Chuyện những Labo chưa tắt ánh đèn

25-02-2021 15:12 | Xã hội
google news

SKĐS - Màn đêm buông xuống, ánh sáng tắt đi, cả thành phố dần chìm vào giây phút bình yên, nhưng những labo xét nghiệm vẫn sáng đèn. Những con người cần mẫn vẫn đang thức để gác cho những kết quả bình yên cho 365 ngày trong năm luôn trọn vẹn.

Xét nghiệm nhanh chóng, chính xác đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện ca bệnh, ổ dịch, giúp hỗ trợ hiệu quả cho công tác truy vết, phong tỏa, cách ly ngăn chặn kịp thời sư lây lan, giúp thay đổi chiến lược, mức độ phạm quy truy vết, phong tỏa cách ly để công tác phòng chống dịch bệnh được thực hiện một cách thần tốc nhưng có trọng tâm, có chủ đích giúp bảo vệ sự an toàn của người dân trước dịch bệnh cũng hạn chế tối đa những ảnh hưởng đến cuộc sống thường nhật.

Những cán bộ, bác sĩ làm công tác xét nghiệm không chỉ thực hiện nhiệm vụ phía sau những cánh cửa phòng xét nghiệm, hàng ngày “làm bạn” với virus, với mẫu bệnh phẩm mà họ còn sẵn sàng đến tận hiện trường, đến tận cơ sở cần dù là đêm khuya hay sáng sớm, dù là mưa giông hay nắng cháy, dù là ngày thường hay những ngày tết nguyên đán của dân tộc để lấy mẫu, vận chuyển, mã hóa, tách chiết… một cách thần tốc để đáp ứng nhanh nhất cho công tác phòng, chống dịch bệnh.


Bất kể ngày hay đêm trong những ngày tết Nguyên đán vừa qua, các labo xét nghiệm vẫn luôn sáng ánh đèn, công tác xét nghiệm vẫn đươc thực hiện khẩn trương, thần tốc và đầy cẩn trọng để đáp ứng tốt nhất cho công tác phòng, chống dịch COVID-19

Bất cứ ở đâu trong phòng thí nghiệm hay xuống vùng dịch tễ, dù đã được huấn luyện, thực hiện đầy đủ, nghiêm ngặt các quy định về phòng chống dịch bệnh thì những rủi ro, nguy cơ mất an toàn vẫn luôn hiện hữu và không thể nào lường trước được nhất là với những mầm bệnh mới chưa được hiểu biết tường tận và có những sự biến đổi, diễn biến bất thường. “Ở giai đoạn trước có nhiều khi đang ngủ mà bật dậy mơ mơ hồ hồ thấy mình nóng cả người, thần hồn nát thần tín lại nghĩ mình nhiễm bệnh, chỉ khi cần kết quả âm tính thì mới nhẹ nhõm và thở phào” – một nhân viên làm xét nghiệm chia sẻ.

Nhân viên xét nghiệm, họ là những chiến sĩ thầm lặng, ít tiếng nói nhiều việc làm có khi phải túc trực liên tục trong phòng thí nghiệm, tiếp xúc với hàng trăm, ngàn nghìn mẫu thí nghiệm và trong đó có không ít những mẫu chứa mầm bệnh; Công việc của họ đòi hỏi tỉ mỉ và thận trọng, yêu cầu sự tập trung cao độ tuyệt đối bởi sự sai sót hay chậm trễ trong một khâu có thể là nguyên nhân cho những hệ quả không hề mong muốn.


Dù làm việc ở phòng thí nghiệm với các quy định an toàn phòng hộ nghiêm ngặt nhưng các mối nguy luôn hiện hữu và không thể hoàn toàn lường trước, nhất là với trường hợp các dịch bệnh chưa được hiểu biết tường tận, có sự biến đổi, diễn biến phức tạp.

Như TS.BS Hoàng Quốc Cường, Viện phó Viện Pasteur TP.HCM, Đội phó đội xét nghiệm Tổ thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại TP.HCM chia sẻ: ”Bên cạnh yêu cầu về sự nhanh chóng, để đáp ứng yêu cầu thần tốc trong công tác phòng chống dịch bệnh, yêu cầu về chính xác đóng vai trò cực kỳ quan trọng do đó người thực hiện công tác xét nghiệm cần được đào tạo bài bản, chuyên nghiêp, tuân thủ tuyệt đối các quy định về công tác lấy mẫu, vận chuyển, mã hóa, tách chiết… để đảm bảo sự chính xác tuyệt đối cho kết quả xét nghiệm; sự không chính xác trong công tác xét nghiệm ẩn chứa những hệ lụy khó lường với những mối nguy và ảnh hưởng nặng nề; Nếu người dương tính nhưng kết quả âm tính thì sẽ là mối nguy mất an toàn, bỏ sót người nhiễm bệnh và có thể trở thành nguyên nhân lây lan dịch bệnh; ở chiều hướng ngược lại người có kết quả âm tính nhưng kết quả lại dương tính sẽ tạo nên những thiệt hại kinh tế, lãng phí nguồn lực… liên quan đến việc cách ly, giãn cách… đồng thời với mối nguy bỏ sót mầm bệnh”.

Giống như bao người khác, bên cạnh những nhân viên xét nghiệm còn có người thân, gia đình. Họ vẫn mong muốn được những giây phút bình yên, sum vầy trong dịp Tết, vẫn mong muốn những giấc ngủ say sau những lo toan bộn bề của buổi ban sáng. Nhưng bỏ lại tất cả họ vẫn đang ngày đêm làm việc trong những labo thí nghiệm dù đó là tết cổ truyền của dân tộc hay bất cứ ngày nào trong 365 ngày của một năm, họ gác cho những kết quả bình yên, họ luôn sẵn sàng xuống cơ sở để nhanh chóng lấy mẫu phục vụ cho công tác chống dịch.

Phía sau cánh cửa là một thế giới khác, nơi ánh đèn chưa bao giờ tắt, nơi niềm vui cá nhân được gác lại vì trách nhiệm thiêng liêng để cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh.

“Làm việc xuyên đêm hay làm việc xuyên suốt mấy ngày tết vừa qua là điều rất đỗi bình thường đối với các lực lượng phòng, chống dịch bệnh nói chung hay những người người công tác trong bộ phận lấy mẫu, xét nghiệm nói riêng. Như tại viện Pasteur TP.HCM, không chỉ một cá nhân nào mà cả tập thể của Viện luôn sẵn sàng với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, bất kể lễ tết,bất kể điều kiện gia đình… những thành viên đội phản ứng nhanh luôn túc trực 24/24 sẵn sàng lên đường chi viện, hỗ trợ cho các đơn vị khí được điều động; Nhiều trường hợp buổi sáng vẫn đang thực hiện các công tác chuyên môn thì chiều cùng ngày đã là một chiến sĩ ngay trong tâm dịch tại Đà Nẵng hay Gia Lai mà không có bất cứ sự e dè nào khi xông vào trung tâm cuộc chiến; Trong những ngày qua thì phòng xét nghiệm hoạt động liên tục để không chỉ hỗ trợ cho TP.HCM mà còn cho các tỉnh thành khác trong khu vực, các đội nhóm luôn túc trực, làm việc bất kể ngày đêm để đáp ứng nhiệm vụ.”  TS.BS Hoàng Quốc Cường chia sẻ thêm.

COVID-19 được phân vào nhóm bệnh truyền nhiễm Nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh như bệnh bại liệt; bệnh cúm A-H5N1; bệnh dịch hạch; bệnh đậu mùa; bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ê – bô – la (Ebola), Lát-sa (Lassa) hoặc Mác-bớc (Marburg); bệnh sốt Tây sông Nin (Nile); bệnh sốt vàng; bệnh tả; bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút… là nỗi sợ của nhiều người khi nhắc đến; nhưng với những chiến sĩ “chống dịch” ngoài kia đó là điều họ phải đang đối mặt hằng ngày bởi với họ hạnh phúc lớn nhất là an toàn và sự bình yên không chỉ của cá nhân mà đó là của người dân, của đất nước nên sự xông pha trên tuyến đầu không chỉ là trách nhiệm mà còn là sứ mệnh thiêng liêng của những trái tim không mệt mỏi.

“Cũng quen rồi em, mỗi người một nhiệm vụ, tụi chị cố gắng để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của mình để cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh.” – Trong trang phục hộ nóng bức nhưng ánh mắt đầy nhiệt huyết và tự hào, một nhân viên đang thực hiện xét nghiệm chia sẻ.


Khôi Nguyễn
Ý kiến của bạn