Hà Nội

Chuyện nhỏ về chiếc phong bì

25-05-2012 10:44 | Y tế
google news

Chuyện đi công tác với chúng tôi không có gì là lạ hay hiếm gặp cả. Một năm, đi dăm bảy lần là chuyện thường tình.

(SKDS) - Chuyện đi công tác với chúng tôi không có gì là lạ hay hiếm gặp cả. Một năm, đi dăm bảy lần là chuyện thường tình. Mà đi công tác là không phải đi làm nảy sinh lợi nhuận đâu nhé. Nhiều lần chúng tôi còn bỏ thêm tiền của mình ra vì tiền hỗ trợ công tác không đủ. Số là bà con vùng xa còn nhiều khó khăn quá, nhiều khi chúng tôi còn bỏ tiền ra mua xăng tự túc chạy đến tận bản làng xa xôi. Đã mất công đi thì khám chữa bệnh một thể mà. Xa cũng không ngại.

Cũng không phải lần công tác nào cũng là đi khám bệnh. Có lần chúng tôi đi lấy số liệu nghiên cứu cho một vấn đề y học. Cũng có lần chúng tôi xuống hợp tác cùng đơn vị bạn. Còn có lần đi công tác là hỗ trợ đơn vị tuyến dưới về cả ba công tác: điều trị, nghiên cứu khoa học và đào tạo. Vì cơ quan tôi vốn là một cơ quan chuyên thực hiện nghiên cứu, đào tạo và huấn luyện y học. Lần này, chúng tôi xuống một đơn vị tuyến dưới để phối hợp cùng bệnh viện trong công tác đào tạo nhân lực y tế.

Xe cứ chạy nhanh nhanh. Chẳng mấy chốc mà chúng tôi tới nơi. Trong khi chờ đợi các lãnh đạo họp bàn, tôi tranh thủ đi dạo một vòng... Tôi rẽ vào khoa chấn thương chỉnh hình. Khoa này vốn là một khoa tương đối có ưu thế của bệnh viện này. Trước khi đi thực địa, tôi cũng đã được lãnh đạo phổ biến sơ bộ. Cảm nhận đầu tiên của tôi là khoa khá sạch, khá đẹp.

Căn phòng ở giữa có gì mà đông đông thế nhỉ? À, thì ra là một cô y tá đang tiêm. Hình ảnh này đối với tôi không có gì là mới cả. Nhưng có một điều làm tôi chú ý. Bác bệnh nhân nằm ngay giường đầu tiên đang khép nép, nhấp nhổm như thể có chuyện gì. Tay thì khúm núm, che che, đậy đậy. Lấp ló tôi thấy có cái gì xanh xanh đỏ đỏ trong tay. Rồi, tôi nhận ra ngay. Lại một kiểu “cảm ơn” rất vật chất đây mà.

Tôi quay đi và cô y tá nọ cũng không biết sự có mặt của tôi. Nhưng tôi tình cờ nghe được toàn bộ câu chuyện ngắn giữa hai người:

- Chị à, thôi thì chúng tôi chẳng biết mua gì, gọi là có “một chút” cảm ơn chị ngày hôm qua. Nhờ có chị giúp, mà chị xem, cái chân của tôi giờ đã được nẹp xương chắc chắn rồi này.

- Kìa bác, có gì đâu nào. Đó là công việc chuyên môn của chúng cháu mà…Chị y tá nhận lời cảm ơn của bệnh nhân và từ chối nhận chiếc phong bì từ người bệnh.

- Ấy chết, sao chị lại làm thế. Thực tình đây là lòng cảm ơn của cánh “nông dân” chúng tôi. Chúng tôi vụng về lắm. Chỉ biết thế này thôi.

- Cháu cũng vụng về lắm (chị y tá cười) nhưng cháu không thích mấy thứ đấy đâu. Rồi chị y tá lảng sang chuyện khác: Thế hôm nay bác là bệnh nhân hay cháu là bệnh nhân nào… Bệnh nhân thì có nghe lời nhân viên y tế không?

- Dạ, nghe chứ.

- Vậy thì bác cất cái đó đi, nằm lên giường rồi cháu tiêm cho bác.

Bệnh nhân tuân lệnh cô y tá, nằm lên giường. Cả hai cùng với nét mặt rạng rỡ, vui vẻ. Rồi cô y tá thực hiện nhiệm vụ của mình.

Đợi cho cô y tá đi xong, tôi đến chỗ bác bệnh nhân nọ. Lân la hỏi xem chuyện không “cảm ơn” được có làm cho bác buồn không. Bác cho biết: Tâm lý người bệnh được quan tâm, được giúp đỡ thì như thế, nhưng ở đây, nhân viên y tế chẳng bao giờ lấy tiền của bệnh nhân cả. Thầy thuốc ở đây tốt lắm, không nặng nề vật chất, nhưng mọi người lại đối xử với nhau rất tình cảm và ân cần.

Tự nhiên trong tôi cảm nhận thấy một không khí ấm áp tình nhân nghĩa trước văn hóa ứng xử giữa thầy thuốc và bệnh nhân ở nơi đây và càng thấy tự hào khi khoác trên vai mình chiếc áo blouse trắng. Chuyện “phong bì” trong bệnh viện có thể vẫn xảy ra ở nơi này, nơi kia... song không vì thế mà “con sâu bỏ rầu nồi canh” được.  

  BS. Ngô Hồng Phong


Ý kiến của bạn