Chuyện nhặt ở quán phở Luân

22-04-2012 07:14 | Xã hội
google news

Xin nói ngay phở Luân là tên biển hiệu và cũng là tên cúng cơm của ông chủ nhà hàng. Quán phở tuềnh toàng với mươi bộ bàn ghế sáng màu kê kín trong căn phòng nhỏ, tràn cả ra ngoài sân có mảnh bạt màu da bò căng che mưa nắng, gió hồ Ngọc Khánh thổi vào nghe xào xạc,

Xin nói ngay phở Luân là tên biển hiệu và cũng là tên cúng cơm của ông chủ nhà hàng. Quán phở tuềnh toàng với mươi bộ bàn ghế sáng màu kê kín trong căn phòng nhỏ, tràn cả ra ngoài sân có mảnh bạt màu da bò căng che mưa nắng, gió hồ Ngọc Khánh thổi vào nghe xào xạc, thoang thoảng mùi rong rêu phủ kín mặt nước. Quán như thế, chả biết do phở ngon hay cửa hàng có cái địa thế đẹp nhìn ra hồ, có chỗ đậu xe, tiện cho việc gặp gỡ hàn huyên buổi sáng mà khách vào ra tấp nập.
 
Ôtô đậu trước cửa nhà, leo lên cả đất vườn hoa công cộng. Xe máy từng hàng. Rồi khách đi bộ thể dục quanh hồ. Cả mấy ông bà về hưu mái tóc bạc trắng sau buổi tập khiêu vũ ngoài trời cũng kéo nhau vào phở Luân ăn sáng. Đủ các loại khách, đủ các giai tầng xã hội. Có không ít khách là nghệ sĩ, nhà thơ, nhà báo, nhà giáo, doanh nhân, công chức quen tên biết mặt dường như sáng nào cũng ăn phở Luân. Đông như vậy mà ông chủ quán nhớ sở thích khẩu vị từng người. Bác nhà thơ kiêm Tổng biên tập một tờ báo có uy tín chỉ khoái ăn tái lăn có thêm chén thịt bắp với quả trứng chần.
 
Ông nhà báo tóc dài chấm vai quanh năm chỉ có chín nạc, hành tây, nước trong. Nghệ sĩ Cường Việt sắm vai Bác Hồ chỉ nạm gầu, hành nhúng nước béo. Doanh nhân Lê Anh Tuấn, cha đẻ thiết kế của nhiều chiếc máy cơ khí ở Việt Nam, người vâm như hộ pháp thì chỉ một tí bánh với mấy lát gầu giòn, hành sống. Chú Khánh truyền hình thì tái nạm nhiều nước và mấy chiếc quẩy giòn. Chả cần gọi, cứ nhìn mặt nhớ tên mà làm phở cho khách. Sự chu đáo nhớ khách của chủ quán phở Luân không chê vào đâu được.
 Ông chủ quán phở Luân.   Ảnh: Đỗ Quảng
Quán phở liền kề với quán cà phê nên càng tiện cho khách đến ăn sáng. Người ta có thể thoải mái ngồi ăn phở ở quán cà phê hoặc ngồi uống cà phê ở tại quán phở. Phở - cà phê, cà phê - phở, hàng nhà nào nhà ấy tính, tiền nhà nào nhà ấy thu, chẳng chệch một đồng nào. Họ bảo làm ăn thời buổi chảo chớp nhố nhăng này phải biết dựa vào nhau mà sống, lựa khách mà chiều, làm dâu trăm họ cái nghề miếng chín càng khó. Khôn thì sống, mống thì chết. Chẳng biết có phải bắt mạch được cuộc sống đầy biến ứng không mà từ anh lính trở về, làm nghề kiếm sống bằng nghề đạp xích lô chở thịt bò thuê cho các hiệu phở ở Hà Nội, mà trở thành chủ quán phở Luân.
 
Ông bồi hồi kể thời bao cấp xếp hàng đong gạo sổ, tiêu chuẩn mắm muối cá đậu dầu hỏa củi đun bằng tem phiếu... kéo theo bao nỗi cơ cực cho cuộc sống sinh hoạt người dân. Đạp xe chở thịt bò, xương bò cho các hiệu phở, ông phải giấu dưới cái đệm ghế gỗ xích lô. Lộ, can tội chở thịt lậu xương lậu là phạt, là tịch thu. Số ruồi bâu, một tháng dăm ba lần như thế là trắng tay, cơ nghiệp về “mo”, mọi chuyện khởi sự từ đầu. Ngần ấy năm trời đạp xe chặng đường dài tính ra đến cả vòng trái đất chui lủi chở thịt bò, xương bò cho các tiệm phở, ông Luân đã học được cách chọn thịt, xương bò để nấu một nồi nước phở ngon. Mấy ông bà chủ các tiệm phở thương cảm một người lính trở về quá gieo neo vật lộn với cuộc sống hằng ngày sau chiến tranh, họ đã chỉ cho ông những ngón nghề rút ra được từ trong thực tế nghề nghiệp của mình.
 
Ông biết chọn những loại xương nào để ninh nước dùng ngọt mà không đục, chọn những loại thịt nào mềm, giòn mà không hao thịt. Rồi cả cách dùng gia vị, liều lượng mắm muối, tôm he, hành khô, thảo quả, gừng nướng. Ông mãi mãi biết ơn tất cả những ai đã yêu thương chỉ vẽ cho ông một cái nghề sau khi ở chiến trường trở về. Dành dụm, vay mượn ông đã cho ra đời một gánh phở đặt bán ở đầu ngõ phố Quán Thánh. Mỗi sáng bán đôi mươi bát, dăm bảy cân bánh, rồi vài chục cân bánh... Cửa hàng cửa hiệu chẳng có, ông lấy ngay cái tên cha mẹ đặt cho để làm tên gọi: Phở Luân.
 
Ngon và rẻ. Phở Luân nhiều người tới ăn, khách kháo nhau phở Luân mới xuất hiện đã cạnh tranh nghiêng ngửa với phở gia truyền Bát Đàn, phở Tư Lùn Hai Bà Trưng, phở Thìn bờ hồ, phở Cồ Văn Miếu... Từ gánh phở đầu ngõ, anh lính từ mặt trận trở về đã mở thêm 2 quán phở nữa, trong đó có quán phở Luân bên hồ Ngọc Khánh. Ông chủ quán khoe, từ khi buông cây súng trở về sống cuộc sống đời thường, dựa vào dân, học ở dân, từ hai bàn tay trắng ông đã tạo dựng được một cơ nghiệp bắt đầu từ những bát phở bò.
 
Đã mua được nhà để mở cửa hàng. Đã mua được mảnh đất làm của để dành. Đã có tiền nuôi con ăn học. Con gái du học nước ngoài, con trai Đại học Công nghệ thông tin. Mấy bố con chả bù cho nhau. Bố thì nom bô nhếch, xuềnh xoàng, tất tả. Suốt ngày cầm dao đứng thái thịt, băm băm dần dần. Con trai thì trắng trẻo nuột nà. Quần áo lúc nào cũng tươm tất gọn gàng. Cặp kính trắng, mái tóc chải bồng. Đẹp trai thư sinh như vậy mà những ngày nghỉ học hoặc rảnh rỗi cậu ta vẫn tranh thủ ra quán giúp bố bê phở dọn bàn, có khi còn đứng thay bố đứng thái thịt, nhúng bánh làm phở cho khách. “Cháu Mạnh ngoan quá!” Khách ngỏ lời khen, con ông chủ quán chỉ nhoẻn miệng cười: Đỡ bố cháu một bát. Bố cháu đứng cả ngày mệt nhoài!

Người ta bảo phở Luân có duyên bán hàng. Có lẽ chỉ đúng một phần. Phở đã ngon rồi còn là cách phục vụ của mấy cháu bưng bê ở đây, ít ai không vừa lòng. Lễ phép, nhũn nhặn, nhanh nhẹn, làm hài lòng các thượng đế, kể cả mấy thượng đế bẳn tính, cáu gắt nhiều khi chỉ vì miếng chanh thái chậm, lọ giấm hết tỏi. Các em bưng bê chạy bàn tại quán như lời ông Luân nói đều là con cháu họ hàng ở quê, mấy em thành phố nhà nghèo chưa có việc làm hoặc muốn đến đây giúp việc để mong học được một cái nghề mưu sinh. Những em như thế, thầy Luân chẳng giấu nghề ai cả, ông xem chúng như con cái trong nhà. Bày vẽ cho hết, truyền nghề cho hết, kể cả những bí quyết làm nên cái vị phở khác biệt của mình...

Trong những cô cậu đến với thầy Luân có cháu Đức là thành công hơn cả. Trước khi lập nghiệp nơi xứ người ngoài hành trang Đức mang theo có cái nghề học được ở thầy Luân. Cái quán phở của cháu Đức sinh sau đẻ muộn ở Cali đã sớm nổi tiếng như phở Hòa, phở Vĩnh Ký, phở 79... ở khu Litte Sài Gòn. Bà con người Việt ở các bang lân cận mỗi lần về quận Cam - một nói được xem là thủ phủ của người Việt ở Mỹ - đi chơi trung tâm thương mại Phước Lộc Thọ, nhiều người đều ghé ăn phở nhà hàng của Đức.
 
 Tác giả bài viết (ngoài cùng bên trái) và các thực khách trong quán phở Việt Nam tại Las Vegas.   Ảnh: Phi Hùng
Khách vòng trong vòng ngoài đứng chờ kiếm một chỗ ngồi. Thiên hạ sang tai nhau quán phở Đức là quán phở gốc Hà Nội, do người Hà Nội chế biến... ai cũng muốn thử một lần cho biết. Phở có vị riêng thật, không đường, không mì chính mà nước ngọt từ xương, thơm phức, không gây mùi bò. Nhưng vượt lên tất cả cái đó, xa nửa vòng trái đất, buổi sáng ngồi ăn bát phở ở đây nó cứ mênh mang một nỗi nhớ về Hà Nội. Thư về cho chú Luân, cậu học trò yêu khoe ở bên Mỹ, phở nhà cháu đông khách lắm. Bà con người Việt, người Mỹ đều khen phở ngon, nó có hương vị riêng chẳng giống các quán phở ở bên này. Cậu cháu cứ ao ước một dịp nào đó mời được chú Luân qua Mỹ chơi một lần để thăm cái quán phở của cháu.
 
Thực ra chủ quán phở Luân đã định thu xếp mấy lần đi Mỹ nhưng vẫn chưa đi được. Nhưng mỗi khi biết tôi qua Mỹ công tác, ông Luân bao giờ cũng nhờ cầm sang cho cậu học trò mấy lạng chè móc câu Thái Nguyên và bánh thuốc lào Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Ông bảo ở bên ấy chả thiếu gì, nhưng Đức nó chỉ thèm mấy thứ này thôi. Ông cũng không giấu giếm mong tôi có dịp gặp cháu thì nhớ chụp cho ông mấy tấm ảnh về cái quán phở của Đức ở bên Hoa Kỳ.
 
Hiểu được nỗi niềm ấy, lần sang Mỹ mới đây, sau công việc ở Anaheim, tôi đã tranh thủ chuyển quà cho cháu và chụp cho ông Luân mấy kiểu ảnh cậu cháu cười vui đứng trước cửa tiệm phở nổi tiếng của mình. “Thành công quá bác ạ! Lần trước bác ghé ăn phở, nhà cháu mới có tiệm phở này. Bữa nay mở thêm một tiệm nữa rồi, cũng ở khu vực Little Sài Gòn này thôi”. Gia đình đã mời chú Luân sang chơi, nói chú đưa cả Mạnh qua Mỹ học... nhà cửa sẵn nong sẵn né rồi nhưng chú Luân chưa chịu...

Thú vị thật! Việt Nam - Hoa Kỳ chẳng còn xa cách vạn dặm. Ngồi ăn tô phở cháu Đức mời ở Cali mà cứ ngỡ đang ăn bát phở Luân buổi sáng bên hồ Ngọc Khánh, Hà Nội.

  Đỗ Quảng


Ý kiến của bạn