Bên trong khu nhà nhà N5 tại Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị người bệnh COVID-19 thuộc Bệnh viện Việt Đức (đặt tại Bệnh viện dã chiến số 13, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) có khoảng 50 giường điều trị đều có bệnh nhân.
Đây là nơi điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng nên hầu hết các bệnh nhân đều nằm trên giường. Chỉ số ít bệnh nhân tiến triển tích cực có thể ngồi dậy. Tuy nhiên, bệnh nhân tại giường bệnh G14 lại thường xuyên đứng bên ô cửa sổ nhỏ, mang theo ánh mắt đượm buồn hướng sang nhà bên cạnh như đang kiếm tìm ai đó.
Đó là bà Phan Thị Nhân (66 tuổi, ở Quận 7 – nhân vật đã được đổi tên). Bà cùng chồng là ông N.X.M (68 tuổi) nhập viện đã gần 10 ngày nay. Sau khoảng thời gian điều trị tích cực, bà Nhân đáp ứng tốt phác đồ điều trị, sức khỏe phục hồi tích cực và đã cai được máy thở 3 ngày nay, nhưng chồng bà thì ngược lại.
Do có nhiều bệnh nền nên chồng của bà Nhân diễn biến nguy kịch, được y, bác sĩ chuyển đến khu nhà N4 (nơi điều trị bệnh nhân chuyển biến nặng) để điều trị hồi sức tích cực.
Từ thời điểm chồng chuyển sang khu nhà bên cạnh, bà Nhân chốc chốc lại vịn tường, tiến ra ô cửa sổ nhỏ để tìm kiếm người chồng ở khu nhà đối diện. Hai khu nhà chỉ cách nhau một khoảng hành lang nhỏ nhưng bà Nhân chẳng thể chạm vào cánh cửa nhà bên kia. Đứng bên cửa sổ kiếm tìm chồng, bà Nhân lòng như lửa đốt… Và chỉ cần ai đó nhắc đến hai từ "ông xã", hai hàng nước mắt lại trực chờ lăn trên đôi gò má chằng chịt những nếp gấp thời gian.
"Ông xã nhiều bệnh nền quá, 4-5 bệnh lận. Khi vào đây, ông mắc COVID-19 trên nền thiếu máu, tim cục bộ, tiểu đường, huyết áp cao, parkinson, lại chỉ còn một trái thận… Bình thường đã không có sức khỏe rồi, còn chẳng tự ăn được bữa cơm, thì bây giờ, làm sao mà chống chọi nổi", bà Nhân òa khóc nức nở khi được hỏi về chồng.
Vợ chồng bà Nhân có 2 người con nhưng do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, con trai phải chấp hành cách ly tại khu cách ly tập trung, còn con gái làm dâu ở Đà Lạt cũng vì dịch COVID-19 mà không thể kề cận bố mẹ mỗi khi đau yếu.
Cũng vì mỗi người một phương, nên bà Nhân chỉ có thể gặp, nói chuyện với các con qua chiếc điện thoại cũ kỹ. Bà Nhân trải lòng: "Hồi còn nằm nhà bên này, cả nhà vẫn nói chuyện rôm rả, vẫn gặp được nhau hỏi thăm hàng ngày. Giờ ba chúng nó chuyển sang nhà bên kia, không gặp được ba nữa, chúng nó đau lòng lắm nhưng lúc nào chúng nó cũng bảo tôi phải bình tĩnh để lo cho tôi, còn con còn cháu, ba cứ yên tâm để bác sĩ lo. Sống với nhau gần cả đời người, không lo sao được…".
Hai cánh cửa sổ chỉ cách nhau một sải tay mà bà Nhân chẳng thể với tới, nỗi đau trong lòng bà Nhân lúc này cũng vậy, cũng đau nhói, giằng xé tận tâm can mà chẳng lời nào tả được. Với và Nhân, "còn nước là còn tát", còn tia hy vọng cuối cùng bà cũng cầu nguyện cho người chồng ấy được "tai qua nạn khỏi".
Nghĩ đến những đứa cháu nội - ngoại, mảnh vườn nhỏ phía sau nhà, bà Nhân đã nghĩ đến việc làm đầu tiên của bà sau khi xuất viện là làm ngôi nhà trở nên sạch sẽ, tinh tươm để chuẩn bị đón chồng về. Khuôn mặt bà Nhân trở nên rạng rỡ, bà đang gieo những hy vọng tích cực về một ngày đoàn tụ không xa…
Bà Nguyễn Thị Lạo (78 tuổi, tạm trú tại ngõ 1041/233 đường Trần Xuân Soạn, phường Tân Hưng, quận 7) thì may mắn hơn là cũng nhiễm SARS-CoV-2 nhưng trong thời gian điều trị tại khu cách ly tập trung, chỉ số virus trong dịch tễ của bà Lạo hạ về ngưỡng được phép trở về tiếp tục theo dõi, điều trị tại nhà.
Nói là nhà cho "sang miệng" nhưng nơi ở của bà Lạo vỏn vẹn chưa đầy 10 mét vuông và hàng tháng, bà Lạo phải trả số tiền thuê là hơn 1 triệu đồng.
"Nhà" của bà Lạo nằm trong khu nhà trọ cho thuê của ông Chiều, nằm sâu trong hẻm 233. Đây là nơi cư ngụ của những người dân lao động tự do, có thu nhập thấp và bấp bênh nên người dân nơi đây gọi là "xóm ngụ cư ông Chiều".
Với mức giá hơn 1 triệu đồng/phòng/tháng, với nhiều người là điều dễ dàng nhưng với bà Lạo, ở cái tuổi "gần đất xa trời", sinh mệnh như "ngọn đèn trước gió"… để có được khoản tiền đóng tiền phòng là cả một sự gian truân.
Để lưu lại được ở khu nhà này, nhiều năm nay, bà Lạo mưu sinh bằng nghề may vá vỏ gối và bán lại với giá 25.000 đồng/đôi. Với sự thương tình từ những sư cô nơi cửa chùa, nguồn cung vỏ gối cho những nhà thiện nguyện đã giúp bà Lạo tạm lo được cuộc sống trước mắt. Còn về lâu dài, bà Lạo chỉ biết lắc đầu, thở dài.
Song, giữa đại dịch này, bà Lạo không còn đặt nặng chuyện kế sinh nhai nữa. Với bà lúc này là sự an toàn trước dịch COVID-19. Thế nhưng, điều không mong mỏi đã xảy đến và bà Lạo đã một thân một mình chống chọi với những ngày điều trị tại khu cách ly.
Nhắc đến con cái, bà Lạo chỉ biết chép miệng, lắc đầu, bảo: "Hai ông con trai về cõi tiên rồi. Còn đứa con gái út giờ vỡ nợ rồi trốn ở đâu tôi cũng không biết nữa. Hôm rồi ông Chiều dzô hò hét bảo tôi đi cách ly. Tôi bảo ủa, làm sao mà phải cách ly. Rồi họ bảo bị mắc COVID-19 mới phải đi cách ly. Tôi run cầm cập à…".
"…nhưng đi dzô trỏng thích lắm, được ăn ngon, được hỏi thăm, được quan tâm chăm sóc, mấy cô nhân viên y tế quê ở ngoài Bắc có giọng cũng đáng yêu nữa, nên tôi thích hoài", bà Lạo vừa kể vừa cười hồn nhiên.
Bà Lạo sinh ra trong gia đình có 3 chị em, ngày còn nhỏ, bà Lạo theo bố mẹ chạy ghe (thuyền) lênh đênh trên mặt nước. Khi lớn lên, bà Lạo cũng giống như bao cô thôn nữ khác là được dựng vợ, gả chồng với người mình yêu thương. Thế nhưng, người chồng "đầu ấp tay gối" ấy lại có "cuộc sống mới", để lại bà cáng đáng tương lai của 3 người con. Đến khi các con trưởng thành, những định hướng của bà Lạo dành cho các con lại chẳng được như bà mong mỏi.
Bà Lạo còn chỉ biết lấy sức khỏe của người mẹ già chạm 100 tuổi và những ngày qua lại cửa chùa để làm niềm an ủi, vượt lên những nỗi đau mà số phận đã an bài.
Thế nhưng, năm nay, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở TP Hồ Chí Minh, chỗ dựa duy nhất của bà Lạo là người mẹ 99 tuổi cũng ra đi vì tuổi già. Cũng vì dịch COVID-19 mà bà Lạo chẳng thể làm trọn chữ hiếu những giây phút cuối cùng thân sinh lìa xa cõi tạm.
Những nỗi đau lần lượt đến với bà Lạo trong một kiếp nhân sinh nhưng bà Lạo lại trầm lắng một cách đầy lạc quan rằng: "Thế cũng đủ rồi, giờ cứ may vá ngày nào qua ngày đó thôi. Trời thương là sau cuộc phẫu thuật, giờ mắt tôi tinh lắm, đọc sách, dập máy khâu hay luồn kim chỉ chẳng cần dùng đến kính lão. Còn đến lúc không làm được nữa, có nhà nước lo…".
Cũng bởi đã "thấm" đủ những hành trình cơ nhọc của kiếp nhân sinh mà bây giờ, bà Lạo gạt ngang đi những lời than thân trách phận. Với bà, tranh thủ từng chút thời gian để làm việc ý nghĩa, để nở nụ cười với tất cả mọi người và để hàng đêm, cầu nguyện cho dịch COVID-19 được khống chế, bách tính được bình an… là điều vô cùng ý nghĩa và trân quý với bà Lạo khi bắt đầu chạm tuổi bát tuần.
(còn nữa...)
Bảo Loan (Từ tâm dịch Tp. Hồ Chí Minh)