Chuyện những gã Đon Kihote

21-10-2019 07:26 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Đon Kihote là một nhân vật rất nổi tiếng của nhà văn vĩ đại Tây Ban Nha Xecvantec.

Sở dĩ tôi muốn bàn về cái lão Đon Kihote điên điên khùng khùng là vì gần đây, trong cuộc trưng cầu của 100 học giả lớn nhất và có uy tín nhất thế giới, yêu cầu họ tuyển chọn, tìm một cuốn sách hay nhất mọi thời đại. Và cuốn sách có phiếu bầu cao nhất lại là cuốn tiểu thuyết Đon Kihote. Cuốn sách này Xecvantec lại viết khi ông đã ở tuổi cuối đời, sau khi đã phá sản nghề kinh doanh và cũng là nghề chính của ông. Xecvantec viết không nhiều, bởi ông đâu có phải nhà văn. Vậy mà ông lại trở thành nhà văn lớn nhất của mọi thời đại.

Kể ra mỗi nhà văn, nhà thơ chỉ cần để lại 1 tác phẩm đích thực là tác phẩm cũng đã tuyệt vời rồi. Nhiều người viết cả đời, ra hết tập này, tập khác mà rồi chẳng còn lại một chữ nào. Đấy mới là niềm khổ hạnh nhất của một người cầm bút.

Tác phẩm Đon Kihote của Xecvantec được xem là cuốn sách hay nhất mọi thời đại.

Tác phẩm Đon Kihote của Xecvantec được xem là cuốn sách hay nhất mọi thời đại.

Ở thời đại này, chúng ta đã có những bước tiến khổng lồ về công nghệ mà cha ông ta xưa có nằm mơ cũng không thấy được. Ngày xưa, ở trong cùng một nước, ông M. Gorki muốn đến với ông L.N Tonxtoi phải đi ngựa mất mấy ngày đường. Bây giờ, chúng ta ở cách nhau đến gần nửa vòng trái đất, chỉ trong nháy mắt, đã có thể “gặp” nhau, trò chuyện với nhau. Có thể còn nhìn thấy cả mặt mũi nhau mà không mất một xu tiền vé đường. Cái đó thì chúng ta đã vượt rất xa cha ông xưa. Quả là về khoa học kỹ thuật và công nghệ, chúng ta còn phải tiếp tục, để lại những dấu ấn tâm lực trí tuệ của mình vào thời đại, làm những phần việc mà các bậc tiền bối xưa dẫu có nằm mơ cũng không làm nổi. Còn văn chương thì chưa chắc. Không phải cứ thời sau thì hiện đại hơn, hay hơn, vượt xa hơn thời trước đâu. Về văn học nghệ thuật, tôi có cảm giác loài người đã làm xong rồi, đã hoàn thiện hết rồi. Chúng ta có cố gắng đến cật lực thì bất quá cũng chỉ quẫy cái đuôi cho tung chút bụi lên để chứng tỏ sự hiện diện của mình. Vậy thôi. Tôi nói điều này không phải để cầu an hoặc quá choáng ngợp trước quá khứ của cha ông, mà chỉ đưa ra một cảm giác thật. Chí ít chúng ta cũng bớt đi những huênh hoang, ảo tưởng lố bịch. Ngay cả các đấng khổng lồ, từng có giải Nobel làm lá bùa hộ mệnh cũng chẳng là cái gì so với các cụ tiên tổ. Như tôi đã nói, gần đây, người ta đã trưng cầu 100 nhà văn lớn, các học giả lớn nhất của thời đại để bình chọn ra một cuốn sách hay nhất của tất cả mọi thời đại. Và kết quả là một bất ngờ. Không phải Chiến tranh và hoà bình đâu nhé. Cũng không phải Cái trống thiếc hay Trăm năm cô đơn hoặc Sông Đông êm đềm, rồi Thuỷ Hử, Tam Quốc, Hồng Lâu Mộng... Tất cả những cuốn sách ấy và nhiều kiệt tác của nhân loại nữa chỉ được xem là những cuốn sách hay thôi. Còn kiệt tác của mọi thời đại lại là Đon Kihote. Cuốn sách này Xecvantec viết từ thế kỷ 16, trước L. N. Tônxtoi đến 3 thế kỷ. Tôi đã phải đọc lại Xecvantec, đọc lại những kiệt tác của nhân loại mà các học giả đề cập. Đọc để chống lại cái tư tưởng, cái quan niệm thẩm mỹ rất “phản động” của họ. Nhưng đau xót thay, họ lại đúng, giời ạ! Những cuốn sách mà mình vẫn thờ phụng kia chỉ đơn thuần là những cuốn sách hay thôi. Còn những cuốn ở mức thấp hơn thì thật là buồn vì phần lớn là sách minh họa. Người viết chỉ tựa vào cái đã có sẵn, nếu có phần sáng tạo thì cũng là sáng tạo trên những cái đã có sẵn. Ngay cả ý tưởng chủ thể xuyên suốt tác phẩm mà ta gọi là tư tưởng chủ đạo cũng đã có sẵn rồi. Phần sáng tạo của nhà văn chỉ là việc sơn phết những sắc màu của ngôn ngữ tâm hồn mình vào cái khung đã có sẵn mà thôi. Và như thế, nhà văn chỉ làm công việc của anh thợ quét vôi. Ngay cả những bậc đại phu cũng khó thoát ra được. Tôi chợt nhớ đến Mao Thuẫn - một nhà văn rất lớn của Trung Quốc. Tên ông còn được lấy làm tên cho một giải thưởng văn học trao cho những tác phẩm xuất sắc nhất của Văn học Trung Quốc đương đại. Cuốn sách lớn nhất và cũng đặc sắc nhất của Mao Thuẫn là tiểu thuyết Tý dạ, ở ta dịch là Nửa đêm miêu tả sự sa sút suy tàn của giới đại tư sản Trung Quốc ở Thượng Hải. Tập I rất đặc sắc. Tập II, ông miêu tả cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân. Rất tiếc, đến phần cần phải đầu tư, viết cho hay thì ông cụ lại viết rất sút kém.

Khi bộ tiểu thuyết đã khép, mặc dù được các nhà phê bình và dư luận đương thời đánh giá rất cao, Mao Thuẫn vẫn nói với bạn bè rằng, ông rất lấy làm tiếc vì chưa phản ánh được đầy đủ tư tưởng chỉ đạo của Mao Chủ tịch là vấn đề lấy nông thôn bao vây thành thị. Hình như đó là một hạn chế không thể khác được của những dòng văn học có tính định hướng. Còn Xecvantec thì sao? Ông cụ chẳng lệ thuộc vào cái gì cả, cũng chẳng minh hoạ cho cái gì. Ông cụ tung ra một ý tưởng của riêng mình. Rồi với ý tưởng ấy, ông cụ bịa ra một cốt truyện, rồi bịa tiếp các nhân vật. Bịa hoàn toàn. Bịa từ đầu đến cuối. Mà truyện thì có gì to tát đâu. Ông cụ chỉ kể về một gã tâm thần điên điên khùng khùng. Vậy mà rất hấp dẫn, lại hài hước, có thể tủm tỉm cười suốt trên từng trang sách. Tốc độ truyện rất nhanh. Khác với lối văn cổ điển, rề rà, tỉ mỉ kỹ lưỡng của Lép Tonxtoi. Gấp cuốn sách lại, nghĩa là thoát ra khỏi từ trường Xecvantec rồi, ta mới thấy ông cụ bịa, còn đọc trên từng trang lại thấy rất thật, rất cuốn hút đến không thể buông cuốn sách ra được. Thế mới tài chứ! Rồi Đon Kihote cứ lồng lộng hiện lên. Qua Trung Quốc, tới Nga, rồi tới Mỹ và rồi đến đâu, tôi cũng thấy những gã Đon Kihote. Đó là những kẻ hoang tưởng, điên khùng mà không biết mình điên khùng, cứ can thiệp vào những chuyện của thiên hạ với ảo tưởng mang lại bình đẳng, tự do, bác ái và hạnh phúc cho mỗi con người và còn cả lập lại những trật tự xã hội. Nhưng thực chất chỉ gây rối, chỉ tàn phá những quy luật tự nhiên, bắt những con người được “giải phóng’’ phải chịu những trận đòn oan và bản thân những kẻ “giải phóng’’, những lão Đon Kihote cũng phải nhận những trận đòn bò lê bò càng. Tôi đọc và thấy sợ lão già thời trung cổ quá. Cặp mắt lão là mắt la-ze. Lão có thể nhìn suốt qua các thế kỷ, nhìn dọc theo sự phát triển của lịch sử loài người. Chẳng có cái gì có thể ngăn cản được lão. Hoá ra lão hiện đại hơn bất cứ ai. Bằng cuốn sách của mình, không cần phải tranh cãi, lão cứ im lặng biến tất cả những công trình văn chương, kể cả lý luận và thực tiễn mà chúng ta cứ huênh hoang gọi là hiện đại rồi hậu hiện đại trở thành trò bịp bợm. Bởi những công trình ấy rất khó đọc. Và như thế, cái gọi là hiện đại và hậu hiện đại đã trở thành cũ kỹ, lạc lõng ở ngay thời đại mà nó vừa được sinh ra. Khi đã không chinh phục được độc giả đương đại thì cũng đừng hy vọng sẽ mê hoặc được họ trong tương lai. Qua trường hợp Xecvantec, mới hay tài năng là vô hạn quan trọng. Tài năng giúp con người vượt qua những hạn chế của bản thân và của cả thời đại mà anh ta đang sống. Tạt qua Xecvantec cũng là để thông cảm với những trồi sụt, lởm khởm của giới cầm bút chúng ta. Ngay các bậc tiền bối inox mà chúng ta từng thờ phụng cũng không thoát nổi cái nạn oxy hoá của thời gian. Huống hồ là những người trần mắt thịt.

Viết lại mấy dòng này cũng là để chia sẻ với bạn bè, đồng nghiệp của tôi - những người đang cặm cụi lao động trên những cánh đồng chữ đầy giông gió trong ngày nghỉ cuối tuần này.


Nhà thơ Trần Đăng Khoa
Ý kiến của bạn