Câu chuyện nhỏ dưới đây xin được kể lại để chia sẻ cùng bạn đọc của báo SK&ĐS - mới diễn ra vài ngày trước đây tại Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Hữu Nghị đã để lại cho chúng tôi những người bệnh tại khoa này sự hài long, điều mà ngành y tế đang đặt ra mục tiêu phấn đấu trong hoạt động của mình…
Kỳ này, tôi nhập Khoa Tiêu hóa, BV Hữu Nghị theo hẹn để giải quyết polype đại tràng (cách đây 1 năm, trong quá trình điều trị do tôi bị ngộ độc thức ăn, qua nội soi đường tiêu hóa, khoa đã phát hiện tôi có polype ở đại tràng sigma, cần can thiệp sau thời gian 6 tháng đến 1 năm).
Cùng nằm phòng 517 với tôi còn có 3 bệnh nhân nữa, trong đó 2 người đang theo dõi khối u ở gan và một bệnh nhân cắt toàn bộ dạ dày do ung thư đã qua 4 năm, nay trở bệnh… Sau khi làm các xét nghiệm cần thiết, tôi được BS. Đinh Quý Minh - Trưởng khoa (mà lần vào viện năm ngoái, tôi và nhiều bệnh nhân đã tôn vinh anh là Bàn tay vàng) mổ nội soi thành công. Trở về phòng, tuy hơi đau và mệt, nhưng người cảm thấy nhẹ nhõm và trưa hôm đó, BS. Minh đã quay lại thăm hỏi sức khỏe chúng tôi thật ân cần với những lời dặn dò cặn kẽ. Tranh thủ gặp anh, tôi đề xuất anh cho ra viện trong tuần vì thấy các buồng bệnh luôn kín giường (có bệnh nhân phải gửi nằm tại khoa cấp cứu) và được anh đồng ý.
Công tác hậu cần trong bệnh viện cũng rất quan trọng góp phần làm hài lòng người bệnh.
Các bệnh nhân cùng phòng đều chia vui với tôi về kết quả điều trị và sớm được ra viện. Qua câu chuyện, tôi mới được biết, các bác vào viện trước tôi có những điều bức xúc. Bác Thư - một cán bộ lâu năm ở Công ty Điện lực miền Bắc tâm sự rằng, cánh cửa thông ra ngoài trời đối diện với cửa chính không thể đóng kín chỉ vì nhánh then ngang bằng nhựa đã bị gãy, không cài được mà mỗi đêm chỉ khép 2 cánh cửa lại, rồi bật máy điều hòa nhiệt độ từ 21 giờ đến 5 giờ sáng theo quy định của bệnh viện. Bác tính thử, mỗi đêm máy điều hòa công suất 12PTU của phòng này sẽ tiêu hao vô ích gần 10kw giờ điện, gây lãng phí số tiền điện lớn nếu để thời gian kéo dài! Nhà vệ sinh luôn xâm xấp nước từ bồn rửa tuôn xuống sàn nhà vì ống siphon bị lão hóa, ống nhựa cuốn hình chữ U gắn vào tường để treo khăn bị gãy làm đôi, bệnh nhân phải chăng dây ngang dọc để treo quần áo lót và khăn sau khi tắm, giặt trông mất mỹ quan! Lại thêm chuyện chốt cửa chính vào phòng bị kẹt cứng nên sau 21 giờ tối mỗi ngày, chúng tôi phải chẹn bằng chiếc bàn ăn bằng nhôm, lại cẩn thận đặt thêm chiếc ghế lên trên đề phòng kẻ lạ đẩy vào gây đổ, mọi người biết để thức dậy… Điều đó làm cho giấc ngủ của chúng tôi luôn thấp thỏm. Các bệnh nhân nằm lâu ai cũng thấy những điều phiền toái ấy nhưng không biết nên phản ánh đến ai để giúp cách giải quyết dứt điểm mà theo họ, những khiếm khuyết đó, nếu được quan tâm, việc khắc phục sẽ nhanh chóng và đỡ tốn kém về vật chất và tạo được sự yên tâm của người bệnh. Suy nghĩ một lúc, tôi nảy ra “sáng kiến” là gọi điện thoại cho BS. Nghiêm Trần Dũng - Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị, báo tin tôi đang nằm viện (BS. Dũng là con rể của GS. Nguyễn Xuân Thụ, cùng đi chuyên gia y tế tại Algerie, là chỗ thân quen với tôi và năm ngoái, khi biết tôi vào cấp cứu, Dũng đã đến thăm). Ít phút sau, BS. Dũng đến phòng chúng tôi và chúc mừng tôi đã vượt qua được cuộc mổ nội soi và chuẩn bị ra viện. Nhân đà câu chuyện, chúng tôi kể ra những điều bức xúc nêu trên và mạnh dạn nhấn mạnh về việc nên khắc phục sớm vì tất cả những điều đó không lớn, việc giải quyết chỉ tốn chút ít thời gian và tiền bạc nhưng nó đem lại hiệu quả tốt về nhiều mặt cho bệnh viện và người bệnh sẽ sớm được thụ hưởng. Với kinh nghiệm nhiều năm làm lãnh đạo, quản lý ở Bộ Y tế và trên cương vị Phó Giám đốc bệnh viện phụ trách về mặt hậu cần, với tác phong cầu thị và khiêm tốn khi nghe chúng tôi giãi bày cụ thể, BS. Dũng cùng Điều dưỡng trưởng khoa Phạm Thị Thủy đã báo cáo ngay cho bộ phận kỹ thuật và bảo dưỡng của bệnh viện đến phòng chúng tôi để khắc phục các sự cố nêu ra. Chỉ không đầy 1 giờ đồng hồ, toàn bộ những “trục trặc” nêu trên đã được 1 kỹ thuật viên sửa chữa, thay thế và hoạt động tốt. Được biết, tuy là một bệnh viện lớn nhưng cả bệnh viện này chỉ có vỏn vẹn 2 kỹ thuật viên làm nhiệm vụ bảo dưỡng trong biên chế! Lý do thật đơn giản, vì việc tuyển chọn khó khăn do lương không hợp lý nên ít người muốn xin vào làm việc này. Mặt khác, theo các anh chị em công tác ở đây, để khắc phục những chuyện nói trên, khoa phải làm nhiều giấy tờ đề nghị và chờ đợi khá lâu trong khi việc phục vụ người bệnh luôn đòi hỏi nhân lực và ưu tiên hàng đầu… BS. Dũng cũng tâm sự với tôi rằng, cần rà soát tình hình trang thiết bị kỹ thuật và sinh hoạt trong bệnh viện và có chế độ bảo dưỡng, bảo trì để phát huy tốt nhất hiệu quả và hạn chế những lãng phí trong quá trình sử dụng, vì “của bền tại người”.
Ông Thư - bệnh nhân nêu trên đã hóm hỉnh nói rằng, chúng ta hay “bỏ quên những việc nho nhỏ” như thế này để lo những công trình này nọ, mà cần nhớ rằng những khiếm khuyết đó nếu “tích tiểu thành đại” thì hậu quả sẽ không nhỏ chút nào về nhiều mặt!
Người viết mạo muội cho rằng, hoạt động chuyên môn kỹ thuật của các cơ sở khám chữa bệnh phải luôn song hành với việc nâng cao y đức và các hoạt động thuộc công tác hậu cần bệnh viện một cách thích đáng mới đem lại kết quả cao, góp phần làm hài lòng người bệnh - mục tiêu mà Bộ Y tế đã đặt ra cho toàn ngành y tế.