nhân cả. Nhưng tôi xin "ích kỷ" để về với bản làng, nơi mà tôi muốn cống hiến từ những ngày bắt đầu đi học. Từ ngày về đây công tác cùng các đồng nghiệp, nhìn thấy sự đổi thay trong đời sống và suy nghĩ của người dân tôi rất vui".
Theo anh Puôn, trước đây, vì dân trí còn thấp nên người dân cho rằng nguyên nhân của bệnh tật là do: Thư, Ma thuốc độc, Ma rừng... và dùng các cách chữa trị dân gian như: Cúng, Thổi... nên không thể khỏi bệnh còn trở nặng. Cùng với đó điều kiện kinh tế và đường xá xa xôi, hiểm trở nên bà con còn ngại tới các cơ sở y tế khám chữa bệnh.
Nhưng nhờ sự quan tâm của chính quyền, bộ đội biên phòng cùng lực lượng y tế trong việc nâng cao dân trí và chủ động tiếp cận người dân để chăm sóc y tế nên người dân ngày càng tin tưởng vào cách chữa bệnh hiện đại, dần xóa bỏ những hủ tục.
Những kỷ niệm khó quên trong hành trình chăm sóc sức khỏe đồng bào
Cũng như bác sĩ Puôn, y sĩ Trương Thị Kim Ngân (SN 1982) cũng rời xã biên Trường Sơn học về y rồi quay về quê hương công tác, phục vụ đồng bào nơi đây. Trong 18 năm công tác tại Trạm Y tế xã Trường Sơn, chị Ngân đã được xem là "cây đa, cây đề" của trạm. Cũng trong thời gian đó, chị cùng các đồng nghiệp nhận thấy bao đổi thay của vùng đất này và có nhiều kỷ niệm khó quên.
Chị Ngân vẫn nhớ mãi lần cùng đồng nghiệp vào bản Dốc Mây để khám sức khỏe định kỳ cho người dân, bởi đây là hành trình khám bệnh khó khăn mà ít ai có thể tưởng tượng.
Theo chị Ngân, bản Dốc Mây, xã Trường Sơn là nơi tách biệt với bên ngoài, chưa có đường giao thông. Muốn vào bản phải đi bộ lội suối, luồn hơn 20km đường rừng vô cùng hiểm trở. Những lối đi hẹp bám theo những triền núi, bên vách đứng, bên vực sâu, nhiều đoạn vượt dốc dựng đứng. Khoảng cách không quá xa nhưng vì đường đi khó nên cũng mất hơn nửa ngày cuốc bộ mới có thể vào tới bản.
Điều kiện tiếp cận hết sức khó khăn nên hầu như chỉ có cán bộ Biên phòng thầy, cô giáo cắm bản, cán bộ xã, cán bộ y tế luồn rừng, vượt đá núi cheo leo để đến với bà con bản Dốc Mây.
"Đường vào bản Dốc Mây vô cùng khó khăn, mỗi lần vào đó khám bệnh cho người dân là mỗi lần mệt nhọc và sợ hãi. Nhưng với trách nhiệm của người làm công tác y tế anh, chị, em của trạm cũng luôn cố gắng. Khi khám bệnh, người dân họ hiểu và cảm ơn, đó là động lực để mọi người cố gắng hơn", chị Ngân tâm sự.
Rồi còn những lần cấp cứu, đỡ đẻ giữa rừng cũng là kỷ niệm khó quên của các cán bộ, nhân viên y tế tại trạm. Mà theo chị Ngân thì không sống và cống hiến cho bà con nơi đây thì họ khó có thể trải qua những lần lo lắng rồi vỡ òa khi người bệnh được cứu chữa trong điều kiện lạ thường ấy.
"Nhiều lần đỡ đẻ giữa đường vào bản nhưng chị vẫn nhớ mãi lần ở bản Sắt. Khi hay tin có chị trong bản sắp sinh, mọi người chuẩn bị đủ dụng cụ y tế rồi chạy ngay vào bản. Đường xá khó đi nên khi đi được nửa đường thì thấy dân bản khiêng bà bầu ra. Dù ở giữa rừng nhưng cũng phải tiến hành hộ sinh luôn vì đưa về sẽ không kịp. May mắn là "mẹ tròn, con vuông".
Ở xã biên Trường Sơn, dù điều kiện cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng những lương y ấy vẫn luôn tận tâm, tận lực đóng góp sức mình vào công cuộc bảo vệ sức khỏe của dân bản.